GIAO LƯU TRỰC TUYẾN VỚI ĐỘC GIẢ BÁO SGTT VỂ "Đồ gốm và văn hóa ẩm thực Việt"


Chào chị Hậu, những đặc trưng nào của gốm sứ ảnh hưởng trực tiếp đến ẩm thực Việt? Gốm Óc eo, theo chị có những giá trị gì nổi bật so với gốm sứ các địa phương khác? (Hữu Thọ, 30 tuổi, nguyenhuutho_kh@gmail.com)

TS. Nguyễn Thị Hậu: Theo tôi đặc trưng đồ gốm sứ phản ánh (chứ không làm ảnh hưởng) văn hóa ẩm thực Việt. Ví dụ, nhìn một bộ đồ gốm sứ bày trên bàn ăn ta có thể nhận biết đó là bàn ăn của người Hoa hay người Việt: người Hoa có nhiều đĩa vì thường ăn các món xào, người Việt thì thường có một tô lớn, một đĩa lớn đặt giữa vì món ăn chung, kể cả chén nhỏ đựng nước chấm cũng chung, chỉ có chén ăn cơm là riêng. Hay khi xuất hiện chiếc muỗng (thìa) thì ta biết là có món canh: ăn nước lẫn với cái, trước đó (hay phổ biến hơn) là món luộc: nước riêng cái riêng nhưng vẫn ăn cả cái và (húp) nước. Hay như gốm thời tiền – sơ sử hầu như ít có hiện vật nào được gọi là “cốc” hay “ly” có chức năng dùng để uống…
Khi so sánh đồ gốm sứ đầu tiên cần lưu ý niên đại (thời điểm xuất hiện và tồn tại), vì vậy nói đến gốm Óc Eo là ta nói đến loại gốm đất nung, độ nung khá cao, xương gốm mịn. Ngoài gốm gia dụng có nguồn gốc từ văn hóa tiền sử Đồng Nai (nồi, bình, hũ, bếp cà ràng…) còn có một số loại gốm khác như bình gốm thân bầu tròn có vòi dài (kendi), ly chân cao, bình xông hương, nhiều phù điêu mặt người dùng để trang trí… Những loại gốm này dùng trong nghi lễ tôn giáo Ấn Độ. Điều này góp phần giúp ta tìm hiểu về đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân thời Óc Eo.

Chào nhà khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Theo chị gốm sứ Óc Eo phản chiếu văn hoá gì của ngươi dân Nam bộ thời bấy giờ? Liệu có sự hào sảng, hoà hợp với thiên nhiên, dung hoà giữa con người - tộc người với nhau hay không? Dòng sản phẩm nào của gốm sứ Óc Eo theo chị phản ánh được văn hoá tộc người lúc đương thời? (Đặng Bảy, 29 tuổi, danghoangbay_1980@gmail.com)

TS. Nguyễn Thị Hậu: Bạn ơi tôi chỉ là một người theo nghề khảo cổ thôi chưa phải là “nhà” gì đâu (cười)!
Đồ gốm Óc Eo đã phản ánh cuộc sống của cư dân sống trong môi trường sông nước, sự thích nghi với môi trường phản ánh qua nhiều di vật (như dấu tích nhà sàn rất phổ biến, các loại bếp cà ràng, nồi có nắp đậy ngửa, đèn gốm chân đế rộng… tiện dụng trên ghe xuồng). Có lẽ từ thời Óc Eo cư dân ở đây đã thích nghi với địa hình sông rạch chằng chịt và “mùa nước nổi” hàng năm.
Đồng thời, đồ gốm Óc Eo cũng phản ánh đời sống tinh thần qua những cổ vật sử dụng trong nghi lễ tôn giáo. Qua đồ gốm có thể nhận thấy yếu tố văn hóa bản địa từ thời tiền sử đã kết hợp, hòa hợp với văn hóa Ấn Độ tạo nên đăc trưng của cư dân văn hóa Óc Eo.

Chào cô Hậu, thần tượng của cháu. Cháu đang tính theo học ngành khảo cổ nhưng bạn bè nói nghề này cực lắm vì phải đi nhiều lại lăn lộn với bùn đất, dễ... ế chồng lắm. Cô có thể cho cháu lời khuyên được không ạ? Cháu nghe thấy giảng là linh hồn dân tộc gắn liền với những vật dụng gắn với con người hàng ngày, điều đó theo cô có đúng không? Con thấy báo Sài Gòn Tiếp Thị cho biết là cô sẽ trò chuyện về gốm Óc Eo. Như con biết thì Óc Eo phổ biến là các loại sành chứ ạ? Cám ơn cô. (Chichchoevoi, 19 tuổi, chichchoevoi_2393@gmail.com)

