Điều kiện nhập khẩu và vấn đề quản lý xã hội


SGTT.VN - Những ai quan tâm và theo dõi câu chuyện sửa đổi, bổ sung luật Cư trú sẽ thấy so với luật Cư trú (1.7.2007) thì điều kiện để được đăng ký hộ khẩu thường trú theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung có một số điều mới chặt chẽ hơn nhiều. Và đây là điều khiến rất nhiều người dân quan tâm, thậm chí cảm thấy bất an. Vậy đâu là nguyên nhân sâu xa của việc cần phải cần sửa đổi, bổ sung một số điểm trong luật Cư trú, mà đặc biệt là siết điều kiện nhập hộ khẩu?
Thực tế khách quan
Văn minh đô thị có hay không phụ thuộc vào chính văn hoá và nếp sống của người thành thị. Ảnh: Thanh Hảo
Ở các đô thị như Hà Nội, TP.HCM người nhập cư là thực tế khách quan tồn tại ngay từ lúc đô thị được hình thành, ngày càng phát triển mạnh mẽ và đa dạng do những nhu cầu nội tại của đời sống đô thị. Có thể nói quá trình đô thị hoá và làn sóng nhập cư là một thuộc tính của đô thị. Như trường hợp TP.HCM, tuy là nơi được nhiều người coi là “miền đất hứa” tạo ra nhiều cơ hội kiếm sống, nhiều việc làm có thể nâng cao thu nhập, nhưng TP.HCM đang phải đối mặt với những khó khăn, phức tạp về nhiều vấn đề xã hội, hạ tầng đô thị (giao thông, điện, nước…) chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Chưa kể những phức tạp về an ninh và trật tự xã hội. Những điều khoản trong dự thảo sửa đổi bổ sung luật Cư trú chủ yếu liên quan đến sự quản lý của các cơ quan chức năng đối với cư dân đô thị, tức là nó phản ánh phương thức tổ chức đô thị và quản lý đã thể hiện những bất cập, không còn phù hợp với thực tế của xã hội đô thị hiện đại.
Theo dự thảo, diện áp dụng luật Cư trú mới sẽ là năm thành phố trực thuộc trung ương (Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội và TP.HCM). Trong khi đó, điều kiện cơ sở hạ tầng, đặc điểm kinh tế – xã hội và mật độ dân cư ở mỗi thành phố lại khác nhau. Về mật độ dân số các thành phố đã có sự chênh lệch lớn, chưa kể mật độ dân số từng khu vực (trung tâm, nội thành, ngoại thành) của những thành phố này cũng khác nhau. Mỗi thành phố có đặc điểm riêng cả về lịch sử – văn hoá, về quá trình dân cư, cả về hạ tầng cơ sở vật chất và nhất là vị trí, vai trò của từng thành phố cũng khác nhau nên sức hút đối với người nhập cư cũng không giống nhau… Việc đưa ra một số tiêu chí về số năm cư trú, diện tích nơi ở… cần phải dựa trên thông số khoa học (như điều tra xã hội học về định tính và định lượng ở các thành phố, đô thị để so sánh với nhau và với vùng nông thôn). Vì vậy, nhìn từ góc độ khoa học xã hội, nếu luật Cư trú áp dụng một khung chung cho tất cả các thành phố là không phù hợp.
Nếu luật Cư trú mới được Quốc hội thông qua và triển khai vào cuộc sống thì đây chưa phải là một giải pháp tối ưu lâu dài, mặc dù có thể có tác dụng trong thời gian ngắn trước mắt. Bởi vì như đã nói, di dân vào các thành phố là một quy luật của quá trình đô thị hoá – công nghiệp hoá. Vấn đề là cần những giải pháp đồng bộ và “từ gốc” là làm sao để người dân vùng nông thôn, các tỉnh khác không coi việc “di cư” ra các thành phố lớn là con đường duy nhất để kiếm sống (hay là nơi có điều kiện phù hợp để phát huy khả năng trình độ của mình). Tức là cần hạn chế thấp nhất những nguyên nhân làm cho người dân không thể sống ngay trên quê hương mình (như không còn ruộng đất, không thể tiếp tục làm nông nghiệp, ngư nghiệp hay các nghề khác…) Tất nhiên, với một số người lao động có trình độ cao thì thành phố luôn là nơi thu hút và tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng trình độ của mình.
