HƯƠNG MIỀN TÂY


Nguyễn Thị Hậu

Từ Sài Gòn đi về quê ngoại Cao Lãnh bây giờ có thêm một con đường đi qua huyện Mộc Hóa (Long An) và huyện Tháp Mười (Đồng Tháp). Đây là con đường đi qua một phần Đồng Tháp Mười, có từ lâu nhưng là đường nhỏ ngoằn nghèo và không liền lạc, gần đây được nối liền, nắn thẳng và nhiều đoạn được đắp mới.

Cũng như những con đường ở miền tây Nam bộ, trên đường có hàng chục cây cầu lớn, rất đẹp, tĩnh không cao, hầu hết bắc qua những dòng “kinh xáng” thẳng tắp, nước phèn trong xanh hai bên bờ còn chưa mọc kín dừa nước cỏ lác - những dòng kinh thoát nước và xả phèn vào mùa nước nổi của miền hạ lưu Mê Kông. Với độ tĩnh không cao như thế những con kinh xáng là đường giao thông nối liền vùng sâu của Đồng Tháp Mười ra đến đường lộ mới. Ghe xuồng chở lúa, chở phân bón, hàng hóa xuôi ngược trên kinh, và rồi không lâu nữa, ngay dưới chân cầu trên con đường tạm đi vòng khi xây dựng cầu sẽ là nơi đổ hàng lên xuống xe vận tải, về thành phố hay trở vô vùng bưng biền, đúng theo “quy luật” hình thành chợ búa (bến) của hàng trăm ngàn cái chợ như thế khắp miền Tây.

Từ trên những cây cầu có thể phóng tầm mắt nhìn xa hơn. Có cánh đồng lúa non xanh ngát, có đầm sen lớn nhỏ hoa trắng hoa hồng xen giữa bưng lầy đầy cỏ lác, có rừng tràm rừng đước mới trồng, cây thẳng hàng  ngay ngắn, và lấp lánh cánh cò trắng bay về đậu rợp trên ngọn tràm ngọn đước. Chỉ vài năm nữa thôi, hy vọng sẽ có thêm những “sân chim” mới ở nơi đất lành này.

Con đường đi qua vùng lúa đang mùa gieo sạ. Hình như là “cánh đồng mẫu lớn” vì trên đó cắm nhiều tấm bảng cho biết 4 loại phân bón được sử dụng ở đây. Cánh đồng bát ngát xanh, chỉ cần hạ cửa kính xe hơi là có thể hít đầy lồng ngực hương lúa non thơm lạ lùng, hương thơm không thể so sánh với bất cứ mùi hương nào, làm ta nghẹn ngào thương đất, thương lúa, thương người… Có nơi đang gieo sạ bằng những chiếc máy đơn sơ nhưng đỡ đần được cho bao công lao động. Màu đất bùn đen cũng thơm thơm mùi phù sa mới của mùa nước nổi vừa qua. Có nơi nước chưa rút hết, dưới ánh mặt trời cuối chiều hiện rõ màu nước lợ giao nhau của lớp phèn đọng hàng ngàn năm với phù sa theo mùa nước nổi tràn về.

Tôi rất dị ứng với ai đó bây giờ cứ luôn miệng, rằng “mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long” hay than thở “quê em mùa nước lũ”… Đừng biến ngôn ngữ văn chương báo chí thành “hiện thực” để rồi ứng xử với mùa nước nổi miền Tây Nam bộ như ứng xử với mùa lũ sông Hồng. Bởi vì, cho dù chế độ nước của sông Mê Kông có sự thất thường hơn trước do biến đổi khí hậu, do bị tàn phá nơi đầu nguồn bằng hàng chục nhà mát thủy điện lớn nhỏ… thì mùa nước về vẫn theo quy luật thời gian, là mùa làm ăn sinh sống của người dân đồng bằng Nam bộ, là mùa “đổi mới” những cánh đồng nhờ con nước rửa phèn và phủ lên lớp phù sa mới.

 Nhiều lần về miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi, đi trên kinh rạch dọc ngang, đi vô vùng Tháp Mười trên những chiếc xuồng “năm quăng” (xài một năm/ một mùa nước thì quăng, vụt bỏ vì đóng bằng gỗ tạp, rẻ tiền), tôi chỉ ước ao, thay vì cứ cứu trợ gạo mắm nước tương mì gói, chính quyền và doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm hãy làm những chiếc xuồng chắc chắn cho người dân sử dụng kiếm sống lâu dài nhiều mùa nước, thay vì xây dựng “khu dân cư chạy lũ” tốn kém mà không nhiều hiệu quả, hãy làm những ngôi nhà sàn mà cọc bằng bê tông mái tôn cho bền vững để dân không phải tất bật chạy lên những khu đất trống hơ trống hoác giữa đồng, rồi không làm được gì để sống lại kéo nhau về giữa đồng, bám trụ trong những ngôi nhà lá nhỏ nhoi trên biển nước.

Con đường chạy qua vài khu dân cư như những thị trấn nhỏ, có cả một nhà máy “bột giấy” xây dựng vài năm nay nhưng im lìm như chưa từng hoạt động. Sao không xây dựng ở đây những nhà máy xay sát lúa gạo nhỉ? Là vùng lúa mới, đường xá kinh rạch thuận tiện giao thông chuyên chở, nếu rút ngắn thời gian vận chuyển thì giảm thiểu mức độ hư hao của lúa, đỡ thiệt thòi cho người trồng lúa, bởi vì vẫn còn đó một nghịch lý: được mùa ép giá rớt giá, thất mùa lên giá nhưng không đủ lúa ăn lấy gì để bán? Mùa nào nông dân cũng là người thua thiệt!

Đường dài gần trăm cây số hai làn xe chạy nhưng cũng vắng, chỉ có xe tải, vài chiếc xe du lịch nhỏ, hầu như không có xe khách vì hai bên đường chỉ là những cánh đồng ngút mắt mà ít có khu dân cư tràn ra mặt tiền như nhiều con đường mới mở khác. Thi thoảng có vài “quán võng” bán cà phê hay là quán nhậu, luôn có chỗ dành chỗ treo một hàng võng đung đưa, người đến quán có thể nằm nghi lưng nghe câu vọng cổ hay những bản nhạc bolero thân thuộc của người miền Tây. Về miền Tây mà chưa thưởng thức hai điều này thì coi như chưa đến miền Tây, phải không?

Phía đông cơn mưa sầm sầm kéo tới. Trong cơn mưa cuối mùa mãnh liệt lạ thay gió vẫn đẫm hương lúa non, hương đất, hương sen, hương lá rừng tràm… Những mùi hương trong lành đầy sức sống như những con người miền Tây giản dị.

Hình: Cô Út dìa quê, tháng 1/2018  :)

 Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trẻ em, ngoài trời và cận cảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...