NHÀ THỜ




Lần đầu tiên không “bay đêm” mà lại lấy vế khứ hồi về Sài Gòn vào buổi trưa. Tối hôm trước một mình lang thang phố cổ Hà Nội tận hưởng hương mùa thu muộn màng se se trong gió…
Sáng ra ngồi café vỉa hè cạnh Nhà thờ Lớn. Nhìn hắt lên bức tường xám cũ kỹ nhưng vẫn đầy vẻ uy nghi. Quanh những bậc thềm rộng rãi phía trước nhà thờ là hàng rào sắt bao quanh. Không biết cái hàng rào có từ lúc nào, nhưng ngày trước những bậc thềm này vẫn là nơi các đôi nam nữ, những nhóm bạn bè ngồi tụ họp chuyện trò vui vẻ, trẻ em chạy nhảy đùa giỡn… Lúc ấy Chúa rất gần vì mọi người như đang ở trong ngôi nhà của Chúa, dù chưa bước chân vào bên trong nhà thờ. Giờ nhìn qua hàng rào, ngôi nhà thờ bỗng xa cách quá, dù tượng Đức Mẹ vẫn đứng đó bao dung với mọi người.
Năm 1882, sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai, Giám mục Paul-Francois Puginier đã cho phá hoàn toàn Chùa Báo Thiên để xây dựng nhà thờ, hoàn thành nhà thờ vào năm 1886. Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph). Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là "Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse". Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).
Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Cũng giống Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà thờ Lớn Hà Nội nhìn xa hay gần cũng đều mang lại cảm giác nặng nề, uy nghiêm và… lạnh lùng. Có lẽ vì xây dựng ở Hà Nội – trung tâm chính trị văn hóa ngàn đời của vùng đất thuộc địa nên người Pháp chọn kiến trúc ấy như sự khẳng định quyền lực của chính quyền cai trị chăng?
Đi xa không hiểu sao cứ có cái cảm giác ám ảnh khi nhớ về Nhà thờ Lớn trong những sáng mùa đông Hà Nội mù sương…
***

Chiều đã ngồi café bệt vỉa hè Hàn Thuyên. Một mình với cuốn sách mới mua, vừa đọc lướt qua vừa để lọt vào tai tiếng chuông nhà thờ ngân dài trong nắng vàng rực rỡ. Trên cao lá và gió xôn xao. Vỉa hè tấp nập người và xe.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica). Đây là ngôi nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất Sài Gòn, với 2 tháp chuông cao 60 m, tọa lạc tại trung tâm thành phố. Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Công giáo và sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa bởi vì Sài Gòn lúc bấy giờ là thủ phủ của chính quyến Pháp ở Đông Dương. Kể từ hòa ước Nhâm Tuất 1862 đến lúc này Pháp đã thiết lập chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn và Nam bộ tương đối ổn định.
Đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich đã được chọn. Cũng chính kiến trúc sư J. Bourad là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình này. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp) để trần, không tô trát, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi không bám bụi rêu. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m. Hơn trăm năm nay gác chuông Nhà thờ Đức Bà luôn in bóng thanh thóat trên nền trời Sài Gòn xanh bốn mùa, mang lại cảm giác nhẹ nhõm và bình yên…
Chỉ tiếc là giờ đây, đứng phía nào nhìn lên cũng thấy nhà thờ Đức Bà bị đè bẹp bởi những tòa nhà cao tầng ốp kính xanh lè. Gác chuông chỉ còn như cái đinh, nhỏ nhoi đến tội nghiệp!
***

Khi hòang hôn nhẹ nhàng loang trên những ngọn cây sẫm dần, chuông điểm từng tiếng thong dong kéo trí nhớ về buổi chiều vùng quê Phát Diệm.
Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể các nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ đá Phát Diệm là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Đây là một công trình lớn, được xây dựng bằng đá và gỗ, khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Quần thể kiến trúc này gồm các phần: Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.
Làng tôi xanh bóng tre,

từng tiếng chuông ban chiều,
tiếng chuông nhà thờ rung…*
Những ngày ở đấy, mỗi khi chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ lan xa lẫn trong khói bếp tím mong manh thơm mùi rơm mới, đàn trâu lộp cộp khua móng trên đường làng, tiếng gọi nhau í ới… Làng quê thanh bình, và buồn… Bỗng nhớ nhà da diết…
Không biết những người dân từ đây ra đi năm nào có nhớ nhà như mình lúc ấy không…
* Bài hát “Làng tôi” của Văn Cao

(Sài Gòn tiếp thị ngày 29/3/2010, mục Khoảng thở thị dân)

17 nhận xét:

  1. Nói về Nhà Thờ, lúc nào tôi cũng nhớ tới Nắng của Nguyễn Thế Phương. Tôi nhớ đến Anna Dâng. Thuở còn nhỏ, tôi ngẩn ngơ, đau đớn, tiếc nuối khi cô bị kẻ thù giấu mặt sát hại.

    Và không hiểu sao, tôi rất có thiện cảm với phụ nữ Thiên Chúa giáo.

    Bạn có nhớ Nhà Thờ Cửa Bắc không? Tôi luôn có cảm giác an bình và thật thân thiện với nó, mặc dù chẳng có kỷ niệm gì về nó cả.

    Trả lờiXóa
  2. @ A Thụy: Nắng, Bão biển... những người phụ nữ Công giáo ngoan đạo, dịu dàng, xinh đẹp...
    Mình hay nhớ nhà thờ Hàm Long vì ngày xưa nhà mình gần đấy. Cũng như anh, chẳng có kỷ niệm gì đặc biệt, ngòai cảm giác yên bình khi ngồi trên bậc thềm nhà thờ vào những buổi chiều nhạt nắng...

    Trả lờiXóa
  3. @Chị Hậu: em đọc được ở đâu đó nhà thờ Phát Diệm là do một người Việt là cha Sáu xây, bởi thế kiến trúc nhiều chất Việt.
    Làng tôi xanh bóng tre ... câu hát đó thấm vào mình từ nhỏ, dù mình có lớn lên trên phố! Ngày ấy nó thế...
    À, thêm nữa blog của chị tuyệt đẹp, có gì rất chân phương!

    @Anh Thụy: lần trước thấy anh nhắc đến Anna Dâng, em đã chực nhảy vào comment:) Em đọc Nắng từ ngày đi học và Anna Dâng ăn vào tiềm thức như một ...thiên thần! Anh là người đầu tiên sau bao nhiêu năm nhắc đến Nắng! Mừng như gặp người quen cũ ấy :DDD

    Trả lờiXóa
  4. Anh Thụy ơi anh nhắc đến nhà thờ Cửa Bắc, em lại nhớ đến những câu thơ xưa chép tay về t/y tuổi học trò, có mấy câu này (Mai đọc xem có quen không nhé):
    ...Buổi tan trường 2 đứa lặng im
    Nghe xôn xao thành phố đã lên đèn
    Ngân nga tiếng chuông nhà thờ Cửa Bắc
    Em cứ cười hoài trong đôi mắt đen ...

    Trả lờiXóa
  5. Mai: Anh khổ vì cái cô nhân vật ấy đấy. Em có nhớ: Nắng ngày trước bị cấm không? Vừa rồi mới được tái bản đấy.

    Hậu: Nhà thờ lúc nào cũng cho mình cảm giác an bình, như mắt các cô gái theo đạo Thiên Chúa.

    Trả lờiXóa
  6. @anh Thụy: em đọc cuốn đó lâu lắm rồi, từ ngày cuối cấp 2, lâu đến độ ko tin mình nhớ đúng tên truyện là Nắng và đúng là chẳng thấy ai nói đến! Hì, khổ vì cô trong sách hẵng còn là may .. khổ vì cô ngoài đời mới thực sự là khổ anh à:)

    @Lana: không biết bài thơ mày à... học Chu Văn An là đi qua Phan Đình Phùng đoạn Cửa Bắc đấy, gắn vơi tiếng chuông ở đó nhất, chuông trưa, giờ tan học. Đến bây giờ vẫn "nghe" tiếng chuông dù thiếu đức tin:)

    Trả lờiXóa
  7. @Thụy:
    Hai người đàn bà trong "Ngày lễ thánh" cũng rất đẹp. Bác xem phim ấy chưa?

    Trả lờiXóa
  8. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
  9. @ Lana: "...cảm giác an bình, như mắt các cô gái theo đạo Thiên Chúa". Chị ko nghĩ thế, những đôi mắt đẹp thường ko mang lại cảm giác bình an :)

    Trả lờiXóa
  10. @Hậu: Hình ảnh em nhớ nhất về nhà thờ lại là thế này (hơi tội lỗi tí). Hồi đó em đang là SV ở Odessa, một lần được 2 cô bạn Nga chung phòng (gốc vùng Pribantic - Bắc Nga) rủ đi nhà thờ. Bữa đó là ngày lễ gì đó và khi bọn em đến thì Cha đạo đang đứng trên bục làm lễ với 1 vòng các bà mẹ bế những đứa con nhỏ vây quanh. Rồi Cha lần lượt bế từng đứa bé cầm tay cho chạm vào mình Chúa. Từ tốn, thành kính.
    Trời ơi lúc đó em và 2 con bé kia đứng như bị thôi miên, em đoán chúng cũng như em, chẳng nhìn thấy cái gì trừ mỗi khuôn mặt của Cha - cha đẹp vô cùng. Cao, thanh, khuôn mặt thanh tú, nhân hậu. Chiếc áo choàng đen linh mục càng làm cho Cha đẹp nao lòng - y như Cha Ran trong tiếng chim hót trong bụi mận gai ấy. Còn nhớ mãi tụi em sau một hồi ngây ra trong đó, thốt lên bảo nhau: Ôi tiếc thế, sao người đẹp như thế lại đi làm Cha chứ!

