MẸ CON VÀ BỮA CƠM


Ngày còn nhỏ ở nông thôn, đi học về có thể theo bạn vào xóm ra làng hay lang thang trên đồng ngoài bãi. Mải chơi nên hay về muộn, cả nhà ăn cơm rồi nhưng mẹ vẫn chờ, ngồi ăn cùng con chỉ để nhắc con gái ăn uống phải từ tốn, xong bữa nhớ dọn dẹp bếp núc gọn gàng. Cũng có bữa ăn bị mẹ mắng vì một lỗi lầm nào đó, nước mắt chan cơm nhưng nhớ đời từ đó về sau không bao giờ tái phạm.
Lớn lên, mấy anh em đi đâu thì đi cũng phải có đứa về sớm, sợ “mẹ chờ đứa nào về ăn cho vui”. Con gái đi lấy chồng may mà anh trai đã lấy vợ, mâm cơm của mẹ có thêm chị dâu ngồi cùng. Bữa ăn có mẹ có con trở thành nền nếp gia đình…
***
Mấy hôm nay truyền thông xôn xao vụ án mà bị cáo là cô gái trẻ đã bị tạm giam gần hai năm, nguyên cáo là một người đàn ông đã có gia đình và thành đạt. Họ lôi nhau ra tòa vì “tình – tiền”, kết quả thế nào chưa biết nhưng có một điều chắc chắn là hậu quả của vụ án này không chỉ hai con người đã trưởng thành kia lãnh chịu mà gia đình họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tôi không biết gì về hai người mẹ của hai “nhân vật chính” trong vở bi hài kịch vừa diễn ra, nên tôi thử đặt mình vào vị trí của họ khi nghĩ đến bữa cơm của hai gia đình. Người mẹ nào chẳng muốn được ăn cơm cùng với con và chuyện trò vui vẻ, khi con lập gia đình có thể ở riêng nhưng bữa ăn vẫn là khoảng thời gian cha mẹ nhớ đến con, vui cùng con những thành công và buồn rầu, thậm chí mất ăn mất ngủ khi con gặp điều không may.
Gần hai năm không có con gái ăn cùng, có bữa cơm nào người mẹ ấy không nghĩ về con? Nghĩ cách cứu con ra khỏi nơi nó đang phải ở, nghĩ về những gì đã xảy ra, về cuộc sống của con trước đó… Khi nghĩ về người đàn ông có quan hệ mật thiết với con gái mình có lẽ bà chỉ còn nhìn thấy hành xử cạn ráo lạnh lùng hiện nay mà quên đi những nồng nàn và lợi lộc anh ta đã mang lại cho con gái bà.
Gần hai năm gia đình nhỏ của người đàn ông chông chênh bên bờ vực, có bữa cơm nào người mẹ không nghĩ đến hạnh phúc của con trai, gia sản của con và các cháu nội của bà, nghĩ đến cô gái là “người thứ 3” của gia đình con trai hẳn bà không thể nào dành cho cô một chút tình cảm.
Nuôi dạy con thành trai tài gái sắc, thành đạt giỏi giang, chắc hai người mẹ đã phần nào yên tâm và tự hào. Nhưng bây giờ thấy những gì con làm, nghe những gì người ta nói về con mình làm sao hai người mẹ ấy không đau đớn? Lòng mẹ yêu con ai cũng thấy con mình đúng nhưng nếu thử đứng về người mẹ bên kia, nếu thử nhìn sự việc như xã hội đang nhìn? Không thể trách dư luận xã hội khi con cái mình quan niệm lối sống sai lầm: có vợ con rồi vẫn bồ bịch “bao tiêu”, là người đẹp nên “có quyền” đòi hòi đàn ông chu cấp tiền bạc, chưa kể những việc đang lộ dần qua phiên tòa… Con ngã mẹ đau hơn vạn lần, đau nỗi đau của con, đau nỗi đau của mẹ đã không nhìn thấy và uốn nắn con kịp thời…
Vụ án đang tạm dừng vì có thêm nhiều thông tin mới. Sự thật sẽ sớm được tìm ra. Mong rằng trong những ngày tạm yên cả hai nhà đều có bữa cơm có mẹ có con, chắc hẳn chưa thể vui vẻ, có khi còn nặng nề nữa, “trời đánh tránh bữa ăn” nhưng bữa cơm cũng là lúc mẹ con dễ dàng nói chuyện với nhau, để giãi bày để khuyên nhủ… Hy vọng cuộc sống tiếp theo của những đứa con không làm hai người mẹ ấy phải buông đũa thở dài “con dại cái mang”…
***
Nhưng cũng trong những ngày này có một người mẹ sẽ phải xa con gái 10 năm nữa. Còn bao nhiêu bữa cơm mà bà vắng con cháu thơ vắng mẹ? Dù có đạm bạc đến đâu, dù bị o ép đến đâu thì bữa cơm của ba bà cháu vẫn ấm áp vì sự gắn bó, vì được nhiều người âm thầm chia sẻ, vì tuy rất xót xa nghĩ đến người vắng mặt nhưng bà luôn thương yêu và tự hào vì lẽ phải mà con gái đang làm.
Cũng là người mẹ, tôi thấy mình nợ gia đình chị Như Quỳnh bữa cơm đoàn tụ bà cháu mẹ con đầm ấm bên nhau!
Sài Gòn 30.6.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...