Bà Má Năm (Nguyễn Ngọc Bạch)


Một truyện ngắn thời kháng chiến của ba mình có nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp - ngưới đồng hương và là bà con thân thiết của gia đình mình. Xin tưởng nhớ đến Anh!

Đoàn về tới chợ Nam Thái Sơn vào một buổi chiều ráo mát. Các anh em nhảy lên đi bộ, để vài người kéo ghe. Đường cao ráo, kinh rọng, sâu. Nước phèn trong vắt, con cá lội cũng thấy rõ.

Trời sẩm tối, xa xa lố nhố một hàng nhà. Những bóng người chạy lúp xúp trên lộ. Và đây, chợ Nam Thái Sơn.

Chợ lèo tèo chừng hai trăm người. Hàng tạp hóa đủ thứ, bày trong những hộp cây mặt kiếng. Đèn bão sáng lập lòe. Vải, xà bông, thuốc cao đơn hườn tán, gạo, rau cải … đủ thứ. Bắp chuối 25 đồng 1 cái.
Phần đông là người Bắc. Họ mua bán, nói líu ríu nghe ngộ lắm …

Anh em đi một vòng chợ, mua hai nải chuối rồi xuống ghe, chống qua bờ bên kia, lên nhà nghỉ.
Ghe ghé. Anh Hiệp rọi đèn pin. Ánh sáng xanh quét một vệt dài, lộ ra một căn nhà khá lớn, thấp, dài. Có tiếng một bà già:
- Ai đó, đứa nào đó? Đứa nào rọi đèn đó?
Hiệp trả lời:
- Con, má ơi! Con là thằng Hiệp ở dưới về đây.
Tiếng bà già mừng rỡ:
- Hiệp hả? Mày về đó sao?
Hiệp chạy lên, tôi nghe tiếng hỏi han, mừng rỡ lăng xăng:
- Trời ơi! Mày đi mà hổng có cái thơ nào cho tao hết. Tệ quá trời!
Tiếng Hiệp năn nỉ:
- Con xin lỗi má. Con có viết cho má đều, mà chắc tại liên lạc đi trễ.
Tôi đoán chắc đây là nhà của một bà má chiến sĩ.
Thật đúng như vậy. Tôi lên nhà, ngọn đèn dầu để trên bàn thờ cháy leo lét. Tôi kéo cửa, bước vô. Một bà già, tóc hoa râm, bước lại dòm tôi, hỏi:
- Đứa nào đây?
Anh Hiệp giới thiệu:
- Dạ, đây là anh Bạch ở trên Đoàn Văn nghệ xuống công tác.
Tôi cúi đầu chào:
- Dạ, thưa má!
Tôi bỡ ngỡ vì chưa biết má thứ mấy?
Bà già gật đầu: Con mới xuống tới hả? Ăn cơm chưa? Con đi một mình hay còn đứa nào nữa?
Tôi vội trả lời:
- Dạ, con ăn rồi! Con đi với tám anh em nữa, còn ở dưới ghe, má à!
Bà má hối hả:
Vậy sao? Kêu tụi nó lên. Lên đây ở rồi mơi hễ đi. Nhà tao thì chật chội, bay lên đây chịu khó chen chúc ở cho vui.
Đó là lần đầu tiên tôi gặp bà má Năm.
Bà má ở tại đầu kinh tư. Má năm nay 61 tuổi, tóc bạc hoa râm nhưng sức còn mạnh lắm.
Má không phải là người xứ sở ở đây. Má ở Bãi Giồng (Cao Lãnh). Ba là thầy thuốc bắc, có tham gia phong trào cộng sản lúc trước. Năm 30 bạo động, Tây khủng bố, ba má tản cư dời nhà vô đây lánh nạn. Và từ đó đến nay ở luôn trong này. Chồng hốt thuốc, vợ làm nghề nắn nồi đất.
Ba đã qua đời lâu rồi. Má ở một mình không con cái.
Ở Long Châu Hà này, hễ là cán bộ của Ty Thông tin thì phải biết má Năm. Nhứt là đoàn lưu động của Ty, hễ đi công tác ba đồng bảy đỗi rồi thì cũng trở về đóng ở đây. Đứa nào đau, má lo mua thêm đồ ăn cho ăn; má lo cho cán bộ như lo cho con ruột của má. Mắm sản xuất của cơ quan hơi trở(1), má dỡ ra, gài lại kỹ lưỡng. Quần áo đứa nào hơi sờn rách , má gom góp, rồi ngồi sòng cả ngày lo vá lại cho lành lặn. Hôm trước, anh Hiệp đau má lo hết sức, sợ anh Hiệp chết. Má đi mua một hộp sữa, khuấy sẵn bưng lại cho anh Hiệp một chén. Má để chén sữa xuống chỗ anh Hiệp nằm, rồi biểu:
- Nè, mày ráng uống đi! Mày chết rồi bỏ tao ở lại!
Má vừa nói vừa chảy nước mắt.
Mỗi ngày má đi mua cà, cải về cho Hiệp ăn cho đủ sinh tố. Ngày Hiệp đi dưỡng bịnh ở Quân Y viện, má góp nhóp cho một ngàn đồng. Ở nhà, đêm nào má cũng thắp nhang rồi đem cắm trên bàn thờ, lầm thầm vái cho Hiệp mau mạnh.
Cũng không phải chỉ riêng đối với Hiệp mà má cư xử như vậy. Đối với cán bộ nào cũng vậy, miễn là đừng lêu têu, thì má đều thương như nhau.
Tôi ở đó mấy ngày. Tự nhiên tôi có cảm giác đó là mẹ ruột của tôi. Có bữa, má ngồi nắn quai nồi, tôi ngồi làm việc kế bên. Má nói chuyện này chuyện kia, có lần má nói:
- Nè, cái nhà này hôm trước có người hỏi mua, mà tao đâu có chịu bán. Họ trả 12 ngàn, tao sợ bán rồi tụi bay về đây nhà đâu mà ở. Kệ, thà tao hổng có tiền chớ thấy bay đi công tác cực khổ mà về  hổng    chỗ  ăn ngủ, sao tao chịu hổng nổi …
*

