NGUYÊN NGỌC: TRƯỜNG PHÁI MỚI PHẢI XUẤT HIỆN TỪ BÊN LỀ

http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2013/07/31/nguyen-ngoc-truong-phai-moi-phai-xuat-hien-tu-ben-le/

 
 
 
 
 
 
Rate This

Nhà văn Nguyên Ngọc - Ảnh: ĐTH
Nhà văn Nguyên Ngọc – Ảnh: ĐTH
NTT: Nhà văn Nguyên Ngọc là nhà quản lý văn nghệ với tư tưởng cấp tiến và cũng giàu kinh nghiệm… “thất bại”, nên ông thường nhìn ra những “lỗ hổng chết người” mà giới văn nghệ và quản lý văn nghệ thường vướng víu. Với bài viết “Hy vọng gì…” ngắn gọn và súc tích từ câu chuyện “luận văn Nhã Thuyên” nghiên cứu về nhóm “Mở miệng” bị báo chí chính thống “ném đá” qui kết “quan điểm lập trường”, ông đã chỉ ra cái ”lỗ hổng chết người” đang có thể lặp lại với văn nghệ nước nhà. 
Có thể nói, sự ra đời nhóm “Mở miệng” xuất phát từ sự bức xúc văn học và xã hội, muốn cất lên một tiếng nói diễu nhại như một phản biện về dân chủ và tự do văn chương đương thời. Theo tôi hiểu thì đó là một sự “phá bĩnh dễ thương” của một nhóm người trẻ khiến người ta phải chú ý, khó chịu và sờ lại gáy mình. Họ muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội, kể cả sự dám vượt qua “húy kỵ”, đả phá cả những giá trị đã và đang tồn tại. Vì thế, tuyên ngôn của họ là “Chúng tôi không làm thơ”. Với lời tuyên ngôn đó, ta biết chủ đích của họ không phải là “làm thơ” mà muốn cảnh tỉnh văn chương và xã hội. Họ là một “nhóm bên lề”, chưa tạo ra được một trường phái văn chương, nhưng họ kêu gọi văn chương phải có những trường phái mới. 
Tôi tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyên Ngọc: “Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề”. Nhưng đọc xong bài viết này, tôi cũng nghe từ ông một tiếng thở dài ngao ngán...
Xin giới thiệu cùng bạn bài viết của nhà văn Nguyên Ngọc:

NGUYÊN NGỌC: HY VỌNG GÌ…

Mấy hôm nay dư luận xôn xao vụ luận văn thạc sĩ của chị Nhã Thuyên. Cái đất nước mình thật lạ: thỉnh thoảng, chẳng hiểu sao, lại lui về thời kỳ đồ đá, nhất là trong lĩnh vực tư tưởng văn hóa.
Nhân vụ này, tôi chợt nhớ anh Trần Độ, theo tôi là một người lãnh đạo văn nghệ giỏi và hay đến hiếm hoi từng có được trong suốt quá trình đời sống văn học nghệ thuật của ta trước nay.
Tôi xin kể một chuyện:
Hồi ấy, đầu năm 1979, tôi được điều về làm việc ở Hội Nhà Văn Việt Nam. Anh Độ bấy giờ là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương. Một hôm anh bảo tôi sang chỗ anh chơi, và hỏi về Hội Nhà văn tôi định làm những gì. Tôi nói với anh về ý định, về các kế hoạch trù tính của tôi, và kết luận: với những việc ấy, nếu làm giỏi thì trong mươi năm, dở hơn thì khoảng vài ba mươi năm, hy vọng sẽ nâng cao được mặt bằng chung lên một bước, và trên cơ sở ấy mong có thể xuất hiện một vài đỉnh cao mới …
Anh Độ ngồi im một lúc, rồi nói, châm rãi: Mình tán thành tất cả kế hoạch của cậu, đều đúng và cần thiết … Nhưng có điều mình nghĩ thế này cậu ạ, trong nghệ thuật thường vẫn vậy, muốn có đỉnh cao mới thì bao giờ cũng phải có trường phái mới …, cậu nghĩ coi, có đúng không? …
Tôi quen anh Độ đã lâu, từ hồi anh còn làm Chính ủy Quân Khu Đồng bằng, biết anh là một người rất tốt, yêu văn nghệ và quý trọng văn nghệ sĩ …, nhưng cũng chắc đến thế thôi, anh có được học hành, đào tạo gì gọi là cơ bản và hệ thống về chuyện này đâu. Ý kiến của anh khiến tôi giật mình, kinh ngạc. Không ngờ anh tinh tế, sâu sắc, thậm chí cũng có thể nói uyên bác đến thế.
Chúng tôi thân nhau từ đấy, tâm huyết.
Cho đến nay tôi vẫn nghĩ chúng ta đã bỏ mất một người lãnh đạo văn nghệ giỏi nhất, hay nhất, tốt nhất mà ta đã từng có thể có. Bao giờ mới tìm lại được một người như vậy?
Nhắc lại chyện này tôi không có ý nói rằng luận văn của Nhã Thuyên về một hiện tượng văn học bên lề đã là khẳng định một trường phái văn học mới, nhóm Mở miệng đã là một trường phái văn học mới như anh Độ từng mong. Nhưng chỉ mới một hiện tượng hơi lạ như vậy, bàn về một hiện tượng hơi lạ như vậy, mà đã hô hoán cháy nhà um cả lên, rồi ngang nhiên trừng trị, cách chức …, thì liệu còn hy vọng chút gì thoát ra khỏi ao tù nữa. Thế mà chính những kẻ la làng ấy lại luôn miệng đòi hỏi đỉnh cao, đỉnh cao …
Không phải cái gì ở bên lề cũng là trường phái mới, đương nhiên rồi. Nhưng cũng đương nhiên là trường phái mới thì hẳn phải xuất hiện từ bên lề.
Nhân đây cũng xin được nói luôn: hiện đang có một cái gọi là hội đồng lý luận văn học nghệ thuật trung ương ban bố mọi thứ đúng sai về văn học nghệ thuật trên cả nước này. Mà đứng đầu cái hội đồng ấy thì theo dư luận là mấy người chẳng dính dáng gì và chẳng biết chút gì về văn học nghệ thuật cả. Trong cuộc gặp của Tổng bí thư Nguyên Văn Linh với văn nghệ sĩ cách đây mấy mươi năm, anh Nguyễn Đăng Mạnh có nói một câu chấn động, anh bảo Đảng khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ. Có người cho là giận mà nói quá. Nay với cái hội đồng vừa kể có người đứng đầu như vừa nói, lại có quyền hành lớn nhất về văn học nghệ thuật trên đất nước đau khổ này, thì quả là một sự sĩ nhục to lớn đối với toàn bộ giới văn nghệ và lý luận văn nghệ
Đỉnh cao với đỉnh thấp, hy vọng gì nữa.
N.N.

VỚI BẠN BÈ ;)

 Đồng nghiệp cũ ở Bảo tàng lịch sử (7.2013)

 Bảo tàng lịch sử - 2004

 Những người bạn/ em gái xinh đẹp giỏi giang. SG 7.2013


 Hai em thuộc Bên Vào cuộc đang rủ rê bà chị thuộc Bên Bỏ cuộc ;) SG 7.2013

Bên Thắng cuộc - Bên Bỏ cuộc - Bên vào cuộc (từ trái qua) :D SG 7.2013

Làm việc gì tử tế thì đều có ích.

(Báo Thanh Niên ngày 26.7.2013 http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130725/tien-si-khao-co-hoc-nguyen-thi-hau-lam-viec-gi-tu-te-thi-deu-co-ich.aspx)

ĐÌNH PHÚ

Sau nhiều năm gắn bó với nghề, TS Nguyễn Thị Hậu trở thành gương mặt quen thuộc trong giới khảo cổ học cả nước.
PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với nữ tiến sĩ khảo cổ học duy nhất hiện đang sống và công tác tại TP.HCM. 
Chị có thể chia sẻ cơ duyên của mình với nghề khảo cổ và quan điểm về sự sáng tạo trong khoa học?
Sau khi đất nước thống nhất, tại TP.HCM, khảo cổ học là một lĩnh vực khá mới mẻ, ít người lựa chọn. Vì thích, tôi đã học và gắn bó cho đến bây giờ. Tôi nghĩ sự sáng tạo phải luôn luốn hướng đến cuộc sống, góp phần giải quyết được các vấn đề thực tiễn, liên quan đến cộng đồng. Vì thế khoa học quay về với cuộc sống mới luôn tạo nên sức sống của nó.

Dưới góc độ khảo cổ học, chị thấy vùng đất Nam Bộ nói chung và TP.HCM có đặc điểm gì?
Vùng đất Nam bộ và vùng đất Sài Gòn – TP.HCM trước nay vẫn được hiểu như là một “vùng đất mới 300 năm” từ thế kỷ 17 với công lao khai phá, xây dựng của lưu dân người Việt và một số tộc người khác như người Hoa, Chăm, Khmer. Tuy nhiên kết quả phát hiện và nghiên cứu về khảo cổ học đã cho thấy nơi đây đã từng có một nền văn minh rực rỡ từ những thế kỷ đầu công nguyên, đó là văn minh Phù Nam mà cụ thể là nền văn hóa Óc Eo. Trước đó, thời tiền sử là văn hóa khảo cổ Đồng Nai tương đương với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc và văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung. Như vậy, lịch sử vùng đất Nam bộ cần được tính từ khi có con người sinh sống và tạo dựng nên những nền văn hóa cổ xưa, tức là khoảng từ 3.000 năm trước tới nay.

