Cho ngày 1 tháng 4
NHÀ THỜ
Sáng ra ngồi café vỉa hè cạnh Nhà thờ Lớn. Nhìn hắt lên bức tường xám cũ kỹ nhưng vẫn đầy vẻ uy nghi. Quanh những bậc thềm rộng rãi phía trước nhà thờ là hàng rào sắt bao quanh. Không biết cái hàng rào có từ lúc nào, nhưng ngày trước những bậc thềm này vẫn là nơi các đôi nam nữ, những nhóm bạn bè ngồi tụ họp chuyện trò vui vẻ, trẻ em chạy nhảy đùa giỡn… Lúc ấy Chúa rất gần vì mọi người như đang ở trong ngôi nhà của Chúa, dù chưa bước chân vào bên trong nhà thờ. Giờ nhìn qua hàng rào, ngôi nhà thờ bỗng xa cách quá, dù tượng Đức Mẹ vẫn đứng đó bao dung với mọi người.
Năm 1882, sau khi quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai, Giám mục Paul-Francois Puginier đã cho phá hoàn toàn Chùa Báo Thiên để xây dựng nhà thờ, hoàn thành nhà thờ vào năm 1886. Nguyên thủy, nhà thờ này có tên là Nhà thờ Thánh Giuse (Saint Joseph). Chính vì vậy, ngôi thánh đường lớn nhất ở Hà Nội được tôn phong là "Nhà thờ lớn kính Thánh Giuse". Lễ khánh thành được tổ chức đúng vào lễ Giáng sinh năm Đinh Hợi (1887).
Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothique trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá. Cũng giống Nhà thờ Đức Bà Paris, Nhà thờ Lớn Hà Nội nhìn xa hay gần cũng đều mang lại cảm giác nặng nề, uy nghiêm và… lạnh lùng. Có lẽ vì xây dựng ở Hà Nội – trung tâm chính trị văn hóa ngàn đời của vùng đất thuộc địa nên người Pháp chọn kiến trúc ấy như sự khẳng định quyền lực của chính quyền cai trị chăng?
Đi xa không hiểu sao cứ có cái cảm giác ám ảnh khi nhớ về Nhà thờ Lớn trong những sáng mùa đông Hà Nội mù sương…
***
Chiều đã ngồi café bệt vỉa hè Hàn Thuyên. Một mình với cuốn sách mới mua, vừa đọc lướt qua vừa để lọt vào tai tiếng chuông nhà thờ ngân dài trong nắng vàng rực rỡ. Trên cao lá và gió xôn xao. Vỉa hè tấp nập người và xe.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, tên chính thức là Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception Cathedral Basilica). Đây là ngôi nhà thờ lớn nhất và đặc sắc nhất Sài Gòn, với 2 tháp chuông cao 60 m, tọa lạc tại trung tâm thành phố. Tháng 8 năm 1876, Thống đốc Nam kỳ Duperré đã tổ chức một kỳ thi vẽ đồ án kiến trúc nhà thờ mới. Ngoài mục tiêu có chỗ thờ phụng, hành lễ cho tín đồ, việc xây dựng nhà thờ lớn cũng nằm trong mục đích phô trương đạo Công giáo và sự vĩ đại của nền văn minh Pháp trước người dân thuộc địa bởi vì Sài Gòn lúc bấy giờ là thủ phủ của chính quyến Pháp ở Đông Dương. Kể từ hòa ước Nhâm Tuất 1862 đến lúc này Pháp đã thiết lập chính quyền thuộc địa tại Sài Gòn và Nam bộ tương đối ổn định.
Đồ án của kiến trúc sư J. Bourad với kiến trúc theo kiểu Roman cải biên pha trộn nét Gotich đã được chọn. Cũng chính kiến trúc sư J. Bourad là người trúng thầu và trực tiếp giám sát công trình này. Mọi vật liệu từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang từ Pháp sang. Đặc biệt mặt ngoài của công trình xây bằng loại gạch đặt làm tại Marseille (Pháp) để trần, không tô trát, đến nay vẫn còn màu sắc hồng tươi không bám bụi rêu. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông, mỗi tháp cao 57,6 m và hai tháp có 6 chuông đồng lớn nặng 28,85 tấn. Trên đỉnh tháp có đính một cây thánh giá cao 3,50 m, ngang 2 m, nặng 600 kg. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá là 60,50 m. Hơn trăm năm nay gác chuông Nhà thờ Đức Bà luôn in bóng thanh thóat trên nền trời Sài Gòn xanh bốn mùa, mang lại cảm giác nhẹ nhõm và bình yên…
Chỉ tiếc là giờ đây, đứng phía nào nhìn lên cũng thấy nhà thờ Đức Bà bị đè bẹp bởi những tòa nhà cao tầng ốp kính xanh lè. Gác chuông chỉ còn như cái đinh, nhỏ nhoi đến tội nghiệp!
***
Khi hòang hôn nhẹ nhàng loang trên những ngọn cây sẫm dần, chuông điểm từng tiếng thong dong kéo trí nhớ về buổi chiều vùng quê Phát Diệm.
Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể các nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nhà thờ đá Phát Diệm là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam. Đây là một công trình lớn, được xây dựng bằng đá và gỗ, khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Quần thể kiến trúc này gồm các phần: Ao hồ, Phương Ðình, Nhà thờ lớn, ba hang đá nhân tạo và nhà thờ đá. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.
Làng tôi xanh bóng tre,
từng tiếng chuông ban chiều,
tiếng chuông nhà thờ rung…*
Những ngày ở đấy, mỗi khi chiều xuống, tiếng chuông nhà thờ lan xa lẫn trong khói bếp tím mong manh thơm mùi rơm mới, đàn trâu lộp cộp khua móng trên đường làng, tiếng gọi nhau í ới… Làng quê thanh bình, và buồn… Bỗng nhớ nhà da diết…
Không biết những người dân từ đây ra đi năm nào có nhớ nhà như mình lúc ấy không…
* Bài hát “Làng tôi” của Văn Cao
(Sài Gòn tiếp thị ngày 29/3/2010, mục Khoảng thở thị dân)
Đà Lạt mùa vắng dã quỳ
Mọi năm tôi thường lên Đà Lạt vào khoảng tháng muời một. Lúc ấy là đầu mùa đông. Bước xuống sân bay Liên Khương, cùng với không khí se lạnh và đầy hương gió núi, đập vào mắt tôi đầu tiên bao giờ cũng là thảm dã quỳ rực lên trong nắng.
Dọc đường từ sân bay về thành phố Đà Lạt những vạt dã quỳ cứ hồn nhiên khoe sắc mặc cho bụi cuốn lên phủ đỏ hai bên đường… Đi đã nhiều nơi, chiêm ngưỡng nhiều loài hoa nhưng với tôi, chưa có loài hoa dại nào mang trong hình dáng mình vẻ trái ngược nhau đến thế: cây cứng cỏi thoáng những chiếc gai nhọn, kết thành từng vạt rậm rạp nhưng vẫn mềm mại uốn mình theo từng cơn gió lộng cao nguyên, trong nắng sớm mai hay trong buổi hoàng hôn màu vàng rực rỡ buộc người thờ ơ nhất đi qua cũng phải ngắm nhìn nhưng từng bông hoa vẫn e ấp này cánh này nhị, duyên dáng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt… Dã quỳ giống như một thiếu phụ từng trải mà vẫn vô cùng quyến rũ vì tâm hồn thanh sạch và tình yêu nồng nàn thơ trẻ… dù không phải ai đến với nàng cũng hiểu và yêu nàng vì điều đó…
Năm nay lên Đà Lạt khi mùa dã quỳ đã qua mà trời đêm vẫn vừa đủ lạnh cho những đôi lứa đi bên nhau nép sát vào nhau… Không có dã quỳ dường như Đà Lạt xa lạ hơn, tôi như cô đơn hơn khi ngồi cà phê một mình nơi quán nhỏ đầu con dốc dài đi xuống thung lũng mờ sương vắng những đốm vàng ấm áp… Vào mùa này dã quỳ chỉ có ở một nơi xa lắm… Đã lâu rồi, hình như cũng vào một buổi tối se lạnh như thế này, có người đã hẹn sẽ cùng tôi lên Ba Vì ngắm dã quỳ nở vào mùa hè chứ không phải vào đầu đông như ở Đà Lạt… Nhưng rồi với tôi, lời hẹn ấy mãi mãi chỉ là hẹn ước…
Ở Đà Lạt thú nhất là ngồi quán cà phê.
Quán cà phê ở đây có thể gặp trên mọi đường phố, là ngôi nhà lầu đồ sộ ven đường hay là sân vườn ngôi biệt thự nằm sâu trong con đường nhỏ quanh co. Lớn hay nhỏ, sang trọng hay bình dân, phong cách trang trí thể hiện cá tính nghệ sĩ hay đậm nét trẻ trung sinh viên… những quán cà phê như vậy là nơi ta có thể ngồi vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, một mình, từng đôi hay cùng bạn bè, bên ly cà phê thơm nồng, ly trà gừng thơm dịu mà ngắm nhìn những thiếu nữ tóc buông dài, áo len màu tím, màu xanh khoác ngoài áo dài trắng, ôm cặp sách thong thả đến trường mỗi buổi sớm mai hay trở về nhà vào mỗi hoàng hôn.
Trong một quán cà phê như thế bất ngờ lần này tôi gặp lại một người bạn cũ.
Khi tôi bước vào, nơi góc quán có một nhóm người đang trò chuyện vui vẻ. Có vẻ như câu chuyện xoay quanh văn chương thơ phú. Vốn là khách quen, tôi lẳng lặng đến chiếc bàn nhỏ “của mình” sát ô cửa sổ rồi ngồi xuống và giở tờ tạp chí ra đọc. Vài gương mặt tò mò ngoái nhìn (ở Đà Lạt phụ nữ ngồi cà phê một mình là điều hơi lạ?). Đón ly cà phê từ tay cô bé phục vụ, chưa kịp đặt xuống bàn bỗng giật mình bởi một giọng nói hồi hộp: H. phải không, saoem lại ở đây…?
Phút chốc ngạc nhiên nhưng tôi nhận ngay ra anh.