Đêm đó, tôi đi công tác về trễ. Đồng chí trực nhựt dọn cơm cho tôi ăn. Ánh đèn dầu lù mù. Má lại, ngồi kề bên tôi, khêu đèn lên, rồi dòm nồi cơm:
- Cha! Coi bộ thiếu cơm! Tại mày đó đa. Đi hội họp mà sao không dặn cơm ở nhà.
Nói rồi, má đi vô buồng. Lát sau, má đem ra cho tôi một đĩa rau cải.
Cứ hễ mỗi tối tụi tôi kiểm thảo thì má ngồi nghe. Rồi má góp ý kiến:
- Nè, mơi vô rừng mà kiếm củi. Đi hai đứa đủ rồi. Kéo một hồi chụm năm mười ngày hổng hết.
Sáng hôm sau, tụi tôi sửa soạn đi thì trời mưa. Má dòm trời, thở dài:
- Trời mưa nầy, đi vô rừng muỗi cắn chết.
*

Ngày mai, Đoàn dời đi công tác nơi xa.
Tối nay, kiểm thảo. Chúng tôi mời má lại dự cuộc kiểm thảo. Má lại ngồi kế bên tôi, vừa xỉa thuốc, vừa nói:
- Ối, phê bình gì! Có gì đâu mà phê bình.
Má vừa nói vừa cười.
Anh em bắt đầu cuộc kiểm thảo. Anh Tứ phê bình anh em không tích cực sửa cầu tiêu. Anh Bình nhắc khuyết điểm là anh em không lo sợi dây phơi quần áo để phơi đồ cùng nhà. Anh Viễn phê bình anh em hay để đèn trên bàn thờ, và hay đứng dựa tay trên bàn thờ.
Chị Trân thay mặt kiểm soát trong ngày, kết luận:
- Tóm tắt ý kiến anh chị em, tôi thấy trong thời gian ở đây, chúng ta phạm 5 khuyết điểm chánh: Thứ nhất là chúng ta không dọn bếp riêng để nấu cơm, thành ra nấu chung một bếp với má, bữa nào má cũng phải nhường cho chúng ta …
Má vội gạt đi:
- Ôi, bay nấu rồi thì tao cũng rồi chớ gì. Thôi đi.
Chị Trân tiếp:
- Thứ nhì là chúng ta phơi đồ ướt trên vách làm nhễu nước lủng hết hai cái vung nồi …
Má chận lại:
- Kệ, nắp chưa hầm tao sửa lại được.
Lần nào má cũng không cho là anh em có khuyết điểm. Tôi ngồi dòm má, nét mặt má hiền từ vô cùng. Tôi thay mặt cơ quan, kết luận:
- Thưa má, từ ngày con lên đây, ở nhà má, thiệt tình má đối với mấy con như má ruột con ở nhà. Cũng vì má thương mấy con, nên mấy con dễ ngươi, mới sanh ra khuyết điểm …
Tôi nói có mấy lời, nước mắt muốn trào ra!
Má ngồi, hai mắt ươn ướt. Một hồi lâu má nói:
- Tao thì tao không có con. Tụi bay thì tao đẻ ngang hông, mà sao tao thương quá!
Rồi má cũng rưng rưng nước mắt.
*

Sáng bữa sau, Đoàn dời địa điểm. Tôi nắm cánh tay má, mân mê bàn tay già nhăn nhíu:
- Má ở lại mạnh giỏi. Con lên trển sắp đặt cơ quan, qua mùa nước, má lên chơi, con lo làm rẫy để dành khoai lang, má lên con nấu chè đãi má.
- Ừ, thế nào tao cũng lên. Để tao lo mua chiếc xuồng rồi tao lên. Bay có đi đâu ngang đây, nhớ ghé thăm tao.
- Dạ.
- Nè, tao nghe đứa nào đi về đây mà hổng ghé tao giận lắm đa!
- Dạ.
Tụi tôi xuống ghe. Tôi gay chèo lái. Anh Tứ xô ghe. Má ngồi trên bờ áy náy:
- Trời ơi, sao ghe nghiêng dữ vậy?
- Hổng sao đâu má à!
Ba cây chèo buông đều mái. Chiếc ghe xuôi theo dòng nước. Má dòm theo, má chùi nước mắt.
Em Được ngoái lại:

- Má ơi! Thôi má lên bờ đi má.
Má dòm theo …
Tôi mủi lòng! Má ơi, chúng con đi đây, mang theo tấm tình thương của má. Lòng của má, chúng con không bao giờ quên.
                                                                                                  
22-7-1952
(Nam Thái Sơn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...