TS Nguyễn Thị Hậu nói chuyện về bảo tồn di sản đô thị trong quá trình hiện đại hóa
26/06/2017 15:32 -
Một thành phố hiện đại cần được xây dựng từ sự hiểu
biết và trân trọng quá khứ, và sự hiện hữu của di sản văn hóa sẽ luôn
đảm bảo cho tương lai bền vững của nó.
TS. Nguyễn Thị Hậu (ảnh NVCC).
Tiến trình đô thị hóa ở Việt Nam nói
chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng không phải là một đường thẳng, bằng
phẳng với xu hướng tích cực mà như con đường bị đào xới và dựng nhiều
“lô cốt” làm phát sinh không ít những vấn đề nan giải, đòi hỏi các nhà
quản lý đô thị phải có tầm nhìn và chính sách để “phát triển bền vững”.
Một trong những vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để xây dựng thành
phố văn minh hiện đại nhưng không mâu thuẫn với việc bảo tồn những di
sản văn hóa của đô thị?
Thực trạng “hiện đại hóa” ở các đô thị
bằng cách xóa bỏ những dấu tích xưa cũ là “hồn cốt” của các đô thị diễn
ra dồn dập trong nhiều năm gần đây đã gióng lên tiếng chuông báo động:
di sản văn hóa vật thể không được bảo tồn thì di sản văn hóa phi vật thể
cũng không thể duy trì. Dấu tích xưa cũ không còn thì ký ức, tình cảm
con người đối với đô thị không thể lưu truyền mãi mãi.
Từ đầu những năm 2000 đến nay, mâu thuẫn
này càng gay gắt: giữa “phát triển” hay “bảo tồn” di sản, giữa lợi ích
“tiền trao cháo múc” của nhà đầu tư hay lợi ích “giá trị tinh thần” lâu
bền của cộng đồng, về vai trò “làm chủ” đô thị - của chính quyền hay
cộng đồng?
Để giải quyết mâu thuẫn này, phải trở về
xuất phát điểm: di sản đô thị của ai? Của chính quyền, của nhà đầu tư
hay của cộng đồng? di sản văn hóa là của riêng thành phố hay của cả
nước? Trả lời câu hỏi này là thể hiện nhận thức và quan điểm về bảo tồn
di sản một cách rõ ràng, đồng thời thể hiện cái tâm và cái tầm của nhà
quản lý. Bài học của thế giới là “di sản đô thị” là của cộng đồng, nó là
nguồn vốn xã hội quan trọng và cần được sử dụng, “đầu tư” để phát triển
đô thị theo chiều kích lịch sử. Từ đó hình thành, xây dựng những thế hệ
con người/cộng đồng dân cư mang tâm thức và lối sống của đô thị. Có con
người đô thị mới bảo tồn và phát triển di sản văn hóa đô thị và ngược
lại.
Trong buổi nói chuyện “Bảo tồn di sản đô
thị trong quá trình hiện đại hóa”, TS Nguyễn Thị Hậu [1] sẽ phân tích
những mâu thuẫn trên từ trường hợp Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, một đô thị
đứng trước những thách thức khó khăn quá lớn trong việc bảo tồn di sản
văn hóa đô thị.
Buổi nói chuyện do Tia Sáng tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động thường kỳ đưa khoa học và nghệ thuật đến công chúng.
Thông tin chi tiết:
Thời gian: 14h30, thứ Hai ngày 3/7/2017.
Địa điểm: Café Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Vào cửa tự do.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét