ĐÔI KHI EM CẦN CÓ MỘT ROBOT BÊN CẠNH


Nguyễn Thị Hậu

Dù biết nó chỉ im lặng, nhưng em vẫn cần có nó!
Đã bao giờ người phụ nữ của bạn nói với bạn câu đó chưa, như một lời than thở, một câu hờn dỗi, một sự trách cứ?

Nếu đã nghe, bạn sẽ phản ứng thế nào? Tôi cá rằng bạn vẫn tỉnh queo mà nói rằng, một robot? nhưng em cần nó để làm gì? Và trong đầu bạn sẽ điểm nhanh những “robot” đã có trong nhà: 

Máy giặt này, vò vắt sấy nhé, chỉ còn thiếu biết phơi biết gấp và biết ủi quần áo. Nhưng nó kêu khi hoạt động, lúc “trẻ” thì rù rì thôi nhưng càng “già” càng kêu to! 
Nồi cơm điện này, cho gạo nước vào tự sôi tự chín tự hâm cho đến khi rút điện ra. Chỉ phiền đôi lúc đãng trí quên bấm nút thì không có cơm. Mà bây giờ ai cũng có thể đãng trí vào những lúc cần tỉnh táo nhất.

Máy lạnh này. Cài chế độ hoạt động với nhiệt độ, giờ tắt… cứ thế mà yên giấc ngủ ngon không sợ nửa đêm lạnh quá hắt hơi sổ mũi. Nhưng đã có lần cái rờ-mốt hết pin, bấm mãi chẳng được, mà trong nhà không có cục pin mới nào cả… Đành dùng quạt máy một hôm, thấy nóng nực bứt rứt khó chịu lắm cứ như đã nằm máy lạnh ngay từ trong bụng mẹ.

Tivi này. Ôi trời bao nhiêu là kênh muốn xem gì cũng có. Phim ca nhạc thể thao khám phá thời sự nữ công gia chánh talkshow gameshow… Mà càng nhiều kênh nhiều chọn lựa thì càng chẳng xem trọn vẹn một chương trình nào. Thấy chán chán quen quen là bấm nhảy kênh khác. Cả buổi tối nhìn TV nhưng rút cục chẳng biết mình xem gì.
Máy hút bụi. À, cái này đúng là robot nhé, loại mới nhất của Nhật. Tự hút bụi lau sàn, cứ bò như con rùa, đụng cái gì lùi ngay ra quay đi hướng khác. Nhìn nó cũng vui mắt, cho đến một ngày… không hiểu vì sao nó bò chậm như con rùa đau thận. Hỏi khắp nơi không nơi nào chữa vì… mua bên Nhật nên ở đây chưa có bảo hành.

Nói chung, với những robot như thế đã đủ tiện nghi cũng như phiền toái, vậy mà còn cần thêm một robot nữa, mà lại là robot câm. Thật chẳng hiểu đàn bà muốn gì?
***
So với những năm cuối thế kỷ 20, hiện nay phần lớn gia đình ở các đô thị nước ta đã trang bị được nhiều vật dụng hiện đại, từ trong bếp, nhà vệ sinh đến phòng khách, phòng ngủ. Nhiều gia đình còn có phòng sinh hoạt chung trang bị dàn máy chiếu phim, nghe nhạc trị giá hàng trăm ngàn đô la. Nhà phố hay villa hay chung cư đều theo xu hướng ai cũng có phòng riêng đầy đủ TV, máy lạnh thậm chí cả tủ lạnh nhỏ xinh. Máy tính thì hầu như nhà nào cũng có, trung lưu trở lên mỗi người một laptop chưa kể Ipad, Iphone… 
Trong không gian riêng con người đắm mình vào thế giới internet: đọc sách xem phim nghe nhạc, tra cứu tài liệu thông tin, giao tiếp qua chat, video của các mạng xã hội, chơi game, sử dụng các loại dịch vụ online: mua sắm, ngân hàng, booking vé tàu xe khách sạn… mà không cần phải bước chân ra ngoài và giao tiếp với người khác. Thậm chí có khi người trong một nhà nói chuyện với nhau bằng email hay messenger vì cơ hội gặp mặt trò chuyện ngày càng ít dần.

Con người được phục vụ chu đáo bởi công nghệ mới, máy móc làm giảm bớt công sức làm việc nhà dù đó là người giúp việc. Tưởng như vậy thì người ta sẽ dành thời gian và sức lực để tiếp xúc nhiều hơn với con người với thiên nhiên… Nhưng ngược lại con người lại trở nên lười biếng hơn. Tay lướt mạng mắt nhìn hình ảnh tai nghe âm thanh đầu óc có thể xử lý cùng lúc nhiều thông tin nhưng có khi lại ngẩn người nghĩ mãi không ra một ai có thể cùng mình trò chuyện, rất khó khăn để nói một câu ngọt ngào “sến sẩm” hay cảm thán vì đã quen dùng các icon thay cho cử chỉ ngôn từ bộc lộ cảm xúc. 

Người ta tưởng sẽ bớt cô đơn khi có cùng lúc nhiều mối giao tiếp trên không gian mạng. Nhưng cũng hệt như cái TV có hàng chục kênh hàng trăm chương trình, rút cục chẳng có gì làm ta quan tâm hơn việc đi tìm kiếm chính những gì mình quan tâm. Những sự giao tiếp mạng lại vui vẻ trong chốc lát nhưng không giúp ta tìm thấy những gì mong muốn… Và ta lại “mải miết đi tìm” mà quên mất có người âm thầm bên cạnh nhưng lại coi như một hình bóng thoáng qua…
Có bao giờ bạn nhận ra và giật mình vì những điều như thế?
***
Đôi lúc em cần có một robot bên cạnh, loại robot im lặng chứ không cần robot biết nói những câu lập trình sẵn không mảy may cảm xúc. Em ước mong có thế hệ robot mới hiểu được cảm xúc của con người và đáp lại, không bằng lời nói, vì có những phút giây “lời an ủi cũng trở thành vô nghĩa”. Loại robot “cảm xúc” có thể đến bên em, để em im lặng dựa đầu vào khuôn ngực có tiếng động khe khẽ của trái tim nhân tạo, để nó dịu dàng quàng đôi tay thô nhưng nhưng không hờ hững ôm lấy đôi vai mệt mỏi của em. Đôi lúc, em cũng cần robot “lắng nghe và thấu hiểu” cảm giác bay bổng lãng mạn hay giây phút sến sẩm của em, những lời nói không đầu không cuối, cả những than vãn cằn nhằn… Và khi nó tỉnh queo không “trả lời trả vốn” thì ít nhất em cũng có một lý do để tự an ủi rằng, vì nó là robot!

Với người thân yêu, phụ nữ cần thật nhiều mà cũng thật ít. Trái tim phụ nữ phức tạp mà cũng rất giản đơn. Sức lực đủ để có thể làm mọi việc nhưng cũng vô cùng yếu đuối trong một vài khoảnh khắc… Thật ra, người phụ nữ của bạn không cần một robot để nghe cô ấy nói hay để làm giúp cô ấy bất cứ điều gì. Đơn giản, cô ấy cần sự có mặt của một ai đó… ở bên cạnh khi cần nhau đã là ấm áp cảm thông và chia sẻ ngọt ngào.

Bạn chắc không muốn có một robot thay thế mình trong trái tim người phụ nữ mình yêu thương, phải không?
P/S. Và biết đâu sẽ một người khác thay thế bạn dù chỉ trong khoảnh khắc?

Thời báo kinh tế Sài Gòn Xuân Mậu tuất 2018

 Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản và món ăn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...