Tiếc nuối về một sự “từ chức”

Đó là việc từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1, sau khi “chiến dịch dọn dẹp vỉa hè” của ông kéo dài cả năm nhưng chỉ có kết quả nhất thời và không đạt hiệu quả lâu dài, dù khá tốn kém về công sức, thời gian và cả về kinh phí.
Tôi là một trong số không nhiều người ngay từ đầu đã lên tiếng phản biện cách thức tiến hành “chiến dịch dọn dẹp vỉa hè” của ông Hải. Phải nói rõ rằng, mục tiêu làm cho vỉa hè sạch đẹp, an toàn, thông thoáng là hoàn toàn đúng nhưng phương pháp thực hiện của ông Hải là nóng vội, không khoa học và chưa nhân văn. Có thể nói vắn tắt là:
- Không khoa học: chưa có điều tra xã hội học dù là “thí điểm” ở một phường hay một tuyến đường để có các số liệu về tình trạng buôn bán ở nhà mặt tiền, buôn gánh bán bưng trên vỉa hè, nhu cầu chỗ để xe của các cửa hàng, nhà hàng… cùng với số lượng khách hàng đến đó, số lượng người, gia đình phụ thuộc vào việc kinh doanh ấy. Vì vậy không có căn cứ để đưa ra biện pháp giải quyết căn cơ, lâu dài, thuyết phục người dân.
- Nóng vội: Không phân loại vi phạm để giải quyết từng bước, cào bằng mọi trường hợp và dùng biện pháp “đập phá” rất phản cảm đối với khu vực trung tâm thành phố. Chưa có biện pháp thuyết phục, tuyên truyền trước khi tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế… Nhất là chưa giải quyết từ gốc là trách nhiệm quản lý của các phường đối với vỉa hè và những hộ buôn bán ở đó. Chính quyền phường, quận là chính quyền cơ sở nên đây phải là nơi nắm rõ, đưa ra phương án giải quyết cho từng trường hợp cụ thể chứ không thể chung chung kiểu “giải pháp đúng (về lý thuyết) mà không trúng (về thực tiễn)”.
- Chưa thể hiện sự nhân văn: Đô thị nói chung và vỉa hè nói riêng là không gian nhỏ nhưng có mật độ người sử dụng rất lớn. Sự chia sẻ quyền lợi (bao gồm sử dụng đi lại, làm hạ tầng đô thị, kinh doanh…) cần được nhà quản lý nhìn nhận một cách thực tế và giải quyết sao cho thỏa đáng. Không thể công bằng với tất cả nhưng cũng không thể không quan tâm đến số phận từng con người, gia đình cụ thể. Giải quyết buôn bán hàng rong bằng cách lập ra “phố hàng rong” có phải là giải pháp hữu hiệu không khi mà nó chỉ giải quyết cho vài mươi người trong số hàng ngàn người có nhu cầu? một thành phố có hàng triệu xe máy mà không có bãi giữ xe nhất là khu trung tâm thì sẽ phải làm sao nếu cấm để xe ở vài đoạn vỉa hè?
Có người nói ông Hải thất bại vì “đụng vào lợi ích nhóm” trong việc sử dụng vỉa hè. Có thể là như vậy, nhưng chính thế lại càng cần sự khoa học trong cách thức, cẩn trọng trong tìm hiểu và giải quyết từng trường hợp.
Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu về xã hội cũng như dư luận đã có những ý kiến phân tích, đề xuất giải pháp từng bước để công việc thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn, nhưng tiếc rằng những ý kiến này đã không được quan tâm. “Kinh tế vỉa hè” là một đặc trưng của đô thị, vấn đề là tổ chức không gian cho hoạt động kinh tế đó như nhiều nước đã làm được và làm tốt, tạo ra diện mạo “văn minh đô thị” đồng thời thu được nguồn lợi kinh tế, góp phần cho đô thị trở thành nơi “an cư, an ninh”.
Ông Hải từ chức – như ông nói, để “giữ lời hứa không làm được thì cởi áo về vườn” - là một việc làm đáng quý. Nhưng ông sẽ được trân trọng quý mến hơn nếu ông sớm điều chỉnh phương pháp thực hiện “chiến dịch vỉa hè” để người dân, dù mất một phần quyền lợi cũng phải “tâm phục khẩu phục”, từ đó mang lại hiệu quả tốt trong việc xây dựng thành phố văn minh.
Thực tâm tôi cảm thấy tiếc vì điều đó!
Bất cứ ai là công chức đều được học về “Khoa học quản lý” mà mục đích đầu tiên là: bộ máy công quyền với chức năng “quản lý nhà nước” là để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn chứ không chỉ để ra mệnh lệnh một cách chủ quan duy ý chí.
Sài Gòn 9.1.2018
Kết quả hình ảnh cho đập phá vỉa hè

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...