HỘI NHÀ BÁO CẦN CÁM ƠN AI NHỈ ?



Mỗi buổi sáng tui vừa nấu cơm vừa nghe thời sự Chào buổi sáng (hehe, dấu hiệu của người “phụ nữ đảm đang” là thường xuyên NGHE TV: nghe Thời sự, nghe Ca nhạc, nghe trò chơi, nghe Phim truyện, phim bộ… mà hiếm khi được XEM TV). Sau mỗi ngày lễ của ban ngành nào đấy thường có thông báo cám ơn trên TV. Nghe là biết ngành nào cơ quan nào được nhiều người biết đến và quan tâm, nhất là được các cấp lãnh đạo đến thăm tặng hoa phát biểu… thì nhời cám ơn cũng là một cách PR vô cùng hữu hiệu.

Mỗi năm cứ qua ngày 21 tháng 6 mà nghe TV đọc “Lời cám ơn của Hội Nhà báo nhân ngày báo chí Việt Nam” thì mới thấy báo chí được xã hội ưu ái đến nhường nào. Không nhớ hết, nhưng đại thể là đầu tiên cám ơn các đồng chí lãnh đạo đảng và nhà nước, hàng loạt lãnh đạo ban ngành trung ương và địa phương với đầy đủ tên tuổi chức danh… đã gửi lời chúc mừng, tặng hoa nhân ngày báo chí VN. Xin cám ơn vì các đồng chí lãnh đạo đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, các ban ngành đã giúp đỡ tạo điều kiện, phối hợp, hợp tác… để báo chí hòan thành nhiệm vụ…

Nghe mãi nghe mãi, chả thấy có lời cám ơn các tầng lớp nhân dân vì đã bỏ tiền mua báo! Phải chăng vì báo chí được nhà nước bao cấp hoàn toàn, chỉ cần dựa vào nhà nước là có thể sống được? Hình như chỉ có một vài tờ báo tạp chí như thế. Nhưng ngay cả những tờ báo bao cấp ấy thì các cụ về hưu, các cựu chiến binh, các xã vùng sâu vùng xa vẫn phải bỏ tiền ra mua, dù đồng lương hưu, tiền trợ cấp hay kinh phí của xã còn quá nhỏ nhoi, khiêm tốn. Cứ như suy nghĩ nông cạn của tui thì chức năng của lãnh đạo là phải … lãnh đạo rồi, không quan tâm chỉ đạo sâu sát thì đâu gọi là lãnh đạo? Mà trách nhiệm của các cơ quan ban ngành là phải tạo điều kiện hợp tác với báo chí, luật định thế rồi. Chỉ có các tầng lớp nhân dân là ko bị bắt buộc mua báo. Thế mà họ vẫn cần mẫn mua báo hàng ngày. Tất nhiên, trong xã hội thông tin ngày nay báo chí đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” của số đông người dân. Mà nào có phải chỉ mua báo ngày, còn cơ man nào là báo tuần báo tháng bán nguyệt san tạp chí phụ bản phụ san chuyên đề… bìa xanh đỏ tòan chân dài váy ngắn… cũng “moi” không ít tiền trong túi người dân. Hình như những cái Phụ này đã nuôi cho cái Chính sống đàng hòang ra phết. Thế nên, thử tưởng tượng một ngày người đọc quay lưng với báo chí? Ôi trời, chắc sẽ là ngày tận thế (của báo chí)!

Bạn mình làm báo, mỗi ngày trông ngóng số lượng báo phát hành, thắt ruột thắt gan khi thấy buổi sáng Sài Gòn “tháng 6 trời mưa trời mưa ko dứt” để rồi ngày nào trời chưa mưa anh cũng lạy đừng mưa! Một ngày tin chậm tin cũ, một ngày nhiều tin gây tức, là bạn mình áy náy có khi day dứt mãi… cũng vì nghĩ đến những người dân đã bỏ tiền ra mua tờ báo, vì hiểu người dân không chỉ cần thông tin mà còn cần một niềm tin!

