Những giới thiệu về cuốn 101 truyện cực ngắn (cập nhật


Tiến sĩ khảo cổ ra truyện cực ngắn


(TT&VH 21/10/2012) - Hậu “khảo cổ” là tên thân quen của tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Chị vừa ra mắt cuốn sách 101 truyện 100 chữ do Công ty Văn hóa truyền thông Phương Đông liên kết với NXB Hội Nhà văn ấn hành. 



101 truyện 100 chữ còn in kèm 10 tranh minh họa của họa sĩ Đỗ Đức vẽ tặng riêng cho tác giả. Những câu chuyện trong 101 truyện 100 chữ như những tấm hình được Hậu “khảo cổ” chộp lại những khoảnh khắc cuộc sống diễn ra xung quanh. Nếu không chịu quan sát, không để tâm ghi lại thì những khoảnh khắc ấy sẽ trôi vào quên lãng. Có lẽ hành nghề khảo cổ nên tác giả đã rất tỉ mỉ trong việc chộp lại những giây phút thường ngày bằng những con chữ thoải mái như chính cuộc sống vốn vậy. 
Hậu “khảo cổ” là con gái của NSƯT Nguyễn Ngọc Bạch - một người cả đời gắn với sân khấu cải lương, kịch Nam bộ. Chị sinh ra ở Hà Nội, hiện sống tại Sài Gòn và cũng thuộc hàng quan chức trong giới: Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Hậu “khảo cổ” đã in: Đi và tìm trong đất (ký và tản văn), Quay qua quay lại (tản văn), Buổi trưa trong quán cà phê (tạp bút). 
 H. Nhân


Nguyễn Thị Hậu Với 101 Truyện 100 Chữ
Vũ Trọng Quanghttp://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19530


Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa phát hành tập truyện cực ngắn "101 truyện 100 chữ" của Nguyễn Thị Hậu, tiến sĩ Khảo cổ học. Đây là tập truyện cực ngắn thứ tư, sau Đi và tìm trong đất (Ký và tản văn, 2008), Quay qua quay lại (Tản văn, 2010), Buổi trưa trong quán cà phê (Tạp bút, 2012).

Nguyễn Thị Hậu hiện nay  là Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, Phó Tổng thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, Tôi đồng cảm với nhà văn Lê Anh Hoài thì "Đọc loạt truyện cực ngắn này, không cần nghĩ ngợi đến những chức tước, học hàm học vị, sẽ thấy một cái nhìn nhạy cảm rất đàn bà, một kết cấu truyện gọn sắc như những cú đấm của dao găm, và cả tiếng cười như sắp phá bung ra đằng sau sự lạnh lùng của con chữ".

Truyện cực ngắn vì không thể là truyện dài, ngoài ý nghĩ ngoài ý nghĩa của giới hạn chữ, cô đọng và chính xác, tuy ngắn như lát cắt nhưng chuyên chở đầy sức năng, không phải sức nặng của những phiến mỏng tập hợp lại, mà trọng lượng mỗi truyện cực ngắn.

Xin trích 2 truyện cực ngắn:

Bao Thơ

Có vài cuộc họp người tham dự được nhận bao thơ, bên trong ít thì vài chục nhiều thì vài trăm ngàn. Người nhận có khi nhẹ nhàng cất vào túi xách, khi vội vàng nhét vào túi áo, lại có người hé ra xem, hớn hở hay thất vọng ra mặt...Nhưng nhiều người moi hết tiền ra, bao thơ vo lại vứt toẹt xuống đât.

Dù nhàu nát nhưng bao thơ không buồn vì nó đã làm tròn phận sự. Đôi khi nó còn thấy mình tử tế hơn nhiều người moi tiền từ nó.

 Truyện thứ hai thời sự hơn.

Giải Nobel

Bạn bè viết lách tụ tập cà phê, kháo nhau: nhà thơ X. cả quyết sang năm ông sẽ được đề cử Nobel Văn chương, nhà văn Y. bảo chị ta được ai đó đề nghị giải Nobel Hòa bình... Nghe phát ham! Nhà phê bình bèn nói với vợ: anh sẽ chuyễn sang viết tiểu thuyết để tranh giải giải Nobel Kinh tế!

Vợ than: Trăm tội là tại Nobel. Ông chế ra thuốc nổ làm chi để miểng văng tùm lum vậy?!

Tôi đã đọc các truyện cực ngắn của Nguyễn Thị Hậu trên vanchuongviet, bây giờ đọc lại trên sách vẫn thấy mới, vẫn thấy tủm tỉm.

Vẫn thấy chất thơ từ những dòng văn xuôi. "... Cũng giống như trong Thơ, ở truyện cực ngắn, tác giả chỉ phát ra một số gợi ý để người đọc, chính người đọc mới là kẻ hoàn tất tác phẩm. Nguyễn Hưng Quốc"

