CON ĐƯỜNG THIÊN LÝ NGANG QUA SÀI GÒN

Báo Pháp luật TP xuân Mậu Tuất 2018
Tùy bút, Nguyễn Thị Hậu

Từ lúc khởi lập Thành Gia Định cho đến khi Sài Gòn trở thành một đô thị được quy hoạch theo kiểu phương Tây và đến ngày nay, có một con đường được xác định ngay từ đầu và ngày càng tỏ rõ chức năng quan trọng của nó. Đó là đường nay mang tên Cách mạng tháng Tám, bắt đầu từ bùng binh ngã sáu “Phù Đổng Thiên Vương” ở quận 1, qua quận 3 rồi làng Hòa Hưng quận 10 đến ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình.

Trên bản đồ Thành Gia Định do Trần Văn Học vẽ năm 1815 đã có “đường đi Cao Mên” thẳng tắp là một trong hai con đường thiên lý: Đông Tây và Bắc Nam hình thành sau đó, là đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay. Trải qua các thời kỳ lịch sử với những tên gọi khác nhau nhưng nhiều người Sài Gòn vẫn quen gọi là đường Lê Văn Duyệt – tên vị Tổng trấn thành Gia Định, người có công lớn với Sài Gòn và miền Nam, được đặt tên đường từ năm 1955 cho đến năm 1975.

Trên con đường này có nhiều địa điểm quen thuộc của Sài Gòn:  ngay đầu đường là bùng binh nhìn ra bến sông của Thành Gia Định và kế bên chợ Bến Thành, một khu vực bến – chợ sầm uất gần hai thế kỷ nay. Ở đó có bức tượng Phù Đổng Thiên Vương “nhổ tre đánh giặc”, cũng nơi bắt đầu đường Nguyễn Trãi - “đường cái quan” đi vào Chợ Lớn và xuống đồng bằng sông Cửu Long. Từ đây còn bắt đầu đường Lý Tự Trọng, vốn là hào nước của thành cổ Gia Định, được đắp thành một con đường chính “song song với bờ sông” theo quy hoạch đô thị kiểu Pháp . Trên đoạn đường CMT8 thuộc quận 1 trước 1975 có Trụ sở Tổng liên đoàn lao công VN đối diện với trụ sở USAID Mỹ. Đi đến giao lộ với đường Nguyễn Đình Chiểu là di tích Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vào năm 1963, nay có tượng đài tưởng niệm xây dựng tại vị trí cây xăng trước đây.

          Khoảng quanh bùng binh ngã sáu Dân Chủ là “đồng mả ngụy” liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi chống lại vua Minh Mạng hồi đầu thế kỷ 19. Kế đó qua quận 10 là Hòa Hưng – một làng cổ nổi danh nghề đúc đồng và nay có trại giam Chí Hòa cũng “nổi danh” không kém bởi những tay anh chị đã từng vào ra ở đó. Xích xuống chút là Cống Bà Xếp kế bên ga xe lửa và gần Chợ Hòa Hưng một thời giang hồ không kém bên Khánh Hội quận 4.

Xuống phía Tân Bình là khu chợ Ông Tạ nơi có nhiều người Bắc sinh sống, gần Tết mọi người đổ về đây mua lá dong lạt tre để gói bánh chưng, còn hàng ngày các “đệ tử Lưu Linh” thường đến  đường Phạm Văn Hai đoạn giáp đường CMT8 để mua “cầy tơ” hay bê thui – đặc sản lâu đời người Bắc mang vô Sài Gòn từ những năm 1954 -1955, thậm chí từ trước đó. Khu vực này còn là xứ đạo, tháng 12 đèn nhấp nháy giăng ngang đường ngang hẻm, những ngôi sao sáng lung linh, xóm đạo nhộn nhịp suốt mùa Giáng Sinh.
Vùng Bảy Hiền nơi người Quảng lập ra làng dệt Bảy Hiền nổi tiếng, người sành ăn thường xuống chợ Bà Hoa ở đây để thưởng thức mì Quảng và nghe những “mô tê răng rứa” đậm đặc chất Quảng như chưa hề có vài chục năm xa quê. Khu vực này đã xảy ra trận chiến ác liệt vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngay gần bệnh viện “Vì Dân” sau đổi thành bệnh viện Thống Nhất…

Nay, đường Trường Chinh từ đây chạy tới ngã tư An Sương rồi tiếp tục đường xuyên Á sang Campuchia hoặc theo vòng xoay An Sương về miền Tây… như “định hướng chiến lược” từ thời nhà Nguyễn, tất nhiên, con đường được mở rộng hơn và khu vực này đã trở thành quận nội đô chứ không còn là huyện ngoại thành. Khu công nghiệp mọc lên, đô thị hóa nhanh chóng, dân cư đông hơn nhiều lần mà  phần lớn là những người nhập cư.
Có thể nói đường CMT8 là con đường đi từ quá khứ của đô thị Sài Gòn đến hiện tại và tương lai TP. Hồ Chí Minh –  thành phố “đầu tàu kinh tế” của cả nước và có vị trí trung tâm ở Đông Nam Á.
***
Tôi có hơn mười năm gắn bó với con đường này, khi ấy nhà tôi ở chung cư trong hẻm nhỏ vốn là một nghĩa địa giải tỏa chưa lâu, gần công viên Lê Thị Riêng. Ngày dọn về xung quanh chung cư mới xây xong mặt bằng chưa san lấp hết, vẫn còn những hố mộ ván hòm. Chiều tối giữa mùa hè nóng nực, đèn bật sáng hết, không bật quạt vậy mà vẫn nghe “lạnh ngắt”, đêm ngủ phải trùm chăn bông! Người ở chung cư mỗi ngày đều rủ nhau xuống thắp nhang dưới bãi đất đã trống trơn, khấn “người khuất mặt khuất mày” cho bọn trẻ đừng đau ốm cho người lớn ăn nên làm ra… Không biết là nhờ thành tâm hay do khu đất được xây dựng hết, gần năm sau bước vô hẻm nhỏ đã thấy ấm áp hơn.
Hơn mười năm đi lại con đường này là hơn mười năm chịu đựng nỗi kinh hoàng mang tên kẹt xe! Đường hẹp nhưng là đường chính gần như “độc đạo” đi về Tân Bình, Hốc Môn.  Đủ loại xe máy xe hơi xe bus xe tải… nhà cửa dân cư san sát từ mặt tiền vô hẻm nhỏ… bất cứ chỗ nào lúc nào cũng có thể kẹt xe, giờ cao điểm sáng chiều thì không ngày nào thoát. Qua khỏi bùng binh công trường Dân Chủ là tới ngã 3 Hòa Hưng, mấy hẻm quẹo vô ga xe lửa, ngã ba Tô Hiến Thành liền với chợ Hòa Hưng, đường vào khu cư xá Bắc Hải, đoạn ngã ba Ông Tạ… Đường chính kẹt thì các hẻm cũng tắc, mạnh ai nấy chạy, có việc qua đường này ai cũng ngán ngại. Tình trạng này từ trước 1975, thời đó đã có dự án cải tạo mở rộng đường Lê Văn Duyệt nhưng chưa thực hiện được. Hàng chục năm trôi qua và con đường thì ngày càng quá tải…
Từ năm 2014 UBND TP cho biết đã có quy hoạch đường Cách Mạng Tháng Tám lộ giới 35m và đường Trường Chinh đoạn từ ngã ba Âu Cơ (Q.Tân Bình-Tân Phú) đến cầu Tham Lương (Q.12) có lộ giới 60m, tương ứng là 4 và 6 làn xe, đồng thời xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Nhưng đến nay vẫn chưa thể  bắt đầu, càng để lâu giá đền bù càng cao, càng khó giải tỏa để mở rộng hay xây dựng metro. Đó là cái vòng luẩn quẩn trong việc xây dựng hạ tầng của một đô thị lớn, nơi mà dân cư tăng nhanh hơn gấp nhiều lần sự phát triển của hạ tầng đường, điện, nước…
Thành phố đang mở rộng từng ngày, “Con đường thiên lý Đông Tây” cũng đang từng ngày chờ đợi một diện mạo mới, xứng đáng với vai trò quan trọng của nó trong quá khứ và tương lai.

Sài Gòn 28.11.2017

Bản đồ của Cách Mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...