Một lần trò chuyện, không biết thế nào mà anh và cô quay sang những kỷ niệm về quần áo cũ.
Anh. Hồi ở quê, ngòai giờ đi học anh còn phụ mẹ làm rẫy. Lên cấp 3 anh học rất giỏi. Cô chủ nhiệm chỉ định anh làm lớp trưởng dù trong lớp không ít ánh mắt thiếu thiện cảm với anh – cậu trai nhà nghèo mà tính tình kiêu hãnh. Anh chỉ có một bộ quần áo mặc đi học. Chiều giặt phơi, tối dùng bàn ủi bằng than ủi cho quần áo khô và thẳng thớm. Một buổi tối đặt bàn ủi nóng lên cái quần dày còn ẩm, anh lo làm gì đó, giật mình nhớ ra thì ống quần đã bị cháy một miếng lớn. Không biết ngẫm nghĩ sao mà anh mặc cái quần rách đó, lội bộ đến nhà tập thể của giáo viên và nói với cô chủ nhiệm: Thưa cô ngày mai em không đi học được vì quần em bị rách rồi. Cô chủ nhiệm không hỏi gì thêm mà lại kể anh nghe một thời nghèo khó của cô cũng gắn liền với ký ức về những bộ đồ cũ. Hai cô trò nói chuyện rất vui, anh quên hẳn nỗi lo ngày mai không đi học được, cũng chẳng nghĩ đến việc có ai đó sẽ bàn tán gì về mình.
Bao năm qua rồi mà anh – cậu lớp trưởng ở một trường cấp 3 trên mảnh đất ven biển miền Trung nắng gió vẫn nhớ mãi cái thời “nhất bộ”, nhớ mãi cô giáo chủ nhiệm năm lớp 10 của mình.
Cô. Hồi nhỏ, là con gái mà cô cũng chỉ có 2 bộ quần áo mặc đi học. Con gái Hà Nội học cấp 2 là biết “điệu” rồi nhưng làm gì có quần áo mà “diện”. Hai bộ quần áo tươm tất của cô có “nguồn gốc” thế này. Hai cái quần lụa đen là của má, sửa lại cho chị gái, rồi đến lượt cô kế thừa. Có lần đi xe đạp chẳng may vướng giây xích, lai quần bị rách. Má vừa vá vừa cằn nhằn “sao tui mặc mãi không sao mà nó mới mặc là rách rồi?!” Ba nghe thấy liền bênh cô “thì đúng rồi, bà, rồi con chị mặc, đến nó rách là phải”. Còn 2 cái áo vải ngắn tay là từ một chiếc váy của chị. Chị cô đi học nước ngòai, được nhà nước phát cho 2 cái váy hoa, chị để lại 1 cái và nói má sửa lại thành áo cho cô. Áo in những nụ hoa tim tím nho nhỏ, cổ lá sen khác màu vì không đủ vải, vậy nhưng cũng là niềm mơ ước của nhiều bạn gái.
Đến khi học cấp 3 cô mới được mặc “quần âu” sửa từ… quần bộ đội của anh trai. Anh về phép thấy em gái đã lớn mà quần ngắn cũn cỡn, bèn mang 2 cái quần của mình đến bác thợ may gần nhà, nhờ sửa lại. Bác thợ phân vân vì quần con gái thường gài bên cạnh, rất khó sửa từ quần của nam (thời ấy không có dây kéo ở giữa như bây giờ). Anh trai năn nỉ, lại còn biếu thêm mấy phong lương khô sô cô la cho bác thợ. Cuối kỳ nghỉ phép anh mang về cho em gái 2 cái quần âu nữ bằng vải kaki bộ đội, nhuộm đen bóng, đẹp tuyệt vời! Cũng may là áo của cô vừa dài vừa rộng vì má luôn may trừ hao nên che được 2 miếng vá đè lên 2 miệng túi phía sau, không bị lộ là quần đàn ông sửa lại (nếu bạn biết thì sẽ bị trêu xấu hổ ghê lắm).
Mùa hè năm 1974, một người bà con ở Pháp về mang tặng gia đình cô mấy chiếc áo ấm, ngày ấy gọi là “áo mút”. Phần cô là cái áo khoác màu xanh nước biển có dây kéo màu vàng, dày mà nhẹ, ấm vô cùng. Lần đầu tiên cô mong đến mùa đông để được mặc chiếc áo ấm đẹp đẽ này. Nhưng rồi mùa đông năm ấy cô chỉ mặc chiếc áo ấy có 2 lần vào sinh nhật mình và ngày Tết. Cả 2 lần cô đều chỉ dám loanh quanh ở nhà và trong khu tập thể. Lý do: Chiếc áo quá nổi bật giữa những chiếc áo bông, áo len màu đen, màu nâu, màu xám… Ai nhìn thấy cũng xúyt xoa khen áo đẹp, cũng không ít lời cay độc vì “nhà nó có họ hàng ở nước tư bản”, có cô bạn còn “lơ” không ngó đến cô. Tự dưng cô thấy mình như ngừơi có lỗi mà chả biết lỗi gì… Cất chiếc áo ấm đẹp như mơ vào tủ, cô lại mặc chiếc áo kaki màu đen ra ngòai áo len tím sẫm – cũng từ áo của má tháo ra đan lại. Sau này nhớ lại cô nhận ra cả ba má cô không ai mặc những chiếc áo đẹp ấy một lần nào…
Tháng 5 năm 1975 cả nhà cô về Sài Gòn. Mấy chiếc áo ấm được tặng lại cho gia đình người bạn của ba má cô. Từ năm đó Hà Nội có nhiều áo ấm đủ màu đủ kiểu từ Sài Gòn mang ra. Mấy chiếc áo khoác từ Pháp mang về trở thành bình thường, ít nhất là về màu sắc dù chất lượng thì hơn hẳn.
Sài Gòn không có mùa đông. Vậy mà mỗi khi gió mùa xao xác về “nỗi nhớ mùa đông” của cô lại là chiếc áo khoác bằng “mút” màu xanh nước biển ngày xưa, cảm giác mềm mại ấm áp khi mặc nó vẫn còn nguyên vẹn.
Anh. Uh, câu chuyện với cô giáo chủ nhiệm cũng để lại cho anh một cảm giác ấm áp dịu dàng… đến giờ vẫn không gì thay thế được…
Dường như cả ngày ấy và bây giờ sự ấm áp dịu dàng như thế vẫn quá hiếm hoi…
EM cũng nhớ như in một chiếc áo rất đẹp được bố mang từ Đức về. Nhưng em không giống chị, em diện nó suốt cho đến khi lớn đùng, mặc chật ròi chuyển nó cho em trai mà chiếc áo vẫn bền đẹp vô cùng :-)
Trả lờiXóa