Ra HN họp về việc này đây :)

http://thethaovanhoa.vn/132N20100306112659364T0/viec-lam-phi-chinh-thuc-o-tp-hcm-tu-goc-nhin-lich-suvan-hoa.htm -

Việc làm phi chính thức ở TP. HCM: Từ góc nhìn lịch sử - văn hóa

(TT&VH) - Tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, lực lượng lao động tham gia vào nền kinh tế phi chính thức chiếm một phần khá lớn, nhất là tại các thành phố. Tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, phần lớn những việc làm mới đã được tạo ra từ khu vực kinh tế này.

1. Họ gồm những lao động làm việc trong các doanh nghiệp phi chính thức (quy mô sản xuất nhỏ hoặc không phù hợp với quy định pháp luật); trong các doanh nghiệp chính thức nhưng công việc không được sự bảo vệ của xã hội, luật lao động; người làm việc trong hộ gia đình và lao động ăn lương trong nhiều khu vực, kể cả khu vực Nhà nước, nhưng công việc không ổn định. Dễ nhận ra nhất là những người làm việc tự do (buôn bán, khuân vác, dịch vụ đơn giản) hay tự nguyện làm công cho người khác mà không được ký hợp đồng lao động. Tình trạng này là một đặc trưng của đời sống đô thị.

Các loại hình việc làm phi chính thức thực tế đã tồn tại từ ngay lúc đô thị được hình thành. Việc hình thành các đô thị thời cận đại, bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX ở Sài Gòn - Bến Nghé, đã đồng thời làm hình thành và tách biệt hai khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Sự thành lập những nhà máy, công sở, cơ sở dịch vụ công như bệnh viện, trường học... ở Sài Gòn thời Pháp thuộc tuy số lượng không nhiều nhưng cũng đủ để hình thành một tầng lớp xã hội “làm công ăn lương” theo những quy định “hành chính” về giờ giấc và nhiều yếu tố khác. Có thể coi đây là tầng lớp “thị dân” - cư dân sống ở đô thị và làm những nghề nghiệp của đô thị, và do đó, có lối sống đô thị, có phần khác với những loại hình lao động khác ở thành phố. Khu vực “kinh tế chính thức” này tập trung ở khu trung tâm - Q.1, Q.3 hiện nay. Còn lại các khu vực khác của Sài Gòn, khu vực Chợ Lớn là khu buôn bán dịch vụ, xóm lao động, vùng Gia Định chủ yếu là vùng nông nghiệp, là khu vực kinh tế “phi chính thức”. Đặc điểm này xuyên suốt sự phát triển của đô thị Sài Gòn.


Gánh hàng rong - một dạng của kinh tế “phi chính thức”
2. Sài Gòn còn trải qua một thời gian dài thời kỳ chiến tranh. Khác với Hà Nội (trong chiến tranh những người làm trong thành phần kinh tế chính thức - làm nhà nước - đều tản cư, sơ tán về nông thôn, hòa bình mới trở về thành phố, trong khi đó người làm kinh tế phi chính thức hầu như không bị bắt buộc đi khỏi thành phố), Sài Gòn lại là nơi người dân nhiều vùng nông thôn từ miền Trung đến Nam bộ đổ về. Hầu như không có nghề nghiệp, không có hoặc ít vốn, họ làm những công việc như buôn bán nhỏ, hàng rong, dịch vụ, lao động thủ công, chuyên chở bằng xe thô sơ... Địa bàn làm việc của họ là “ngoài trời” gồm lòng lề đường, các công trường, chợ búa... Sau giải phóng một bộ phận người dân trở về quê quán, một bộ phận khác đi vùng kinh tế mới, khu vực việc làm phi chính thức thu hẹp. Cấu trúc kinh tế của thành phố chỉ còn “một thành phần” nên nhiều thành phần kinh tế, nhiều loại hình việc làm “ngoài quốc doanh” trở thành “phi chính thức”. Khi kinh tế lâm vào thời kỳ khó khăn “trước đổi mới” thì thành phố lại như một “chỗ trũng” có thể dung nạp những dòng người “chảy” về đây kiếm sống. Khu vực kinh tế phi chính thức lại mở rộng thêm.

3. TP.HCM đã thu hút hàng triệu người từ các tỉnh thành khác đến lập nghiệp và mưu sinh, đáng chú ý nhất là hình thức “kinh tế vỉa hè” và lao động trong các KCN, KCX. Tỷ lệ đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc gia cho thấy nền kinh tế này đã thực hiện được chức năng thiết yếu là tạo ra việc làm và tăng phúc lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Khu vực này sử dụng nguồn lực vốn cố định một cách hiệu quả thông qua việc kết hợp nguồn vốn thấp với số lượng lao động đông. Đồng thời, tiết kiệm nhu cầu vốn lưu động bằng cách chia khâu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thành những quy mô nhỏ, dễ quản lý. Mặt khác, đối với những người nghèo, dân nhập cư, không bằng cấp, hộ khẩu, tay nghề thấp... thì việc được chấp nhận vào làm trong các doanh nghiệp phi chính thức là bước khởi đầu khả thi nhất để họ có thể tạo thu nhập, học tập, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, về lý thuyết và mục đích là vậy, nhưng trên thực tế không nhiều doanh nghiệp chú ý đến việc đào tạo tay nghề một cách có hệ thống cho người lao động, khiến cho việc thực hiện mục đích “phát triển bền vững” của KTXH càng khó khăn.

