LÊN ĐƯỜNG ĐỄ ĐẾN TÂM AN

Nguyễn Thị Hậu

Mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Phong tục tổ chức lễ hội vào thời gian nông nhàn” khiến cho trong Nam ngoài Bắc khắp đình, chùa, đền, miếu... tấp nập người đi lễ. Ngày xưa lễ hội những ngày này, dù vào “tháng Giêng ăn chơi” nhưng không nặng tính thực dụng mà chủ yếu để giải trí, du xuân gặp gỡ mọi người và thăm viếng nơi danh lam thắng cảnh. Những lời khấn cầu đầu năm ngoài sự mong muốn những điều may mắn tốt lành còn nhằm bày tỏ lòng thành tâm thiện với Thần, Phật. 

Trải qua mấy chục năm chiến tranh, ở miền Bắc nhiều phong tục tập quán liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo bị xóa bỏ vì coi là “mê tín dị đoan”. Nhưng sau chiến tranh, nhất là từ khi “đổi mới” về kinh tế, trong xã hội “làm giàu” trở thành mục tiêu của nhiều người thì nhiều tục lệ đã phục hồi và ngày càng phát triển theo hướng thực dụng. 

Điều đáng nói là việc cầu xin tài lộc chức tước lan tràn mọi lúc mọi nơi, đến mức không thể kiểm soát! Bây giờ vào ngày lễ tết đền chùa nào cũng mù mịt khói nhang tràn ngập đồ lễ vàng mã tiền lẻ rải như rác... Người ta cho rằng lễ càng “hoành tráng” thì thần, phật càng chứng giám phù hộ, cơ may như những hợp đồng làm ăn béo bở, chức tước danh vị sẽ vào tay mình, tránh được những rủi ro thậm chí nếu vi phạm luật pháp sẽ không bị phát hiện và được bao che khỏi sự trừng trị của cơ quan chức năng...

Từ đó đã nảy sinh hiện tượng “buôn thần bán thánh”, “mua chuộc thần phật”, “kinh doanh tâm linh”... Phục vụ cho nhu cầu này nên chùa chiền được trùng tu, xây mới tràn lan, ngày càng hoành tráng, truyền thông rầm rộ về những ngôi chùa xác lập một “kỷ lục” nào đó về quy mô kiến trúc trang trí, sự có mặt của các vị quan chức thăm viếng cúng dường, tổ chức lễ hội cấp quốc gia... Chùa càng to càng “giàu có” thì càng đông “tín đồ”, tiếng đồn “linh nghiệm” càng nhiều. Người ta ồ ạt theo những tour “du lịch tâm linh” vội vã chạy từ chùa này sang chùa khác cho đủ mấy “kiểng chùa” mà không có nơi nào đủ thời gian mà lắng lòng thanh tịnh. 

Trong khi đó ở đâu cũng có chùa làng. Những ngôi chùa đơn sơ giản dị, gần gũi với dân cư trong vùng, nhiều chùa nuôi trẻ mồ côi người già cơ nhỡ... nhưng ít người thăm viếng, thỉnh thoảng có người “từ thiện” đến giúp đỡ chút đỉnh. “Phật tại tâm” sao còn phân biệt chùa giàu chùa nghèo, phân biệt chùa lớn chùa nhỏ? Sự phân hóa “đẳng cấp” một cách sâu sắc không chỉ có ngoài xã hội mà đã hiện diện trong các ngôi chùa phản ánh nhu cầu tâm linh đã bị tâm lý “thực dụng” lấn át. 

Xưa trong truyện cổ tích khi khó khăn người ta thường cầu xin ông Bụt giúp đỡ, nay lại coi Phật như ông Bụt vạn năng có thể giúp cô Tấm trở thành hoàng hậu hay giúp anh nông dân có cây tre trăm đốt để trả thù phú ông nên người ta lên chùa cầu xin không thiếu thứ gì... Và phải chăng vì quan niệm “Bụt chùa nhà không thiêng” nên hay phải đi cầu Phật chùa xa cho “linh”?
  Nhiều người đã biết rằng, đi lễ chùa đầu năm hay vào ngày rằm, mùng một hàng tháng là để tỏ lòng thành kính với Đức Phật, con người đến với Phật không phải để cầu xin ban phát lợi lộc vật chất cho mình mà tìm đến giáo lý Phật Giáo để giác ngộ, xuất phát từ bản thân làm việc thiện “tu nhân tích đức”... Trong xã hội ai cũng hướng thiện và làm việc đức thì ngày càng có nhiều điều tốt đẹp cho tất cả mọi người, trong đó có mỗi người. Đó là tâm thức cần có khi đến với các tôn giáo trong đó có Phật giáo. 

Mùa lễ hội nào cũng kết thúc, mọi người lại trở về với công việc và sinh hoạt thường ngày. Nhưng điều quan trọng là sau mỗi lần lên chùa vào đền thành kính khấn vái, chúng ta có hành xử tử tế, làm ăn lương thiện và chăm chỉ hơn không, bởi vì nói cho cùng, lười biếng thì không Thần nào cứu giúp, ác tâm thì không Phật nào độ trì... Có tâm có đức thì mới có linh. Vô tâm thất đức thì dù có cầu cúng đến đâu cũng không thể mang lại sự bình an trong tâm hồn. Tâm bất an là nguyên nhân mọi sự bất ổn của cá nhân và xã hội.

Sài Gòn 25.2.2018

Kết quả hình ảnh cho lễ chùa đầu năm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...