Vẫn còn nhớ nhau (9,10)

LẠC ĐẠO
9.
Mùa đông 1972. Từ tháng 10 ở Hà Nội có nhiều cơ quan, gia đình đã lục tục sơ tán về nông thôn. Đến đầu tháng 12 thì có lệnh sơ tán khẩn cấp. Trên các nẻo đường người, xe đạp ùn ùn kéo đi…
Đoàn kịch nói Nam bộ - lúc này ba tôi chuyển qua làm Trưởng đoàn kịch nói Nam bộ - lần này sơ tán về Lạc Đạo, một xã ở ven đường quốc lộ số 5, gần ga Như Quỳnh trên con đường huyết mạch Hà Nội – Hải Phòng. Đoàn về đây từ tháng 10, ở đó đoàn bắt đầu dựng vở kịch “Hòn đảo thần vệ nữ” – vở kịch đã trở thành một “hiện tượng” trong đời sống nghệ thuật lúc đó ở Hà Nội và cả miền Bắc. Hàng ngày các nghệ sĩ tập trung ở nhà ai đó, “thoại lời”, “vỡ hoang” (ngồi đọc đối thoại kịch, phân tích lời kịch, tâm lý và tình huống kịch, trước khi tập trên sàn diễn). Bọn trẻ con em của đoàn kịch ngay từ những ngày tập đầu tiên đã thuộc câu thoại nổi tiếng “hết ngày dài lại đêm thâu, chúng tôi đi trên đất Phi châu” của một nhân vật trong vở kịch do nghệ sĩ Can Trường thủ vai.
Thời gian này má tôi không đi sơ tán, ngân hàng nơi bà làm việc vẫn ở Hà Nội; chị Hiền đã đi học nước ngoài từ cuối năm 1969, còn anh Hai đi bộ đội vào chiến trường B từ năm 1968. Năm 1971 ba tôi cũng đưa đoàn kịch đi Trường Sơn gần nửa năm, tưởng đã đi thẳng vào đến B2 (Nam bộ) nhưng rồi lại phải quay ra. Ba tôi buồn lắm, nhiều lần đi B mà không lần nào về được quê hương…
Đầu tháng 12, đúng lúc Hà Nội có lệnh sơ tán khẩn cấp thì đoàn kịch lại về Hà Nội để tập giai đoạn cuối vở “Hòn đảo thần vệ nữ”. Đúng đêm 18/12 là đêm tổng duyệt ở Nhà hát lớn, mới mở màn được khoảng 30 phút thì còi báo động, rồi tiếng bom rền, tiếng súng cao xạ, tiếng rít dài của tên lửa phóng lên bầu trời… Sáng hôm sau ba tôi và các cô chú lên đến nơi sơ tán, ông nói ngay: Mỹ đưa B52 ném bom Hà Nội! Kinh nghiệm đi chiến trường nhiều lần đã cho ông biết điều này trước khi có thông báo từ Đài phát thanh.
Ở Lạc Đạo cha con tôi sống cùng gia đình bác Mai, bác cũng là cán bộ xã, hai bác có bốn cô con gái, chị lớn đã lấy chồng có con, ở nhà còn 3 chị em trong đó có cái Chỉ bằng tuổi tôi nên hai đứa học cùng lớp 6 ở trường cấp II của xã. Trong lớp cũng có nhiều bạn là người sơ tán, có cả thầy cô từ Hà Nội về dạy ở trường nữa. Vì vậy sơ tán lần này không làm cho tôi bỡ ngỡ như những lần trước, và cũng vì “lớn rồi” nên việc học hành phải tự lo, lại còn phải biết nấu cơm cho ba, thỉnh thoảng làm vài món nhậu cho ba và các chú nữa.
Sau đợt B52 của Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng vào cuối tháng 12/1972, cuối tháng 1/1973 Đoàn kịch lại về Hà Nội nhưng tất cả gia đình con cái vẫn ở Lạc Đạo. Cứ cuối tuần tôi lại đạp xe về Hà Nội để mang gạo mì mắm mỡ lên nơi sơ tán, giống như má tôi trước kia. Chiều chủ nhật ba má đưa tôi đi, đến cầu phao Chương Dương ba dẫn xe đạp cho tôi qua cầu, má đứng lại đầu cầu nhìn theo với đôi mắt đỏ hoe… Tôi đạp xe đi, có khi một mình, có khi cùng với hai anh em Minh – Yến, mỗi đứa một xe đằng sau có hai cái túi làm bằng lốp xe, trong đó có thức ăn cho một tuần mười ngày, có mấy cái bánh mì hay gói bánh ngọt má tôi gửi biếu nhà bác Mai, khi là gói đường hay lọ mì chính (bột ngọt) gửi bác Mai gái, khi là mấy mét vải màn gửi cho các chị…
Đường 5 chạy song song với đường xe lửa Hà Nội – Hải Phòng, ban ngày vắng xe ô tô qua lại, chỉ có người đi xe đạp, lỡ có máy bay thì lao ngay vào vệ đường hay gốc cây, vứt xe đấy mà nhảy xuống hào giao thông. Thỉnh thoảng có chuyến tàu vội vàng trên đường ray, nhưng nếu có máy bay thì cũng ngừng lại, người trên tàu túa xuống tìm nơi ẩn nấp. Khi máy bay đi rồi, tàu hú vài tiếng lại tiếp tục lăn bánh. Đi qua Trâu Quỳ - nơi có bệnh viện tâm thần – vẫn thấy thấp thoáng sau bức tường sơn loang lổ màu phòng không là những bệnh nhân đi lại, nhảy nhót, có khi trồng cây, quét sân, có khi là một đám đánh nhau… Nhưng lạ, hễ nghe tiếng loa của bệnh viện, bất cứ nói gì, là bệnh nhân ngoan ngoãn ngay lập tức.