Mà hình như Hội Nhà báo cũng là cơ quan được nhà nước bao cấp hay sao í nhỉ? Có nghĩa là được có biên chế nhà nước, được cấp kinh phí hoạt động và có trụ sở để làm việc, quan chức Hội Nhà báo vẫn là quan chức nhà nước. Vậy là khác với Hội Sử học của tui là Hội 3 không: không kinh phí, không biên chế, không trụ sở, vì Hội của tui “chỉ” là Hội xã hội - nghề nghiệp mà không phải là Hội chính trị - xã hội- nghề nghiệp như hội Nhà Báo và một số Hội khác. Vì vậy bọn tui làm việc cho Hội chỉ có chức mà không phải là quan. Chắc vì thế mà Hội Nhà báo phải nhiệt tình chu đáo cám ơn tất cả các ban ngành lãnh đạo mà quên người nuôi sống mình là nhân dân. À, nếu nhân dân không thèm mua báo thì nhà báo phóng viên thất nghiệp… Không có lính Hội nhà báo “làm quan” với ai ta???

Entry này sẽ chẳng có ai cám ơn tui mà tui còn phải xin lỗi đồng chí Hoàng A Mã của hai Cách Cách nhà tui vì mải viết nên trưa nay đồng chí ấy phải ăn cơm với món thịt chiên bị cháy rồi!

Ai bảo đã mất tiền mua báo lại còn đòi được cám ơn!!!

6 nhận xét:

  1. Không có độc giả, báo chí chết đầu nước.

    Trả lờiXóa
  2. Mặc nhiên báo chí là phải biết ơn người đọc, xem ròi chị. Không nói ra vì là tình yêu giấu kín thôi mừ. Nhưng báo chí ta nên học các nước phương tây, họ luôn cảm ơn bạn đọc readers đầu tiên nhé. hí hí...

    Trả lờiXóa
  3. Hội Sử học của bạn, cũng như hàng loạt các hội khác, chẳng có kinh phí đâu. Phải tự lo hết. Hội Nhà báo thì mạnh lắm. Cả về tiền và sự ảnh hưởng. Mà theo quan sát của tôi thì phàm đã mạnh, họ chẳng bao giờ cám ơn ai đâu. Hic!

    Trả lờiXóa
  4. Không riêng hội Nhà báo, Lana nghĩ những đơn vị làm/ cung cấp dịch vụ thuộc Nhà nước vẫn chưa bỏ được nếp nghĩ 'quyền hành' từ thời bao cấp nên hơi lạ lẫm 'cảm ơn khách hàng'. Chẳng nói đâu xa, chỉ cần so sánh 2 buổi họp phụ huynh một trường công và một trường dân lập là thấy ngay thôi ạ.

    Trả lờiXóa
  5. Trách gì báo chí hả chị, em thấy ở ta gần như không có thói quen cám ơn đồng bào, đồng nghiệp đâu. Cứ xem cách người ta đăng các bài nghiên cứu trên các tạp chí thì thấy, bao giờ phía dưới cũng có ghi lời cảm ơn rất đầy đủ. Em đã rất nhiều lần đề nghị với tạp chí KCH nên làm như thế mà "nguyễn y vân" đấy.
    Tóm lại, khi đi dạy môn "Cơ sở VHVN" luôn luôn thầy, cô phải nhấn mạnh đến đặc điểm tâm lý dân tộc Việt là "duy tình", "duy nghĩa"... nhưng thực tế đời sống văn hóa hiện nay thì buồn quá!

    Trả lờiXóa
  6. @ Cả nhà: cuối cùng vẫn là cái văn hóa cám ơn của ta hơi bị... yếu, nhỉ? Thôi, là nói vậy cho vui. Entry này vừa đăng trên tạp chí NGHỀ BÁO tphcm.

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...