VỈA HÈ – BAO GIỜ TRẬT TỰ VĂN MINH?


“Chiến dịch vỉa hè” sau thời gian rầm rộ ở quận Một và lan sang nhiều quận huyện khác, một số vỉa hè được thông thoáng và nhiều vỉa hè bị đập phá ngổn ngang cả dưới lề đường và trên những mái hiên… hàng quán đua nhau “sơ tán” vào ngõ hẻm, lùi vào trong nhà, có nhiều hàng gánh xe đẩy phải nghỉ bán. Nhưng việc “lập lại trật tự vỉa hè” không duy trì được lâu.
Gần đây ông Phó Chủ tịch quận Một lại tiếp tục đích thân “ra quân”, tuy không ồn ào như trước vẫn tạo ra cú sốc như việc dẹp bãi xe dành cho đường sách Nguyễn Văn Bình, và gần đây là phát ngôn đanh thép “Ở quận 1 là phải biết luật, không biết thì về rừng U Minh”.

Vì sao việc lập lại trật tự vỉa hè thành phố lại khó khăn như vậy? Hiện trạng này bắt nguồn từ hai nhân tố: về phía người dân: lối sống sinh hoạt kinh tế - văn hóa từ hàng chục năm nay là buôn bán ở nhà mặt tiền hay trên vỉa hè tiện mua thuận bán. Những hoạt động này có sự “trật tự” theo quy luật của đô thị. Về phía chính quyền: không có quy hoạch sử dụng vỉa hè hợp lý để đưa vào quy định luật pháp, xử lý vấn đề tùy tiện và không nhất quán. Chính vì vậy tuy có nhiều tiếng nói ủng hộ “chiến dịch” nhưng hiệu quả không như mong muốn, thậm chí để lại nhiều hình ảnh thiếu thân thiện của chính quyền với người dân.

Như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đô thị đã chỉ ra, vỉa hè không chỉ để “dành cho người đi bộ”. Nó là một bộ phận của cơ sở hạ tầng, vừa có chức năng kỹ thuật (phân định và ngăn cách lòng đường và nhà trên đường, trồng cây xanh, cột điện, nhà chờ xe bus hoặc một số chức năng khác…) vừa có chức năng văn hóa: đi bộ, nơi giao lưu của cộng đồng, là không gian đặc trưng của đô thị trong đó có chức năng kinh tế. Do đó vỉa hè là tài sản công cộng cần được nhà quản lý điều hành và phân bố sao cho việc sử dụng phù hợp từng khu vực và quyền lợi của các nhóm cộng đồng ở đô thị.

Quận Một mang “diện mạo của thành phố TP.HCM”, vì vậy xây dựng “thành phố văn minh – hiện đại – nghĩa tình” ở quận Một là yêu cầu bức thiết. Từ hơn một thế kỷ nay nơi này đã sớm hình thành lối sống đô thị với kinh tế thương mại và dịch vụ “mở” và đa dạng, phục vụ mọi nhu cầu của cư dân đô thị, khách du lịch, khách vãng lai… Trong đó những cửa hàng, vỉa hè, con đường trở thành một thể “thống nhất” tạo ra không gian sinh hoạt của nhiều tầng lớp dân cư… Nếu có những con đường cho đậu xe hơi dưới lòng đường thì cũng có những vỉa hè để xe máy, xe đạp. Nếu những ngôi nhà mở mặt tiền buôn bán thì khoảng vỉa hè trước đó có thể người bán hàng rong sử dụng…

Từ trước năm 1975 cho đến những năm 1980 nhiều vỉa hè, dải phân cách đường phố khu trung tâm quận Một được sử dụng giữ xe máy, xe đạp (lúc đó xe đạp cũng nhiều như xe máy hiện nay). Việc tổ chức bãi xe một cách khoa học và chuyên nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho các tuyến phố Đồng Khời, Nguyễn Huê, Lê Lợi trở thành “phố đi bộ”. Những gánh hàng ăn trên các tuyến phố này bày bán gọn gàng, sạch sẽ, hầu như không đi rong mà có nơi cố định. Những bãi giữ xe, người buôn bán hay hàng rong đều phải nộp thuế, phí và chỉ sử dụng mặt bằng được cho phép. Phần diện tích lớn hơn là dành cho người đi bộ nhất là ở khu vực trung tâm.

Đấy là một trong những biện pháp mà nhiều nơi trên thế giới đã thực hiện làm cho vỉa hè trật tự và sử dụng hết chức năng của nó để mang lại lợi ích cho xã hội. Điều quan trọng là nhà quản lý có những quy định rõ ràng về thuế, phí và xử phạt minh bạch bằng thái độ nghiêm túc và công bằng. Tôn trọng luật pháp phải bắt đầu từ người thi hành luật pháp.

Khu vực quận Một hiện nay thực sự bị quá tải bởi dân cư, đường xá và phương tiện giao thông. Lập lại trật tự vỉa hè (và không chỉ ở vỉa hè) là cần thiết với mục tiêu làm sao cho các hoạt động có trật tự, đảm bảo an toàn thuận tiện cho người đi bộ, đi xe và mỹ quan đô thị. “Trật tự vỉa hè” liên quan đến mật độ dân số ngày càng tăng ở đây, liên quan với tính chất trung tâm của khu vực luôn thu hút rất nhiều người đến đây kiếm sống. Cần nghĩ đến việc nếu dẹp bãi xe hay những gánh hàng rong thì hàng ngàn lượt xe máy và số phận hàng trăm gia đình phải giải quyết thế nào, trong thời gian bao lâu… nếu chưa tính đến tất cả những điều đó thì không thể “ra quân” chỉ nhằm xóa bỏ toàn bộ hoạt động trên vỉa hè, bất chấp sự lãng phí, tính hiệu quả và cao hơn, sự nhân văn đối với người lao động và những người khác cũng có quyền lợi từ vỉa hè.

Trong phạm vi giới hạn của đô thị, chia sẻ không gian công cộng đa chức năng như vỉa hè là một bài toán không khó giải, nếu nhà quản lý thực sự lưu tâm đến quyền lợi chung của đô thị và quyền lợi riêng của từng cộng đồng. Lo cho người đi bộ thì cũng cần lo chỗ để xe, giữ xe cho người đi xe máy, bởi vì đô thị là của tất cả những người đang góp phần làm nên sức sống của nó, trong đó có những người lấy vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm sống. Có lẽ không một nhà nước nào có thể đảm bảo việc làm cho tất cả người dân, vì vậy cần tạo điều kiện và có những chế tài phù hợp cho người dân kiếm sống trong hoàn cảnh cho phép. Vỉa hè là một trong những điều kiện ấy.

Vỉa hè thành phố bao giờ trật tự văn minh? Tất nhiên, không phải chờ đến khi những người “không biết luật thì về U Minh” thì vỉa hè TP.HCM sẽ trở nên văn minh! Khi mà còn những ngày rầm rộ “phong trào, ra quân” một cách không khoa học và thiếu nhân văn thì sẽ còn tình trạng vỉa hè mất trật tự, không được sử dụng hợp lý và lãng phí.
Sài Gòn 25.9.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...