Tùy bút. Nguyễn Thị Hậu
Người miền Tây mỗi khi đi Sài Gòn thì kêu bằng “lên thành phố”. “Thành phố” gần như trở thành danh từ riêng để chỉ Sài Gòn dù miền Tây có nhiều đô thị sầm uất, như Cần Thơ – được coi là thủ phủ miền Tây, như Long Xuyên – thành phố bên bờ sông Hậu, như Mỹ Tho bên sông Tiền – một “đại phố” từ thủa mới hình thành…
Trên những con đường tỏa khắp miền Tây có đến hàng ngàn cây cầu lớn nhỏ bắc qua hàng trăm con sông, kinh, rạch… chằng chịt. Giữa các tỉnh hầu như đều có ranh giới tự nhiên là những giòng sông lớn nhỏ, trên trục lộ chính cứ qua một bến phà một cây cầu là vào địa phận một tỉnh khác. Chỉ mươi năm trước qua sông Tiền sông Hậu còn phải có chuyến phà bến bắc thì nay đã có những chiếc cầu dây văng đẹp như mơ: cầu Mỹ Thuận nối Tiền Giang và Vĩnh Long, từ đó qua cầu Cần Thơ là vào Tây Đô, cầu Rạch Miễu nối Mỹ Tho với Bến Tre, qua cầu Hàm Luông là vào đất Trà Vinh… Mai mốt xây xong cầu Vàm Cống nối Đồng Tháp và Long Xuyên, rồi qua cầu An Hòa vào Rạch Giá… thì quốc lộ Một gần như liền lạc không còn cảnh ngăn sông cách bến. Hồi gần hai mươi năm trước, khi khánh thành cầu Mỹ Thuận, đoạn quốc lộ hai đầu cầu kẹt xe hàng tuần, dưới sông thì đặc kín ghe xuồng… bà con các tỉnh kéo nhau về đây để tận mắt được nhìn thấy câu cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất của đồng bằng sông Cửu Long, cây cầu trong mơ của bao nhiêu đời người miền Tây.
Đường lên thành phố bây giờ chủ yếu là đường bộ. Quốc lộ Một như “xương sống” từ Sài Gòn về tới Cà Mau, đi qua hoặc tỏa nhánh vào các thành phố, thị tứ bằng những tỉnh lộ… gần đây tuy được mở rộng nhưng phần lớn vẫn là “độc đạo” chật hẹp, xe hơi xe máy ngày đêm cứ đan vào nhau, tai nạn nghiêm trọng không ngày nào không có. Ở vùng sâu còn bao nhiêu cây cầu thô sơ, sức tải yếu, hàng ngàn cầu khỉ chênh vênh… tuy là hình ảnh thân thuộc lâu đời của quê hương nhưng trở ngại cho lưu thông hàng ngày, cho sự phát triển của địa phương. Để có thể làm đường xây cầu ở khắp miền Tây thì rất tốn kém và cần nhiều thời gian nữa…
Nhiều lần đi dọc đường miền Tây tôi luôn tự hỏi, tai sao không sử dụng và phát triển giao thông đường thủy – một lợi thế tự nhiên ở đồng bằng sông Cửu Long đã được cư dân tận dụng từ hàng trăm năm nay?
Sông Cửu Long chảy vào Nam bộ dài khoảng 250km theo hai nhánh lớn là Tiền Giang và Hậu Giang. Sông Tiền qua Châu Đốc, Sa Đéc, Cao Lãnh, Vĩnh Long rồi tỏa nhánh qua Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh đổ ra biển bằng Cửa Tiểu, cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu. Sông Hậu cũng qua Châu Đốc rồi qua Long Xuyên, Cần Thơ, Sóc Trăng và ra biển bằng cửa Định An, Ba Thắc và Tranh Đề. Hàng trăm kinh đào và sông rạch tự nhiên đã tạo nên hệ thống đường thủy nối liền chứ không chia cắt miền đồng bằng rộng lớn. Cùng với đường biển, Nam bộ có cả một nền văn minh sông nước trong đó phương tiện đi lại và giao thông đường thủy là một nét văn hóa đặc sắc.
Ngày trước ghe thương hồ và chợ nổi là những “đầu mối” mang hàng hóa từ miệt vườn, miệt thứ, miệt u minh… đi ra nơi thị tứ, lên thành phố. Ngày nay đi dọc các con sông ta còn thấy nhiều “chành” lúa gạo, trái cây, gần đây có những chành gốm… là nơi tập kết thu mua và chuyên chở sản phẩm đi khắp nơi. Thế mạnh của miền Tây là nông sản: trái cây, lúa gạo, thủy hải sản… quanh năm mùa nào thức ấy. Phần lớn là hàng hóa tươi sống cần vận chuyển nhanh để đảm bảo chất lượng bên cạnh việc phục vụ nhu cầu lớn của thị trường cả nước và xuất khẩu. Mặc dù đã có một số nhà máy chế biến nông sản, thủy hải sản tại địa phương nhưng việc đưa sản phẩm đến vùng miền khác còn nhiều trở ngại. Vì vậy giao thông là yêu cầu hàng đầu cho miền Tây, tuy đã có những loại xe chuyên dụng bảo quản trái cây tôm cá… nhưng chỉ cần một sự cố gây kẹt xe tắc đường là nguy cơ hàng hóa hư hỏng, dẫn đến nhiều hệ lụy khác.
Theo thời gian, đồng bằng sông Cửu Long ngày càng trở thành vùng nông nghiệp quan trọng nhất nước. Vậy nhưng hiện nay nơi đây vẫn chỉ “độc đạo” quốc lộ Một với mật độ lưu thông dày đặc. Trong khi miền Tây chờ đợi một tuyến đường cao tốc như nhiều nơi ở miền Bắc đã có, chờ đợi việc phục hồi và xây mới tuyến đường sắt từ Sài Gòn đi các tỉnh, nên chăng cần sử dụng đường thủy nhiều hơn để giảm tải cho đường bộ, để có thể thuận tiện hơn khi đi vào vùng sâu vùng xa thu mua nông sản, để góp phần lưu giữ một nét văn hóa độc đáo của miền sông nước? Tất nhiên, những phương tiện như ghe, tàu, xà lan… cần được hiện đại hóa, đáp ứng về tốc độ, an toàn, bảo quản hàng hóa, không làm ô nhiễm nước sông … Đường thủy cần được bảo đảm an toàn, an ninh, hạn chế nạo vét khai thác cát hay xả chất thải gây ô nhiễm môi trường.
“Từ nghìn đời vẫn dòng sông quê hương
Vẫn tàu ta đi muôn dặm nẻo đường
Mà đêm nay tàu nhổ neo rời bến
Nghe dạt dào sông nước trong đêm…”
Những bài hát về sông nước Nam bộ luôn có lời ca tha thiết mà giai điệu thể hiện sự sôi động của một vùng đất giàu tiềm năng với những con người chịu thương chịu khó và lạc quan trong cuộc sống.
Vẫn tàu ta đi muôn dặm nẻo đường
Mà đêm nay tàu nhổ neo rời bến
Nghe dạt dào sông nước trong đêm…”
Những bài hát về sông nước Nam bộ luôn có lời ca tha thiết mà giai điệu thể hiện sự sôi động của một vùng đất giàu tiềm năng với những con người chịu thương chịu khó và lạc quan trong cuộc sống.
TC Nhà quản lý Tết Mậu tuất 2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét