Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI được ghi dấu ấn bằng việc phát hiện hàng lọat di tích lịch sử - văn hóa về kinh thành Thăng Long cổ xưa. Đó là những di sản văn hoá vô giá mà bao nhiêu thế hệ tổ tiên đã sáng tạo nên và lòng đất này đã gìn giữ cho đến hôm nay, vì thế việc tiếp tục bảo tồn, phát huy rồi chuyển giao lại cho các thế hệ mai sau phải được thế hệ hôm nay thực hiện với một ý thức trách nhiệm cao nhất. Trong những năm qua Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã có tiếng nói quan trọng góp phần xác định giá trị lịch sử - văn hóa để tiến hành lập hồ sơ công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di tích đặc biệt cấp quốc gia và phát triển thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới. Người “đứng mũi chịu sào” đưa ra những kiến nghị đầy tinh thần trách nhiệm, khoa học và đau đáu nỗi lòng với những di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội là GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN (các khóa II, III, IV và V từ năm 1990 đến nay).
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê sinh ngày 23 tháng 2 năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là hậu duệ của Thượng thư, nhà ngoại giao Phan Huy Ích, nhà bác học Phan Huy Chú, Thượng thư - nhà văn hóa Phan Huy Vịnh. Thân sinh Phan Huy Tùng (1878 – 1939) đỗ Hội nguyên và Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Quý Sửu - năm 1913, Lang trung Bộ Hình triều Nguyễn. Mẹ ông là người dòng họ Cao Xuân giàu truyền thống khoa bảng với các danh nhân: Cao Xuân Dục, Cao Xuân Tiếu, Cao Xuân Huy. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp, ông được giữ lại làm trợ lý tập sự tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, dưới sự dẫn dắt của vị Giáo sư nổi tiếng Đào Duy Anh. Chỉ hai năm sau, thầy giáo trẻ Phan Huy Lê đã được giao nhiệm vụ làm Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam Cổ - Trung đại và liên tục giữ trọng trách này hàng chục năm liền. Có thể nói cuộc đời của GS Phan Huy Lê gắn liền với Hà Nội, không chỉ vì đây là nơi ông đã sống mà còn vì ông đã gửi gắm tình yêu và cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp nghiên cứu và bảo vệ di sản lịch sử - văn hóa Thăng Long – Hà Nội.
Nghiên cứu dấu tích vùng đất Hà Nội - Hoàng Thành Thăng Long trong tương quan với các kinh đô cổ, GS Phan Huy Lê đã nhận định: Việc phát hiện di chỉ 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, đủ khiến ta thấy may mắn khi nhờ sự bảo tồn của lòng đất mà ta, và các thế hệ con cháu, sẽ còn nhiều cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu lịch sử. Giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long (được phát lộ năm 2003) đã được các nhà khoa học trong nước cũng như các chuyên gia quốc tế, kể cả ông tổng giám đốc UNESCO đánh giá rất cao, hoàn toàn xứng đáng để được công nhận là di sản văn hóa nhân loại.
Mỗi cố đô có một hệ giá trị riêng mà chỉ mình nó có, việc so sánh Hoàng thành Thăng Long với các cố đô Cổ Loa, Hoa Lư và Huế chỉ nhằm khẳng định thêm những giá trị cực kỳ quý hiếm của di chỉ Hoàng Thành, cố đô Thăng Long 1000 năm văn hiến.
Theo GS Phan Huy Lê, nếu coi đường Hoàng Diệu như gáy một cuốn quốc sử thì trục Thần đạo với các công trình kiến trúc nổi giống như trang bìa cứng bằng vàng còn khu 18 Hoàng Diệu như những trang sách được mở ra với rất nhiều thông tin chính xác, đặc biệt quan trọng mà chúng ta chưa đủ sức hiểu ngay hết giá trị của chúng.
Các chứng tích và các công trình nghiên cứu khảo cổ học đô thị đã cho phép khẳng định chắc chắn Cổ Loa là kinh đô cổ nhất, là tòa thành sớm nhất của toàn khu vực Đông Nam Á. Ngay từ thế kỷ thứ III trước công nguyên (cách nay khoảng 2300 năm), một kinh thành với quy mô lớn có đủ ba vòng thành tổng cộng trên 16 km như Cổ Loa là cực hiếm. Kinh thành Cổ Loa còn tận dụng thiên nhiên triệt để khi sông Hoàng Giang nối vào trong thành thành hệ thống hào, để từ đó có thể xuôi ngược khắp đồng bằng Bắc Bộ, qua sông Hồng, sông Thái Bình, sang Lục Đầu Giang, lên cả sông Cầu, sông Thương, sông Lục Ngạn. Giá trị của di chỉ Cổ Loa nằm ở chỗ: là kinh thành cổ xưa nhất Đông Nam Á.
