THƯ CHỊ U MINH GỬI EM TRAI


Em thân mến,
Đã lâu rồi chị em mình chưa liên lạc với nhau, nhưng nhờ có internet mà chị vẫn thường xuyên theo dõi công việc và cuộc sống của em “nơi thành đô trong ánh điện quang…”. Nhất là gần đây, hoạt động dọn dẹp vỉa hè ở trung tâm thành phố do em khởi xướng và thực hiện đã nổi tiếng vì khắp nơi vang lên những “tiếng nấc nghẹn câu cười”, như lời một bài hát hồi đó mình thường nghe, em còn nhớ không?
Mấy bữa nay chị cảm động hết sức khi báo chí và mạng xã hội đồng loạt đăng câu nói của em “ở quận 1 không hiểu luật thì về U Minh sống". Em vẫn còn nhớ đến mảnh đất quê hương xa xôi (mà bây giờ xe đò chỉ chạy một đêm là tới), nơi cha mẹ sinh ra chị em ta trong những ngày chiến tranh.
Hồi đó, ở rừng U Minh buộc phải biết và sinh hoạt theo những quy luật của chiến tranh để bảo toàn sự sống còn. Nhưng dù theo quy luật nào thì có một điều luật mà người dân luôn tuân thủ. Đó là luật về tình nghĩa với đồng bào, với bạn bè, đồng chí. Làm gì cũng phải nhớ ơn nghĩa trước sau. Đấy là điều luật nghiêm khắc nhất, ai vong ơn bội nghĩa khó nhận được sự tha thứ khoan dung của mọi người.
Nhưng sau phút cảm động, đọc lại câu nói của em chị thấy có gì đó sai sai. Hòa bình hơn 40 năm rồi, dù hẻo lánh hay còn nhiều khó khăn nhưng miệt U Minh không phải là nơi vô thiên vô pháp.
Em còn nhớ những tác phẩm văn học về rừng U Minh mà chúng ta từng say mê đọc khi còn nhỏ? “Hương rừng Cà mau” của Sơn Nam, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Rừng U Minh” của Nguyễn Văn Bổng… và gần đây là truyện của Nguyễn Ngọc Tư… Tất cả đều kể về một vùng đất vùng rừng xưa nay con người chân chất, thiệt thà và nhân nghĩa.
Họ có thể ít chữ nhưng không ít hiểu biết, họ biết cưu mang giúp đỡ người cơ nhỡ, biết san sẻ khi khó khăn, biết nhường nhịn khi túng thiếu… Họ, có thể chưa rành câu chữ luật pháp nhưng họ cư xử bằng tình nghĩa và bằng sự chính trực.
Em à, có thể em chỉ tiện mồm nói ra câu đó nhưng làm cho những người U Minh như chị thấy chạnh lòng. Lên thành phố mới bao lâu mà em đã coi thường quê mình như vậy? Cha mẹ và những người từng cưu mang gia đình chúng ta sẽ nghĩ gì khi nghe câu nói đó?
Người dân ở đâu cũng phải tuân theo pháp luật, nhất là những người có chức phận như em. Nếu nơi đô thành ai đó không tuân thủ luật pháp thì cũng không thể nói họ về quê mà sống. Nông thôn không phải và không thể là nơi chứa “rác” của thành phố, em hãy nhớ điều đó nhé!
Nơi nào cũng vậy, u minh hay không là ở con người em ạ. Mà biết đâu ở thành phố nếu con người không có sự chính trực công bằng mà chỉ có sự u tối u mê thì còn u minh hơn trong rừng quê mình nữa đấy.
Vài hàng thăm em.
Chị U Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...