    Trả lờiXóa
  11. Lana: Thường thì người đẹp là như thế, không bao giờ thuộc về mình cả. Họ chỉ thuộc về mình trong giấc mơ thôi.

    Bài thơ hay lắm. Lana chép cả bài ra đi!

    VMC: Ngày Lễ Thánh đương nhiên là xem rồi. Thế Anh đóng vai Cha đúng không em? Trà Giang đóng một trong 2 người ấy. Bạch Diệp làm đạo diễn. Kịch bản từ tiểu thuyết của Chu Lai.
    Hu hu! Nói nhiều quá, sai thì ngượng lắm đây!

    Mai: Cô ngoài đời làm sao mà khổ được em! Chỉ khổ thì thấy người ta một lần, rồi người ta lại đi xa ngay thôi. Hic!

    Trả lờiXóa
  12. Em cũng tới cả 3 nhà thờ này ròi. Rất hoành tráng, rất đáng nhớ. Nhưng thú thật là em thích nhà thờ đá ở Nha trang hơn. Có lẽ vì chỉ ở đó em mới được vào trong một cách thoải mái, cầm sờ từng cuốn kinh, rờ rẫm đọc từng hàng chữ răn dạy mà không lo bị đuổi :-D

    Trả lờiXóa
  13. Bên này em học lịch sử thì được cho nghiền ngẫm về những nhà thờ nổi tiếng trên thế giới hơi bị nhiều, nhưng em mù tịt về nhà thờ ở VN. Bài này của chị nhiều thông tin hay ghê, em kết, thanks.

    Có lần bà cô bảo đi tới nhà thờ chụp hình viết bài lịch sử kiến trúc một nhà thờ ở SJ. Em vào đó rồi tò mò nghe ngồi cha giảng luôn về giáo lý. Cha giảng xong hết cuốn bible hỏi em khi nào con rửa tội? chuẩn bị lấy chồng theo đạo nên học lễ hả? em nói, cha đừng giận con đi lấy tài liệu làm bài thôi. Cha tiếc hùi hụi vì cha bảo rằng trong mấy đứa ngồi tám chuyện đạo với cha, chỉ có em là lĩnh hội nhanh nhất thế mà ko thành con chiên của chúa. Nếu cha biết em từ nhỏ oánh mõ nhà chùa, thì cha sẽ ko ngạc nhiên tại sao em thông giáo lý nhanh để tám với cha như thế ;))

    Trả lờiXóa
  14. @Thụy:
    Lại bắt giò được bác Thụy rồi. "Ngày lễ thánh" do Bạch Diệp đạo diễn, Trà Giang đóng vai chính thì đúng rồi. Cả Thế Anh cũng thế. Vai nữ thứ chính là do Như Quỳnh đảm nhận. Phim dựng theo tiểu thuyết "Bão biển" của Chu Văn. Hehe!

    Trả lờiXóa
  15. Ông Chu Văn và ông Chu Lai ngòai đời khác hẳn nhau ;))
    @ Lana: hi, chị cũng hay "mê" các cha lắm, đẹp trai và trí tuệ hơn hẳn các... Sư. Hồi đại học lớp chị có anh bạn học trường Dòng ra, ui giời, đẹp trai kinh khủng, đến nỗi mình tránh ko dám nói chuyện nhiều, sợ cầm lòng hổng đặng :)) Sau gặp lại anh ta mới bảo: ngày ấy H kiêu thế. Tiếc quá :D

    Trả lờiXóa
  16. @Hậu: Giống nhau nhỉ? Em cũng toàn 'né' vì không tự tin, rồi sau này bị bảo 'kiêu', rồi ngồi tiếc :)

    Trả lờiXóa
  17. VMC: Hi hì! Nhầm to nhỉ! Chán thế chứ! Đúng là Bão Biển của Chu Văn. Tiểu thuyết và tác giả tầm cỡ thế mà nhầm thì thật là đáng trách. Cám ơn em nhé!

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...