LỜI TỰA "THẾ GIỚI MẠNG & TÔI"









Phạm Thanh Hà - Hà Phạm

TRONG LÒNG BÀN TAY CÓ BA CON ĐƯỜNG

Đấy là câu mở đầu cho một bài viết có tên “Số phận” trong tập tản văn mới của Nguyễn Thị Hậu, Thế giới mạng và tôi, lý giải cẩn thận như một nhà coi bói chỉ tay về các con đường trên bàn tay, và dẫn hết cả những lời đã nghe từ bé mà các ông bà thày bói coi tay nói với mình, xong rồi chị kết luận: “ Thế à… Ừ thì cứ tin như thế đi, như đã… không nghi ngờ những lời tiên đoán trước đây… Thật ra là cũng đã quên mất những lời của các ông thầy bà thầy bói. Cứ đúng tính cách mình mà sống, đã sống như thế, đang sống như thế, và nếu còn sống đến lúc nào thì vẫn sẽ như thế…”
Đọc xong không khỏi mỉm cười!

Mỉm cười, bởi đọc “Thế giới mạng và tôi” đúng là như thế. Hệt như mở một lòng bàn tay, thấy có đến ít nhất là ba con người với những phân định dễ nhận: một nhà văn hóa, một nhà báo, và một phụ nữ viết văn, giống như ba con đường khác nhau. Có những lúc Nguyễn Thị Hậu khách quan và tỉnh táo để bàn về những mất mát của đời sống tinh thần trong sự biến thiên của đô thị hiện đại, hoặc đưa ra những lời bàn rõ ràng rành mạch về sách vở như một nhà nghiên cứu văn hóa đúng nghĩa và có tầm, như là trong “Tản mạn về người Sài Gòn”; “Tiếc nuối Thủ Thiêm”; “Mùa lễ hội”... Có lúc thông mình và nhiều phát hiện, đầy ắp chi tiết như một nhà báo tự do quen lang thang và độc lập quan sát ở những “Sa Pa không còn lặng lẽ”, “Tản mạn về đường thành phố”, “Nước Mỹ xa và gần”; “Vụn vặt đời thường”...Nguyễn Thị Hậu đi nhiều, viết nhiều, và những bài du ký ở tập này không hiểu sao mang dáng dấp chính luận nhiều thế, có thể do đặt hàng từ những tờ báo mà chị cộng tác, và cũng có thể, những cuộc đi, rất nhiều, của chị thường là đơn độc và vội vã. Nhưng chúng hấp dẫn và đôi khi, lắng tận đáy lòng bởi đôi ba từ ngữ lạc vào từ trái tim người đàn bà viết văn

Dọc những con đường trải dài tôi qua ở nước Mỹ, bất cứ nơi đâu cũng có thể bắt gặp ngay bên đường, hoặc thấp thoáng trong cánh rừng thưa, hay trong một thị trấn nho nhỏ nào đấy… những ngôi nhà có hàng hiên rộng, vài chậu hoa xinh xắn trên bệ cửa sổ rèm buông lay nhẹ, bãi cỏ xanh nho nhỏ và bên ngoài là hàng rào thưa sơn màu trắng.
Không hiểu sao khi nhìn thấy những ngôi nhà như thế, trái tim chợt lỡ nhịp, một tình cảm dịu dàng tràn ngập như khi gặp lại mối tình không trọn vẹn. ..(Nước Mỹ xã và gần)

Cái phần người đàn bà viết văn, với tôi, là cái đọc được nhiều nhất trong tập “Thế giới mạng và tôi” này. Nó làm cho ba con đường riêng rẽ trên một bàn tay hòa nhập với nhau, không phải chỉ là như Nguyễn Thị Hậu viết “Tính cách tạo nên số phận. Số phận mình nằm trong lòng bàn tay mình đấy thôi…”, mà nó khiến cái bàn tay ấy trở nên mềm mại, dịu dàng. Bởi dù có nói về một điều gì đó to tát, cái phần văn chương đầy nữ tính của Nguyễn Thị Hậu rốt cuộc cũng làm cho câu chuyện trở nên có chút gì đó như thoáng chút ngậm ngùi.

Về miền Tây thương ngôi chợ nhỏ đầu làng, sương sớm còn mờ đã lao xao mua bán, đến nửa buổi thì nhà lồng chỉ còn vài hàng cây trái. Thương chợ ngã năm ngã bảy trên sông ghe xuồng san sát, những chiếc sào cột các loại trái cây rau cải lơ lửng trên cao, ghe tạp hóa xanh đỏ đồ dùng, ghe than ghe chiếu giờ đã ít người mua kẻ bán… Thương phố chợ nhỏ mà cột antena san sát như đàn chuồn chuồn báo hiệu trời mưa, nhà cao tầng ngói đỏ ngói xanh, tiệm uốn tóc, tiệm vàng, tiệm thời trang… chẳng khác gì thành phố (Về miền Tây, thương...).

Có một điều, với tập sách này, với một người đọc đã quen, dường như không chủ định, cái phần văn chương của Nguyễn Thị Hậu nhiều lên và hoàn toàn tự nhiên. Chị không có ý định viết văn như trong tập truyện ngắn mini 100 chữ, cũng không định triết lý, dù vẫn hóm hỉnh và thông minh thế, nhưng trong rất nhiều tản văn, có chút mằn mặn của nước mắt “Yêu như đã sống”; “Phục sinh, vâng hy vọng thế!”; “Tháng Bảy đã qua”. Chẳng có lời nào bàn đến mấy chữ cô đơn, nhưng cứ như ngay cả từ một sự đùa cợt, một luận bàn nghiêm túc, nỗi cô đơn nhè nhẹ cứ từ đâu đó lẩn khuất và bất chợt xuất hiện.

Có lẽ, bởi tên tập sách là thế “Thế giới mạng và tôi”. Thế giới mạng luôn là là nơi cô đơn với một phụ nữ. Cũng như biết trên bàn tay có ba con đường, nhưng con đường nào ngoài cuộc sống cũng là do mình chọn. Biết “Thế giới mạng như một tấm gương của cuộc sống, chỉ có điều cần lưu ý, nó là tấm gương phóng đại nhiều lần những tốt đẹp hay xấu xa của mỗi con người, của một xã hội” nhưng Nguyễn Thị Hậu vẫn viết “ Tôi vẫn lướt mạng mỗi ngày, bởi vì Mạng cho tôi một cuộc sống phong phú đa dạng, luôn đặt tôi trước thử thách khi đối diện tấm gương phóng đại ấy: tỉnh táo để biết nhìn ra chân giá trị của mình, của người”.

Như thế, còn có cả một người đàn bà độc lập và bướng bỉnh nữa, con đường thứ tư trên một bàn tay, trong tập sách này !

1 nhận xét:

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...