Trải qua mấy nghìn năm biến đổi, dấu vết của ba vòng thành trên mặt đất hiện chẳng còn được bao nhiêu, lại đang bị xâm hại nặng nề. Những nỗ lực "cứu" Cổ Loa dường như lại làm "hại" tới những dấu vết còn sót lại kia nhiều hơn. Cũng may vì còn trong lòng đất Cổ Loa cả một kho tàng: Trống đồng đã tìm được ở đây, rồi chỉ một hố khảo cổ mà tìm thấy vài vạn mũi tên đồng, mới năm 2005 còn phát hiện dưới lòng đất cả một cơ sở sản xuất vũ khí, có lò nấu đồng, có khuôn đúc giáo, khuôn đúc mũi tên đồng giống hệt những mũi tên ta đã phát hiện ở đây. May mắn cho Cổ Loa, vì dù chỉ là kinh đô trong vài chục năm, sau đó trải qua hơn 2000 năm thăng trầm, qua bao sự biến thiên, thì những dấu tích, và nhất là cái hồn của cố đô vẫn còn đó, vẫn thúc giục những thế hệ hậu sinh nâng niu gìn giữ giá trị lịch sử.
Nhắc đến Hoàng thành Thăng Long là nhắc đến tính liên tục của các lớp văn hóa Lý - Trần - Lê được giấu kỹ dưới lòng đất, mà nếu không có cuộc khai quật bất ngờ năm 2003 tại số 18 Hoàng Diệu thì vẫn là bí mật, vẫn chỉ là những lời văn trong sử liệu, qua những bản đồ khá sơ lược. Đây là “bộ sử bằng di vật” của kinh thành Thăng Long, để từ đó ta hiểu được rất nhiều về kiến trúc, về bản sắc văn hóa, về sự kết hợp thiên nhiên (thích nghi và tận dụng), kết hợp triệt để giao thông đường thủy, xử lý không gian… Di tích 18 Hoàng Diệu đã đủ chứng tỏ những giá trị vô giá của kinh thành Thăng Long từ nghìn năm trước còn lại trong lòng đất, nhờ vị trí của Cấm Thành không thay đổi qua các triều đại, vì thế dù là “phế tích” nhưng giá trị còn rất rõ, các chuyên gia quốc tế quý Hoàng Thành Thăng Long bởi qua bề dày cả ngàn năm mà còn bảo tồn được như vậy là rất hiếm. Trong lịch sử thành Thăng Long, La thành (hay Đại La thành), Hoàng Thành trải qua khá nhiều thay đổi, nhưng trung tâm của Hoàng Thành, đặc biệt là vị trí, qui mô của Cấm Thành (còn gọi là Cung thành) thì gần như không thay đổi, chỉ có kiến trúc bên trong thì dĩ nhiên qua nhiều lần xây dựng, tu sửa. Chính đặc điểm này giải thích tại sao trên khu di tích 18 Hoàng Diệu, các lớp di tích kiến trúc và di vật chồng lên nhau qua các thời kỳ lịch sử.
Ý thức rõ giá trị của cả Di tích Thành cổ Hà Nội, đặc biệt là khu 18 Hoàng Diệu, GS Phan Huy Lê đã thay mặt Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã gửi kiến nghị số 52/HSH tới các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước về ý định xây Nhà Quốc hội mới trên di tich đặc biệt quý hiếm này, trong đó có đoạn: "Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân và đại biểu quốc hội là những người đại diện cho quyền lợi, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, hoàn toàn không nên xây dựng Nhà Quốc hội trên khu di tích mang ý nghĩa thiêng liêng mà kiến trúc hiện đại chắc chắn sẽ phá vỡ không gian văn hoá-lịch sử và dù thu hẹp đến đâu cũng xâm hại một di sản văn hoá vô giá của dân tộc được các tầng lớp nhân dân rất quan tâm và mong muốn được bảo tồn toàn bộ. Chúng tôi tin rằng các đại biểu Quốc hội ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình, sẽ có quyết định sáng suốt, hợp lòng dân. Giữa thủ đô Hà Nội có một Di sản văn hóa thế giới sẽ nâng vị thế của Hà Nội, là điều mọi người dân Hà Nội và cả nước đều mong chờ. Đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của truyền thống và hiện đại, là bài tính trọn vẹn, được mọi mặt.”
