CHÙM CHÌA KHÓA NHÀ


Nguyễn Thị Hậu

Về đến Sài Gòn mới thấy trong túi vẫn còn chùm chìa khóa nhà bạn, nhắn, bạn trả lời: không sao, em vẫn còn một chìa khác, chị cứ giữ lấy mai mốt ra Hà Nội lại đến ở nhà em nhé!  Bần thần, lâu lắm mới lại giật mình lo người khác không có chìa khóa vào nhà. 
Không biết từ bao giờ các gia đình ở thành phố không còn nỗi lo lắng về chìa khóa nhà nữa nhỉ? Hồi xưa, mà cũng không xưa lắm đâu, vài chục năm trước thôi, ở Hà Nội hầu như mỗi gia đình chỉ có một chùm chìa khóa, trong đó có chìa khóa nhà, cổng (nhiều gia đình cùng ở trong một căn biệt thự cũ nên có cổng chung, hoặc chung nhau làm một cửa sắt ở đầu hành lang nếu ở nhà tập thể). Có khi có cả chìa khóa tủ quần áo hay chìa khóa xe đạp… Đa số là ổ khóa nội dùng ít lâu thì bạc màu thậm chí hoen rỉ, chìa khóa thì cong vênh. Hiếm hơn là ổ khóa Trung quốc màu vàng chóe, về sau có nhà dùng dây khóa xe đạp (được những “nghiên cứu sinh” mang về từ Liên xô, Đức, Tiệp) để khóa cửa… 

Trong gia đình luôn có một người “chịu trách nhiệm” giữ chìa khóa, thường là mẹ. Mẹ chú ý cửa nẻo khi ra khỏi nhà hay đêm hôm, mẹ thường về sớm đón con, đi chợ nấu cơm và ít khi đi đâu trừ khi đi làm… Vậy nên mẹ là “tay hòm chìa khóa” đúng nghĩa. Mẹ cẩn thận làm một sợi dây chắc chắn để buộc mấy chiếc chìa khóa thành một chùm, thời ấy đâu có những móc khóa tiện dụng như bây giờ, lại thêm một sợi dây dài để có thể đeo vào cổ hay quấn vào cổ tay. Thỉnh thoảng đi đường thấy có người buộc chùm chìa khóa vào ghiđông xe đạp, nó va vào xe lách cách lách cách như thay thế cái chuông xe đã mất hoặc được tháo ra cất đi vì… sợ mất. 

Nhiều gia đình con cái học khác buổi nên có cảnh đứa nào học chiều thì sáng bị nhốt trong nhà, đứa đi học sáng chờ đến trưa mẹ về mở cửa vào nhà “thay ca” chiều. Mẹ khóa cửa đi làm thì anh em “trong ngoài cửa sắt” thò tay qua cửa cấu chí lẫn nhau. Có gia đình bố mẹ đi làm giờ giấc thất thường nên chùm chìa khóa lủng lẳng “thường trực” trên cổ đứa con. Ở khu tập thể không hiếm cảnh nhà nào đó bị mất chùm chìa khóa, thôi thì náo loạn tiếng mẹ mắng con khóc bố quát tháo cả mẹ lẫn con. Bực mình vì không vào nhà được hay không khóa được cửa để đi làm chứ ít ai sợ mất chìa khóa vì sợ trộm lấy đồ, nhà nào cũng như nhà nấy, có gì đâu ngoài cái xe đạp quý nhất thì luôn bên người. Hồi đó có câu “thân thể người ta chia làm bốn phần: đầu, mình, tứ chi và xe đạp”, đêm ở trong nhà mà xe đạp vẫn phải khóa lại, thậm chí dây khóa xe còn buộc vòng vào… chân giường.

Ngày ấy ở Hà Nội cũng có thợ làm chìa khóa, bác thợ thường ngồi ở một góc phố, trước mặt là cái tủ gỗ nhỏ bên trên có mấy sợi dây thép xâu những chiếc chìa khóa cũ và mấy dụng cụ sửa khóa như giũa, đục, cưa cái nào cũng xinh xinh. Khi cần thì mang chìa khóa ra đó “đánh” thêm một hai chiếc dự phòng chứ ít khi gọi thợ vào mở khóa, vì thật ra phần lớn khóa cũng dễ mở nếu không có chìa, “khóa người ngay chứ ai khóa kẻ gian” là thế. Có lúc thợ sửa khóa đạp xe đi khắp phố phường, vòng dây thép nặng những chiếc chìa khoá xúc xắc vang lên, nhưng đến khi có việc cần thì lại chẳng thấy tăm hơi tiếng rao “khóa ơ…” đâu cả.

Bao lâu rồi trong gia đình không còn người phải lo lắng nếu mình không về thì người khác không có chìa khóa vào nhà? Bao lâu rồi mẹ không phải nóng lòng nghĩ đến con phải đợi ngoài cửa trong cái lạnh cái đói cái nắng? Bao lâu rồi chồng về khuya không còn áy náy lo vợ phải thức chờ mở cửa? Bây giờ khóa an toàn hiện đại, nhiều chìa cho một ổ khóa nên mỗi người một chiếc, thậm chí có người ở nhà cũng không phải “phiền phức” gọi cửa. Cả ngày chẳng nhìn thấy nhau vì tự khóa tự mở, tự đi tự về… chiếc chìa khóa tiện lợi mà vô tình làm cho không ai cần ai nữa… Cũng có chỗ treo chùm chìa khóa của các cánh cửa trong nhà nhưng chỉ để dự phòng, lâu ngày không dùng nên không biết chìa nào của khóa nào cửa nào nữa.

Có chuyện thế này, chị bạn tôi giận chồng vì anh có bồ bịch nên đưa con về bên ngoại. Nhưng mỗi khi thấy chùm chìa khóa nhà chị lại nhớ những ngày mặn nồng bên nhau. Được vài bữa chị thấy nhẹ lòng hơn và quay về. Mở cửa mãi không được. Nhìn lại, ổ khóa đã bị thay. Chị điếng người. Anh chị mỗi người đều có chìa khóa nhà… Nhìn chùm chìa khóa vô dụng chị hiểu anh đã dứt tình.
Nhưng cũng với chùm chìa khóa mà ai đó dặn dò “người dưng”: em/anh cầm chìa khóa nhà nhé, là thay lời muốn nói hãy coi đây là tổ ấm để bắt đầu một cuộc sống mới. Bước vào ngôi nhà mới không ai muốn một lúc nào đó ra đi mà phải để lại chìa khóa ngôi nhà. Chùm chìa khóa nhà khi ấy là tượng trưng cho hạnh phúc… 

Bây giờ bọn trẻ không cả nghĩ như mình đâu chị ạ - bạn nói – bây giờ có khóa từ, khóa vân tay, khóa điện tự động… máy móc hiện đại giúp người ta quên nhanh lắm. Không như chúng mình cứ nhớ hoài về chùm chìa khóa ngày xưa…

Hà Nội - Sài Gòn tháng 12/2017. 
TC PHỤ NỮ MỚI TẾT MẬU TUẤT 2018. Minh họa: Họa sĩ Đỗ Phấn
 Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...