Ngày ấy, tôi và anh cùng học với nhau chỉ một năm cuối cùng của trường trung học. Khi tôi vừa kịp quen với thành phố phương Nam ấm áp và sôi động thì anh đã cùng gia đình ra đi, đến một nơi cách xa nửa vòng trái đất. Nhiều năm sau tình cờ công việc làm chúng tôi biết nhau, rồi liên lạc thường xuyên hơn khi nhận ra là “đồng môn” thủa nào. Biết bao lần anh mail cho tôi, nói đủ thứ chuyện nhưng chưa một lần anh nói đến chuyện về quê, thậm chí cả khi tôi “rủ rê”: về chơi đi, bạn bè gặp nhau vẫn nhắc anh luôn đấy… Anh vẫn im lặng và lảng sang chuyện khác. Vì sao, tôi cũng không biết nữa… Thời gian sau này khi công việc đã kết thúc, tôi và anh ít liên lạc với nhau hơn. Công việc mới lại đến và cuốn tôi đi, trong nhịp sống bận rộn những mối liên hệ qua NET tưởng như bền chặt bỗng hóa mỏng manh, rồi thường mất hút tưởng như chưa từng bao giờ tồn tại…
Giây phút đầu tiên nói chuyện với nhau, cả tôi và anh đều không tránh khỏi ngỡ ngàng. Tôi, vì chưa quen với giọng nói hơi “cứng” của một người đã lâu ít dùng tiếng Việt. Còn anh, hơi ngạc nhiên với một chút gì như là trách cứ: đã ba mươi năm mà em vẫn không nói tiếng Sài Gòn được ư?!
Nhưng chính câu hỏi này đã làm chúng tôi bật cười vui vẻ. Hồi đó, anh và tôi thường “cạnh tranh” với nhau trong tất cả các môn học. Anh rất giòi ngoại ngữ vì là “dân trường Tây” từ nhỏ nên thường vượt qua tôi về môn này. Mặc dù cả hai đều học hành rất “tài tử” chứ không phải là kiểu người chuyên cần chăm chỉ, lại cùng hay làm thơ viết văn… nghiệp dư báo tường nhưng anh luôn tỏ thái độ không thích tôi , chỉ vì giọng nói “rặt Bắc kỳ” của tôi! Có lần anh nhái giọng chọc quê một cách đầy ác ý, làm tôi tức đến phát khóc khi tôi nói một điều gì đó bằng giọng Bắc mà bạn bè không hiểu… Từ đó trước mặt anh tôi bỗng e dè ít nói hơn, nhưng nếu nói thì cố ý dùng toàn tiếng “Hà Nội chuẩn” để chọc tức anh, dù tôi đã có thể nói giọng Nam bộ một cách dễ dàng. Vài lần như vậy dường như cũng đủ để anh hiểu sự bướng bỉnh của tôi và sự… vô lý của mình nên lúc ra đi, qua người bạn thân anh gửi đến tôi lời chào tạm biệt “cô nhỏ Bắc kỳ dễ…ghét”.
Bao năm trôi qua nhưng dường như anh không thay đổi mấy… Anh cũng nhận xét về tôi như vậy. Có lẽ mối liên hệ từ mấy năm trước đây đã mang lại cho chúng tôi cảm giác đó? Được biết anh về Sài Gòn để lo thủ tục cho một dự án đầu tư về công nghệ thông tin. Công việc tạm ổn, trước khi quay về bên đó anh lên Đà Lạt nghỉ ngơi mấy bữa, cũng để gặp gỡ một số bạn bè bàn việc sẽ triển khai một dự án khác trên này. Anh nói, gần một tháng ở Sài Gòn nhưng anh không thể liên lạc với tôi vì e-mail cũ tôi đã không còn sử dụng. Qua vài người bạn anh biết tôi đã có một công việc mới, hình như cũng đi công tác thường xuyên và ít ở Sài Gòn… Hỏi thăm nhau về gia đình, anh hóm hỉnh Sao, con gái em có nói giọng Bắc kỳ như em không? Dạ không, nó nói rặt giọng Sài Gòn anh ơi. Còn con trai anh thì sao? Ừ, anh sợ nó không quen nên rèn dữ lắm, giờ thì nó nói tiếng Việt cũng khá, nhưng chắc không bằng… ba nó đâu! Đấy, ba mươi năm nói tiếng Tây nhưng anh có quên tiếng Việt được đâu, huống chi em ở đây, giọng Nam hay Bắc thì cũng là tiếng Việt mình, phải không anh…
Từ ô cửa nhỏ nhìn xuống thung lũng trải dài ngút ngát dưới ánh nắng vàng như mật ngày chớm hè, tôi chợt nhận ra Đà Lạt trong một màu sắc mới: màu tím tươi thắm của dàn bông giấy bên hàng rào ngôi biệt thự cổ, thấp thoáng đây đó bông bằng lăng tím e ấp dịu dàng, và hàng phượng ven đường những chùm hoa ngơ ngác tím… Tiết trời Đà Lạt làm cho sắc tím nơi đây thật lạ, như sắc tím đôi mắt thiếu nữ trong lần hò hẹn đầu tiên…
Mùa này Đà Lạt không có dã quỳ…
(Đăng Tạp chí Người Đô Thị ngày 25/5/2010)
En - chi cho ngày đẹp giời (ơi)
Thêm một buổi sáng Sài Gòn tuyệt đẹp!
Se se lạnh, nhàn nhạt nắng, dìu dịu mây… trời như chiều lòng người đang thóang chút mong manh, cái mong manh của những điều tự hỏi.
Mấy bữa nay điện thọai gặp sự cố. Dường như nó cũng đến lúc quá tải vì phải phục vụ một người “lắm chuyện” như mình, bèn treo máy, không cho chủ nhân nó trả lời dù rõ ràng vẫn nhận được các cuộc gọi. Cái sự đình công này gây ra bao rắc rối! Có lúc có thể nhắn lại rằng: anh ơi/chị ơi, ABCD ơi, máy hư ko nghe được, làm ơn nhắn tin giùm nhé. Nhưng nếu là số máy cố định gọi đến thì Thôi rồi Lượm ơi, thế nào cũng nhận được một lô những lời trách móc khi phải dùng máy bàn gọi lại… thanh minh thanh nga, có người thông cảm, nhưng cũng có số máy khi gọi lại ko gặp người cần gặp, lòng canh cánh vì sự “bất lịch sự” của mình! (họp hành liên miên, không phải lúc nào cũng có thể trả lời ngay được!)
Đã thế, lại không sao chuyển được dữ liệu trong máy cũ sang máy mới, cũng chỉ vì nó vẫn tiếp tục đình công (hay là nó giống chủ nhân, đang bị ốm vì một lọai virus nào đó nhỉ?).
Và lại thêm sự cố: Xin lỗi, mất sim nên không nhớ số của ai đấy ạ? Thế là:
- Ôi bà chị iu qúi ui, em XYZ đây mà…. Và tiếp tục trò chuyện như bắp rang bơ…
- Gớm, người quan trọng có khác, chẳng thèm nhớ số ai cả!!! Và thế là màn thanh minh thanh nga lại tiếp diễn, nhưng rồi vẫn cười dzui dzẻ.
- Thế à, không nhớ anh/em/tui… là ai à? … Dạ vâng ạ, xin lỗi… Có khi được trả lời, có khi là sự im lặng, giận dỗi???
- Những lời nhắn chúc mừng năm mới, chúc một ngày vui, chủ nhân cái đt (tạm thời) khuyết tật vẫn nhắn lại, cám ơn, và kèm một câu xin lỗi… vui vẻ.
- Có lời nhắn ỡm ờ, sau khi nhận lời xin lỗi bèn hạ một câu: không phải là mất sim, mà là sắp mất một người thân!!! Ô, sao thế nhỉ? Chả lẽ vì sự cố đt mà một cái gì thân thiết lại dễ dàng mất đi đến thế ư???
- Và thiệt tình, có những tin nhắn không muốn trả lời, vì sẽ lại mang thêm cho mình, cho người gửi sự bận tâm mới… Cứ để mọi cái qua đi, nhé!
- Nhưng cũng có những tin nhắn gửi đi không có sự hồi âm. Hay là đt (và bạn) cũng đang gặp sự cố (như mình/ khác mình?!). Thế thì cứ chờ cho sự cố của bạn qua đi vậy.
……………
Trước đây vẫn rất cẩn thận, khi lưu một số đt vào máy liền ghi lại trong cuốn sổ nhỏ. Nhưng rồi một lần quên, nhiều lần quên, và lười, và ỉ i vào cái sự tiện lợi của máy móc… Phụ thuộc vào sự tiện lợi nào đó, sau một thời gian sẽ lộ ra cái sự bất tiện, khi mà sự phụ thuộc trở thành một thói quen! Vì vậy, thỉnh thỏang rất cần một sự cố, nho nhỏ thôi, để tự giật mình, ngửa mặt (lên giời) than rằng: Giời đã cho iem trí nhớ, sao còn cho iem cái đt làm chi???
A, thế mới biết, mọi cái đều mong manh lắm, mong manh như sợi tơ trời…
Ký ức mùa thu
Về lại phố xưa…
Tôi trở về Hà Nội. Một chuyến đi vì công việc như mọi lần, và cũng như mọi lần, không chỉ là vì công việc. Những ngày nóng bức đã qua, ngày tôi đi HN dịu mát như một ngày thu... Trưa hanh hao, uống bia hơi Hà Nội thật thích. Bạn về Sài Gòn rồi còn nhớ cái mát lạnh của cốc bia như có cả hơi gió từ hồ Ngọc Khánh?
Chiều sụp tối, gió len lỏi trên đường phố vẫn nườm nượp người và xe…
Ư thôi, vài ngày sẽ qua, lại về với Sài Gòn nắng gió, về với cà phê bông giấy mỗi chiều tư lự ngắm xe qua và người đi mất. Và sẽ nhớ, một tối nào đó, bạn bên tôi, tưởng như có thể đi mãi như thế, không có nơi đến không có điểm dừng không có cả đèn đỏ ngăn bước chân ngập ngừng trong chốc lát…
Lần này tiễn tôi đi Hà Nội ngập tràn màu tím: hòang hôn ngày đầu hè tím nhạt bãi ven sông, những con đường rợp bằng lăng tím biếc, tiếng ve ran tím sẫm trên những vòm cao… Cảm giác một mình khi ra đi cũng là một sắc tím, trong veo, như nước. Sắc tím ấy pha vào đâu thì làm độ tím nơi ấy nhạt nhòa đi, nhưng với thời gian sẽ bền màu hơn.
Ngày tôi chia xa Hà Nội không nhiều sắc tím như bây giờ…
Bao lần trở về
Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang chợ hoa Nhật Tân vào lúc rạng ngày đang sáng, để cùng ngắm những cành hoa đủ màu đủ sắc còn đẫm sương đêm, nồng nàn hương thơm...
Bao lần trở về, mình đã muốn cùng bạn lang thang nơi phố nhỏ thoang thoảng hương ngâu. Một ngọn đèn in hình những bông hoa loa kèn nghiêng đầu duyên dáng sau ô cửa nhỏ khuất tấm rèm lay nhẹ ...
Bao lần trở về mình đã muốn cùng bạn lang thang làng nhỏ ven đê, chợt một hồ sen hiện ra, búp sen nụ sen ấp e, trinh bạch...
Bao lần trở về là bao lần mình mong muốn... cũng là bao lần mình lại một mình như thế...Bạn có biết không...
Ngày chớm thu...
Bạn bảo: ra Hà Nội có gì vui kể cho bạn nghe với. Bạn còn hỏi: lần này ở đâu, Hà Nội cũ hay mới?Hà Nội với tôi bao giờ cũng là Hà Nội của ngày xưa cũ, một Hà Nội dịu dàng sáng chớm gió heo may, một Hà Nội nhẹ nhàng chiều những con đường lá rụng, một Hà Nội của tuổi 17 ngày chia xa... một Hà Nội của tuổi thơ không bao giờ trở lại…
Có lẽ vì vậy mỗi lần trở về Hà Nội tôi thường chỉ loanh quanh những nơi quen thuộc. Đôi khi cũng có cảm giác quá quen thuộc, cần biết thêm cái gì đó mới mẻ hơn. Nhưng quán tính của ký ức vẫn đủ sức mạnh níu kéo bước chân... Vả lại, một Hà Nội mới cũng chẳng có gì khác nơi tôi đang sống. Vậy thì tại sao lại cần phải biết thêm điều không lạ đó?
Còn Hà Nội mở rộng ư? Với tôi, mãi mãi vẫn là Xứ Đoài với những kỷ niệm thời ấu thơ cô đơn... Mà thật ra, Hà Nội mở rộng còn cả một phần của Hòa Bình miền tây bắc nữa... Nơi ấy cũng có nhiều điều đáng nói...
Thế đấy, bạn có muốn về Hà Nội với tôi không...?
TẢN MẠN VỀ NGƯỜI PARIS
Ấn tượng về người Pháp nói chung và người Paris nói riêng đến với tôi là từ ba tôi. Dù chỉ là giáo viên tiểu học thời trước năm 1945 nhưng ông có một vốn tiếng Pháp tuyệt vời và sự am hiểu sâu sắc nền văn hoá Pháp, như ông vẫn nói, là nhờ ông đọc rất nhiều sách tiếng Pháp. Trong nhà tôi có một tủ sách lớn mà phần nhiều là sách văn học được ba tôi cần mẫn tìm mua và gìn giữ suốt cuộc đời, kể cả những lúc khốn khó nhất. Cùng với “tài sản” quý giá này ông còn để lại cho chúng tôi tình yêu văn học – nhất là dòng văn học lãng mạn – cổ điển của Pháp, và sau này là văn học Nga – Xô viết. Từ đó, những nhà văn Pháp mà tôi vô cùng yêu thích, với tôi chính là hiện thân của “người Paris”. Những nhân vật trong các tác phẩm của họ đã trở thành những người bạn không quen biết mà trong những khoảnh khắc chống chếnh, khi tôi tìm đến họ đã âm thầm giúp tôi lấy lại thăng bằng trong cuộc sống.
Chút hồi hộp như sắp gặp lại những người thân quen từ thời thơ ấu. Bao thời gian đã trôi qua, liệu tôi có còn nhận ra được họ…?
Do thói quen nên những ngày ở Paris tôi thường dậy sớm. Một mình trên con đường vắng lặng, cảm nhận hơi thở mùa thu tinh khiết từ những vòm lá còn đẫm sương đêm, từ mùi thơm những khay bánh mì mới hay ly cà phê trong cửa hàng nhỏ…Trên phố có người thong thả dẫn theo bên mình chú chó lông xù trắng tinh có đôi mắt nhỏ đen láy, trông như hai cái nút trên tấm áo choàng lông thú! Những tốp công nhân làm ca đêm trong dáng mệt mỏi vội vã đi về, có người ghé vào cửa hàng mua một chiếc bánh mì lớn còn nóng hổi, vừa đi vừa ăn thật ngon lành. Đó là những công nhân đang thi công lắp đặt hệ thống đường xe điện trên mặt đất, phục vụ cho du lịch tham quan khu trung tâm “phố cổ” Paris, nhưng việc đào đường chỉ tiến hành vào ban đêm để không gây kẹt xe… Hầu như ở mỗi góc phố đều có một quán cà phê mà trang trí và phong cách phục vụ có lẽ không thay đổi từ hàng trăm năm nay, tưởng như chúng từ những trang tiểu thuyết hồi thế kỷ 19 bước thẳng ra hè phố! Những quán cà phê đã trở thành một phần không thể thiếu được của Paris. Ung dung bên làn khói nhẹ, ly cà phê và tờ báo, người Paris vẫn lưu giữ thói quen đón ngày mới như vậy. Từ khoảng sau bữa trưa quán thường đông hơn. Người Paris và người đến với Paris hình như luôn nhàn nhã, họ có thể ngồi với nhau hàng giờ chuyện phiếm về mọi vấn đề hoặc trầm ngâm cà phê một mình…Một người bạn Paris bảo tôi, người Pháp có một điều hơn hẳn người Mỹ, ấy là họ luôn được lãng mạn, mơ mộng và suy tưởng… Ngày trôi qua và Paris chỉ thực sự sống động khi thành phố lên đèn rực rỡ cho đến lúc mọi con đường ngõ phố chìm dần dưới làn sương giăng mờ tím, rồi từng ô cửa sổ lần lượt nhắm mắt, tắt đèn …
Trừ hai ngày cuối tuần, hàng ngày từ khoảng 8 giờ sáng đường phố bắt đầu nhộn nhịp. Dưới lòng đường từng dòng xe hơi nối đuôi nhau, có thể chậm nhưng không có hiện tượng kẹt xe ở các giao lộ, đơn giản vì mọi người đều tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Nếu có khách bộ hành nào lỡ qua đường đúng lúc đèn chuyển màu vàng hay đỏ thì dòng xe cũng tạm dừng lại để nhường đường. Người Paris đi bộ nhiều vì sử dụng phương tiện giao thông cộng cộng là chính. Họ luôn vội vã đến các bến xe bus hay mất hút trong đường hầm metro, trong ga xe lửa. Hầu như ai cũng đeo xách một chiếc túi khá lớn, chân đi giày vải mềm, thanh thiếu niên đi giày thể thao, máy nghe nhạc hay điện thoại đeo trên cổ, vừa đi vừa lắc lư theo tiếng nhạc… Những chuyến metro vào giờ cao điểm rất đông, nhưng chỉ cần một hàng máy soát vé tự động là đủ để cho dòng người trật tự ngay từ cửa vào. Trên các phương tiện giao thông công cộng, nhiều người tranh thủ chợp mắt vì quãng đường khá dài, hoặc đọc sách báo hay một cái gì đó, thỉnh thoảng nhìn lên bảng điện báo tên ga dừng, ga sắp đến hay trò chuyện nho nhỏ. Nhiều phụ nữ thường thay đôi giày cao gót, cất giày vải và áo choàng vào túi khi sắp đến ga xuống. Trong trang phục công sở hay một bộ quần áo lịch sự, ở họ toát ra một phong thái thật ung dung, duyên dáng đặc trưng của các Quý bà Paris… Trên một chuyến metro như vậy, khi tôi đang dán mắt vào tấm bản đồ thì có cảm giác ai đó chăm chú nhìn mình. Ngẩng đầu lên tôi bắt gặp ánh mắt vừa vội vã quay đi của một người phụ nữ trạc tuổi tôi, có vẻ như chị là Việt kiều ở Pháp đã lâu nên dễ biết tôi là người “đồng hương” mới qua. Suốt quãng đường dài, chị – vì không thể “bất nhã” mà nhìn tôi mãi, tôi - vì rụt rè cũng không dám hỏi chị để làm quen…Cho đến một ga, lúc bước xuống chị mới nhìn tôi và mỉm cười, một nụ cười làm cho mọi người Việt có thể nhận ra nhau ở bất cứ nơi nào trên trái đất… Tàu chạy rồi tôi vẫn thấy chị đứng đó, nhìn theo…
Dịp tôi ở Paris có Ngày hội Báo Nhân đạo – tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp. Hàng chục báo của Đảng Cộng sản nhiều nước đã tham gia ngày hội này. Các gian trưng bày tuy nhỏ nhưng đều rực rỡ, nhiều tờ báo còn tổ chức biểu diễn văn nghệ dân tộc nên thu hút khá nhiều người ghé xem. Gian báo Nhân Dân của ta thì có quầy bán thức ăn Việt Nam bên cạnh, khách đông chen nhau mua chỉ với hai món chủ đạo là phở bò và chả giò. Những người bán luôn tay, hỏi ra mới biết toàn là du học sinh Việt Nam tình nguyện đến phục vụ và tự tổ chức quầy hàng này. Tìm đến gian trưng bày của báo Nhân Đạo. Rộng rãi, sáng sủa, có cả sân khấu ca nhạc, nhiều quầy hàng lưu niệm bán các ấn phẩm của tờ báo. Tôi ghé vào mua mấy cái logo báo Nhân Đạo để làm kỷ niệm. Hai cụ bà tuổi chắc ngoài bảy mươi, tóc bạc phơ và đôi mắt đã kém tinh anh – cũng là người tham gia phục vụ tình nguyện – hỏi tôi có phải là người Trung Quốc không. Khi tôi trả lời tôi là người Việt Nam thì hai cụ mừng rỡ, cứ nhắc đi nhắc lại hai tiếng Việt Nam, rồi lấy huy hiệu gắn lên áo tôi và nhất định không chịu lấy tiền khi tôi mua thêm mấy chiếc nữa. Khi tôi tặng lại cuốn sách giới thiệu Bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh thì hai cụ nắm tay tôi hồi lâu mà mắt rưng rưng…
