Linh tinh lang tang (39) Một ngày không như mọi ngày.


1. Một cuộc tình chia tay ko mấy tốt đẹp sẽ là vết thương không thể lành. Người phụ tình có lý lẽ của kẻ mạnh khi họ có những hành xử làm tổn hại, tổn thương người bị phụ tình, bởi vì theo họ, tình đã hết! Nhưng nếu nghĩ, nhớ đến cái “nghĩa” của những năm mặn nồng thì chắc họ sẽ cư xử phải đạo hơn, dù đã hết tình thì cũng không nên làm người kia phải đau lòng thêm nữa. Còn người bị phụ tình, dù biết chẳng thể trông đợi điều gì khi người kia đã dứt áo ra đi, vậy mà vẫn trách móc hờn giận, vì sao người ấy lại có thể hành xử vô tâm vô tình đến thế. Dù biết rằng hành xử ấy khoét sâu hơn nỗi đau của sự chia ly, vết thương càng sâu càng khó lành, nhưng đã Bỏ thì nên Buông… cho nhẹ lòng. Mất một người bạn nhưng không mất một tình yêu đẹp, của mình.
Từ chuyện tình nho nhỏ nghĩ về chuyện lớn hơn.


2. Một cuộc chiến kết thúc gần 40 năm, vậy mà nỗi đau (hình như) ngày càng di căn. Bên này bên kia có gia đình nào không mất mát không chia ly, kiểu này hay kiểu khác? Bên nào không có những di chứng kéo dài chắc chắn không chỉ một, hai thế hệ? Nhưng lạ, đọc những gì tràn ngập trên mạng những ngày này, có những nỗi đau chỉ cần một hai câu từ cũng làm nhói lòng người. Nhưng cũng có câu chữ… chỉ thấy như là đang a dua theo những nỗi đau những sự mất mát. Có một câu nói rất hay “ngoài đau bụng mọi cái đau khác chỉ là sự tưởng tượng. Nhưng ai không cảm nhận được những nỗi đau ấy thì đó không phải là người tử tế”. Vâng, khi không thực sự cảm nhận nỗi đau của những người trong cuộc thì xin đừng khoét sâu hơn vết thương ngày cũ.
Vì mỗi người dù còn căm hận hờn giận thì vẫn còn đó một quê hương mà ta không thể chối từ.


3. “Không một điều gì, không một ai bị lãng quên”. Nhưng vấn đề là NHỚ như thế nào… Những bà mẹ đau nỗi đau mất đi những đứa con, có phân biệt đứa con bên này bên kia? Những người đang yên nghỉ ở những nghĩa trang bạt ngàn mộ trắng, ở trên cao xanh họ có còn phân biệt bên thắng bên thua? “Năm tháng trôi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gào thét… chỉ còn tấm lòng em nhẫn nại dịu dàng…”. Bao giờ những ngày Tháng Tư này sẽ là Ngày Hòa Hợp, Hòa Giải của chúng ta?


4. Bảo tàng Ký ức chiến tranh ở Hàn quốc, ngay sảnh chính có một bức tranh lớn kín một bức tường. Bức tranh vẽ rừng cây hoa lá tràn ngập, ở giữa là giới tuyến Bàn Môn Điếm và hai lá cờ Hàn quốc và Triều Tiên nhỏ xíu. Dòng chữ lớn chạy suốt “Bán đão Triều Tiên có bốn mùa xuân hạ thu đông nhưng đang bị chia thành hai nước”. Có quốc gia nào không có khát vọng thống nhất, chỉ khác nhau sự lựa chọn con đường đi đến thống nhất mà thôi. 


5. Và THỜI GIAN sẽ trả lại công bằng cho tất cả… nhanh lắm, có khi không hết một đời người… 

 
(29/4/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...