Hiện vẫn còn những quan niệm chưa đúng về lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, dù thu nhập giàu có hay thu nhập thấp. Sự đánh giá của nhiều “người thành phố” đối với “dân nhập cư, dân hàng rong, trẻ đường phố” vẫn có phần xem thường, thương hại, thậm chí còn bị coi là nguyên nhân chính làm cho thành phố chưa có nếp sống “văn minh đô thị”. Đối tượng này còn chưa được quan tâm đúng mức cả về mặt pháp lý lẫn tâm lý.

TP.HCM phát triển từ đô thị Sài Gòn - Bến Nghé lớn dần lên, nối kết với các trung tâm khác là Chợ Lớn và Gia Định. Tốc độ đô thị hóa trong giai đoạn lịch sử nào cũng rất nhanh, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng hiện nay quy hoạch của Nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố. Có thể dùng cụm từ “làng trong phố” để hình dung về tính chất văn hóa ở nhiều khu đô thị mới. Đây chính là địa bàn thuận tiện buôn bán trong những chợ “chồm hổm’ “chợ đuổi”... đến một nền “kinh tế vỉa hè”: buôn bán cố định/di động, sản xuất, dịch vu. .. Do cơ chế quản lý chưa phù hợp, “kinh tế vỉa hè” cũng “góp phần” làm nhếch nhác khu vực trung tâm thành phố.

4. “Văn hóa mặt tiền” đã trở thành “đặc trưng” mới của đô thị Việt Nam, từ thành phố lớn đến thị trấn hẻo lánh. Có lẽ không có nước nào mà dân cư lại có thói quen, nhu cầu và “đua nhau” ra sống cạnh mặt đường lớn, nhỏ như ở nước ta! Trong khi đó ở các nước thì mặt tiền vỉa hè là không gian công cộng, cần tuân thủ những quy định chung của thành phố, không được tùy tiện sử dụng theo ý muốn cá nhân. Thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy: Thứ nhất, quy hoạch kiến trúc mặt tiền các con đường trở nên khó khăn, thậm chí kiến trúc xấu, không đồng bộ dù tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng hay cải tạo đường xá; Thứ hai, trên những đường cao tốc lại không thể có tốc độ cao vì rất nguy hiểm khi dân cư trú ngay hai bên đường, làm giảm hiệu quả xây dựng; Thứ ba, buôn bán vỉa hè, lòng đường, mặt tiền đường phố người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có mối quan hệ mật thiết của “cung và cầu”, xe cá nhân phát triển thì còn nhu cầu mua bán vỉa hè lòng đường. Tình trạng tắc đường kẹt xe lại có thêm một nguyên nhân.

5. Trong khi chờ đợi có được những yếu tố giao thông mang tính chất “giao thông đô thị”, bằng cách nào hạn chế mặt tiêu cực của “kinh tế vỉa hè” đến nếp sống văn minh đô thị? Nên chăng cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy hoạch đô thị, để duy trì và phát triển kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo, cần thiết giữ gìn và có thể khai thác nó như một di sản văn hóa phi vật thể. “Văn minh đô thị” sẽ có bộ mặt mới. Trong một chừng mực nào đó, việc hạn chế và loại bỏ các phương tiện mưu sinh thô sơ của hàng ngàn hộ gia đình, cũng cần có tính toán thấu đáo để không đẩy người dân vào chỗ khó khăn.

Một khu vực việc làm phi chính thức nữa ở TP.HCM có đông người lao động là tại các khu CN, KCX. Tại đây người lao động hầu hết là thanh niên từ các vùng nông thôn, trình độ học vấn không cao nên tham gia làm việc với tính chất lao động giản đơn. Do đó thu nhập thấp, bấp bênh, dễ mất việc, cũng dễ thay đổi công việc, cuộc sống không ổn định... Nếu các KCN, KCX không tổ chức đào tạo nghề cho công nhân thì tình trạng này sẽ diễn ra lâu dài, khu vực “việc làm không chính thức” này sẽ không thu hẹp mà có nguy cơ ngày càng phát triển.

TP.HCM và nhiều thành phố, đô thị khác trong cả nước đang xây dựng những thành phố văn minh hiện đại. Không thể không bắt đầu từ yếu tố kinh tế: các ngành nghề của dân cư, loại hình kinh tế cần được phát triển cân đối, đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhưng cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố. Là một đặc trưng của các đô thị Việt Nam, việc làm - kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận xem xét ở một góc độ lịch sử - văn hóa sâu rộng hơn, ngoài góc độ kinh tế, để có thể sẽ mang lại những giải pháp hữu hiệu tích cực cho vấn đề này.

(Báo TTVH lược trích tham luận của tui tại Hội thảo khoa học)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...