Mỗi ngày tôi đều ghé tiệm Internet ở đầu ngõ để lên mạng xem tin tức và liên lạc với gia đình. Tiệm nhỏ chỉ có khoảng mươi máy, khá yên tĩnh vì khách phần nhiều là thanh thiếu niên ngồi “chát” hay e-mail, không thấy ai chơi game cả…Chủ tiệm là một anh chàng cao lớn, khuôn mặt vuông với bộ râu quai nón rậm đen trông như “Bin Laden” nhưng hiền khô! Biết tôi muốn mua thẻ điện thoại, bằng thứ tiếng Anh cũng khá như …tiếng Pháp của tôi, anh hướng dẫn tôi tìm trong một “rừng” thẻ điện thoại chọn loại nào gọi về Việt Nam rẻ nhất. Có lần tôi ghé vào lúc tiệm đông người không còn chỗ, thấy tôi tần ngần định quay ra, anh liền nhường tôi “máy chủ”: để gia đình bà ở Việt Nam không phải đợi lâu. Ngày cuối tôi đến chào tạm biệt, anh đã tặng tôi một chiếc thẻ điện thoại và nói: Mong bà sẽ sử dụng khi bà quay lại Paris …Bây giờ tôi vẫn giữ chiếc thẻ này như ấp ủ một niềm hy vọng…
Chỉ dẫn tận tình mọi việc cho tôi trong những ngày ở Paris là anh bạn đồng nghiệp mà tôi mới quen trước chuyến đi. Đó là một người đàn ông cao, gầy, mái tóc bồng bềnh màu hạt dẻ đã chớm bạc. Đôi mắt xanh sau cặp kính trắng luôn ánh lên tia nhìn hiền hậu nhưng chiếc mũi nhọn thì trông khá hài hước. Nhìn anh tôi cứ nghĩ, khi về già chắc anh trông rất giống Cụ Vitaly*! Anh khá kiệm lời nhưng khi nói về các vấn đề khoa học thì rất sôi nổi. Là người phụ trách chính về nội dung và mỹ thuật cuộc trưng bày cổ vật Việt Nam, anh đã thuyết phục mọi người phương án trưng bày hay nhất, tuy vậy anh vẫn tế nhị hỏi ý kiến tôi. Ở Paris, các bảo tàng về cổ vật hay bảo tàng mỹ thuật vẫn trung thành với phong cách “cổ điển” – nghĩa là cổ vật và tác phẩm mỹ thuật được trưng bày trong thế “tĩnh” và là trung tâm của nội dung trưng bày, các tài liệu minh họa, thiết bị nghe nhìn hiện đại và mọi phương án mỹ thuật đều phải làm tăng thêm vẻ đẹp nhưng không được làm nhạt đi hay lấn át yếu tố lịch sử của cổ vật. Đơn giản là phải làm cho cổ vật trở nên sang trọng hơn, xứng đáng với giá trị vật thể và phi vật thể của nó. Khi nghe tôi nhận xét như vậy và cho rằng, đó cũng là phương án tốt nhất đối với cuộc trưng bày này, anh bạn đồng nghiệp xoa tay hài lòng và nói vui: Tôi cứ nghĩ không biết bà có đề nghị cho “Madame Bovary”* mặc váy ngắn và áo hở bụng không? (anh muốn nói đến kiểu trưng bày mà cổ vật được “mô hình hoá” hay “sân khấu hoá” đang trở thành xu hướng được gọi là “hiện đại hóa” trong nhiều bảo tàng ở Đông Nam Á). Tôi cũng đùa: Vâng, nếu ông cho “Giăng Van Giăng”* mặc quần áo hip hop và đi giày Adidas??? Chúng tôi cười phá lên khi tưởng tượng ra cảnh đó! Vâng, Paris không chỉ lưu giữ những kho tàng di sản văn hóa vô giá mà còn bảo tồn cả truyền thống “văn hóa bảo tàng” hàng mấy thế kỷ, là đại diện tiêu biểu cho “trường phái cổ điển” của hệ thống bảo tàng trên thế giới.
Cùng làm việc với chúng tôi là những nhân viên các bộ phận nghiệp vụ bảo tàng, công nhân của một công ty chuyên vận chuyển và đóng gói cổ vật. Họ có phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ, mỗi người đều thành thạo công việc của mình, thực hiện đúng chức trách đồng thời tự giác về kỷ luật lao động. Dù công việc phải tiến hành khẩn trương, hầu như không ai nói chuyện phiếm trong giờ làm việc mà chỉ có vài trao đổi ngắn gọn, nhưng không khí làm việc vẫn khá thoải mái vì mọi người đều có trách nhiệm, quan hệ giữa những người đồng nghiệp hầu như không vướng bận điều gì. Do đó mọi việc nhỏ hay lớn luôn được tiến hành một cách suôn sẻ, hoàn thành đúng thời hạn, kết quả tốt và hiệu quả lâu dài.
Một lần trên chuyến xe lửa từ Paris ra ngoại ô, tôi nhìn thấy một người đàn ông trung niên mặc bộ quần áo đã sờn cũ nhưng lành lặn và sạch sẽ, tay cầm một xấp giấy đi dọc toa tàu và để cạnh mỗi người một tờ. Tò mò tôi cầm lên đọc. Tờ giấy có mấy hàng chữ in vi tính: “Tôi thất nghiệp và đang cố gắng tìm việc làm. Tôi còn 4 đứa con đang đi học. Cám ơn sự giúp đỡ của ông, bà!”. Vài hành khách để một ít tiền lên trên tờ giấy. Người đàn ông đi đến cuối toa rồi quay lại, lần lượt cầm tờ giấy và tiền lên, hơi cúi đầu cảm ơn và tiếp tục đi sang toa khác. Lặng lẽ, cam chịu nhưng dáng vẻ ông không làm cho người khác khó chịu hay thương hại. Trong các ga xe lửa hay metro thỉnh thoảng tôi cũng gặp những người như người đàn ống ấy, họ nhờ vào lòng hảo tâm của mọi người bằng cách đánh đàn, biểu diễn ảo thuật hay có người già yếu chỉ ngồi yên lặng trước một tấm bìa có ghi vài chữ. Người qua lại dù có giúp hay không giúp chút gì thì cũng tránh không để một cử chỉ, một ánh mắt nào có thể làm tổn thương đến những con người không may mắn ấy…
Dù Paris đã xa lâu rồi nhưng hình ảnh người Paris mà tôi chỉ thoáng gặp vẫn còn tươi nguyên… Dường như trong cái xôn xao rất lạ của mùa thu Paris trái tim bỗng nhạy cảm hơn, từ sâu thẳm ký ức tôi những “người bạn cũ” bỗng hiện về sống động trong người Paris hôm nay: hào hiệp, ân cần, hóm hỉnh nhưng đầy lãng mạn, và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không mất đi lòng tự trọng – sự tự trọng ở mỗi con người nhưng cũng là của cả một nền văn hóa…
KHOE CHÚT NÈ :)
TRĂNG 14
Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…
Mỗi ngày mặt trời mọc rồi lặn, dù ở nơi nào thì bình mình rồi cũng trôi đến hòang hôn. Ngày đang đến cũng là đang qua…
Nhưng có những ngày, vào thời khắc bóng tối ngập ngừng bao phủ không gian, phía chân trời lại hiện lên một vầng sáng nhẹ nhàng, trong trẻo, mềm như lụa, dịu như nhung.
Mùng Một lưỡi trai, mùng hai lá lúa… vầng sáng dần đầy đặn, để rồi sẽ viên mãn vào ngày Mười sáu thật trăng.
Người ta thường ca ngợi vẻ rực rỡ của đêm rằm 15, vẻ hòan hảo của trăng 16. Thời gian trôi qua, khi đã nhìn thấy, đã trải nghiệm không ít những buồn vui trong cuộc sống, ngỏanh lại, dường như chỉ vầng trăng 14 e ấp dịu dàng là còn mãi trong ký ức ta.
THIẾU NỮ
Giấc mơ mỏng.
Vầng trăng thiếu nữ
Cỏ kết hoa
Run rẩy
Xuân nồng
Vàng trăng cứ xẻ đôi... Lộng lẫy
Còn chú dế nào trên cỏ
Ngủ quên không?
Còn vầng trăng nào ngủ quên trên cỏ
Giọt sương vỡ ra tia nắng cầu vồng
Lộc hàm tiếu xanh biếc hồn thiếu nữ
Nghe bước xuân về nhè nhẹ
Như không
Trong cỏ cây bí ẩn dịu dàng
Thiếu nữ
Mùa xuân
Vầng trăng mười bốn
Thảy đều mong manh
Lần đầu tiên tôi đến Hội An cách đây gần ba mươi năm. Khi ấy Hội An còn là một thị xã nhỏ, nằm nép mình trên con đường đến thành phố Đà Nẵng, lặng lẽ bên sông Hòai, hầu như chưa mấy người biết đến… Khi ấy phố cổ nhà xưa vẫn còn nguyên nét cũ kỹ và không có nhiều cửa hàng cửa hiệu như bây giờ. Chưa tròn một buổi đã đi hết những con đường nhỏ hầu như yên tĩnh suốt ngày. Hội An lúc ấy còn như một thiếu nữ tuổi 14 dậy thì, đang ngơ ngác và lạ lẫm với chính mình, tuy có nét vụng về nhưng đã không dấu được một vẻ đẹp đằm thắm dịu dàng. Từ đó Hội An luôn trở lại trong ký ức tôi, mặc dù nhiều năm sau tôi vẫn chưa có dịp quay lại nơi này…
Bây giờ Hội An đã là một địa danh quen thuộc và nổi tiếng. Cô thiếu nữ rụt rè ngày nào nay đã trở thành một cô gái đẹp, vẻ đẹp hòai cổ nhưng tràn đầy sức sống. Dường như cô đang tái hiện vẻ đẹp thế hệ những người bà, người mẹ từng làm nên sức sống và sự phồn thịnh của Hội An nhiều trăm năm về trước.
