BỖNG DƯNG NHỚ… THÙNG NƯỚC GẠO


Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu

Thời bao cấp ở nhiều khu dân cư Hà Nội hay có những cái thùng “nước vo gạo” đựng đủ loại cơm thừa canh cặn cuống rau già vỏ hoa quả… nói chung là “rác thực phẩm”. Thùng nước vo này dùng để nấu thức ăn cho lợn.

Khu tập thể của tôi có bể nước to chung cho cả khu. Hai cái thùng nước gạo đặt gần đấy, nơi mọi người rửa rau vo gạo chuẩn bị nấu cơm và rửa mâm bát sau bữa ăn. Thôi thì tất tật đổ vào thùng, lõng bõng trong nước vo gạo đục lờ nhiều nhất vẫn là cuống rau muống – thức ăn phổ biến hàng ngày của các gia đình. Chẳng mấy khi có xương cá hay xương lợn, xương gà vịt càng hiếm (thỉnh thoảng nhà ai ăn thịt gà còn phải dùng kéo cắt cho khỏi động dao thớt nên xương cũng bọc giấy báo mang vứt tận bãi rác ngoài chợ). Bên cạnh thùng dù có hai cái chổi sể để đấy nhưng vẫn luôn vương vãi cơm rau bốc lên mùi chua thiu nhất là vào mùa nóng nực. Buổi tối chuột cống chạy qua chạy lại sục cả vào trong thùng.

Hàng ngày vào buổi chiều cái Lam học cùng lớp với tôi thường đến đây gánh hai thùng nước gạo đã đầy đi, đặt lại hai thùng khác. Nó quét dọn sạch sẽ lại còn tiện tay dọn luôn cống rãnh quanh bể nước. Lam xinh lắm, da trắng mũi cao mắt sâu, nhưng nó ít bạn. Nhà nó ở trong xóm gần khu tập thể, lần nào tôi vào chơi cũng thấy đàn lợn ba, bốn con nuôi trong cái chuồng bé tí ngay sát nhà. Thế nên nhà nó lúc nào cũng nồng nặc mùi chuồng lợn.

Mang thùng nước gạo về là Lam tất bật thái cây chuối hay băm rau muống già, mẹ nó là người quét dọn chợ nên thu dọn rau thừa rau úa mang về nuôi lợn. Rau băm xong cho vào nồi nước gạo, nấu chín rồi cho cám vào ngoáy đều. Nồi cám lợn sền sệt mùi cám át dần mùi chua thiu, thậm chí còn thơm thơm khi mẹ nó mua được mẻ cám gạo mới. Chờ cám nguội Lam mới cho lợn ăn mặc kệ đàn lợn đói kêu ầm ĩ. Tối mịt khi mẹ nó về mấy mẹ con dọn cơm ăn trong ánh sáng tù mù của một bóng đèn điện bé tẹo. Bố của Lam là công nhân nhà máy điện hay đi làm ca kíp, chẳng mấy khi tôi đến chơi mà gặp ông ở nhà.

Để đổi lấy thùng nước gạo, hàng tháng Lam mang đến để cạnh bể nước hai cái chổi rễ mới, dày dặn được buộc thật chặt. Tiếng là để quét dọn quanh thùng nước gạo nhưng người ta mang đi quét đủ thứ. Ngày chủ nhật làm vệ sinh khu tập thể thì ai cũng lấy hai cái chổi đấy chứ không dùng chổi nhà mình, thế là lại cãi nhau vì hai cái chổi. Có khi vài hôm một cái chổi lại biến mất làm cái Lam phải mua cái khác… Rồi nó nghĩ ra sáng kiến kiếm một đoạn dây dài buộc một đầu vào cái chổi và đầu kia vào vòi nước, vẫn có thể quét dọn mà không mang đi chỗ khác được.

Hồi ấy nuôi lợn là để tăng gia nên nuôi giống lợn ta, dễ ăn, cũng chẳng có gì ngoài rau cám, thêm thùng nước gạo với lũ lợn đã là được ăn ngon, tất nhiên làm gì có thuốc tăng trọng với chất tạo nạc. Lợn chỉ khoảng 50 kg là đã bán. Năm đôi lần nhà Lam bán lợn, người mua thường mang biếu lại ít lòng với dồi tiết, thế là hôm đó nhà nó như đại tiệc. Một lần gần Tết bố Lam bán ba con lợn và giữ lại một con. Ông tự mổ lợn và bán cho hàng xóm quanh đấy, bán chui, nửa đêm thịt lợn đến sáng là “tẩu tán” hết. Năm đó mẹ tôi cũng mua của nhà  Lam cân thịt ba chỉ để gói bánh chưng, lại được bố nó bán rẻ cho nửa cái chân giò để nấu măng (chắc vì biết tôi thân với Lam). Tết ấy nhà tôi cũng như đại tiệc nhưng điều làm tôi nhớ mãi là mẹ tôi cứ tấm tắc khen thịt tươi ngon, lại còn nói: thịt lợn ngon thế là nhờ có thùng nước gạo của khu tập thể nhà mình.

Bây giờ ở thành phố không còn thấy nơi nào có thùng nước gạo, thức ăn thừa để nuôi lợn. Thức ăn ở hàng chục ngàn gia đình, hàng quán… toàn đổ lẫn lộn vào rác khác, thật quá lãng phí! Mà giống lợn bây giờ cũng không còn là lợn ta dễ ăn lâu lớn nhưng thịt ngon mà là những giống lợn ăn cám tổng hợp và nhiều loại khác, lại thêm đủ thứ thuốc bơm tiêm vào…

Mấy hôm nay nghe chuyện “giải cứu lợn” bỗng nhớ lại chuyện thùng nước gạo đổi chổi rễ hồi xưa. À, sau này cái Lam học đại học nông nghiệp trở thành kỹ sư chăn nuôi, nghe đâu cũng là giám đốc một trại nuôi lợn ở ngoại thành. Không biết Lam còn nhớ hai thùng nước gạo cạnh bể nước trong khu tập thể gần nhà nó hay không…

Hà Nội 10/5/2017 - bài đăng trong tạp chí Phụ Nữ Mới số tháng 5/2017


 Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...