Chị đã gắn liền cuộc đời mình với 2 địa danh này như thế nào? Những phát hiện khảo cổ học nào về 2 địa danh này có giá trị nhất và làm chị ấn tượng và thích thú nhất?
Ba má tôi là người miền Tây, năm 1954 tập kết ra Bắc và tôi được sinh ra, lớn lên ở Hà Nội. Cùng gia đình tôi trở về Sài Gòn từ năm 1975, học đại học, đi làm, lập gia đình… và có lẽ sẽ sống hết đời ở nơi này. Hà Nội là tuổi thơ của tôi còn Sài Gòn là nơi tôi trưởng thành. Nam bộ là quê hương của tôi.
Những phát hiện khảo cổ đọc đáo và có ý nghĩa lớn ở vùng đất này khá nhiều, nhưng theo tôi quan trọng nhất vẫn là kết quả nghiên cứu về Văn hóa Óc Eo,  văn hóa Đồng Nai, mối liên hệ nguồn gốc của hai nền văn hóa khảo cổ này cũng như sự đa dạng, phong phú do mối liên hệ với các nền văn hóa cùng thời ở Đông Nam Á và xa hơn. Nó cho chúng ta hiểu hơn về đặc điểm lịch sử - văn hóa Nam bộ trong bối cảnh chung của lịch sử - văn hóa Việt Nam.

Dành nhiều tâm huyết nghiên cứu khảo cổ học bình dân, chị có thể chia sẻ đôi nét về lĩnh vực này?
“Khảo cổ học bình dân”, là một phần của “khảo cổ học cộng đồng” - hiện đang trở thành một hướng phát triển mới của khảo cổ học trên thế giới: Khảo cổ học cộng đồng (community archeology) là khái niệm chỉ cách thức để cộng đồng cùng tham gia làm khảo cổ và thu lợi từ việc giữ gìn những giá trị khảo cổ. Đây là một cách quan trọng để nâng cao ý thức người dân trong bảo tồn di sản văn hóa”. Tuy nhiên, trước khi tham gia, hay là cùng với việc tham gia làm khảo cổ (nói rộng hơn là tham gia vào việc bảo tồn di sản văn hóa), cộng đồng cần được biết những kiến thức khoa học cơ bản về nơi mình sống.
Các nghiên cứu theo phương pháp “khảo cổ học bình dân” không chỉ gắn liền với khảo sát thực địa và điền dã, gặp gỡ người dân bình thường, mà các bài viết khoa học còn hướng đến mục tiêu phổ cập kiến thức trong xã hội, vì vậy cần dễ đọc đối với người có trình độ trung học, phù hợp để đăng trên báo chí và các phương tiện truyền thông, giúp quảng bá các kết quả nghiên cứu khoa học đến nhiều tầng lớp dân chúng, khơi gợi lòng yêu thích lịch sử và di sản văn hóa. Tôi đi theo hướng này cũng từ việc giảng dạy về khảo cổ và văn hóa, nhận thấy nhu cầu của sinh viên và nhiều người muốn hiểu biết hơn về ngành khảo cổ học nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng.
Bản thân hoạt động khảo cổ đã mang tính cộng đồng dưới hình thức là sự phát hiện di tích của người dân, quá trình tham gia của nhân dân vào các cuộc khai quật khảo cổ, việc giới thiệu, giải thích về ý nghĩa, giá trị các di tích lịch sử văn hóa với người dân ở địa phương… Gần đây Hội Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Viện Khảo cổ học đã tổ chức nhiều hội thảo, khóa tập huấn về lĩnh vực này. Việc các cơ quan truyền thông ngày càng quan tâm và đưa tin nhiều hơn về những phát hiện khảo cổ, đưa ra vấn đề bảo tồn, bảo vệ di tích khảo cổ… cũng là một hoạt động của khảo cổ học cộng đồng nhằm cho người dân nói chung (bao gồm cả các cơ quan chức năng) được tiếp cận nhiều thông tin khoa học và qua đó có thể thể hiện ý kiến của mình.

GS Vũ Đức Vượng (Mỹ) từng nói rằng, khảo cổ học là phương tiện hữu hiệu và trung thực nhất để người Việt ở thế kỷ 21 tìm hiểu về nguồn gốc của mình. Suy nghĩ của chị về ý kiến này?
Vâng, tôi đồng ý với ý kiến này, tất nhiên, muốn vậy khảo cổ học phải được đối xử và phát triển đúng như khoa học lịch sử với đầy đủ sự khách quan, trung thực và công bằng với tất cả những gì nó phát hiện và nghiên cứu.

Với các bạn trẻ, chị có thể chia sẻ gì về một điều tâm huyết nhất?
Hãy tận dụng mọi điều kiện, mọi cơ hội để tạo cho mình một nền kiến thức lịch sử - văn hóa rộng và vững chắc, từ đó mới có thể đi sâu vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Và hãy làm những gì mà các bạn thấy đúng và cần thiết, đừng so đo chuyện đó lớn hay nhỏ vì bất cứ mình làm việc gì tử tế thì đều có ích.
Đ.P

MỘT ĐỌAN ĐƯỜNG MIỀN TRUNG

Thành Vinh

"Ơi, dòng nước sông Lam chảy từ trên ngàn..."

Đây là lần đầu tiên ghé Vinh, dù đi qua nhiều lần. Nghe nói Vinh đang chuẩn bị trở thành đô thị loại 1, tách khỏi Nghệ An. Và Diễn Châu đất cổ sẽ trở thành tỉnh lỵ của Nghệ An. Vinh, thành phố công nghiệp từ thời Pháp, đang mở rộng để trở thành một thành phố lớn. Quy luật tất yếu, nhưng sao cứ có cảm giác rằng, ở mình cái gì cũng chỉ thích TO, cái to của bong bóng xà phòng...Lân sau có trở lại chắc Vinh không còn những ruộng lúa mướt xanh "con gái" như hôm nay..
Từ đền thờ Quang Trung Nguyễn Huệ nhìn dòng sông Lam uốn khúc mềm mại khuất sau núi Quyết. Ở khu di tích Nguyễn Du, thành tâm bói Kiều một quẻ... Kể ra thì cũng đúng…
Chỉ một ngày, thành Vinh với tiếng nói lạ mà quen, nhưng bỗng hiểu nhiều hơn về hai chữ duyên và nợ... Một ngày nắng miền Trung, một ngày gió miền Trung, một ngày với sông Lam...
****

Đi theo câu hát


"Trời mô xanh bằng trời Can Lộc, nước mô xanh bằng dòng nước sông La..."


Hà Tĩnh, khu di tích ngã ba Đồng Lộc. Những cô gái mãi mãi tuổi đôi mươi...
Đi theo đường Khe Giao lên Hương Khê, một đoạn đường Hồ Chí Minh. Đường đẹp, hoang vắng... Mấy mươi năm trước núi vẫn xanh thế, trời vẫn xanh thế, nhưng đường chỉ là con đường mòn bụi đỏ lầm lũi.
Trên con đường này anh Hai của tôi từng qua lại nhiều lần vì anh là lính lái xe bộ đội Trường Sơn. Trên con đường này ba tôi cũng từng qua lại vài lần, ông cùng các nghệ sĩ đi biểu diễn phục vụ bộ đội Trường Sơn. Trên con đường này ba tôi và anh tôi đã có lần tình cờ gặp nhau, khi hai chiếc xe cùng qua ngầm phà Xuân Sơn với cọc tiêu là những cô gái thanh niên xung phong mặc áo trắng trong đêm...
Qua con sông Cà Tang năm nào xảy ra vụ đắm đò tang thương... Con sông trông hiền lành thế vì chưa phải mùa lũ.
Phong Nha - di sản văn hóa thế giới. Hệ thống hang động núi đá vôi. Nhớ Vịnh Hạ Long, Bích Động, Hương Tích... nhưng với tôi tuyệt vời nhất vẫn là những hang động ở tỉnh Hòa Bình có những di tích văn hóa cổ đến 10.000 năm. Chút băn khoăn, cảnh quan nhân tạo xung quanh khu Di sản văn hóa Phong Nha chả khác gì Hạ Long, hay một nơi du lịch nào đó, kể từ nhà cửa, các cửa hàng, đồ lưu niệm... và những người dân nơi này cũng vậy. Tiếng là di sản thế giới, khu du lịch nổi tiếng mà sao trông họ vẫn lam lũ quá...
Giá mà tập trung lo cho dân như lo cho việc "bầu chọn di sản thế giới" nhỉ? Có ai lo đời sống của dân bị "xuống hạng" không???
Chiều xuống, tháp chuông nhà thờ nổi bật trên nền núi rừng xanh ngắt. Đàn trâu tắm sông, những chú bé vùng vẫy bơi lội... tiếng chuông lan xa hơn trên mặt sông...

Một ngày đi theo những câu hát của một thời đã qua, từ "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh"... đến "Quảng Bình quê ta ơi..."
Còn ngày mai, "Ai đã tới miền quê em Quảng trị Thừa thiên, qua đường chín..."
****


Đôi bờ Thạch Hãn 


Đúng ngày rằm tháng Bảy tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về đây, hơn mười ngàn chàng trai tuổi đôi mươi, quê từ 64 tỉnh thành đang quây quần tại đây… Đi qua nơi yên nghỉ của những chàng trai Hà Nội, của các tỉnh phía Nam, của Hà Bắc, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… chỉ kịp thắp vội vài nén nhang, lòng cầu mong các anh thông cảm vì không thể đến với từng người…
Lướt qua những dòng bia mộ, có anh nhập ngũ được vài năm, có anh nhập ngũ chỉ mới vài tháng, nhiều anh còn chưa tìm thấy tên tuổi… Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn giờ đã khang trang hơn xưa, nhưng vẫn nắng Quảng Trị, vẫn gió miền Trung, vẫn xào xạc lá rừng Trường Sơn, vẫn những tên tuổi năm tháng ấy, thời gian ở đây như ngập ngừng không muốn trôi qua để giữ mãi tuổi thanh xuân của những người đã yên bình nơi đây…
Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm đỏ lửa. Nắng hôm nay có dội lửa như những ngày năm ấy? Gió hôm nay có thiêu đốt như những ngày năm ấy? Sông Thạch Hãn, 81 ngày đêm đỏ máu… “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”… Sông ơi, sông hôm nay có quặn dòng như những ngày năm ấy…?
Trên đất nước này còn biết bao nghĩa trang như thế? Trên đất nước này còn biết bao con người chưa tìm được sự bình yên như thế?
Bên này, bên kia… như hai bờ của dòng sông quê mẹ, lỡ chia đôi nhưng một chuyến đò ngang cũng đủ nối liền. Sao hơn 30 năm rồi mà vết cắt vẫn còn đau…?

Tháng 7 âm lịch.2008

Về luận văn cao học của Đỗ Thị Thoan ( Nhã Thuyên) và những bài viết quanh chuyện này

NHỮNG BÀI TIỂU LUẬN CỦA NHÃ THUYÊN VỀ NHÓM MỞ MIỆNG

 http://damau.org/archives/26332


Hận cá, chém thớt - NGUYỄN VẠN PHÚ
https://www.facebook.com/nguyenvanphu/posts/10201080775095190?comment_id=72926109&offset=0&total_comments=2&notif_t=feed_comment_reply

(về luận văn của Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan)

Có lẽ nhiều người biết đến Hầu tước de Sade, một nhà văn Pháp sống ở thế kỷ 18, viết toàn tiểu thuyết dâm dục, miêu tả cặn kẽ chuyện làm tình, cảnh bạo dâm, khổ dâm còn ghê hơn nhiều truyện khiêu dâm chính cống. Nhưng dù muốn dù không người ta vẫn xem ông là nhà văn, thậm chí có người còn cho ông là tiên phong của chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa siêu thực… 

Giả thử có một sinh viên cao học làm luận văn thạc sĩ về ông này, với luận đề “tình dục trong văn de Sade là biểu hiện nổi loạn của một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan”. Có thể nào chê trách luận văn này tràn đầy những câu trích “trắng trợn” về tình dục? Có thể nào lên án người sinh viên cổ xúy cho lối sống phóng túng, bạo dâm? 

Những người phê phán luận văn “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa” của Đỗ Thị Thoan cũng rơi vào chỗ tương tự: thay vì ném sự phẫn nộ của họ vào nhóm Mở Miệng họ lại chĩa mũi dùi vào người nghiên cứu nó, tạo ra một tiền lệ chưa từng thấy: báo chí phổ thông, nhà phê bình văn học lại đi phê bình một luận văn thạc sĩ của một trường đại học. Bởi vậy họ không nói gì đến phương pháp luận, tính khoa học, cách thể hiện của luận văn, họ chỉ tìm những câu trích phục vụ cho việc phê phán nói trên.

Đáng sợ là những trường hợp, dù thú nhận chưa đọc luận văn nhưng cũng “hai lần lên diễn đàn đề nghị các cơ quan chức năng phải làm việc nghiêm khắc và xử lý thích đáng đối với tác giả bản luận văn cũng như hội đồng chấm luận văn”. 

Có thể nói ngay luận văn của Đỗ Thị Thoan là một công trình nghiêm túc, công phu, được viết một cách cẩn trọng, với những quan sát sâu sắc, cách diễn đạt lôi cuốn, tính thuyết phục khá cao. Lớp già như tôi có thể tự hào về một lớp trẻ như Đỗ Thị Thoan, hoàn toàn không như định kiến thường có về một lớp trẻ hời hợt, chỉ biết sao chép. Toát lên từ luận văn này là nền học vấn rất tốt, sự làm việc tới nơi tới chốn, sự độc lập trong suy nghĩ, và sự thành thực trong nhiều nhận định. 

Một số điểm làm tôi khâm phục cô giáo trẻ này:

- Không dùng lý thuyết phương Tây để lòe người đọc vì hiểu rõ hạn chế của cách tiếp cận này. (Cho nên đừng nghĩ luận văn nói về chuyện hậu hiện đại, nó thấm đằng sau những câu chuyện thực tế của văn học Việt Nam).

- Hiểu rõ tính nhạy cảm của đề tài khi phải gắn với chính trị, kể cả sự xứng đáng hay chưa của đối tượng nghiên cứu nhưng biết dùng nó làm đòn bẩy cho lập luận của mình.

- Hiểu rõ những sự lợi dụng hiện tượng Mở Miệng ở một số người bên ngoài, dùng nó như một cách thúc đẩy ý đồ riêng của họ.

Để đánh giá một luận văn, cần xem thử luận đề nó là gì, sau đó cách tác giả triển khai chứng minh, biện giải, thuyết phục người đọc tin vào luận đề đó như thế nào, có thành công không.

Luận văn xác định, “vấn đề then chốt là tra vấn về vị thế bên lề như một điểm tham chiếu để bình luận về những cách tân và tính cách mạng trong tư tưởng và nghệ thuật [thực hành thơ của Mở Miệng]”. 

Mặc dù chương về vị thế bên lề khá dài, phần bối cảnh “hậu đổi mới” dễ gây phản ứng ở những người đọc thuộc “dòng chính” (đây là đoạn được trích dẫn nhiều nhất để gán nhãn “phản động” cho luận văn, có thể tóm tắt lập luận của người viết ở phần này như thế này: Nhóm Mở Miệng chọn vị thế bên lề như là điều kiện để có thể cách tân một cách trọn vẹn bởi “cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự” của họ. Như vậy mọi sự phản kháng chỉ là biểu hiện của chọn lựa vị thế bên lề, còn cách tân mới là mục đích. 

Cách tân trước hết thể hiện ở hình thức tự xuất bản với những phá cách, tạo ra một không gian hoạt động riêng, là nội dung chương hai. Phần còn lại của luận văn miêu tả, bình giải những nỗ lực mà khi miêu tả chi tiết sẽ làm hoảng sợ những người bình thường vì sự vô nghĩa của ngôn từ, sự tục tĩu, bế tắc, giễu nhại, giải thiêng… khi Mở Miệng thực hành thơ. 

Nếu xét về góc độ học thuật, hoàn toàn không có gì ngạc nhiên khi thấy Hội đồng chấm luận văn cho điểm 10 tuyệt đối. 

Tuy nhiên, sự phẫn nộ của một số nhà phê bình, nhà văn, nhà báo là điều cũng dễ hiểu. Bởi Đỗ Thị Thoan đã chọn sai thời điểm để công bố luận văn. Như cô tự nhận xét cô không giữ được sự khách quan khi viết luận văn vì phải can dự, vì phải chọn làm kẻ ngoài lề, vì thế luận văn chọn vị trí của người nhìn vào bối cảnh đời sống chính trị hiện đại như một người bên ngoài dòng chính thống. Chỉ cần một sự phân tích khách quan, tỉnh táo, hơi lạnh lùng như thế cũng đủ làm luận văn là cái gai trong cách nhìn chính thống. 

Khách quan mà nói, thời nào, nơi nào cũng sẽ có những nhóm như Mở Miệng. Lúc nào cũng có sự phản kháng, sự tác động của kẻ ngoài lề dội vào dòng chính. Để phá vỡ cái trì trệ của dòng chính, kẻ ngoài lề phải phá phách, quậy nát, phải ồn ào, tức phải đẩy tới chỗ cực đoan, quá khích. Và như một quy luật, dòng chính nhờ vậy tiến lên một mức độ mới, rồi lại rơi vào trì trệ, cần sự thúc đẩy của kẻ ngoài lề phá phách mới. Đó có thể là sự trói buộc của thần quyền thời Sade, của chủ nghĩa tư bản, của tư duy toàn cầu hóa, của các thiết chế xã hội; chứ đâu nhất thiết là thể chế hiện nay. Kẻ ngoài lề vì vậy luôn luôn là kẻ ngoài lề, khó được chấp nhận rộng rãi, chưa kể là sẽ gây dị ứng cho nhiều người (tôi đoán 10 người bạn của tôi sẽ có 9 người trong đó có tôi, dị ứng với Mở Miệng) nhưng nó phải đóng trọn vai trò của nó, rồi thôi. Dù gì đi nữa nó cũng cần được nghiên cứu và Đỗ Thị Thoan đã làm được điều đó, không khích lệ thì thôi sao lại vùi dập.

Mời xem thêm bài phân tích một cách khoa học của Vũ Thị Phương Anh:

NÓNG VỤ LUẬN VĂN NHÃ THUYÊN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI: một số bài "đánh" Nhã Thuyên, còn vài bài nữa nhưng nói chung giống nhau nên ko link về, chật nhà :)

Gian bếp quê ngoại (tạp bút, 2009)

Mỗi lần về quê vào dịp Tết, sau khi lên nhà trên thắp nhang bàn thờ ông bà, tôi thường  xuống ngay gian bếp, nơi ngoại tôi luôn ở đó với nụ cưới móm mém chờ tôi chạy vào ngồi kế bên ngoại, thơm sực mùi trầu.

Gian bếp của ngoại nằm ngang so với nhà trên, từ nhà trên đi xuống qua một hành lang dài mái tôn có máng xối hứng nước mưa vào hai hàng lu mái. Nhà bếp mái ngói cũ nâu thâm lác đác những chiếc lá của cây mận hồng đào sau bếp. Ngoại nói cây mận này ngoại trồng hồi má tôi sinh tôi, nay cũng đã tuổi “U 50” rồi mà vẫn rất sai trái. Vào mùa gần Tết từng chùm trái đỏ rực, lúc lỉu trên cành, mỗi đêm gió chướng lại rụng lộp bộp, trẻ con khoái lượm những trái mận chín rụng, ăn giòn và ngọt như đường phèn.
Cũng như nhiều gian bếp trong những ngôi nhà miệt vườn Nam bộ, gian bếp của ngoại rộng rãi, sáng sủa, cửa ra vào hai cánh bằng gỗ luôn rộng mở. Cửa sổ sát mé con rạch Cái Tôm đón từng cơn gió mát rượi ngày hai lần nước lớn, lúc nước ròng thoảng mùi bùn non và tiếng cá quẫy… Ngay cửa bếp là sàn nước rửa chén bát và làm đồ ăn. Bước vô, một đầu gian bếp là khuôn bếp, cao khoảng 0,8m, dài 1,2m rộng 0,5m, đóng bằng cừ tràm lâu ngày đen bóng. Ba “ông lò” luôn sạch than tro, phía trên có cà ràng chặn khói, bên cạnh là ống thổi, kẹp gắp than, miếng lót nhắc nồi. Phía trên khuôn bếp cậu Út tôi làm một mái tôn có ống hút khói, tránh cho ngoại và mợ Út khỏi cực khi mùa mưa dầm củi ẩm ướt. Phía dưới khuôn bếp xếp củi đã chẻ nhỏ, từng bó lá dừa chặt đầu đuôi bằng nhau, gọn gàng. Trên vách là hai hàng đinh treo những chiếc nồi, xoong, chảo lớn nhỏ thường được mợ Út tôi chùi rửa sạch sẽ. Nhớ những lần ở quê có đám tiệc, tôi luôn phải “chỉ huy” con gái tôi và mấy đứa cháu mang nồi xoong chảo ra sông chùi rửa bằng trấu và tro bếp. Khi những chiếc nồi xoong bóng loáng treo trong bếp theo thứ tự lớn nhỏ chuẩn bị cho việc nấu nướng vào ngày mai, thì tụi nhỏ móng tay đứa nào cũng đen thui, dùng chanh rửa hoài không sạch hết.

Kế bên khuôn bếp là tủ đựng thức ăn, phía dưới để các loại chai lọ hộp đựng gia vị.
Gian giữa của bếp đặt tủ chén bát, ống đũa muỗng treo bên cạnh tủ. Một bàn ăn tròn có thể gập lại một nửa lại cho gọn. Mấy chiếc ghế gỗ, một giá gỗ thấp để đặt nồi cơm. Bữa cơm hàng ngày nhà ngoại thường ăn dưới bếp, trừ khi có khách lạ hay có đám tiệc thì dọn cơm ở nhà trên. Khách quen thân tới nhà vào bữa thường được ngoại mời cơm luôn, nếu chưa ăn khách vui vẻ cùng ăn, còn nếu khách ăn rồi thì tới ngồi trên bộ ván uống nước trà, hay ngả lưng trên chiếc võng treo tòng teng bên cửa sổ. Gian còn lại kê bộ ván ngựa, nơi ngoại thường ngồi với ô trầu hay giỏ đồ may bên cạnh, vào buổi trưa là nơi ngả lưng của ông ngoại sau khi đã sương sương vài ly trong bữa cơm trưa… Má tôi kể, hồi xưa mỗi lần giận ông ngoại là ngoại… xuống bếp ngủ. Một đêm, hai đêm…ông ngoại phải xuống năn nỉ, và sau đó má tôi lại có thêm một đứa em, vì vậy bây giờ nhà ngoại có cậu Út tới thứ 12 lận!
                 
Có dịp đi nhiều vùng miền trong nước, tôi nhận thấy gian bếp của ngoại tôi, của những gia đình Nam bộ thật đặc biệt. Bước vào gian bếp có thể nhận biết sự vén khéo của những người phụ nữ trong gia đình vì tuy là nhà bếp nhưng luôn sạch sẽ, thoáng mát. Đồ đạc sắp xếp thật tiện lợi, nhất là khuôn bếp đứng, khi nấu nướng không mất công đứng lên ngồi xuống, đồ dùng đặt để đúng tầm tay, nhất là dãy nồi xoong luôn chùi rửa sạch bong, không sợ quệt lọ nồi dơ bẩn quần áo, dường như nhờ đó người phụ nữ khi làm bếp cũng thong thả ung dung hơn…

Bếp là nơi sinh hoạt của cả gia đình vào mọi thời điểm trong ngày. Ban ngày nhà trên thường khép cửa, mọi người đi vắng, khi trở về thì vào bếp trước, cửa bếp hầu như không bao giờ đóng. Lúc rảnh rỗi, ông ngoại, hay sau này là cậu Út tôi, cũng thường ở dưới bếp, ngồi trên chiếc võng đong đưa bàn công chuyện nhà với bà ngoại hay với mợ Út. Bếp là nơi ngoại và mợ Út có “toàn quyền quyết định” những việc bếp núc, đám tiệc, giỗ chạp, hiếu hỉ bà con lối xóm… Bếp là nơi cả nhà quây quần hai bữa cơm trưa tối, nơi mỗi chiều ông ngoại, cậu Út ngồi lai rai con khô nướng quyện mùi khói lá dừa ngọt ngào. Nếu có khách đột xuất thì món nhậu cũng được mợ Út tôi chế biến rất nhanh. Trong bếp nhà ngoại tôi còn thường có sẵn một vài món ăn như nồi cháo trắng, chảo cơm chiên vào buổi sáng, tô bánh lọt nước dừa lúc xế trưa, hay nồi khoai, bắp nấu vào buổi tối… Bếp là nơi những người quen thân hay ghé vô ngồi chơi, đôi khi cũng bàn công chuyện (và nếu người quen ghé nhà mà được mời lên nhà trên uống nước nói chuyện thì hoặc là có việc quan trọng, hoặc coi chừng, tình cảm hai bên đã có điều gì sứt mẻ…). Nhà ngoại tôi nằm kế rạch Cái Tôm gần chợ Cao Lãnh nên đôi khi vào ban đêm, có khách lỡ đường ngủ nhờ, trên bộ ván mát rượi nơi nhà bếp khách vẫn cảm thấy quen thuộc như đang ở nhà mình.

Gần Tết, các con gái tôi lại háo hức: mẹ, bữa nào về quê ngoại đi, mẹ! Ừ, về quê để đắm mình trong từng cơn gió chướng như thoảng hương sen từ Đồng Tháp Mười gửi tới, để nằm trong gian bếp của ngoại mà lắng nghe từng trái mận trở mình chín ngọt ngoài kia, để hít sâu vào lồng ngực mùi thơm khói lá dừa nướng bánh phồng. Ừ, về quê lần này mấy đứa phụ mẹ và ngoại gói bánh tét bánh ít nghen… Nhưng không phải chùi xoong nồi nữa, mẹ nhỉ, vì nhà ngoại bây giờ đã có bếp gaz. Con gái Út của tôi vừa nói vừa thở phào, nhẹ nhõm…

Chợt giật mình, quê ngoại giờ đã là thành phố Cao Lãnh, làng xóm đô thị hóa khá nhanh, liệu vài năm nữa các con tôi có còn thích về quê…?
 

Linh tinh lang tang (49) Tự biết.

Liên tiếp trẻ sơ sinh chết vì tiêm vacxin ngừa viêm gan B, không một ai giải thích không một ai chịu trách nhiệm. Bộ trưởng Bộ Y tế có con có cháu không mà vô cảm vậy?! Nhìn vào cách chăm sóc đối xử với trẻ em có thể biết được xã hội đó như thế nào!
Cầu mong linh hồn những sinh linh bé bỏng được an nghỉ ở nơi chắc chắn bình an hơn nơi này!


Mỗi khi nhìn thấy
Trẻ con thổn thức trong giấc ngủ
Người già quay mặt  giấu dòng nước mắt
Đàn bà lặng lẽ khóc trong đêm
Tôi bỗng thấy mình có lỗi

Vì  không thể nhẹ bước vào giấc mơ để dỗ trẻ thơ ngừng khóc
Vì  không thể vụng về lau khô giọt nước mắt người già
Vì  không thể dịu dàng ôm bờ vai đàn bà cho nhẹ dần tiếng nấc
Tôi  thấy mình bất lực

Vì đã không thể cản ngăn ai đó
Làm cho trẻ thơ phải thổn thức
Làm cho người già phải rơi nước mắt
Làm cho đàn bà phải lặng lẽ khóc thầm

Không làm được gì

Tôi thấy mình thật ác!

(7.2013)

Chuyện ngày hôm qua :)

(copy từ FB về đây)
Có người đến méc với má mình (bà năm nay 89 tuổi) là: Tại sao cô Hậu đi Mỹ về viết bài khen nước Mỹ và chê VN. Dù cô ấy viết rất khéo nhưng như thế là không nên". Má mình nói: "tôi già rồi mắt kém không xem không đọc gì cả. Nó lớn rồi cũng sắp về hưu, làm gì là chuyện của nó. Mà nước Mỹ không có gì tốt sao nhiều ông lớn cho con qua đó học quá vậy?!"
Hihi :)


Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...