Nhiều người khi đến với Hội An đều có chung một cảm nhận: văn hóa và con người Hội An có gì đó độc đáo, riêng biệt mà sao vẫn thấy gần gũi, quen thuộc. Phải chăng đó là lối sống bình dị mà thân thiện của cư dân nơi đây? Phải chăng là những ngôi chùa, dãy nhà xưa với vẻ đẹp cổ kính và tĩnh lặng của mái ngói phủ rêu xanh mướt và nét chạm trổ tinh vi đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông, tuy có thể tìm thấy ở bất cứ đâu nhưng khi tập hợp thành một quần thể trong một không gian lặng lẽ như ở đây đã làm cho Hội An trở nên khác biệt? Từng là Đại Chiêm hải khẩu rồi Fai Fo/ Hội An, cư dân Hội An không chỉ là những thương gia sống trong phố cổ buôn bán trong các cửa hiệu, nhà hàng mà còn là những người nông dân ở các làng lân cận, mỗi ngày đưa rau xanh, bánh trái, hoa tươi… vào thị xã, là những người thợ thủ công mang đến những sản phẩm nhỏ bé được làm ra bằng tài nghệ của chính mình, góp phần trang điểm cho phố cổ sinh động hẳn lên. Ca dao Hội An có câu:
Hội An đất hẹp người đông
Nhân tình thuần hậu lá bông đủ màu
Dạo từ sông trước xóm sau
Dưới thì Âm Bổn, Chùa Cầu ở trên.
Thời gian qua đi nhưng người phố Hội vẫn giữ được sự mộc mạc giản dị trong tính cách, vẫn lưu truyền những sản phẩm thủ công đơn sơ mà độc đáo từ bao đời. Đọan sông Thu Bồn qua Hội An vẫn còn đó lễ hội đua ghe như nhắc lại một thủa thương cảng sầm uất trên con đường tơ lụa nổi tiếng ở biển Đông. Truyền thống văn hóa của người Hội An hấp dẫn những ai chưa đến và đã níu giữ tình cảm của nhiều du khách dù chỉ một lần đến với Hội An.
Lần này tôi trở lại Hội An đúng vào một đêm trăng 14. Vào lúc hòang hôn, khác với mọi ngày phố cổ bỗng nhộn nhịp hơn. Đêm nay, đêm lễ hội của phố cổ, những gì tinh túy nhất của Hội An sẽ được “khoe” với du khách.
“Lễ hội đêm rằm” là sự sáng tạo của người dân phố cổ trong việc phục hồi không gian và tái hiện hoạt động của cư dân xưa. Khi những ngọn đèn lồng được thắp sáng, phố cổ hiện lên dáng dấp một cảng thị sầm uất với những cửa hàng tấp nập, người dạo chơi nhìn ngắm ngòai cư dân bản địa còn có nhiều người nước ngòai đến đây. Có thể đó là thương nhân ở lại vài tháng chờ mùa gió thuận để đòan thương thuyền tiếp tục ngược lên phương Bắc hay xuôi về phương Nam . Cũng có thể là người thủy thủ chỉ ghé vào cảng Hội An trong chốc lát trên hành trình dọc biển Viễn Đông. Trong đêm hội du khách bỗng thành những người khách ngọai quốc thủa xa xưa, họ không chỉ là người chứng kiến lễ hội mà thực sự, họ còn là một thành phần quan trọng tạo nên lễ hội.
Nếu đèn lồng như ánh mắt dịu dàng, đằm thắm của đêm phố cổ thì hoa đăng sông Hoài thật sự là một lễ hội của ánh sáng. Với người Hội An, thả hoa đăng thật sự là một thú chơi nghệ thuật, là món quà tặng du khách khi đến tham quan phố cổ vào những ngày lễ hội. Ngày thường, những người thợ thủ công cắt, gấp, dán giấy thành nhiều đóa hoa đa sắc để sẽ thắp sáng chúng trong lễ hội. Hoa đăng được chuyển lên thuyền, đợi lúc nước ròng thả xuống dòng sông. Theo dòng nước, hoa đăng lúc kết thành từng chùm, từng vạt, lúc nối thành bè, khi tách rời, xé lẻ từng chiếc tạo thành dòng sông rực sáng dọc theo dãy phố. Vài thảm hoa đăng sau khi diễu hành trên sông thì dìu nhau vào gần bờ, hắt lên thứ ánh sáng dìu dịu đủ thấy rõ những gương mặt thích thú, hân hoan của du khách đang say sưa ngắm nhìn. Ngồi trên những bậc thềm của phố cổ hay trong những quán xá bên kia sông Hoài, du khách đều hướng về dòng sông lung linh hoa đăng, mắt ngắm nhìn mà tai thưởng thức những làn điệu dân ca xứ Quảng văng vẳng đâu đây. Trong đêm Hoa đăng cư dân nơi đây và du khách muôn phương cùng gửi gắm những ước nguyện vào những ngọn hoa đăng thả trôi trên sông nước, cầu mong một cuộc sống luôn no ấm, bình yên và hạnh phúc. Muôn ngàn ánh sáng lung linh trên mặt nước càng về khuya càng bàng bạc ánh trăng, tựa như những con người từ thế giới linh thiêng đang hiện về chứng thực lòng thành của người còn sống. Nếu đã đến Hội An mà chưa một lần thả hoa đăng thì bạn đã bỏ qua một dịp được chiêm nghiệm cảm giác sự giao hòa trời đất và con người trong phút chốc bỗng trở thành hiện hữu…
Trong ánh đèn lồng huyền ảo phố cổ bất ngờ hiện lên một vẻ lãng mạn lạ lùng. Xưa kia người Việt quen dùng đĩa đèn dầu lạc, người Nhật Bản và Trung Hoa đã đưa tới Hội An thói quen sử dụng đèn lồng. Sáng kiến khôi phục việc thắp đèn lồng thay cho ánh sáng đèn điện từ mùa thu năm 1998 đã mang lại hiệu quả không ngờ và giờ đây đã trở thành một tập quán đẹp của Hội An. Vào mỗi đêm 14 âm lịch, thị xã yên bình này như được quay trở về hơn 300 năm trước. Những dãy phố cổ nằm trong giới hạn của bốn con đường Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Bạch Ðằng đồng loạt tắt đèn. Các gia đình tự nguyện ngừng sử dụng các thiết bị như TV, đèn đường, đèn neon... để không gian phố cổ chỉ còn lung linh những ngọn đèn lồng nhiều hình dáng. Ánh sáng ngọn điện nhỏ được khuyếch tán và dịu hẳn đi nhờ những chiếc đèn lồng bằng lụa nhiều màu sắc, nhiều hoa văn… gây men say lâng lâng cho mỗi người đi trên phố cổ mà như đang sống trong một thế giới huyền ảo. Sự nhộn nhịp của đêm hội, sự huyền ảo của hoa đăng đèn lồng không làm nhạt đi nét cổ xưa của những ngôi nhà cổ hằng trăm năm tuổi. Lối kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà cổ giống như tính cách của người Hội An xưa: cởi mở thân thiện mà không xô bồ, không ồn ào. Ở Hội An, nhịp sống và thời gian đương đại như dừng lại khi chạm vào từng ngôi nhà cổ. Thời gian đã in dấu lên những mái ngói cổ kính, những mảng tường rêu phong. Và người Hội An hôm nay vẫn đang kể lại những câu chuyện lịch sử bằng những việc làm, nếp sống và sinh hoạt hằng ngày.
Hàng năm các gia đình ở Hội An từ phố thị đến nông thôn đều duy trì nhiều lễ cúng tại nhà như cúng giỗ, cúng các vị thần, cúng giải hạn cầu may… Cúng ngày rằm, mùng một hàng tháng là lễ cúng phổ biến nhất. Đa số các gia đình ở đây đều cúng trước một ngày, như cúng rằm vào ngày 14, cúng mùng Một vào ngày 29, cúng Ông Táo vào khuya 22 thay vì ngày 23 tháng Chạp. Sự khác biệt trong lễ cúng này so với nơi khác đến nay vẫn chưa rõ nguyên do.
Cũng như nhiều nơi khác, ở Hội An Rằm Trung thu cũng là một lễ hội quan trọng trong năm. Tại các đình, chùa, lăng, miếu… đều được dọn dẹp sạch sẽ, trang trí khang trang đẹp đẽ và bày biện đầy đủ lễ vật, sẵng sàng cho nghi lễ chính vào tối 14. Tại những cửa tiệm bánh, lồng đèn, lân và Ông Địa, những đồ chơi bằng giấy, các mâm trái cây cúng… đã được các nghệ nhân chuẩn bị từ vài tuần trước. Đến ngày hội những sản phẩm được bày bán rất phong phú và hấp dẫn không chỉ trẻ con mà cả người lớn.
Đặc biệt ở Hội An ngày rằm tháng Mười được cư dân chú ý hơn cả. Tục ngữ Hội An có câu:
Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy
Rằm tháng Bảy kẻ quảy người không
Rằm tháng Mười mười người mười quảy
Điều này có lẽ do ngày rằm tháng Mười còn là ngày Hạ Nguyên Thủy Quan, liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Thủy Thần, mà cư dân Hội An xưa đa phần sống bằng nghề sông nước (thương thuyền, đánh bắt thủy hải sản…) nên được cư dân thực hành và duy trì lâu dài. Ngòai ra, tháng Mười còn là tháng thu họach cây trồng của nghề nông cổ truyền, vì vậy cúng rằm tháng Mười cũng có ý nghĩa lớn đối với cư dân làm nghề trồng trọt ở Hội An. Ngòai việc cúng ở bàn thờ Phật, ngũ tự, khám thờ các vị Thần bảo hộ như Thần bếp… các gia đình còn bày trước nhà một mâm cúng đất đai, âm linh, thần thánh. Cho đến ngày nay lễ tục này được duy trì phổ biến và trở thành nếp sinh họat tâm linh rất ấn tượng ở Hội An.
Chính vì vậy những đêm 14 cúng rằm – một di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành thành “sản phẩm du lịch” độc đáo của Hội An mà không nơi nào có được.
Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An có trữ lượng khá lớn, phong phú và đa dạng về lọai hình, về nguồn gốc, nội dung phản ánh chân thực truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương. Cùng với những di sản văn hóa vật thể như nhà cổ, đình, chùa, hội quán, đền miếu… di sản văn hóa phi vật thể là chứng tích bề dày truyền thống của cư dân Hội An trong quá trình thích nghi với môi trường và hòa hợp một cách nhuần nhuyễn văn hóa giữa các tộc người Việt – Chăm – Hoa. Viết thư pháp, chơi cờ tướng… không chỉ nhằm thỏa mãn sở thích cá nhân mà còn là sinh họat văn hóa mang tính cộng đồng, thể hiện tinh thần hướng thiện, hướng đến những giá trị tinh thần tốt đẹp, trở thành những mỹ tục của cư dân phố Hội.
Là sáng tạo của cộng đồng cư dân, được lưu truyền, bổ sung liên tục từ đời này sang đời khác bằng nhiều hình thức, các hình thái văn nghệ dân gian trở thành kho tàng lưu giữ các tác phẩm dân gian, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất, nề nếp sinh họat, ứng xử trong cộng đồng. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, đến nay môi trường văn hóa – xã hội sản sinh ra những hình thái văn nghệ dân gian ở Hội An đã có nhiều biến đổi, nhưng di sản văn hóa dân gian được người Hội An bảo tồn, lưu giữ, phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại và giới thiệu với bạn bè quốc tế. Thiếu phần hồn, phần tinh túy này, Di sản thế giới Hội An chỉ còn những di tích vật chất khô cứng, đơn điệu và mất đi nhiều sức hấp dẫn.
Hội An vùng đất thấm đẫm sự giao lưu văn hóa Việt – Chăm –Hoa, những hình thức sinh họat văn nghệ thể hiện rất rõ điều này. Hát bội là lọai hình biểu diễn nghệ thuật được yêu thích nhất của cư dân phương Nam . Hát bội thường được biểu diễn trong đình vào dịp lễ Kỳ yên (cầu an). Tích tuồng đề cao nhân nghĩa, khuyến thiện trừ ác, là những bài học đối nhân xử thế cho mọi tầng lớp người trong xã hội. Những điệu múa, bài ca của người Chăm, người Hoa hay người Việt đều trở thành tài sản chung để cộng đồng cư dân phố Hội cùng gìn giữ và giới thiệu với bạn bè.
Trong dịp lễ tết, hội hè người Hội An thích chơi bài chòi. Theo những ghi chép của nhiều nhà nghiên cứu, chơi bài chòi ở đây có điểm khác với trò chơi này ở nơi khác: người ta dùng hai bộ bộ bài chòi, một bộ để ở trung tâm làm thành từng thẻ, bộ còn lại phát cho các chòi. Bắt đầu chơi, người hiệu đến trung tâm rút một thẻ bài và hô lên, kèm theo một câu hát. Chòi có thẻ bài trùng tên thì đánh trống báo hiệu để nhận. Cứ thế trò chơi tiếp tục đến hết thẻ.
Trò chơi dân gian ở Hội An rất phong phú, nhiều cách thức, hình thức. Ngòai chức năng vui chơi giải trí những trò chơi còn có tác dụng rèn luyện sự khéo léo, nâng cao kỹ năng kỹ thuật cá nhân. Trò chơi dân gian còn là “chất kết dính” tăng cường tinh thần cộng đồng, bồi dưỡng tình yêu quê hương từ khi còn thơ ấu. Trong những dịp hội hè, lễ tết dân gian có nhiều trò chơi cho trẻ em và người lớn.
Trong kho tàng dân ca Hội An, hình thức hát hò khoan rất phổ biến. Vào những đêm trăng, dịp giã vôi, giã gạo, đập lúa, đạp nước… cư dân thường mở cuộc hò khoan. Đây là hình thức hát tập thể số lượng người tham gia và thời gian cuộc hát không cố định. Người ta chọn ra 3, 4 đôi nam nữ hát chính, sau mỗi câu hát những người xung quanh xướng đệm. Cuộc hát có khi kéo dài đến hết đêm.
Hội An là đất hội ngộ, ngao du của giới văn nhân Thi – ca – nhạc – họa. Hội An còn là quê hương của một số văn nghệ sĩ, là nơi nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học từng sống và đi học. Nơi đây Hội nhạc Faiffo ra đời khá sớm, từ năm 1942. Hiện nay ở Hội An những nghệ sĩ trong nhóm nhạc Cung đàn xưa, tuổi đã vào hàng “xưa nay hiếm” nhưng vẫn thường xuyên biểu diễn những bản nhạc lãng mạn thời “tiền chiến”, những bài hát tràn đầy tình yêu đất nước. Nhạc sĩ Hòang Mỹ Tú là một trong những tác giả của nhiều ca khúc về con người và quê hương Hội An. Được nghe bản nhạc, bài ca của các bậc tiền bối ở đây, tôi càng hiểu vì sao người Hội An, dù đi đâu ở đâu, vào những dịp Lễ Tết đều nóng lòng quay về quê hương, như ca sĩ Ánh Tuyết, người con của Hội An, đã có lần tâm sự với khán giả của mình.
Từ điển Việt – Bồ - La của Alexandre De Rhod in năm 1651 ghi rõ: HÒAI PHÔ (hòai phố): “Một ngôi làng nhỏ ở Cochichine, nơi có người Nhật đến sinh sống, còn gọi là Faifo”. Trước đó, năm 1553, trong tác phẩm Ô châu cận lục do Dương Văn An nhuận sắc đã tên ghi hai xã Cẩm Phô và Hòai Phô. Tra chữ Hán thì chữ HÒAI trong Hòai phố có nghĩa là SÔNG, khác với chữ hòai là nhớ, chữ PHÔ là phô trương, phô diễn, khác với chữ PHỐ là chợ. Ca dao Hội An hiện còn lưu tồn:
Phố Hòai bốn tháng một phiên
Gặp cô hàng xén anh kết duyên vừa rồi
Dù ý nghĩa nguyên thủy của địa danh “Phố Hòai” không hẳn là hòai nhớ. Nhưng ai đã một lần đến với Hội An Hòai Phố thì không thể quên được dãy phố xưa mái ngói rêu phong, ngôi chùa cổ mong manh hương khói, cây cầu cong như chiếc lược ngà gài trên mái tóc mượt mà của dòng sông Hòai, không thể quên những con người hồn hậu tài hoa đã giữ cho hồn phố cổ còn vẹn nguyên.
Thời gian trôi qua, những lớp cư dân mới rồi sẽ tiếp tục sinh sống nơi đây. Mong sao họ sẽ mãi gìn giữ từng con đường nhỏ bình yên, từng ngôi nhà mắt cửa thân thiết mời chào, gìn giữ từng phong tục, từng trò chơi, từng lời ca điệu múa… Gìn giữ những đêm trăng 14 lung linh ấm áp những ngọn hoa đăng những ánh đèn lồng, gìn giữ mãi nét tinh tế, chân thành của người Hội An.
Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế… để rồi sẽ có ngày tái ngộ Hội An.
NGUYỄN SONG QUYÊN
(Nguyễn Thị Hậu)
Lời bình có sử dụng tư liệu trong công trình:
- Di sản văn hóa văn nghệ dân gian Hội An: Trần văn An
- Cư dân Faifo – Hội An: Nguyễn Chí Trung
- Bài thơ Thiếu nữ: sưu tầm trên mạng, không rõ tên tác giả.
Tương lai tươi sáng :)
Nhớ ngày nào hai con còn đi mẫu giáo, chỉ mong các con đi học lớp 1 trong bộ đồng phục váy xanh áo trắng. Rồi mong các con vào cấp 3 để được mặc áo dài trắng... Bây giờ hai con đã trưởng thành, mỗi đứa một dáng vẻ, một tính nết, một sở thích, nhưng đều có chung một điều: rất yêu mẹ và là những người bạn nhỏ của mẹ. Chẳng có gì mà ba mẹ con không chia sẻ với nhau, từ một bản nhạc hay, một cuốn sách thú vị, một bộ phim, một vở kịch hấp dẫn... đến những "thắc mắc biết hỏi ai" của tuổi mới lớn, "tâm sự nhỏ to" của tuổi teen, và bây giớ là những giận hờn, lo lắng, vui sướng, đau khổ... của người đang yêu!
Khi con gái lớn lần đầu tiên kể cho mẹ nghe về " bạn trai", kể xong con ngủ ngon lành, còn mẹ thì ko sao ngủ được... Có gì đó như sự mất mát dù vẫn đang ôm con gái trong vòng tay... Nhóc Út hiểu mẹ "từ bây giờ chị ko chỉ yêu mình mẹ và con nữa, mẹ nhỉ... Chị còn có người khác nữa. A ha, thế là con có người để đòi quà rùi, nếu muốn đi chơi với chị của con, hehe...". "Còn cô nữa, bao giờ thì cô bỏ mẹ mà đi?", "ko, con sẽ ở với mẹ để mẹ nấu cơm cho con ăn chứ!". Uh, để xem con gái sẽ ở với mẹ đến khi nào...
Bữa đi công tác về, con gái "sai" bạn trai đi đón mẹ. Lính ở cơ quan sau đó cứ chọc: "mẹ vợ quần jeans áo thun khoác ba lô, ngồi sau xe con rể trông oai phết!". Uh, ba mẹ con hay bi trêu là 3 chị em - nhưng hai con gái "cảnh cáo" ngay "coi chừng mẹ bị bệnh Down, đừng có tự tin giai đoạn cuối nha mẹ!!!"
Khi các con đi chơi với với bạn bè, ở nhà một mình vừa buồn, nhưng lại hay tưởng tượng một lúc nào đó "bà ngoại" sẽ đi đón cháu ngoại... Ừm... bà ngoại với quần jeans lửng áo hai dây, kiếng mát, tóc tém, phóng xe Attila chở cháu ngoại, dọc đường sẽ bi bô với cháu ngoại những chuyện mà hồi xưa đã từng bi bô với ... mẹ chúng! Hehe, tương lai có vẻ sáng sủa đấy nhỉ, bà ngoại thời @???
