BỐN MƯƠI NĂM – VẪN MỘT THÁNG TƯ


1.Một cuộc tình tan vỡ sẽ là một vết thương. Vết thương lành hay không thể lành, hay có khi nhiễm trùng làm độc, tuỳ thuộc vào thái độ của cả hai người sau đó. Người phụ tình thường có lý lẽ của “kẻ mạnh” khi họ hành xử làm tổn thương người bị phụ tình, bởi vì như họ nghĩ, tình đã hết! Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vẫn không chịu chấp nhận rằng, mình đã “thua” trong một cuộc tình. Vì vậy cứ trách móc, cứ hận thù, cứ giữ mãi trong lòng những đau đớn và rồi nuôi dạy con cái bằng chính những căm hận đớn đau. Vết thương càng sâu càng khó lành, vì đã bị khoét thêm, không giữ gìn băng bó cẩn thận.

Tan vỡ là chuyện không ai muốn nhưng chia tay vẫn là kết cục của nhiều chuyện tình. Biết Buông thì cũng nên Bỏ… cho nhẹ lòng. Bởi vì, vẫn còn cuộc sống của chính mình sau cuộc tình tan vỡ, dù có thể sẽ rất khó khăn, nhưng hãy bắt đầu bằng việc để cho quá khứ đi qua, vì nó là thứ duy nhất mà ta không thể nào thay đổi được.

Đấy là lời khuyên của nhiều người với những ai không may phải chia tay cuộc tình.

2. Không ai muốn chiến tranh nhưng thắng thua vẫn là kết cục của bất kỳ cuộc chiến nào. “Nghĩ cho cùng sau mỗi cuộc chiến tranh/ phe nào thắng thì nhân dân cũng bại!” * NHÂN DÂN là ai nếu không phải là mỗi chúng ta?

Tháng Tư lại đến, vẫn “nóng bỏng” như bốn mươi năm qua nên con đường hoà giải vẫn chưa thành hình. Có những người “liều mạng” góp ít “gạch đá” đặt tạm làm chỗ bước chân trên còn đường hoà giải còn nhiều chông gai thì lập tức lãnh đủ “gạch đá” của cả hai bên “thua, thắng”. Sao việc chống “ông bạn” láng giềng, nếu nói việc ấy đã có nhà nước thì nhiều người phản đối vì cho rằng đó là việc của mỗi người phải làm, và thực tế nhiều người cả lề phải lề trái đã có những hành động cụ thể. Còn việc hoà giải giữa những người cùng một nước sao lại không bắt đầu từ mỗi người chúng ta? Không lẽ chống lại người ngoài hay hoà giải với người ngoài dễ dàng hơn làm lành với đồng bào mình? Trong kho tàng ca dao tục ngữ còn đó không biết có bao nhiêu câu khuyên nhủ răn dạy về sự đoàn kết nhường nhịn của những người anh em “gà cùng một mẹ”.

Sau chiến tranh sẽ là gì? Câu trả lời thật giản dị: là hòa bình, là thống nhất. Hòa bình – điều đấy không thể chỉ mình ta quyết định vì 40 năm qua vẫn có những người dân Việt chết ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc, ở vùng biển Đông… nhưng Thống nhất thì do chính ta quyết định, thống nhất giang sơn cùng với thống nhất lòng người chỉ có được khi hiểu rằng không phải chỉ ngừng cuộc chiến mà còn là cách cư xử với nhau khi đã hòa bình. Sự tổn thương ở con người thời hậu chiến còn làm đau đớn hơn những mất mát trong cuộc chiến. Bốn mươi năm đã trôi qua, dù bên này hay bên kia, nỗi đau của những bà mẹ mất con, nỗi đau của những người vợ mất chồng của những đứa con mất cha có còn khác nhau?

"Một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc, cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu... . Mất ba mươi năm câu nói này được một vị lãnh đạo nhà nước nói ra, và đã 10 năm rồi câu nói này vẫn cần nhắc lại **.

Nhiều người lại tỏ ra luyến tiếc “bao giờ cho đến ngày xưa”. “Ngày xưa” ấy là tình nghĩa ruột thịt của những gia đình dù phải chia đôi bên này bên kia trong Nam ngoài Bắc; là nỗi nhớ thương quê hương cây đa bến nước hay dòng kinh cây cầu lắc lẻo vì phải dứt áo ra đi… Có khi ngày xưa là giàu sang phú quý mà cũng có khi chỉ là xóm nhà lá kênh đen… Khi mà cái ngày xưa ấy luôn đẹp đẽ hào quang hơn hiện nay thì hội chứng “tiếc nhớ quá khứ” rất dễ lây lan vì lòng người còn ngổn ngang đôi chốn…

Nếu luôn chỉ nhìn thấy một phía của quá khứ thì đâu còn đủ bình tĩnh để  nhìn thấy hiện tại và tương lai chung của đất nước này.

3. Phải chăng quá khứ chiến tranh ám ảnh chúng ta vì những mất mát đau đớn đã nằm im trong ký ức nhưng cứ bị chạm vào. Sự đau thể xác đã qua nhưng nỗi đau trong tâm trí thì luôn sống lại. Đừng khoét thêm vào vết thương, hãy để nó lên da non là cách  để quá khứ đi qua, khi vết thương liền da thành sẹo dù còn đó vết sẹo chiến tranh nhưng không mưng mủ làm độc nhiễm trùng.

Bệnh mất trí nhớ thật là kinh khủng. Nhưng những người “biết quên” - tức là biết để quá khứ ở đúng vị trí của nó - lại là những người hạnh phúc vì mang gánh nặng quá khứ nào cũng vô cùng mệt mỏi.
Quá khứ trì kéo nặng quá... khó đi xa, đừng nói lên tới Thiên đàng.

Gánh nặng quá khứ không phải như cục bứu trên lưng gắn liền với ta suốt đời, cũng không phải chỉ một mình ta cõng hay mang vác nó mà có thể dễ dàng vứt đi, mà cuộc chiến trong quá khứ với chúng ta giống như bức tranh “Những người kéo thuyền trên sông Volga” của danh hoạ Nga Repin. Càng coi quá khứ to lớn đẹp đẽ bao nhiêu, coi nó là giá trị “duy nhất” thì cũng như chiếc thuyền kia... khi vài thế hệ phải kéo nó trên một đoạn đường quá dài, nó chỉ còn là sức nặng.
 
Trên đường thiên lý đi đến tương lai, dù “chiếc thuyền quá khứ” từng có lúc sang trọng hữu ích nhưng không còn phù hợp với dòng chảy của con sông khác, không còn có ích cho một hải trình khác, cần biết để nó dừng lại thì mới có thể cùng chiếc tàu mới tiếp tục cuộc hành trình đến một bờ bến mới. 

Bốn mươi năm đã trôi qua. Đến bao giờ sẽ có một tháng Tư khác, tháng Tư của hàng triệu người vui và hàng triệu người khác không còn buồn nữa?

Tháng Tư 2014 – 2015
Nguyễn Thị Hậu
*Câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy
** Lời Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...