Không nên dùng biện pháp kỹ thuật
Nhiều người cho rằng, dự thảo luật Cư trú mới đang nặng về biện pháp kỹ thuật, ít thấy quy định về trách nhiệm của chính quyền trong cải thiện điều kiện hạ tầng, giải pháp về kinh tế – xã hội để kéo dãn mật độ dân cư, nó cho thấy sự lúng túng của các cơ quan chức năng. Dự thảo luật Cư trú mới lại do cơ quan hành pháp là bộ Công an soạn thảo nên nặng về việc đưa ra các biện pháp kỹ thuật – hành chính của cơ quan có chức năng quản lý xã hội. Nếu luật được soạn thảo bởi cơ quan lập pháp thì sẽ toàn diện hơn vì nó khách quan, do cơ quan lập pháp phải “đứng ngoài” các cơ quan quản lý nhà nước để có thể quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan đối với quyền cư trú của công dân. Mặt khác, khi soạn thảo luật Cư trú cũng cần tham khảo quy hoạch kinh tế – xã hội của cả nước, của từng vùng, của các thành phố để nắm được những dự báo cho quá trình phát triển mọi mặt. Từ đó có thể hạn chế tình trạng luật mới ra đời đã lạc hậu so với thực tế. Ví dụ, quy hoạch về vùng đô thị TP.HCM sẽ có những đô thị vệ tinh – phát triển từ những trung tâm công nghiệp hiện nay ở các tỉnh xung quanh TP.HCM. Quy hoạch này nhằm phát triển các tỉnh nhưng đồng thời cũng nhằm giảm áp lực dân số lên thành phố trung tâm của vùng.
Nên đổi mới tư duy về quản lý bởi vì hàng triệu người dân nhập cư đang sống và làm việc tại các thành phố trực thuộc trung ương cũng làm việc, cũng đóng thuế Nhà nước và là những người trực tiếp góp phần phát triển kinh tế xã hội của các thành phố đó. Nhiều nghiên cứu khoa học đã cho biết mức độ đóng góp ngày càng quan trọng của dân nhập cư cho sự phát triển của các đô thị. Bên cạnh những lao động chất xám thì lao động giản đơn hay các ngành dịch vụ cũng là một phần không thể thiếu của đời sống đô thị. Phân biệt đối xử – dù chỉ qua thủ tục hộ khẩu – cũng là không công bằng với phần đông người trong số họ, chưa kể những hệ luỵ khác đối với con cái của họ. Mà trẻ em cần được đối xử bình đẳng và được xã hội chăm sóc như nhau, nhất là về giáo dục và y tế, bất kể nguồn gốc thế nào. Khi không an cư thì không thể lạc nghiệp, những khó khăn trong cuộc sống sẽ làm ảnh hưởng lớn đến công việc, sự đóng góp cho xã hội. Sự xáo trộn đời sống cư dân cũng sẽ có tác động đến đời sống xã hội đô thị.
Cũng không nên cho rằng mục đích của sửa đổi luật Cư trú nhằm góp phần lập lại trật tự kỷ cương nơi đô thị là để môi trường sống của người dân được tốt hơn; là để chính quyền có điều kiện phục vụ nhân dân chu đáo hơn và cũng có thể là để không nông thôn hoá thành thị. Ở đây cần thấy một điều: không nên cho rằng kỷ cương đô thị (hay là lối sống, văn minh đô thị) không tốt, xuống cấp… là do dân số đông hay tại người nhập cư. Người nhập cư nếu so với người thành thị (là người có hộ khẩu ở thành phố) thì tỷ lệ luôn ít hơn nhiều. Kỷ cương, lối sống có văn minh hay không, theo tôi, quan trọng là do văn hoá và nếp sống của người thành thị là chính. Môi trường văn hoá đô thị do thị dân có ý thức xây dựng và gìn giữ, sẽ lan truyền cho lớp cư dân mới.
Bên cạnh đó là cách thức tổ chức và quản lý các thành phố cần là mô hình “chính quyền đô thị”, lúc đó chính quyền sẽ phục vụ cư dân đô thị theo đúng tính chất, đặc điểm của xã hội đô thị, sẽ hạn chế sự “nông thôn hoá thành thị”. Cần có luật Đô thị mà đối tượng điều chỉnh và chịu tác động của nó là tất cả các đô thị Việt Nam, từ loại đặc biệt như Hà Nội và TP.HCM đến loại khác, có như vậy mới giải quyết phần gốc các vấn đề của đô thị, trong đó có vấn đề về cư trú.
TS NGUYỄN THỊ HẬU (VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TP.HCM)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...