ĐÊM
Đêm yên tĩnh, làm được nhiều việc: viết (những gì mình thích và những cái mình ko thích – lọai này nhiều hơn, khổ thế!), đọc (những thứ mình thích nhiều hơn), nghe (tòan thứ mình thích), hiếm khi xem (dù có nhiều cái mình rất thích). Tỷ lệ thời gian dành cho những việc ấy: viết 5, đọc 3, nghe 1,5 và xem 0,5. Tỷ lệ này thay đổi từng đêm, từng thời gian. Ví dụ dạo này chẳng hạn, viết chiếm đến 7, đọc còn 2 và 1 là cho những việc còn lại.
Đêm yên tĩnh, khi mọi tiếng động từ con người lắng xuống là lúc không gian cất lên tiếng nói. Tiếng lá cây bàng đu đưa ngòai sân, tiếng nụ ngọc lan cựa mình tỏa hương dìu dịu, tiếng ngọn gió ngòai công viên khẽ lướt qua những cây me già, tiếng tấm rèm như nhẹ tơ rón rén dựa vào khung cửa sổ…
Đêm yên tĩnh, khi mọi tiếng động của con người, của không gian lắng lại, là lúc tiếng động của ký ức vọng về… Mơ hồ một giọng nói, mơ hồ một ánh mắt, mơ hồ một lần gặp gỡ, mơ hồ một mối liên hệ mong manh… mơ hồ mà sắc như một lưỡi dao cứa vào đêm không còn yên tĩnh…
Đêm yên tĩnh… dường như chỉ còn những giọt nước mắt lặng lẽ chảy ngược vào trong…
bạn có nghe thấy
phải không…
SANG NHƯỢNG BIA
(Entry cũ, giờ chả biết cái dự án này đến đâu rồi?)
Bạn hỏi: Thế có định đăng ký làm một xuất ở Tân Văn miếu không?Hừhừ, "đăng ký" là thế lào? nếu theo chủ trương của các vị xây Tân Văn miếu thì tớ đương nhiên phải được 1 xuất chứ. Cái chỗ í là cho dững 16000 tiến sĩ cơ mà, chưa kể thêm mấy chục ngàn TS nữa sẽ có, theo kế hoạch hoành tráng của ông Bộ Trưởng Bộ GD&ĐT. Vậy nên tớ cứ đặt một cục gạch vào đấy đã, còn được phân lô mặt tiền hay đường hẻm thì tính sau. Eh, mặt tiền chắc là không được, nhưng hẻm lớn thì có thể, nếu như tính theo tiêu chí thời gian: có bằng TS trước thì đứng trước, có sau đứng sau, còn có sau nữa thì đứng sau nữa... và ...
Dưng mà có khi các vị í lại có tiêu chí khác thì sao nhờ: có bằng TS (tức PTS) ở các nước XHCN cũ: đứng trước, của VN nhà mình: đứng sau, của các nước TBCN: đứng sau rốt...Hay là TS mà có chức vụ lớn: đứng trước, chức vụ nhỏ: đứng sau, ko làm gì: sau rốt...Hay là xếp theo danh sách các công trình khoa học được đăng: trên tạp chí nước ngoài: trước, sau đến t/c trong nước-cấp TƯ, rồi đến t/c các địa phương, sau rốt là những người ko viết bài lào...Hay là theo sự cống hiến cho khoa học? Nhưng xét và công nhận "sự cống hiến" thế nào? Liệu có thể (mà chắc là rất có thể) xảy ra việc có người chạy chọt để Hội đồng hay Ủy ban xét duyệt sẽ cân đong đo đếm thêm cho mình vài lạng cống hiến, như đã xảy ra trong việc xét các Danh hiệu hiện nay? Hay là TS + chức nhớn = Bia nhớn, và ngược lại?
Ừm... dắc dối gớm nhẩy! Các bác TS khác thế nào cháu ko biết. Nhưng mà nhà cháu khi nghe chuyện này thì thấy quái gở quá! Vì những lý do mà nhiều vị đã đưa ra trên báo chí mấy ngày gần đây. Ở SG lúc trước cũng có một cơ quan nào đấy hay gửi thông báo đến các TS, đề nghị điền tên, thành tích... để in thành một cuốn dày cộp, rồi các vị TS ấy mua hết dững mấy trăm nghìn. HKC tui không bao giờ khai báo gì cả, và ko bị in trong đó, tất nhiên ko tốn tiền mua sách í, khoản tiến ấy để đi café vỉa hè với bạn bè.
Cũng phải kể ngay là, HKC tui chỉ có bằng PTS trong nước cấp, bảo vệ tại một Viện Nghiên cứu ở SG. Khi chuẩn bị bảo vệ luận án thì nhà nước có chủ trương bỏ bằng PTS mà chuyển thành TS. Bạn bè cùng khóa học đã rủ: thôi bà làm đơn xin trễ hạn đi, để khi bảo vệ xong thì có bằng TS. HKC tui trả lời: thôi ạ, tớ chỉ có trình độ PTS thì thi bằng PTS, còn nếu phải đổi bằng TS, nhà nước bảo thi nữa thì nếu đủ trình độ thì đi thi nữa, ko thì thôi, sau này ko công nhận PTS cũng ko sao, vì không định dùng bằng í làm gì cả. Chẳng qua thấy mình dốt cần đi học thêm thì học thui. Và học thật để làm luận án thật. (Sau này tớ cũng viết cái này cái khác, có người khen là: TS mà viết được ghê đấy chứ! Câu ấy làm tớ sướng âm ỉ, hihi…). Về sau nhà nước cho quy đổi bằng PTS thành TS, tớ cũng chả vui hơn, cũng chỉ là “đập đít lên đời” như xe máy mà thui… TS hay PTS quan trọng là ở cái trình độ thực sự của mình chứ quan trọng gì bằng lọ bằng chai, hehe…
Trở lại chuyện bia (bọt) ở Tân Văn miếu, nếu tiêu chuẩn ko có gì thay đổi thì tớ sẽ có một chỗ ở đó. Dưng mà tính tớ lại ko thích xếp hàng, chen chúc, đừng nói đến việc xô đẩy đánh nhau để dành lấy cái gì đó, để chui vào đâu đó. Vì vậy tớ sẽ sang nhượng lại cái bia í, hay nếu có Giấy Đỏ thì tớ sẽ bán, giá hữu nghị thôi, để lấy tiền vui vẻ café và bia hơi, bia chai bia lon gì đó với bạn bè. Yên tâm, bán hay sang nhượng thì tớ cũng chuyển hẳn quyền sử dụng và tên cho người mua chứ tớ đây ko nhập nhằng mà đứng (giùm) tên trên bia (đá/ xi măng) đâu đấy nhé, dù cái bia theo tiêu chuẩn của tớ chỉ bằng bé bằng cái hộp diêm!
Nếu lúc nào đó tớ bỗng dưng… đổ đốn muốn trưng cái “danh TS” của mình thì trước khi đi theo ông bà, tớ sẽ di chúc cho con cháu ghi trên bia mộ: HKC, TS và a b c d …, giống như có cái bia mộ tớ nhìn thấy trên nghĩa trang Thủ Đức: ngày tháng năm sinh năm mất, cán bộ cơ quan nào đấy, và kết thức bằng “Tổ trưởng tổ dân phố X khu phố văn hóa Y”.
P/S. Nhân Văn bia Quốc Tử Giám được công nhận di sản văn hóa thế giới, tui lại thấy... buồn: nước mình rất hăng hái với việc làm hồ sơ di sản TG ... Vì sao mình lại cứ phải trông chờ người khác công nhận giá trị của mình nhỉ? Nếu người ta ko "công nhận" thì mình có tự biết giá trị của mình ko? Có biết gìn giữ di sản ko? hay muốn được công nhận di sản để tiện... kiếm lợi???
Nhân ngày sinh nhật Ba
Ba tôi tuổi Nhâm Tuất, nếu còn năm nay ông tròn 85 tuổi. Tôi là con gái út, lại “ẩn” tuổi Tuất của cha, có lẽ vì vậy mà trong mấy đứa con tôi giống Ba và hợp tính Ba nhất nên được ông cưng nhất nhà!
Bên nội & bên ngoại
Nhóm bạn bè chúng tôi ngồi cùng nhau, nhìn đi nhìn lại thấy khá nhiều “ông bà ngoại chung thân” vì chỉ “sinh con một bề” toàn là những “vịt giời” (mà bây giờ nhiều đứa đã thành các nàng “thiên nga” xinh đẹp!). Chợt thấy chạnh lòng: MC đám cưới mời cô dâu chú rể cùng lúc, nhưng giới thiệu đàng trai trước đàng gái sau, rồi chúc rượu cha mẹ chú rể trước cha mẹ cô dâu sau. Chắc hẳn tục lệ này “trước bày sao sau làm vậy” với quan niệm “con gái là con người ta”, “dạy vợ từ thủa bơ vơ mới về” để cô dâu phải biết yêu kính vâng lời cha mẹ chồng. Còn chàng rể "là khách” nên bố mẹ vợ đành đứng vị trí thứ 2 (trong 2 bên!). Nghi thức này vô hình chung đã nuôi dưỡng tâm lý coi thường con gái/ nhà gái/ bên ngoại (bên mẹ), mặc dù sau này ở riêng hay ở nhà chồng, khi cặp vợ chồng trẻ sinh con thì thường đưa nhau về bên ngoại. Tất nhiên vẫn có những bà mẹ chồng chăm con dâu như chăm con gái, nhưng tâm lý cô gái nào chẳng muốn ở bên mẹ ruột khi mình cần được chăm sóc, cần được yêu thương. Chưa kể tâm lý các chàng rể, gửi vợ về cho ông bà ngoại thì thật là yên tâm, như họ hay nói đùa: hàng ngoại tốt hơn hàng nội! Ca rao hiện đại còn có câu: Chưa đi chưa biết Đồ Sơn, Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà, Đồ Sơn là của Quốc gia, Đồ nhà là của ông bà Ngoại cho.