Vũ Trọng Quang

101 truyện 100 chữ - món quà nhỏ xinh xắn cho phụ nữ trong ngày 20-10

TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu vừa ra mắt tập sách “101 truyện 100 chữ” (Phương Đông Books và NXB Hội Nhà văn). Cuốn sách nhỏ xinh xắn in trên giấy ngoại nhẹ xốp, với 10 tranh minh họa cho các câu chuyện của họa sĩ Đỗ Đức dành tặng riêng cho tác giả thật thích hợp là một món quà tặng có ý nghĩa và thích hợp với một nửa còn lại của thế giới trong ngày mùa thu này.Những câu chuyện nhỏ trong “101 truyện 100 chữ” là những chuyện thường ngày xảy ra trong uộc sống của chúng ta, nhưng không phải ai cũng có thời gian nghĩ tới nó, thoảng hoặc có nghĩ tới trong khoảnh khắc nào đó trong ngày thì lại “chép miệng cho qua” vì còn bao bộn bề phía trước.
Ví như: Để ngăn không cho kiến vào thức ăn, chủ nhà viết chữ “CỨT” rất to bên ngoài. Và rồi hình như loài kiến cũng hiểu ra - không ăn bẩn. Nhưng lại cũng chính chủ nhà không thể ăn được những thức ăn đã giành giật lại từ kiến (Kiến). Thắng lợi gặt hái được từ một kiểu xấu chơi hình như cũng khó nhằn.
Hai vợ chồng giận nhau, vợ chở con về nhà ngoại. Khi biết vợ “mượn cớ” trở về lấy một số đồ dùng (biết đâu lại chẳng có cơ may hàn gắn), người chồng đã thay ổ khóa. “Đàn ông nông nổi giếng khơi” là thế! (Khóa)
Gã đàn ông nhiều lần sợ trễ hẹn với bồ đã phóng xe vượt đèn đỏ. Lần nào gặp cảnh sát giao thông gã cũng hớt hải: “Thằng nào vừa chở con vợ anh, chú cho anh qua đuổi theo”. Nhưng đến lần hắn nhìn thấy vợ ngồi rất tình tứ sau xe máy của một gã đàn ông khác, gã bị giữ lại lập biên bản” (Đèn đỏ). Các cụ bảo “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” cấm có sai.
Các truyện thật ngắn của Nguyễn Thị Hậu như một khoảnh khắc trong cuộc sống, có khi là ánh chớp lóe lên trước cơn giông, có khi là cơn mưa bất chợt giữa ngày hè oi bức, có khi là cú vấp trên đường… Người viết,  luôn quan sát nắm bắt được những giây phút bất chợt ấy một cách tỉnh táo, nhưng lại cảm nhận bằng trực giác, từ trái tim, sự “đe dọa” ẩn trong ánh chớp, sự nhẹ nhõm sau cơn mưa, cả cảm giác choáng vì đau của cú vấp ngã… Và với vai trò “người viết”, Nguyễn Thị Hậu đã nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc ấy, chuyển đến người đọc. Có chăng, vì không coi mình là “nhà văn” mà chỉ là chia sẻ với bạn bè nên khi chị viết truyện thật ngắn cũng thoải mái, như viết tản văn hoặc khi làm nghề chính: khảo cổ học của mình vậy.
Hoàng Thu Phố 

PNO - Sau một số tập sách được bạn đọc yêu thích như: Đi và tìm trong đất (ký và tản văn) Quay qua quay lại (tản văn), Buổi trưa trong quán cà phê (tạp bút)… Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu vừa cho ra mắt tập sách 101 truyện cực ngắn (NXB Hội Nhà văn). Nhân dịp này, PNO có cuộc trao đổi ngắn với chị về “đứa con” vừa chào đời đã được nhiều cư dân mạng, cộng đồng thân thiết của chị, đón chào nồng nhiệt.
PNO: Từ những tác phẩm chuyên khảo khoa học đã xuất bản như Khảo cổ học bình dân Nam bộ, từ thực nghiệm đến lý thuyết; 100 câu hỏi đáp về khảo cổ học TP.HCM đến những tập tản văn thú vị, nay chị lại ra mắt 101 truyện cực ngắn, chỉ gói gọn trong 100 chữ, gây hứng thú cho bạn đọc. Tập sách này có phải là một thử nghiệm mới?

- Tôi viết những truyện ngăn ngắn như thế từ lâu rồi, ngoài blog cá nhân và một số trang mạng thì đã đăng trên một số tờ báo như Tiền Phong, TuổiTrẻ, Văn nghệ TPHCM, Văn nghệ (Hội Nhà văn)… Tôi thích viết ngắn để xem… khả năng ngôn ngữ của mình thế nào. Nhưng thực ra vì tôi không có khả năng viết dài.

* Đọc 101 truyện cực ngắn của chị rất thú vị. Truyện chỉ 100 chữ khái quát cả câu chuyện, một thông điệp với hàm ý sâu sắc. Có một nhà văn đã nói rằng, sở dĩ ông chuyên tâm viết tiểu thuyết vì không có thời gian… viết ngắn. Viết ngắn với chị có dễ?

- Cũng bình thường thôi, giống như viết tản văn hay tạp bút, khi nắm bắt được ý tưởng thì sẽ tìm ra cách thể hiện nào phù hợp nhất. Vả lại, có những việc đâu cần phải nhiều lời…

* Là thành viên của nhiều hội, nhiều diễn đàn, mạng xã hội, sau những tập sách đã xuất bản được bạn đọc đón nhận và đánh giá cao, chị có “phấn đấu” trở thành hội viên Hội Nhà văn?

- Tôi luôn biết mình là người viết văn nghiệp dư, viết chỉ là sự chia sẻ với bạn bè, vì vậy đối với văn chương tôi chỉ góp mặt cho vui vậy thôi.
Ngọc Đỗ
(thực hiện)
http://phunuonline.com.vn/nguoi-yeu-sach/tac-gia-tac-pham/nguyen-thi-hau-101-truyen-cuc-
ngan/a77257.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...