DI SẢN VĂN HÓA ĐÔ THỊ SÀI GÒN – TP. HỒ CHÍ MINH



Bài đăng trên Lao Động số ra 30/4/2013


Những năm gần đây thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi:  không còn những xóm nhà lá lụp xụp nhếch nhác trên kinh nước đen, xây dựng những khu đô thị mới… Tuy nhiên sự thay đổi này đã làm mất đi khá nhiều những dấu tích xưa cũ là “hồn vía” của Sài Gòn. Nguy cơ trước mắt là cơn lốc đô thị hóa tràn lan hiện nay đã phá đi khá nhiều di sản văn hóa thể hiện bản sắc Sài Gòn. Việc cố gắng bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa của một đô thị chính là xây dựng đô thị hiện đại có một không gian sống với chiều sâu ký ức của nó. Sống trong không gian đó con người sẽ giàu có hơn về mặt tinh thần khi họ được thế hệ trước di truyền lại những ký ức về vùng đất mà họ đang sống. Bảo vệ di sản văn hóa là để con người sống tốt hơn cho hôm nay chứ không chỉ là bảo vệ một ý niệm nào đó của quá khứ dù đẹp đến đâu.  
Những di sản lịch sử - văn hóa đặc trưng
 Sài Gòn là đô thị sông nước: Sông Sài Gòn là giao thông đường thủy quan trọng nhất, cảng Sài Gòn là cửa ngõ thông thương với nước ngoài. Hệ thống kênh rạch dày đặc là những con đường huyết mạch để vận chuyển lúa gạo và các loại nông sản, hàng hóa khác từ đồng bằng sông Cửu Long lên Cảng Sài Gòn để xuất khẩu.  Thương cảng Sài Gòn, từ góc độ lịch sử có thể coi là đặc điểm chủ yếu của đô thị Sài Gòn.
- Hệ thống đường sông, kênh rạch ở Sài Gòn phục vụ cho sự phát triển của nghề thủ công làm gốm nổi tiếng: “Xóm Lò Gốm” của Sài Gòn xưa còn lại dấu tích là kênh Lò gốm, đường Lò Siêu, khu lò lu, bến mảnh sành, cầu lò chén… Vùng Gốm Sài Gòn sản xuất nhiều loại gốm gia dụng và kiến trúc trang trí độc đáo, rất được ưa chuộng ởViệt Nam.
- Hệ thống sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh họat buôn bán, cảnh quan văn hóa đặc trưng: sông – bến chợ – phố chợ ven sông - làng ven sông – giao thông đường thủy – ghe thuyền - cầu qua sông…
Hiện nay đại lộ Đông Tây được xây dựng đã mang lại vẻ đẹp hiện đại cho thành phố, nhưng trả giá cho việc này là dọc hai bên sông – cũng là dọc theo đại lộ, từ quận 6, quận 8, quận 5, đến quận 4, quận 1 những dãy nhà phố liên kết kiểu thị tứ buôn bán biến mất, những tòa cao ốc đã và đang mọc lên. Đâu rồi vẻ đẹp cổ xưa “trên bến dưới thuyền” sầm uất mà hồi giữa thế kỷ XX vẫn còn được ghi nhận?
Sài Gòn là đô thị của sự giao lưu và hội nhập văn hóa.
          Sự hình thành đô thị Sài Gòn là quá trình tụ cư và hội nhập văn hóa nhanh chóng của người Việt, người Hoa với những tộc người bản địa. Trong quá trình khẩn hoang lập ấp, phát triển sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp… cư dân người Việt, người Hoa đã duy trì và phát triển những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của quê hương làm chỗ dựa tinh thần ở vùng đất mới. Đình, chùa của người Việt; đền, miếu, hội quán của người Hoa; chùa của người Khmer; nhà thờ của người Chăm Hồi giáo, nhà thờ Công giáo, Tin lành… thể hiện sự đa dạng và hội tụ văn hóa của nhiều cộng đồng cư dân và những sinh hoạt tinh thần của họ. Cùng với di sản văn hóa vật thể nói trên cư dân Sài Gòn còn lưu giữ những di sản văn hóa phi vật thể: ẩm thực, trang phục, lối sống, ngôn ngữ, lễ hội, sinh họat của từng cộng đồng…Từ nửa sau thế kỷ XX đến nay Sài Gòn là đô thị có lượng người nhập cư lớn nhất nước, văn hóa Sài Gòn ngày càng đa dạng phong phú.
Sài Gòn là đô thị kiểu phương Tây:
Sài Gòn còn là nơi hình thành cơ sở công nghiệp đầu tiên, từ cuối thế kỷ XIX Gòn trở thành một trung tâm công nghiệp ở phía Nam: nhà máy điện, nhà máy nước, nhà ga và hệ thống đường xe lửa… Thành phố bắt đầu phát triển theo kiểu đô thị Tây phương bằng chương trình quy hoạch khoa học và chi tiết. Từ cuối thế kỷ XIX các dự án thiết kế và xây dựng Sài Gòn chủ yếu dọc theo cảng Bến Nghé, những gò đất cao quanh đó mọc lên các công trình và trở thành khu trung tâm của thành phố. Đó là các công sở, dinh thự, công trình công cộng như trường học, bảo tàng, rạp hát, chợ… Nhiều công trình trong số đó đến nay vẫn còn giữa được công năng, là “dấu ấn Sài Gòn” đối với người đi xa và người đến Sài Gòn. Cảnh quan đô thị khu trung tâm thành phố là những con đường với hàng cây cao vút, những biệt thự mang vẻ đẹp của kiến trúc cổ điển châu Âu nhưng gần gũi và đã trở nên quen thuộc, là một phần không thể thiếu của thành phố. 
Cũng như những thành phố khác, khi giải quyết mâu thuẫn giữa việc bảo tồn kiến trúc cổ với việc phát triển công trình mới thì phần thiệt thòi luôn về phía kiến trúc cổ. Chủ trương chính sách về bảo tồn di sản văn hóa của nhà nước Việt Nam, của thành phố Hồ Chí Minh đã có nhưng việc thực thi chưa tốt. Nguyên nhân thì có nhiều: trình độ quản lý đô thị thấp, nhận thức không đầy đủ về di sản văn hóa đô thị, chưa có quy họach phát triển kinh tế – văn hóa mang tầm chiến lược… Các ngành liên quan như văn hóa, kiến trúc, quy hoạch, xây dựng chưa phối hợp đồng bộ trong việc bảo tồn di sản văn hóa đô thị và chưa thực thi đúng Luật di sản văn hóa VN. Việc bảo tồn di sản văn hóa không chỉ có kiến thức khảo cổ, bảo tồn nói riêng mà cần có sự kết hợp giữa nhà khảo cổ và kiến trúc sư tu bổ công trình và người chủ dự án tôn tạo, dưới sự điều hành của chính quyền đô thị, cùng vì một mục đích tối thượng là bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
                                                          

 TS. Nguyễn Thị Hậu




























Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...