Vì vậy, sao trong nghi thức này ly rượu đầu không dành chúc hai BÀ MẸ – người đã mang nặng đẻ đau, nuôi dưỡng các cô gái chàng trai để hôm nay trở thành cô dâu/ chú rể, rồi sau này sẽ cùng chăm sóc những đứa cháu ngoại cháu nội, giúp cha mẹ chúng đỡ vất vả phần nào trong cuộc sống. (Cũng thành ngữ hiện đại: một mẹ già bằng ba con ở). Ly rượu thứ hai chúc cho hai ÔNG BỐ sẽ mãi là “cây cao bóng cả” của con trẻ, của gia đình lớn và của cả gia đình nhỏ mới hình thành. Được như vậy, đàng trai/ đàng gái, bên nội/ bên ngoại đều thấy trách nhiệm, nghĩa vụ và tình cảm của mình đối với hai con như nhau, và tình cảm hai bên sui gia – và nhất là giữa bà nội/ bà ngoại sẽ cũng thân thiết đậm đà hơn! Được như vậy những người chồng trẻ cũng sẽ qúy trọng vợ mình hơn, vì đó không chỉ là người bạn đời thân yêu mà còn là NGƯỜI MẸ tương lai.
Nhưng có lẽ đấy chỉ là điều “giá mà” của riêng tôi - sẽ là một bà ngoại...thời @!
Ra HN họp về việc này đây :)
Việc làm phi chính thức ở TP. HCM: Từ góc nhìn lịch sử - văn hóa
1. Họ gồm những lao động làm việc trong các doanh nghiệp phi chính thức (quy mô sản xuất nhỏ hoặc không phù hợp với quy định pháp luật); trong các doanh nghiệp chính thức nhưng công việc không được sự bảo vệ của xã hội, luật lao động; người làm việc trong hộ gia đình và lao động ăn lương trong nhiều khu vực, kể cả khu vực Nhà nước, nhưng công việc không ổn định. Dễ nhận ra nhất là những người làm việc tự do (buôn bán, khuân vác, dịch vụ đơn giản) hay tự nguyện làm công cho người khác mà không được ký hợp đồng lao động. Tình trạng này là một đặc trưng của đời sống đô thị.
Các loại hình việc làm phi chính thức thực tế đã tồn tại từ ngay lúc đô thị được hình thành. Việc hình thành các đô thị thời cận đại, bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX ở Sài Gòn - Bến Nghé, đã đồng thời làm hình thành và tách biệt hai khu vực kinh tế chính thức và phi chính thức. Sự thành lập những nhà máy, công sở, cơ sở dịch vụ công như bệnh viện, trường học... ở Sài Gòn thời Pháp thuộc tuy số lượng không nhiều nhưng cũng đủ để hình thành một tầng lớp xã hội “làm công ăn lương” theo những quy định “hành chính” về giờ giấc và nhiều yếu tố khác. Có thể coi đây là tầng lớp “thị dân” - cư dân sống ở đô thị và làm những nghề nghiệp của đô thị, và do đó, có lối sống đô thị, có phần khác với những loại hình lao động khác ở thành phố. Khu vực “kinh tế chính thức” này tập trung ở khu trung tâm - Q.1, Q.3 hiện nay. Còn lại các khu vực khác của Sài Gòn, khu vực Chợ Lớn là khu buôn bán dịch vụ, xóm lao động, vùng Gia Định chủ yếu là vùng nông nghiệp, là khu vực kinh tế “phi chính thức”. Đặc điểm này xuyên suốt sự phát triển của đô thị Sài Gòn.
Gánh hàng rong - một dạng của kinh tế “phi chính thức”
3. TP.HCM đã thu hút hàng triệu người từ các tỉnh thành khác đến lập nghiệp và mưu sinh, đáng chú ý nhất là hình thức “kinh tế vỉa hè” và lao động trong các KCN, KCX. Tỷ lệ đóng góp đáng kể vào thu nhập quốc gia cho thấy nền kinh tế này đã thực hiện được chức năng thiết yếu là tạo ra việc làm và tăng phúc lợi cho cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng. Khu vực này sử dụng nguồn lực vốn cố định một cách hiệu quả thông qua việc kết hợp nguồn vốn thấp với số lượng lao động đông. Đồng thời, tiết kiệm nhu cầu vốn lưu động bằng cách chia khâu sản xuất và tiêu thụ hàng hóa thành những quy mô nhỏ, dễ quản lý. Mặt khác, đối với những người nghèo, dân nhập cư, không bằng cấp, hộ khẩu, tay nghề thấp... thì việc được chấp nhận vào làm trong các doanh nghiệp phi chính thức là bước khởi đầu khả thi nhất để họ có thể tạo thu nhập, học tập, nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, về lý thuyết và mục đích là vậy, nhưng trên thực tế không nhiều doanh nghiệp chú ý đến việc đào tạo tay nghề một cách có hệ thống cho người lao động, khiến cho việc thực hiện mục đích “phát triển bền vững” của KTXH càng khó khăn.
Hiện vẫn còn những quan niệm chưa đúng về lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, dù thu nhập giàu có hay thu nhập thấp. Sự đánh giá của nhiều “người thành phố” đối với “dân nhập cư, dân hàng rong, trẻ đường phố” vẫn có phần xem thường, thương hại, thậm chí còn bị coi là nguyên nhân chính làm cho thành phố chưa có nếp sống “văn minh đô thị”. Đối tượng này còn chưa được quan tâm đúng mức cả về mặt pháp lý lẫn tâm lý.
TP.HCM phát triển từ đô thị Sài Gòn - Bến Nghé lớn dần lên, nối kết với các trung tâm khác là Chợ Lớn và Gia Định. Tốc độ đô thị hóa trong giai đoạn lịch sử nào cũng rất nhanh, tuy nhiên phải nhìn nhận rằng hiện nay quy hoạch của Nhà nước không theo kịp tốc độ phát triển của thành phố. Có thể dùng cụm từ “làng trong phố” để hình dung về tính chất văn hóa ở nhiều khu đô thị mới. Đây chính là địa bàn thuận tiện buôn bán trong những chợ “chồm hổm’ “chợ đuổi”... đến một nền “kinh tế vỉa hè”: buôn bán cố định/di động, sản xuất, dịch vu. .. Do cơ chế quản lý chưa phù hợp, “kinh tế vỉa hè” cũng “góp phần” làm nhếch nhác khu vực trung tâm thành phố.
4. “Văn hóa mặt tiền” đã trở thành “đặc trưng” mới của đô thị Việt Nam, từ thành phố lớn đến thị trấn hẻo lánh. Có lẽ không có nước nào mà dân cư lại có thói quen, nhu cầu và “đua nhau” ra sống cạnh mặt đường lớn, nhỏ như ở nước ta! Trong khi đó ở các nước thì mặt tiền vỉa hè là không gian công cộng, cần tuân thủ những quy định chung của thành phố, không được tùy tiện sử dụng theo ý muốn cá nhân. Thói quen này dẫn đến nhiều hệ lụy: Thứ nhất, quy hoạch kiến trúc mặt tiền các con đường trở nên khó khăn, thậm chí kiến trúc xấu, không đồng bộ dù tốn kém rất nhiều kinh phí để xây dựng hay cải tạo đường xá; Thứ hai, trên những đường cao tốc lại không thể có tốc độ cao vì rất nguy hiểm khi dân cư trú ngay hai bên đường, làm giảm hiệu quả xây dựng; Thứ ba, buôn bán vỉa hè, lòng đường, mặt tiền đường phố người sử dụng phương tiện giao thông cá nhân có mối quan hệ mật thiết của “cung và cầu”, xe cá nhân phát triển thì còn nhu cầu mua bán vỉa hè lòng đường. Tình trạng tắc đường kẹt xe lại có thêm một nguyên nhân.
5. Trong khi chờ đợi có được những yếu tố giao thông mang tính chất “giao thông đô thị”, bằng cách nào hạn chế mặt tiêu cực của “kinh tế vỉa hè” đến nếp sống văn minh đô thị? Nên chăng cần tổ chức những con đường, khu vực theo ô phố - đặc thù quy hoạch đô thị, để duy trì và phát triển kinh tế vỉa hè, vừa giải quyết nhu cầu sinh sống của người bán, người mua, vừa đảm bảo mỹ quan và trật tự đô thị, vừa bảo tồn được nét độc đáo, cần thiết giữ gìn và có thể khai thác nó như một di sản văn hóa phi vật thể. “Văn minh đô thị” sẽ có bộ mặt mới. Trong một chừng mực nào đó, việc hạn chế và loại bỏ các phương tiện mưu sinh thô sơ của hàng ngàn hộ gia đình, cũng cần có tính toán thấu đáo để không đẩy người dân vào chỗ khó khăn.
Một khu vực việc làm phi chính thức nữa ở TP.HCM có đông người lao động là tại các khu CN, KCX. Tại đây người lao động hầu hết là thanh niên từ các vùng nông thôn, trình độ học vấn không cao nên tham gia làm việc với tính chất lao động giản đơn. Do đó thu nhập thấp, bấp bênh, dễ mất việc, cũng dễ thay đổi công việc, cuộc sống không ổn định... Nếu các KCN, KCX không tổ chức đào tạo nghề cho công nhân thì tình trạng này sẽ diễn ra lâu dài, khu vực “việc làm không chính thức” này sẽ không thu hẹp mà có nguy cơ ngày càng phát triển.
TP.HCM và nhiều thành phố, đô thị khác trong cả nước đang xây dựng những thành phố văn minh hiện đại. Không thể không bắt đầu từ yếu tố kinh tế: các ngành nghề của dân cư, loại hình kinh tế cần được phát triển cân đối, đảm bảo quyền lợi của nhân dân nhưng cũng đảm bảo sự phát triển bền vững của thành phố. Là một đặc trưng của các đô thị Việt Nam, việc làm - kinh tế phi chính thức cần được nhìn nhận xem xét ở một góc độ lịch sử - văn hóa sâu rộng hơn, ngoài góc độ kinh tế, để có thể sẽ mang lại những giải pháp hữu hiệu tích cực cho vấn đề này.
(Báo TTVH lược trích tham luận của tui tại Hội thảo khoa học)
Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)
TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...
-
Người Việt có một số thành ngữ và sự tích liên quan đến cá trê, như truyện Trê Cóc chẳng hạn. Câu chuyện không chỉ là việc Trê tranh giàn...
-
Một người bạn fb bất ngờ ra đi. Post bài thơ rất hay của bạn. Tôi biết Cao Hải Hà qua mạng Yahoo blog và sau là FB. Vài lần gặp Hà ở chỗ ...
-
Xem lại phim này, suy nghĩ khác hẳn ngày trước. Trước, cảm động vì mối tình của cha Ralph và Mecghi, cho rằng đàn bà yêu thì phải hết l...