Gần đây, việc phát hiện di vật khảo cổ của đọan thành cổ trong khi thi công đường Hoàng Hoa Thám, một lần nữa GS Phan Huy Lê cùng các nhà khảo cổ học, sử học lên tiếng đưa ra giải pháp để có thể nghiên cứu di tích thu thập di vật thời Lý, Trần, Lê… Theo tư liệu lịch sử, đây là đoạn thành cổ còn lại duy nhất phục vụ cho việc nghiên cứu lịch sử nhiều mặt của Thăng Long-Hà Nội.
Cùng với hoạt động nghiên cứu, Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Nhà Sử học Phan Huy Lê còn dành tâm huyết nghề nghiệp của mình truyền lại cho các thế hệ sinh viên. Ông một trong “Tứ trụ” của nền sử học hiện đại Việt Nam được nhiều thế hệ học trò vinh danh: “Lâm – Lê – Tấn – Vượng” (1). Những ai đã từng được nghe ông giảng thì không chỉ “tâm phục khẩu phục’’về kiến thức, tri thức sâu rộng, khúc triết, giọng nói trầm ấm, biểu cảm, mà còn thấy ở ông là một phong cách, một thế ứng xử đầy minh triết, một nhân cách khoa học toàn vẹn. Ông thường gắn kết những bài giảng của mình với các triết lý nhân văn, thể hiện tinh thần làm việc hăng say, hết mình cho sự thật và niềm đam mê. Những thế hệ học trò khoa Lịch Sử Đại học KHXHNV – Đại học quốc gia Hà Nội được ông và đồng nghiệp đào tạo nay có nhiều người giữ những trọng trách trong các trường Đại học, các Viện Nghiên cứu, những cơ quan quản lý nhà nước ở Hà Nội và nhiều nơi khác. Ông được Nhà nước phong hàm giáo sư đợt đầu tiên (năm 1980); danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (năm 1994); giải thưởng nhà nước (năm 2000). Ông là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hóa châu Á Fukuoka (năm 1996). Và năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.
Quê hương của GS Phan Huy Lê là vùng Núi Hồng Sông Lam nhưng trong tôi, tri thức và nhân cách của Thầy mãi là tượng trưng cho Hà Nội “ngàn năm văn hiến”.
---------------
(1). Các giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng.
Báo Thể thao & Văn hóa đăng ngày thứ hai, 28/6/2010
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH
Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...
-
Người Việt có một số thành ngữ và sự tích liên quan đến cá trê, như truyện Trê Cóc chẳng hạn. Câu chuyện không chỉ là việc Trê tranh giàn...
-
Một người bạn fb bất ngờ ra đi. Post bài thơ rất hay của bạn. Tôi biết Cao Hải Hà qua mạng Yahoo blog và sau là FB. Vài lần gặp Hà ở chỗ ...
-
Xem lại phim này, suy nghĩ khác hẳn ngày trước. Trước, cảm động vì mối tình của cha Ralph và Mecghi, cho rằng đàn bà yêu thì phải hết l...
Đáng tiếc nhiều ý kiến rất tâm huyết của các nhà sử học cũng như của các kiến trúc sư đầu nghành không được các vị có quyền để tâm lắm, cho nên HN hôm nay mới ra nông nỗi này.
Trả lờiXóaMột người bạn em làm trong ngành văn hóa truyền thống nói : "Chỉ có con nhà giàu và có truyền thống này nọ mới muốn và có khả năng giữ gìn quá khứ oanh liệt của cha ông. Việt nam nghèo quá, hoặc toàn những người nghèo nắm trọng trách nên khó lắm. Hi hi...may ra khi nào giàu hơn, di sản của cha ông mới được để ý đúng mức" .
Trả lờiXóaNghe mà đau quớ nhưng có vẻ đúng quớ chị à ...hic...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.
Trả lờiXóaỒ, thế thì phải vận động báo, đài vào cuộc thôi thầy PHL ơi :-)
Trả lờiXóa