10.
Khi sơ tán về Lạc Đạo nó bước vào tuổi thiếu nữ, bắt đầu biết để ý vẻ ngoài, biết chăm chút đến mái tóc, bộ quần áo. Tóc nó dài quá gấu áo và rất dày, khi tết hai bím tóc trông đằng sau nó giống hệt chị Hiền, đằng trước thì khác vì có những sợi tóc quăn tự nhiên cứ xòa xuống má. Mấy cô ở đoàn kịch chọc nó là “Mai Liên” – tức là Miên lai vì nước da ngăm đen, mái tóc quăn và cặp mắt to mi dài. Lúc đó nó không thích bị trêu như vậy, vì đó là những gì làm cho nó khác các bạn gái cùng lứa. Sau này lớn rồi nó lại nghĩ: không chừng trong dòng máu của mình có lai Miên thật, vì quê nội của nó ở An Giang, một nơi có nhiều người Khmer sinh sống từ lâu đời.
(Mới năm ngoái năm kia, một lần ở tiệm uốn tóc, cô nhỏ gội đầu hỏi nó: cô là người miền Bắc à? Nó trả lời: quê cô ở miền Tây nhưng cô sinh ra ở Hà Nội. – Miền Tây cô ở tỉnh nào vậy? – Cô ở An Giang. – con cũng An Giang nè, chắc cô là người Miên phải hôn, thấy cô đen đen giống con! Người miền Tây thiệt thà thấy thương luôn vậy đó!)
Chiến tranh nên quần áo đều nhuộm xanh hoặc nâu, đen. Con gái thường mặc áo cổ lá sen với quần đen, thường là quần “phíp” (gần giống như vải lanh) hoặc quần vải, may mắn thì có cái quần lụa của chị hay mẹ cho. Nó cũng có một cái quần lụa đen đã ngả màu, thỉnh thoảng má nó lại rền rĩ “tôi mặc mãi không sao tới lượt nó mặc thì nay rách mai sờn…”. Ba bênh con gái “bà mặc mãi thì tới nó mặc rách là phải rồi”. Trong ba lô mang đi sơ tán nó có 4 cái áo và 3 cái quần, thật là một gia tài lớn! Hai cái áo ngắn tay là từ cái váy hoa của chị nó được phát mang đi nước ngoài, thương em chị để lại cho em may áo. Một cái áo màu nâu nhuộm từ chiếc áo trắng vải pô – pơ – lin đẹp nhất của nó, và cái còn lại màu “mận chín” – cái áo “điệu” nhất, nó ước ao mãi má nó mới may cho để dành mặc Tết.
Đi học cùng lớp với con gái út của bác chủ nhà, nó thích mặc cái áo màu nâu giống như cái Chỉ. Đến lớp nếu nó không nói ra thì thầy cô không biết nó người Hà Nội vì các bạn gái Hà Nội vẫn mặc áo hoa áo màu… Ngoài giờ đi học nó cùng cái Chỉ đi gánh phân, làm đất trồng rau, đi bón kali cho ruộng khoai tây, rồi thu hoạch rau vụ đông… Nhà bác chủ làm gì nó làm việc ấy, lúc đầu vụng về rồi sau cũng quen tay. Ba nó không nói gì nhưng tỏ ý bằng lòng. Còn má nó luôn nhắc “con gái ở nhà người ta phải ý tứ”. Vậy nên vào những ngày “đau bụng”, nó len lén đi thay, rồi tối mịt mới cầm đèn dầu một mình đi ra con mương cuối làng giặt giũ, đàn bà con gái không được giặt “đồ bẩn” ở giếng nhà. Phơi phóng cũng phải khuất mắt, che chắn bằng 2,3 lớp áo. Một lần đèn hết dầu mà nó không để ý, ra tới mương đèn tắt, nó mò mẫm giặt rồi mò mẫm đi về. Đến cổng thấy ba nó như đang đứng chờ, trong ánh đèn từ nhà hắt ra cặp mắt kiếng của ba hình như loáng ướt…