TS. Nguyễn Thị Hậu: Chào cháu Chichchoevoi. Cô cũng như mọi người đang làm một công việc rất bình thường. Vì vậy, nếu được, mong cháu đừng coi cô là “thần tượng”! Mà ai nói với cháu là làm khảo cổ thì “dễ ế chồng”? Các bạn nữ là đồng nghiệp và học trò khảo cổ của cô không ai lo lắng vì chuyện “ế chồng” cả, và thực tế hầu như đều có gia đình. Nếu cháu thích nghề khảo cổ thì cứ theo học đi, đây là một ngành rất thú vị! Thú vị vì được đi nhiều nơi, được trải nghiệm nhiều. Ông bà mình đã dạy “đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà.
- Những vật dụng hàng ngày của con người phản ánh đời sống của họ, cả đời sống vật chất và tinh thần. Và khảo cổ học là nghề giúp cho ta khám phá ra điều đó, di tích, di vật khảo cổ và những thông tin từ nó như “sợi dây” văn hóa nối liền quá khứ và hiện tại.
- Đồ gốm (pottery) trong văn hóa Óc Eo (thế kỷ I – VII) chủ yếu là đồ đất nung (terracotta). Một số cổ vật đã đạt đến độ nung cao như sành nhưng không phải tất cả là đồ sành. Loại hình đồ sành phổ biến ở giai đoạn muộn (từ thế kỷ IX, X trở đi).

Chào cô Hậu, cháo có câu hỏi này muốn nhờ cô tư vấn. Như cháu thấy hiện nay giới trẻ, đặc biệt là các bạn nữ rất ngại lai vào công việc như cô, nhiều vất vả và hi sinh, trong khi hiện nay xã hội có nhiều công việc hấp dẫn. Là người đi trước, cô có thể cho lời khuyên cho những bạn gái muốn đi theo con đường và sự đam mê ngành khảo cổ như cô? Cám ơn cô. Cháu Su Mô(Cobesumo, 18 tuổi, cobesumo@gmail.com)

TS.Nguyễn Thị Hậu: Chào Su Mô. Khuyên ai theo một nghề nào đó giống như mình đang “làm mai” vậy. Cô thì không nghĩ một công việc hấp dẫn là một công việc nhàn nhã. Quan trọng là các bạn có yêu thích nghề khảo cổ hay không? Mỗi nghề có sự hấp dẫn riêng cũng như khó khăn riêng, nếu thích thú thì cứ làm và đừng nghĩ, đừng cho rằng mình phải “hy sinh” – cũng như khi kết hôn với người mình yêu đâu gọi là “hy sinh”, phải không?
Nghề nào cũng vậy, nếu mình làm tốt công việc dù nhỏ thì mình đã “được” thêm nhiều thứ: thỏa mãn sự ham mê, có thêm kiến thức, thêm hiểu biết, cuộc sống sẽ phong phú hơn...
Mà này, tuy vất vả nhưng các bạn nữ làm khảo cổ vẫn “điệu” và rất nữ tính đấy chứ, tất nhiên không phải “điệu” lúc đang ở công trường khai quật. Đừng nghĩ khảo cổ là lúc nào cũng bụi bặm xấu xí nhé.

Kính gửi nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu. Thời gian qua tôi theo dõi báo đài thấy người dân phát hiện cổ vật ở Quảng Ngãi, tranh nhau "khai quật" và bán kiếm tiền trong khi các chuyên gia như chị lại không thấy xuất hiện để có những can thiệp nghề nghiệp kịp thời. Theo chị người dân khi phát hiện cổ vật như vậy họ có quyền mang về và bán tuỳ thích hay phải để yên đó chờ cơ quan chức năng giải quyết? (Người Sài Gòn, 43 tuổi, nguoisaigon24_9@yahoo.com).

