Ấn tượng về người Pháp nói chung và người Paris nói riêng đến với tôi là từ ba tôi. Dù chỉ là giáo viên tiểu học thời trước năm 1945 nhưng ông có một vốn tiếng Pháp tuyệt vời và sự am hiểu sâu sắc nền văn hoá Pháp, như ông vẫn nói, là nhờ ông đọc rất nhiều sách tiếng Pháp. Trong nhà tôi có một tủ sách lớn mà phần nhiều là sách văn học được ba tôi cần mẫn tìm mua và gìn giữ suốt cuộc đời, kể cả những lúc khốn khó nhất. Cùng với “tài sản” quý giá này ông còn để lại cho chúng tôi tình yêu văn học – nhất là dòng văn học lãng mạn – cổ điển của Pháp, và sau này là văn học Nga – Xô viết. Từ đó, những nhà văn Pháp mà tôi vô cùng yêu thích, với tôi chính là hiện thân của “người Paris”. Những nhân vật trong các tác phẩm của họ đã trở thành những người bạn không quen biết mà trong những khoảnh khắc chống chếnh, khi tôi tìm đến họ đã âm thầm giúp tôi lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Chút hồi hộp như sắp gặp lại những người thân quen từ thời thơ ấu. Bao thời gian đã trôi qua, liệu tôi có còn nhận ra được họ…?
Do thói quen nên những ngày ở Paris tôi thường dậy sớm. Một mình trên con đường vắng lặng, cảm nhận hơi thở mùa thu tinh khiết từ những vòm lá còn đẫm sương đêm, từ mùi thơm những khay bánh mì mới hay ly cà phê trong cửa hàng nhỏ…Trên phố có người thong thả dẫn theo bên mình chú chó lông xù trắng tinh có đôi mắt nhỏ đen láy, trông như hai cái nút trên tấm áo choàng lông thú! Những tốp công nhân làm ca đêm trong dáng mệt mỏi vội vã đi về, có người ghé vào cửa hàng mua một chiếc bánh mì lớn còn nóng hổi, vừa đi vừa ăn thật ngon lành. Đó là những công nhân đang thi công lắp đặt hệ thống đường xe điện trên mặt đất, phục vụ cho du lịch tham quan khu trung tâm “phố cổ” Paris, nhưng việc đào đường chỉ tiến hành vào ban đêm để không gây kẹt xe… Hầu như ở mỗi góc phố đều có một quán cà phê mà trang trí và phong cách phục vụ có lẽ không thay đổi từ hàng trăm năm nay, tưởng như chúng từ những trang tiểu thuyết hồi thế kỷ 19 bước thẳng ra hè phố! Những quán cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu được của Paris. Ung dung bên làn khói nhẹ, ly cà phê và tờ báo, người Paris vẫn lưu giữ thói quen đón ngày mới như vậy. Từ khoảng sau bữa trưa quán thường đông hơn. Người Paris và người đến với Paris hình như luôn nhàn nhã, họ có thể ngồi với nhau hàng giờ chuyện phiếm về mọi vấn đề hoặc trầm ngâm cà phê một mình…Một người bạn Paris bảo tôi, người Pháp có một điều hơn hẳn người Mỹ, ấy là họ luôn được lãng mạn, mơ mộng và suy tưởng… Ngày trôi qua và Paris chỉ thực sự sống động khi thành phố lên đèn rực rỡ cho đến lúc mọi con đường ngõ phố chìm dần dưới làn sương giăng mờ tím, rồi từng ô cửa sổ lần lượt nhắm mắt, tắt đèn …
