Vài phim vừa xem (37) FRANTZ (Phim Pháp)



Trong hình ảnh có thể có: 2 người, mọi người đang đứng, kính râm và ngoài trời

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) kết thúc. Nước Đức và nước Pháp đều tham chiến và trở thành thù địch với nhau, dù xưa nay “ở trường trẻ con Đức học tiếng Pháp và trẻ con Pháp học tiếng Đức”.
Anne có vị hôn phu là Frantz chết trong chiến tranh. Hàng ngày cô vẫn đến mộ anh, đặt hoa hoặc tưới cây, ngồi đó và nghe lá rì rào trên cao như những lời anh vẫn trò chuyện cùng cô. Anne không còn người thân thích, cô sống cùng bố mẹ Frantz. Ông một là bác sĩ đáng kính của thành phố, bà mẹ hiền hậu và hai ông bà yêu thương cô như con gái.
Một lần cô thấy một người đàn ông Pháp đến viếng mộ Frantz. Rồi nhiều ngày sau vẫn gặp anh ở đó. Đó là Adrien, như anh nói, là bạn của Frantz ở Paris. Từ chỗ ác cảm với Adrien dần dần cả hai ông bà lại quý mến anh, vì sự chân thành và vì anh rất giống con trai của họ: tử tế, nhạy cảm và đều phải đi lính dù rất ghét chiến tranh.
Rồi một lần Adrien thú nhận với Anne rằng, anh là người đã nổ súng vào Frantz khi hai người đối mặt trong một khoảnh khắc ác liệt tại chiến trường. Hai người nhìn sâu vào mắt nhau và đều nhận thấy sự chán chường, đau đớn và sợ hãi... Nhưng bản năng, hay là nghĩa vụ người lính buộc phải hành động... và một viên đạn bay ra nhanh hơn chỉ trong một phần ngàn giây. Arien tìm thấy trong túi áo Frantz bức thư chưa kịp gửi Anne. Và anh đã đến thành phố này để thú nhận tội lỗi với Frantz và gia đình anh.
Tha thứ hay không tha thứ? Chiến tranh đã qua nhưng hậu quả còn lại dài lâu là mối hận thù giữa những con người. Chỉ có sự tử tế và lòng khoan dung mới có thể mang lại sự tha thứ từ trái tim. “Những đứa con chúng ta đã chết, vì ai? Vì chính chúng ta đã đưa chúng ra chiến trường. Đó là lỗi của những người cha như tôi, như anh! Chiến tranh chấm dứt, người Đức thương xót con mình và hả hê khi thấy cái chêt của kẻ thù. Người Pháp cũng vậy. Vậy thì làm sao và đến bao giờ con cái chúng ta mới thoát khỏi sự ám ảnh của cuộc chiến tàn khốc vừa qua?!”. Bác sĩ – cha của Frantz đã nói như thế với những người bạn mình khi họ phản ứng việc ông đón tiếp chàng trai Pháp.
Anna đã bế tắc và cô tìm thấy câu trả lời từ Cha xứ “Có những sự thật không phải để nói ra mà để im lặng, để cuộc sống tiếp tục và đừng có thêm những người sống mà như đã chết”. Anne đã làm mọi cách để thành cầu nối tình cảm giữa Adrien và gia đình Frantz. Nhưng quá muộn để cô đến với anh, trọn vẹn. Họ chỉ có nụ hôn đầu và cũng là duy nhất...
Chiến tranh, có thể trở thành nỗi ám ảnh và dằn vặt rất lâu đối với nhiều người đàn ông như Adrien, nhưng với phụ nữ nó còn khủng khiếp hơn nhiều lần. Và có lẽ chỉ có phụ nữ mới đủ nghị lực và khoan dung để vượt qua và tha thứ, vì “khi thấu hiểu cái chết tôi mới biết là cần phải sống” như Anne... 
Khuôn hình cuối cùng, gương mặt và đôi môi Anne ửng hồng, lần đầu tiên trong suốt bộ phim đen trắng dài hơn 1g30ph.
(SG 20.5.2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DI SẢN LỊCH SỬ - VĂN HÓA CÁC ĐÔ THỊ NAM BỘ NHÌN TỪ GIA ĐỊNH THÀNH THÔNG CHÍ CỦA TRỊNH HOÀI ĐỨC

Vài nét về công trình Gia Định thành thông chí Gia Định thành thông chí ( 嘉定城通志 ) còn có tên Gia Định thông chí ( 嘉定通志 ), là một quyển địa...