Trạm Phi Mã



Có gì liên hệ không, giữa một địa danh ở miền núi nghe heo hút như trạm đổi ngựa thời xa xưa với một số phận ở tận bên kia đại dương?
Năm ấy, tình cờ cô có một chuyến đi du xuân với ba người bạn. Đó là ba người đàn ông hào hoa, tinh tế và hóm hỉnh, và có lẽ đều rất đào hoa. Sự có mặt của cô như vị trí một người bạn “hợp cạ” để cùng nói về mọi chuyện, một cô em để họ trêu chọc tán tỉnh, và... một bạn nhậu để có thể tạo nên bầu không khí tự nhiên cho cả chuyến đi... đã làm cho cả ba người đàn ông có những lúc “thăng hoa”, còn cô thì được những giây phút vui vẻ.
Sau chuyến đi ấy không lâu cô theo chồng ra nước ngoài. Đấy là người cô lấy vì chọn lựa chứ không phải vì yêu, cô chọn anh không phải để đi định cư ở nơi xa mà vì ở bên anh cô có được cảm giác bình an... Cảm giác hiếm hoi với một người đàn bà quá nhạy cảm và đa đoan như cô.
Thời gian trôi qua... Ở bên kia đại dương nhưng chuyến đi Trạm Phi Mã cứ trở về trong những giấc mơ của cô, khi là câu đùa bỡn làm nổ ra trận cười vui vẻ, là bữa cơm đơn giản ngon lành, khi là những tấm hình “chộp” bất ngờ. Thỉnh thoảng cô nhận được vài lời của ba người bạn qua mailgroup, có khi nhắn riêng... vẫn là vui đùa, bỡn cợt, cả cô cũng vậy. Nhưng dường như cả ba người đàn ông và cô đều có một cái dằm vô hình trong ký ức thi thoảng lại nhói lên...
Ở bên chồng bình yên nhưng mỗi khi nỗi buồn vô cớ trở về cô lại đến một nhà thờ nào đấy, bước vào bên trong, ngồi lên chiếc ghế dài, nhắm mắt lại. Cô không phải là người theo đạo. Xa lắm rồi có một người thường đưa cô đến nhà thờ vào sáng chủ nhật. Ở đó, anh chăm chú nghe Cha giảng, thỉnh thoảng bàn tay anh tìm những ngón tay cô nắm nhẹ, thỉnh thoảng cô nghiêng đầu chạm vào vai anh... Từ nhà thờ đi ra cô luôn nghĩ tình yêu của mình giống như tiếng chuông đang lan xa, quen thuộc lắm nhưng vẫn mang lại cảm giác thiêng liêng xúc động. Bao nhiêu chủ nhật cùng đi nhà thờ, bao nhiêu đêm Giáng sinh và ngày lễ Phục sinh anh đã luôn bên cô.
Cho đến một ngày... “Lá thư” từ biệt bắt đầu bằng hai chữ Em yêu, và kết thúc bằng hai chữ Thương em. Cô như bị một đòn chí mạng vào đầu, không thể hiểu ngay vì sao yêu và thương mà lại lạnh lùng chia tay bằng vài dòng tin nhắn chứ không phải là một cuộc trò chuyện. Dù dự cảm chia ly đã có từ trước đó rất lâu (đàn bà, lại là đàn bà nhạy cảm, làm sao không nhận ra những tín hiệu khác lạ ở người đàn ông mà họ đã trao trọn trái tim, dù đàn ông cố dấu thậm chí dối trá đến lão luyện). Sau đó là những ngày cô sống như đang rơi, một cuộc rơi bất tận mà cô sợ phải chạm vào điểm dừng, vì nơi đó sẽ là kết thúc!
Chỉ trong nhà thờ vắng lặng cô mới cho phép nỗi buồn cuộn lên... Cô không nhớ người cũ, cả ba người đàn ông nơi Trạm Phi Mã cũng nhòa đi trong ký ức cô, gương mặt, giọng nói, những niềm vui những đau đớn những an ủi sẻ chia... Trong cô chỉ vang lên một câu hỏi thăm rất đỗi bình thường đến từ một trong ba người ấy “em sao rồi, ổn không?” – Em ổn, rất ổn! Câu trả lời của cô luôn nghẹn lại trước khi thốt thành lời khi nghe thấy cái giọng trầm ấm áp và ân cần của người ấy.
Đàn bà, đôi khi chỉ cần có vậy cũng đủ để sống tiếp trong mòn mỏi.
***
Thời gian, như cả ngàn năm sau. Một ngày cô trở lại Trạm Phi Mã.
Cô và chồng vừa chia tay, cả hai đã nói chuyện thẳng thắn với nhau và đều hiểu rằng chỉ có tình yêu mới giữ họ sống hạnh phúc bên nhau chứ không chỉ có lòng tốt và sự biết ơn. Họ chia tay trong sự tiếc nuối và quý mến, nhưng còn đó cô con gái nhỏ làm mối liên hệ giữa họ bền chặt hơn những năm sống chung. Cô đưa con về quê và nơi đầu tiên cô muốn tìm đến là nơi luôn trở về trong những giấc mơ của cô tháng ngày xa xứ. Trạm Phi Mã đã khác xưa, đẹp hơn, sang trọng hơn, ngày cuối tuần đông khách đến tham quan và nghỉ ngơi. Thật mừng khi những cảnh đẹp và suối nước nóng ở đây đã được người làm du lịch khai thác rất tốt.
Lang thang trên con đường mòn đi qua xóm nhỏ vào phía núi, ven đường vẫn trải dài vạt xuyến chi cánh hoa trắng mong manh, cô nhớ quá chừng ba người đàn ông năm xưa. Cô như thấy rõ ràng một người xăm xăm đi trước, bước chân sải dài, hai tay đút túi áo khoác, thỉnh thoảng dừng lại ở một ngôi nhà bên đường hỏi thăm gì đó. Hai người kia chậm rãi đi sau, hút thuốc, trò chuyện và chọc ghẹo cô, có lúc ngừng lại chụp hình, cô cũng thỉnh thoảng “chụp lén” họ. Ánh mắt vui vẻ trìu mến  của ba người đàn ông ấy như vẫn bên cô lúc này.
Vì sao cô không nhắn họ là cô đã trở về? Nếu muốn chắc chắn cô sẽ có một chuyến đi nữa, như ngày xưa... Nhưng có gì đấy ngăn cô lại, cứ để họ yên tâm rằng cô “rất ổn” và đang dần quên họ, rằng chuyến đi mùa xuân năm ấy chỉ là một giấc mơ đẹp...
Người xưa đã thật sự ra khỏi ký ức của cô, không oán giận không lưu luyến. Chỉ còn luôn bên cô là ba người đàn ông cùng chuyến đi Trạm Phi Mã, kỷ niệm với họ sẽ là nơi cô tin cậy dựa vào khi mệt mỏi và cô đơn. Đó là điều duy nhất cô biết chắc khi nghĩ đến những năm dài bất định sắp tới của mình.
 Trạm Phi Mã - Ảnh 1.
SG tháng tư 2018
Nguyễn Thị Hậu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...