Trừ hai ngày cuối tuần, hàng ngày từ khoảng 8 giờ sáng đường phố bắt đầu nhộn nhịp. Dưới lòng đường từng dòng xe hơi nối đuôi nhau, có thể chậm nhưng không có hiện tượng kẹt xe ở các giao lộ, đơn giản vì mọi người đều tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Nếu có khách bộ hành nào lỡ qua đường đúng lúc đèn chuyển màu vàng hay đỏ thì dòng xe cũng tạm dừng lại để nhường đường. Người Paris đi bộ nhiều vì sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng là chính. Họ luôn vội vã đến các bến xe bus hay mất hút trong đường hầm metro, trong ga xe lửa. Hầu như ai cũng đeo xách một chiếc túi khá lớn, chân đi giày vải mềm, thanh thiếu niên đi giày thể thao, máy nghe nhạc hay điện thoại đeo trên cổ, vừa đi vừa lắc lư theo tiếng nhạc… Những chuyến metro vào giờ cao điểm rất đông, nhưng chỉ cần một hàng máy soát vé tự động là đủ để cho dòng người trật tự ngay từ cửa vào. Trên các phương tiện giao thông công cộng, nhiều người tranh thủ chợp mắt vì quãng đường khá dài, hoặc đọc sách báo hay một cái gì đó, thỉnh thoảng nhìn lên bảng điện báo tên ga dừng, ga sắp đến hay trò chuyện nho nhỏ. Nhiều phụ nữ thường thay đôi giày cao gót, cất giày vải và áo choàng vào túi khi sắp đến ga xuống. Trong trang phục công sở hay một bộ quần áo lịch sự, ở họ toát ra một phong thái thật ung dung, duyên dáng đặc trưng của các Quý bà Paris… Trên một chuyến metro như vậy, khi tôi đang dán mắt vào tấm bản đồ thì có cảm giác ai đó chăm chú nhìn mình. Ngẩng đầu lên tôi bắt gặp ánh mắt vừa vội vã quay đi của một người phụ nữ trạc tuổi tôi, có vẻ như chị là Việt kiều ở Pháp đã lâu nên dễ biết tôi là người “đồng hương” mới qua. Suốt quãng đường dài, chị – vì không thể “bất nhã” mà nhìn tôi mãi, tôi - vì rụt rè cũng không dám hỏi chị để làm quen…Cho đến một ga, lúc bước xuống chị mới nhìn tôi và mỉm cười, một nụ cười làm cho mọi người Việt có thể nhận ra nhau ở bất cứ nơi nào trên trái đất… Tàu chạy rồi tôi vẫn thấy chị đứng đó, nhìn theo…
Dịp tôi ở Paris có Ngày hội Báo Nhân đạo – tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp. Hàng chục báo của Đảng Cộng sản nhiều nước đã tham gia ngày hội này. Các gian trưng bày tuy nhỏ nhưng đều rực rỡ, nhiều tờ báo còn tổ chức biểu diễn văn nghệ dân tộc nên thu hút khá nhiều người ghé xem. Gian báo Nhân Dân của ta thì có quầy bán thức ăn Việt Nam bên cạnh, khách đông chen nhau mua chỉ với hai món chủ đạo là phở bò và chả giò. Những người bán luôn tay, hỏi ra mới biết toàn là du học sinh Việt Nam tình nguyện đến phục vụ và tự tổ chức quầy hàng này. Tìm đến gian trưng bày của báo Nhân Đạo. Rộng rãi, sáng sủa, có cả sân khấu ca nhạc, nhiều quầy hàng lưu niệm bán các ấn phẩm của tờ báo. Tôi ghé vào mua mấy cái logo báo Nhân Đạo để làm kỷ niệm. Hai cụ bà tuổi chắc ngoài bảy mươi, tóc bạc phơ và đôi mắt đã kém tinh anh – cũng là người tham gia phục vụ tình nguyện – hỏi tôi có phải là người Trung Quốc không. Khi tôi trả lời tôi là người Việt Nam thì hai cụ mừng rỡ, cứ nhắc đi nhắc lại hai tiếng Việt Nam, rồi lấy huy hiệu gắn lên áo tôi và nhất định không chịu lấy tiền khi tôi mua thêm mấy chiếc nữa. Khi tôi tặng lại cuốn sách giới thiệu Bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh thì hai cụ nắm tay tôi hồi lâu mà mắt rưng rưng…
