MÁ (repost nhân Ngày của Mẹ)



Má tôi là một người phụ nữ Nam bộ.
Ông ngọai tôi có một nhà máy xay lúa ngay con rạch Cái Tôm ở Hòa An, Cao Lãnh. Hàng ngày thợ làm công có đến vài chục người. Cả nhà ngọai, từ ông bà ngọai đến các dì các cậu đều làm việc ở nhà máy này. Người lo máy móc, người lo điều thợ, người lo nhận, giao lúa gạo… Bà ngọai và những cô con gái lo chợ búa cơm nước cho cả nhà và đám thợ, cho cả khách hàng từ xa tới lỡ con nước chưa về được. Má tôi chuyên đi chợ mua đồ ăn và phụ dì Hai nấu cơm. Bữa cơm chung miễn phí nhưng luôn ngon lành và đầm ấm như người trong một nhà. Nhờ vậy nhà máy xay luôn đông khách, làm ăn khấm khá.
Quê nội và quê ngọai tôi chỉ cách nhau một nhánh sông Tiền, có bến đò nối liền làng Mỹ Hiệp bên Cù Lao Giêng, Chợ Mới, An Giang với làng Hòa An, Cao Lãnh. Dân Cù Lao Giêng vẫn qua chợ Cao Lãnh đi chơi, mua bán, nhất là vào ngày lễ tết. mấy người cô của ba tôi đã tìm ra má tôi trong những lần qua chợ Cao Lãnh như thế. “Tiêu chuẩn” tìm dâu của các bà là: vén khéo chợ búa, ăn nói dịu dàng, và dung nhan phải “coi được”. Vậy là má tôi, lúc đó là một cô gái 20 tuổi, lọt vào “mắt xanh” của các bà. Và chỉ vài tháng sau ông bà nội tôi qua coi mắt má tôi. Ba tôi khi ấy là thầy giáo dạy học ở Cái Răng, Cần Thơ. Ông kể, bữa đám nói, ông chỉ kịp thấy cái lưng áo dài thon thả với búi tóc tròn dày, ko kịp nhìn thấy mặt má. Rồi đám cưới ba má tôi vào đầu năm 1945. Năm 1947 má tôi ẵm anh Hai vào kháng chiến theo ba, rồi 1954 tập kết ra Bắc... Ba má tôi đã bên nhau trọn 40 năm, cho tới ngày ba tôi đi xa năm 1985.
Sau ngày Ba tôi mất, toàn bộ tài liệu, hồ sơ của ông đều được má tôi cẩn thận giữ gìn, nhờ đó tôi đã in được cho ba hai tập sách gồm những gì ông để lại. Có lần tôi hỏi “Má có đọc những gì ba để lại không?” Má tôi cười buồn và lắc đầu nhè nh. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng má vẫn đang nhớ ba lắm, dù ba mất đã lâu.
Nhưng khi đọc kỹ những gì ba để lại tôi mới hiểu, trong suốt cuộc đời ba tôi không có gì mà bá tôi đã không cùng trải qua, không chịu đựng cùng ông, chưa kể những vất vả lo toan của người phụ nữ, và nỗi đau riêng của người “lỡ” làm vợ một người nghệ sĩ lang thang như ba tôi... Âm thầm sẻ chia những nỗi đau của ba vì nhân tình thế thái, lặng lẽ góp thêm những niềm vui trong mỗi thành công, quả thật tôi không thể hình dung cuộc đời của ba tôi mà thiếu vắng má tôi bên cạnh. Cho đến ngày cuối đời ba tôi vẫn nói “Cuộc đời ba nếu có làm được gì thì công lao của má các con là hơn phân nửa”.
Biết mình không thừa hưởng được nét dịu dàng gương mặt trái xoan và nước da trắng trẻo của cô gái miệt vườn Cao Lãnh, tôi vẫn thường nói đùa với má: Chắc má yêu ba lắm nên con mới giống ba dữ vậy, “người Việt gốc Miên”. Má cười, con giống bà nội, còn chị Hiền giống bà ngọai, vì má thương bà nội bà ngọai như nhau.
Các con gái tôi thường so sánh: mẹ nấu ăn không ngon bằng ngọai! Uh, đúng thôi, mỗi món ăn là tình yêu ngọai dành cho ông ngọai, cho các con các cháu. Thứ gia vị ấy đâu phải ai cũng có và biết sử dụng nó trong cuộc sống hiện nay…
Cầu mong Má sống lâu, sống vui khỏe cùng con cháu!

(hình Má ở SG 1944 và 2018)
Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi và trong nhà
Trong hình ảnh có thể có: 1 người


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...