TS.Nguyễn Thị Hậu: Ở nước ta, ngoài những di tích do ngành khảo cổ học hàng năm tổ chức khảo sát và phát hiện còn có những địa điểm, di tích khảo cổ do người dân phát hiện trong quá trình canh tác, lao động. Thông thường họ thông báo cho cơ quan văn hóa địa phương (như bảo tàng, ban quản lý di tích), sau đó những cơ quan này đã kịp thời khảo sát và khai quật ngay, lập kế hoạch bảo vệ di tích.
Các di tích khảo cổ học dưới nước cũng vậy. Nước ta chưa có ngành “khảo cổ học dưới nước” đúng nghĩa (chưa có phương tiện kỹ thuật và chuyên gia) nên thực sự rất khó khăn trong việc dò tìm và khai quật các di tích tàu đắm. Ở Quảng Ngãi ngay sau khi được chính quyền địa phương thông báo việc ngư dân phát hiện đồ cổ, các chuyên gia về gốm sứ đã có mặt để bước đầu giám định niên đại, nguồn gốc của những cổ vật ngư dân “khai quật’ được. Đồng thời phối hợp cùng chính quyền bảo vệ di tích và có kế hoạch để tiến hành khai quật một cách khoa học.
Theo luật Di sản văn hóa Việt Nam thì cổ vật trong lòng đất hay lòng sông, biển đều thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Người phát hiện di tích, cổ vật có nghĩa vụ và trách nhiệm thông báo cho cơ quan có thẩm quyền ở địa phương. Tuy nhiên thực tế hiện nay phần lớn những cổ vật do người dân phát hiện và “khai quật” (cả trên đất liền và dưới biển) đều đã được họ cất giữ hoặc bán đi, bởi vì họ thường quan tâm đến giá trị kinh tế của cổ vật mà chưa nhận thức hết giá trị lịch sử - văn hóa của cả di tích lưu giữ những cổ vật ấy. Vì vậy việc “khai quật” tự phát có thể mang lại món lợi nhỏ cho người dân nhưng làm thiệt hại lớn cho di sản văn hóa nước nhà.
Kính gửi chị Hậu. Tôi quan tâm đến những bài viết, phát biểu rất "cứng" của chị trên báo chí và tôi thích điều đó. Nhân hôm nay có buổi giao lưu, kình hỏi chị một số câu hỏi: Phận nữ làm khảo cổ như chị chắc phải hi sinh nhiều và vất vả nhiều, lí do gì chị lại chọn ngành này?
Trước những vụ việc các di tích, kho tàng cổ bị phá hoặc không được quan tâm, như vụ tranh chấp đồ cổ vừa diễn ra ở miền Trung, là người trong cuộc chị nghĩ gì? (Minh Chánh, 37 tuổi, minhchanhtran9973@yahoo.com.vn).

TS Nguyễn Thị Hậu: Cám ơn anh đã dành sự quan tâm cho những người làm nghề khảo cổ học. Nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Hiện nay trong ngành khảo cổ có nhiều phụ nữ, một số chị rất giỏi, có uy tín trong giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Chúng tôi đều cho rằng, khi đã theo nghề rồi thì quen dần và chấp nhận những khó khăn vì đó là “nghiệp” của mình, cả nam hay nữ đều vậy thôi. Tôi theo nghề này vì thích tìm hiểu lịch sử - văn hóa và đã được học những người Thầy giỏi nhất.
Vài năm nay, do yêu cầu của công việc nên tôi không còn trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, tuy nhiên kiến thức nghề nghiệp đã giúp tôi – với chức trách của mình - có cơ sở khoa học trong việc bày tỏ chủ kiến về việc bảo tồn di sản văn hóa, như anh đã biết qua báo chí.

Văn minh Óc Eo nỗi tiếng với kĩ thuật chế tác trang sức tinh xảo, nghệ thuật chế tác đạt trình độ cao, nhưng riêng về gốm thì chưa thể hiện được trình độ cao, điều này có thể lý giải ở góc độ nào? (Lê Quang Hào, Chi hội gốm Nam bộ) 
TS. Nguyễn Thị Hậu: Các đồ chế tác như trang sức, vàng bạc thường dùng phục vụ tầng lớp cao cấp, hoặc trong nghi lễ thờ cúng. Còn chức năng đồ gốm chủ yếu  luôn phục vụ sinh hoạt của tầng lớp bình dân, chất lượng chừng mực, từ nguyên liệu bản địa, do đó loại hình bình dị  hơn những sản phẩm khác từ chất liệu cao cấp hơn.

Tôi có nghe TS Nguyễn Thị Hậu nói rằng đồ gốm rớt dưới nước, sau bao năm vớt lên nhưng vẫn không rã. Trong khi đó công nghệ làm gốm thời xưa chưa đạt kĩ thuật cao. Chất liệu gì làm nên loại gốm này tồn tại tốt đến như vậy? (Bạn đọc Lan Hương). 
TS. Nguyễn Thị Hậu:  Đồ gốm làm từ  loại đất dẻo, đất sét có độ kết dính cao. Các loại đất này khi nung qua lửa làm tăng độ chịu lực và độ kết dính, có tính năng chống thấm. Hiện tại, một số loại đất nung tại một số địa phương có người Chăm sinh sống vẫn dùng phương pháp nung ngoài trời, bằng nguyên liệu cỏ dưới nhiệt độ 500 – 600 độ C. Với nhiệt độ nung như vậy,sảm phẩm đã khá cứng chắc thì khi ở dưới nước, sản phẩm sẽ không bị rã, hoàn thổ. Từ thế kỷ VII – VIII trở đi gốm Óc Eo đã có độ nungt khá cao,  gần như sành, không thấm nước đã giúp cho sản phẩm tồn tại khá lâu. Có thể gọi bí quyết chính là kỹ thuật làm gốm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...