Mỗi ngày tôi đều ghé tiệm Internet ở đầu ngõ để lên mạng xem tin tức và liên lạc với gia đình. Tiệm nhỏ chỉ có khoảng mươi máy, khá yên tĩnh vì khách phần nhiều là thanh thiếu niên ngồi “chát” hay e-mail, không thấy ai chơi game cả…Chủ tiệm là một anh chàng cao lớn, khuôn mặt vuông với bộ râu quai nón rậm đen trông như “Bin Laden” nhưng hiền khô! Biết tôi muốn mua thẻ điện thoại, bằng thứ tiếng Anh cũng khá như …tiếng Pháp của tôi, anh hướng dẫn tôi tìm trong một “rừng” thẻ điện thoại chọn loại nào gọi về Việt Nam rẻ nhất. Có lần tôi ghé vào lúc tiệm đông người không còn chỗ, thấy tôi tần ngần định quay ra, anh liền nhường tôi “máy chủ”: để gia đình bà ở Việt Nam không phải đợi lâu. Ngày cuối tôi đến chào tạm biệt, anh đã tặng tôi một chiếc thẻ điện thoại và nói: Mong bà sẽ sử dụng khi bà quay lại Paris …Bây giờ tôi vẫn giữ chiếc thẻ này như ấp ủ một niềm hy vọng…
Chỉ dẫn tận tình mọi việc cho tôi trong những ngày ở Paris là anh bạn đồng nghiệp mà tôi mới quen trước chuyến đi. Đó là một người đàn ông cao, gầy, mái tóc bồng bềnh màu hạt dẻ đã chớm bạc. Đôi mắt xanh sau cặp kính trắng luôn ánh lên tia nhìn hiền hậu nhưng chiếc mũi nhọn thì trông khá hài hước. Nhìn anh tôi cứ nghĩ, khi về già chắc anh trông rất giống Cụ Vitaly*! Anh khá kiệm lời nhưng khi nói về các vấn đề khoa học thì rất sôi nổi. Là người phụ trách chính về nội dung và mỹ thuật cuộc trưng bày cổ vật Việt Nam, anh đã thuyết phục mọi người phương án trưng bày hay nhất, tuy vậy anh vẫn tế nhị hỏi ý kiến tôi. Ở Paris, các bảo tàng về cổ vật hay bảo tàng mỹ thuật vẫn trung thành với phong cách “cổ điển” – nghĩa là cổ vật và tác phẩm mỹ thuật được trưng bày trong thế “tĩnh” và là trung tâm của nội dung trưng bày, các tài liệu minh họa, thiết bị nghe nhìn hiện đại và mọi phương án mỹ thuật đều phải làm tăng thêm vẻ đẹp nhưng không được làm nhạt đi hay lấn át yếu tố lịch sử của cổ vật. Đơn giản là phải làm cho cổ vật trở nên sang trọng hơn, xứng đáng với giá trị vật thể và phi vật thể của nó. Khi nghe tôi nhận xét như vậy và cho rằng, đó cũng là phương án tốt nhất đối với cuộc trưng bày này, anh bạn đồng nghiệp xoa tay hài lòng và nói vui: Tôi cứ nghĩ không biết bà có đề nghị cho “Madame Bovary”* mặc váy ngắn và áo hở bụng không? (anh muốn nói đến kiểu trưng bày mà cổ vật được “mô hình hoá” hay “sân khấu hoá” đang trở thành xu hướng được gọi là “hiện đại hóa” trong nhiều bảo tàng ở Đông Nam Á). Tôi cũng đùa: Vâng, nếu ông cho “Giăng Van Giăng”* mặc quần áo hip hop và đi giày Adidas??? Chúng tôi cười phá lên khi tưởng tượng ra cảnh đó! Vâng, Paris không chỉ lưu giữ những kho tàng di sản văn hóa vô giá mà còn bảo tồn cả truyền thống “văn hóa bảo tàng” hàng mấy thế kỷ, là đại diện tiêu biểu cho “trường phái cổ điển” của hệ thống bảo tàng trên thế giới.
