(Phim hoạt hình Pháp của
Đạo diễn Mark Osborne, chiếu tại Viện Văn hóa Pháp Idecaf TP. Hồ Chí Minh)
Thú thật, tôi chưa từng đọc
hết cuốn truyện mỏng của Antoine de Saint-Exupéry dù rất
nhiều lần bắt đầu, dù đọc bằng bản dịch của những người khác nhau trong đó có bản
của Bùi Giáng được nhiều người khen ngợi nhất. Hình ảnh bầu trời đêm đầy sao
hay hành tinh nhỏ bé xanh mướt là hình ảnh yêu thích nhưng cứ đọc được một nửa
thì tôi không thể tiếp tục nữa…
“Hoàng tử bé” có lẽ sẽ mãi là một “món nợ” của tôi đối với
văn học nói chung và văn học Pháp nói
riêng. Bộ phim hoạt hình “Hoàng tử bé” của Pháp đã giúp tôi trả được món nợ
này, một cách trọn vẹn.
Bộ phim đan xen
giữa hiện tại của một cô bé “không có tuổi thơ” vì phải học, học và chỉ có học
do những kỳ vọng của cha mẹ và câu chuyện về Hoàng tử bé của ông già từng là
phi công mà lối sống kỳ cục khác những người xung quanh. “Không phải là trưởng
thành mà là sự lãng quên” – bi kịch lớn
nhất của con người thời hiện đại. Ai cũng phải lớn lên và trưởng thành, nhưng
quên lãng những tưởng tượng trong trẻo, đẹp đẽ mặc dù có vẻ phi lý đã làm cho
con ngươi chết lâm sàng trong sự bận rộn và nhàm chán cả cuộc đời.
Khi Hoàng tử bé
ngạc nhiên thấy trái đất có cả vườn hồng và buồn bã vì bông hồng của mình không
là “duy nhất” thì cô bé nói: bông hồng trên hành tinh nhỏ xíu xa xôi kia là duy
nhất của cậu, vì nó đã hiện diện ở nơi đấy để làm bạn với cậu... Ồ, người lớn
luôn chỉ nhìn thấy “những bông hồng” nên rất ít người có thể tự hào nói với
người khác và tự nhắc nhở rằng “đó là bông hồng duy nhất của tôi!”.
Chuyện cổ tích nào
cũng phải kết thúc, Hoàng tử bé lại về với hành tinh bé nhỏ của mình, cô bé kết
thúc kỳ nghỉ hè và chuẩn bị đến trường nhưng cuộc sống của hai mẹ con cô sẽ đổi
khác. Bởi vì họ đã hiểu, những ngôi sao không thể bị nhốt và lấp lánh trong
chiếc lọ thủy tinh chật hẹp, cũng như ước mơ và trí tưởng tượng của trẻ em
không thể bị nhốt trong kỳ vọng của người lớn. Trẻ em là những ngôi sao, chúng
chỉ thực sự tỏa ra ánh sáng kỳ diệu khi được tự do trong bầu trời bao la.
Bộ phim
làm tôi hiểu vì sao đã luôn bỏ dở khi xem truyện. Đó là vì sự cô đơn của tác giả
thẫm đẫm từng con chữ từng trang sách, ngay cả những hình vẽ ngộ nghĩnh nhất
cũng toát lên điều đó… làm trái tim người đọc nghẹn ngào… Hoàng tử bé là cuốn
tiểu thuyết của người lớn chứ không hẳn là dành cho trẻ em.
Phải
chăng vì vậy Saint-Exupéry đã
chọn cách biến mất trên bầu trời xanh thẳm để thoát khỏi sự cô đơn giữa những
con người… Ở một kiếp nào đó, ông –
Hoàng tử bé của hàng triệu độc giả - đã tìm được bông hồng duy nhất của mình?
Sài Gòn 10.6.2017
Nguyễn Thị Hậu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét