Những năm còn ở
trên đất Bắc anh Hoàng Hiệp thường đến khu tập thể Đoàn Cải lương Nam bộ thăm
gia đình tôi, ngoài việc nhà tôi luôn là nơi gặp gỡ của nhiều cô chú anh chị
Nam bộ tập kết còn vì một lý do nữa: anh là người cùng quê Mỹ Hiệp, Chợ
Mới, An Giang, là bà con gần, gọi ba má tôi bằng bác Bảy. Lúc đó tôi còn nhỏ
xíu nhưng được anh vui vẻ, thân thương gọi “chị”.
Trong kháng chiến
chống Pháp khi ba tôi phụ trách đoàn Tuyên truyền lưu động tỉnh Long Xuyên thì
anh là một thành viên. Kỷ niệm thời chín năm mỗi lần gặp nhau, bên ly rượu, hai bác
cháu lại nhắc nhớ…Tình yêu quê hương và nỗi nhớ gia đình, người thân luôn canh
cánh trong lòng những người Nam bộ xa quê đã được anh Hoàng Hiệp nói giùm qua những
bài hát của anh, từ Câu hò bên bờ Hiền Lương đến rất nhiều bài hát sau này đã đi vào lịch
sử dòng “nhạc đỏ”.
Năm 1975, về lại Sài Gòn, cùng với nhiều văn nghệ sĩ quê An
Giang như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Viễn Phương… ba tôi và anh Hoàng
Hiệp đã góp phần thành lập Hội Văn nghệ tỉnh An Giang – ngôi nhà chung ấm áp
của những người hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh nhà. Tình yêu và nỗi nhớ
quê hương lúc này được anh Hoàng Hiệp dành lại cho Hà Nội – nơi anh đã gặp được
một cô gái Hà Nội xinh đẹp, dịu dàng, đã cùng anh đi suốt cuộc đời. “Nhớ
về Hà Nội” của anh là tình yêu của nhiều thế hệ người Hà Nội dù sống ở đó
hay đã xa Hà Nội, là ân nghĩa với nơi mà anh và nhiều người con Nam bộ
được đùm bọc yêu thương suốt 20 năm xa quê,
là ký ức không phai của những năm tháng nghèo khó gian nan nhưng thật sự Đẹp,
thật sự Thơ.
Sẽ mãi nhớ đến anh, người nhạc sĩ tài hoa đã gửi lại thế
gian bài ca da diết nhưng tràn đầy hy vọng của Hà Nội “một thời đạn bom một thời hòa
bình”.
Nhớ mãi dòng sông tuổi thơ
Trả lờiXóaGiữa tôi và nhạc sĩ Hoàng Hiệp có nhiều điểm giống nhau: cùng quê, cùng đi kháng chiến, cùng là văn nghệ sĩ, cùng sinh năm Tân Mùi. Chúng tôi là đồng hương huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Anh Hiệp ở Cù Lao Giêng, xã Mỹ Hiệp, tôi ở Mỹ Luông. Xã Mỹ Hiệp của anh rất đặc biệt khi có ba người nổi tiếng tài hoa, giỏi giang là đạo diễn Nguyễn Ngọc Bạch, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng và Hoàng Hiệp. Trong ba người này thì có hai người đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh, một người đoạt Giải thưởng Nhà nước. Lúc đầu, Hoàng Hiệp chưa phát lộ tài năng nhưng sau thời gian ra Bắc học thì anh phát triển rất nhanh, sáng tác những ca khúc rất hay và sống mãi với thời gian đến bây giờ: Lá đỏ, Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây...
Tôi có một kỷ niệm nhớ hoài với Hoàng Hiệp ở lần tôi mời anh về thăm lại sông Tiền sau thời gian dài xa quê hương miền Tây Nam bộ. Chuyến đi đó gây cho Hoàng Hiệp cảm xúc và anh viết bài Trở về dòng sông tuổi thơ. Trên bài hát, Hoàng Hiệp có ghi là tặng Nguyễn Quang Sáng. Đó là món quà rất đặc biệt với tôi. Nhìn sông là tôi nhớ đến ca khúc đó và nhớ lại tuổi thơ của mình, nhớ đến Hoàng Hiệp.
Nhà văn NGUYỄN QUANG SÁNG
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/Am-nhac/529145/vinh-biet-nhac-si-hoang-hiep.html