Cùng làm việc với chúng tôi là những nhân viên các bộ phận nghiệp vụ bảo tàng, công nhân của một công ty chuyên vận chuyển và đóng gói cổ vật. Họ có phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, mỗi người đều thành thạo công việc của mình, thực hiện đúng chức trách đồng thời tự giác về kỷ luật lao động. Dù công việc phải tiến hành khẩn trương, hầu như không ai nói chuyện phiếm trong giờ làm việc mà chỉ có vài trao đổi ngắn gọn, nhưng không khí làm việc vẫn khá thoải mái vì mọi người đều có trách nhiệm, quan hệ giữa những người đồng nghiệp hầu như không vướng bận điều gì. Do đó mọi việc nhỏ hay lớn luôn được tiến hành một cách suôn sẻ, hoàn thành đúng thời hạn, kết quả tốt và hiệu quả lâu dài.
Một lần trên chuyến xe lửa từ Paris ra ngoại ô, tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên mặc bộ quần áo đã sờn cũ nhưng lành lặn và sạch sẽ, tay cầm một xấp giấy đi dọc toa tàu và để cạnh mỗi người một tờ. Tò mò tôi cầm lên đọc. Tờ giấy có mấy hàng chữ in vi tính: “Tôi thất nghiệp và đang cố gắng tìm việc làm. Tôi còn 4 đứa con đang đi học. Cám ơn sự giúp đỡ của ông, bà!”. Vài hành khách để một ít tiền lên trên tờ giấy. Người đàn ông đi đến cuối toa rồi quay lại, lần lượt cầm tờ giấy và tiền lên, hơi cúi đầu cảm ơn và tiếp tục đi sang toa khác. Lặng lẽ, cam chịu nhưng dáng vẻ ông không làm cho người khác khó chịu hay thương hại. Trong các ga xe lửa hay metro thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người như người đàn ống ấy, họ nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người bằng cách đánh đàn, biểu diễn ảo thuật hay có người già yếu chỉ ngồi yên lặng trước một tấm bìa có ghi vài chữ. Người qua lại dù có giúp hay không giúp chút gì thì cũng tránh không để một cử chỉ, một ánh mắt nào có thể làm tổn thương đến những con người không may mắn ấy…
Dù Paris đã xa lâu rồi nhưng hình ảnh người Paris mà tôi chỉ thoáng gặp vẫn còn tươi nguyên… Dường như trong cái xôn xao rất lạ của mùa thu Paris trái tim bỗng nhạy cảm hơn, từ sâu thẳm ký ức tôi những “người bạn cũ” bỗng hiện về sống động trong người Paris hôm nay: hào hiệp, ân cần, hóm hỉnh nhưng đầy lãng mạn, và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không mất đi lòng tự trọng – sự tự trọng ở mỗi con người nhưng cũng là của cả một nền văn hóa…
Đừng bắt người ta phải nhớ thế này, chị ơi.
Trả lờiXóaChào chị, chị có những kỷ niệm thật đẹp ở Paris. Còn tôi là dân Việt Kiều ở America, có quốc tịch Mỹ sang Paris gặp tòan Tây Lựu Đạn khồng hà. Nhất là khi thấy tôi mang thẻ thông hành Mỹ, bọn Tây xổ ngay một tràng tiếng Pháp. Mà tôi thì mù tiếng Pháp. Bất lịch sự thế. Nói tòng tiếng Pháp mà lại không nhìn mặt người đối diện. Tôi muốn mắng một trận mà không biết tiếng nên đành phải im
Trả lờiXóaĐi đâu tôi xổ tiếng Anh ra là mặt chúng nó tối xầm lại một đống