Một phiên chợ bác gái chủ nhà đi bán gánh khoai tây, lúc về mua một con chó con rất xinh. Được hai, ba ngày con chó uể oải bỏ ăn, bác gái đút cơm cho nó bị nó cắn xước một chút ở tay. Ai dè khoảng một tuần sau bác gái lên cơn dại. Lúc đầu bác nóng sốt cao, rồi sợ gió sợ ánh sáng, bác nằm trong buồng tối và bắt cả nhà che chắn hết các khe cửa… rồi chiều tối thì bắt đầu tru lên từng hồi. Đến lúc này mọi người mới biết bác bị lên cơn dại, hùa nhau đi tìm đập chết con chó con. Nó nhớ mãi cảnh con chó nằm bẹp dưới cối xay lúa, xung quanh cơm vãi kiến bu đầy, khi bị lôi ra con chó đã yếu lắm rồi, vậy mà nó biết, nó chảy nước mắt…
Hôm đó là thứ bảy, tình cờ chiều tối má nó lên thăm, gặp lúc bác gái ốm má nó là người duy nhất vào buồng xoa bóp cho bác gái khi bác tỉnh lại. Bị bệnh dại lạ lắm, khi lên cơn thì tru tréo không ai dám đến gần, nhưng qua cơn rồi thì người rất đau nhức nhưng tình táo. Mỗi lần má nó vào xoa bóp là bác gái lại dặn dò cẩn thận: ai nợ bác cái gì, nhà còn nợ ai bao nhiêu, bác để dành cho các con gái những gì, chuẩn bị đám cưới chị thứ hai thế nào… Cứ thế, vật vã đến trưa hôm sau thì bác gái mất. Má nó thay cho bác bộ quần đen và chiếc áo bà ba màu xanh mới tinh mà nó cẩn thận mang đi sơ tán cất để dành cho má. Bác trai nức lên “cả đời bà bây giờ mới được mặc quần áo mới, bà ơi…”.
Đó là một cú sốc rất lớn với nó, sau cú sốc hồi nó học lớp Hai một đứa bạn thân của nó bị chết vì bom Mỹ, đứa bạn ấy cũng tên là Hiền.
Từ đó, tất cả mọi thứ với nó đều nhạt nhòa, hình như không còn gì đáng nhớ.
Gần hai năm sau, chưa mãn tang bác gái thì bác trai lấy vợ mới rồi đẻ được một thằng con trai. Chị thứ hai – chị Xoan - chờ ba năm đoạn tang mẹ mới lấy chồng. Chồng chị là thương binh. Một lần chị lên Hà Nội đến nhà nó chơi, nó đi học về không nhận ra chị: cô gái có nước da trắng hồng, mặt tròn má lúm đồng tiền, lúc nào cũng tươi tắn… nay thành một người phụ nữ gầy gò, da sạm lại, và cái nhìn chỉ ánh lên một chút khi thấy nó. Chị thứ ba – chị Lan – “thoát ly” đi làm công nhân khi bác trai lấy vợ khác. Còn cái Chỉ: “nó khổ lắm, bố chị giờ nát rượu suốt ngày đánh chửi nó…”, chị Xoan khẽ kể như thế…
Năm 1975 cả nhà nó về Sài Gòn. Khoảng năm 1978 ba nó đưa Đoàn kịch Nam bộ ra Bắc biểu diễn “đền ơn đáp nghĩa” ở những nơi đoàn từng sơ tán. Về Lạc Đạo ba nó gặp lại bác trai, nhưng hỏi thăm các chị thì bác chẳng nhớ gì, “ổng không uống được nữa, chắc không còn lâu…”. Lúc này Lạc Đạo nổi tiếng vì một “đặc sản” lâu đời mà lúc trước luôn phải giấu giếm: rượu cuốc lủi.
Bây giờ Lạc Đạo còn là nơi làm cơm nắm muối vừng mang bán khắp Hà Nội. Cứ ra Hà Nội là nó luôn tìm mua cơm nắm của các chị gánh bán rong, lần nào nó cũng nghĩ, biết đâu sẽ gặp lại cái Chỉ…
***
Thời sơ tán cách đây đã hơn năm mươi năm, con bé, nó hồi đó giờ đã là một người đàn bà U60, nghỉ hưu rồi, “rảnh rỗi sinh nông nổi” bèn nhớ lại và ghi chép ra đây, nếu có gì chưa thật chính xác thì mong những người liên quan lượng thứ.
Sài Gòn, 5/2014 – 8/11/2015

2 nhận xét:

  1. Chị Hậu, Sen hồ là thị trấn nhỏ thuộc huyện Việt yên Bắc Giang, nơi sinh sống nhiều năm thời niên thiéu của nhà thơ Hoàng Cầm. Từ Bắc Ninh đi lên qua cầu Đáp Cầu vài Km thì tới. vIệt Yên là huyện có 12 làng quan họ cổ, nhiều nhất trong số các địa phương có làng quan họ sứ Kinh Bắc.
    Dũng- Ninh Thuận

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...