"KỲ QUAN THẾ GIỚI"?!

Cách đây một tháng, sau nhiều lần được một tờ báo điện tử mời mọc, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới (WFUCA), đã đồng ý phát biểu quan điểm dưới hình thức một bài phỏng vấn liên quan đến việc Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng 7 kỳ quan thiên nhiên do NOWC tổ chức.

Bài báo có nhiều nội dung quan trọng nhưng bị coi là không phù hợp trong không khí tưng bừng thắng lợi nên đã không được sử dụng. Trước đó gần một năm, tháng 7/2007 ngay sau khi NOWC công bố danh sách 7 kỳ quan kiến trúc thế giới ông Thắng cũng đã cho đăng trên Tạp chí Ngày Nay bài viết mang tính cảnh báo về cuộc bình chọn của NOWC, đồng thời ông đã trình bày quan điểm với một số cơ quan chức năng của Chính phủ về việc này. Nhận thấy thông tin và đánh giá của ông Thắng sẽ góp phần làm rõ một số vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, cần hiểu đúng sự việc xung quanh cuộc vận động bầu chọn hiện nay, Mái Nhà Chung xin đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thắng.

- Được hỏi về dư luận khác chiều đối với cuộc bình chọn 7 kỳ quan Ông Thắng cho biết:

Thời gian qua có nhiều người gọi điện đến Hiệp hội UNESCO Việt Nam đề nghị giải đáp có phải cuộc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long có liên quan đến Liên Hợp Quốc và do UNESCO chủ trì hay không, NOWC (New Open World Corporation) là ai, tại sao cuộc bầu chọn không có tiêu chí, mà chỉ theo luật chơi ai đông người ấy chiến thắng. Một số trường trung học hỏi liệu các cháu học sinh có được quyền bầu cho các địa danh thật sự nổi tiếng như trong sách giáo khoa dạy mà không nằm trong lãnh thổ của Việt Nam hay không…

Đứng trước những đòi hỏi chính đáng của đại chúng, chúng tôi thấy có trách nhiệm được chia sẻ một số thông tin để mọi người tham khảo khi tìm hiểu về 02 cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới: Năm ngoái kết thúc cuộc bình chọn 7 kỳ quan văn hoá, năm nay đang diễn ra cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Thứ nhất, nhà tổ chức sự kiện này là New Open World Corporation. Bản thân tên gọi đã cho thấy đó không phải là một tổ chức quốc tế (organization) như một số cơ quan thông tấn do vô tình hoặc cố ý đã dịch sai làm cho dư luận lẫn lộn hiểu nhầm. Đó là một công ty (corporation), vả lại là công ty tư nhân.

Khác với các tổ chức và cơ chế quốc tế có uy tín, có thẩm quyền đối với các vấn đề quốc tế về văn hoá thông qua hệ thống công pháp quốc tế như UNESCO (ra đời năm 1946, hiện có 191 quốc gia thành viên), ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về các công trình kiến trúc và thắng cảnh, thành lập từ 1964 với hệ thống trên 7.500 chuyên gia hàng đầu thế giới về các công trình văn hoá), Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên (ra đời năm 1972, với 185 quốc gia chính thức phê chuẩn, đến 3-2008 đã có công xếp hạng 851 kỳ quan quốc gia thành di sản mang tính toàn nhân loại, trong đó có Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Phong Nha, Hội An)… thì ngược lại NOWC được thành lập khoảng năm 2000 theo sáng kiến của một cá nhân. Bản thân công ty này không công bố tôn chỉ, cũng không đưa ra được bất kỳ một tiêu chí nào về lịch sử, văn hoá hoặc khoa học nhằm định hướng cho cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới mà họ đang chủ trì.

Thứ hai, thông qua cuộc bầu chọn với quy mô quốc tế rầm rộ này, công ty này đã và đang được hưởng lợi rất lớn từ các hoạt động thông tin và truyền thông. Do đó NOWC đã bị một bộ phận dư luận quốc tế chỉ trích và tỏ thái độ nghi ngờ về mục đích trong sáng trong việc phát động các cuộc bình chọn theo lối bỏ phiếu qua mạng và bằng điện thoai di động, là cách làm thường thấy của các công ty quảng cáo hiện nay. Trong con mắt của các công ty truyền thông thì Việt Nam với số lượng người bình chọn được huy động đống nhất thế giới như hiện nay đang trở thành một miếng mồi béo bở. Chắc chắn NOWC sẽ không bỏ cơ hội đưa ra những yêu sách bắt chẹt mang tính vụ lợi để làm tiền Việt Nam.

Thứ ba, UNESCO và Liên Hợp quốc không liên quan và không có bất kỳ động thái ủng hộ nào đối với NOWC. Ngược lại, UNESCO đã bày tỏ sự lo âu về sự khiếm khuyết tính khoa học và hiệu lực quốc tế của cuộc bình chọn này. Dư luận quốc tế cũng lo ngại rằng một tổ chức dám đưa những giá trị thiêng liêng của các quốc gia để xếp hạng mà chỉ dựa vào sự áp đảo của số đông sẽ gây bất lợi về mặt quan hệ quốc tế, thiệt thòi cho các quốc gia có dân số nhỏ bé và không có nền tin học - truyền thông phát triển. Sau khi NOWC công bố danh sách 7 kỳ quan kiến trúc vào 7-2007, ngay cả báo chí phương Tây cũng phàn nàn không ít về việc Angcor Vat bị gạt bỏ khỏi danh sách vì dân số Campuchia quá bé nhỏ và không có ngành truyền thông phát triển. Nhà báo Ai Cập Al-Sayed khuyến cáo NOWC đã trục lợi thông qua việc khích lệ tính hiếu thắng của một bộ phận dân cư thế giới thiếu cảnh giác, thúc đẩy sự ganh đua mang nặng tính hiềm tị và làm cho thế giới ngày càng chia rẽ, các dân tộc càng xa cách nhau.

- Ông nghĩ sao khi có người cho rằng: “UNESCO có tiêu chí riêng của họ” còn “phong trào bầu cho các địa danh ở Việt Nam theo chương trình NOWC là mang tính tự giác”? Theo ông, có sự khác biệt gì giữa các tiêu chí và khái niệm “Kỳ quan thế giới” của NOWC và “Di sản thế giới” của UNESCO?

Sẽ thật nực cười và bất cập nếu đem NOWC để so sánh với những tổ chức uy tín và có tính hiệu lực quốc tế như ICOMOS hoặc UNESCO. NOWC chỉ đại diện cho quyền lợi của một nhóm người rất nhỏ mượn cớ văn hoá để kiếm tiền. Điều này được minh chứng bằng việc họ không hề đả động đến các tiêu chí bình bầu (khía cạnh văn hoá và khoa học) mà chỉ quan tâm đến số lượng người tham gia bình chọn trên website của họ (khía cạnh kinh tế), tức là càng đông người tham gia thì họ thu càng nhiều lợi. Bởi vậy họ chỉ đưa ra một luật chơi duy nhất là huy động số đông để chọi lại số ít, là “lấy lớn chọi bé”, “cậy đông thắng yếu” để khích lệ thị trường.

Ngược lại, UNESCO là một tổ chức Liên chính phủ được mệnh danh là diễn đàn quốc tế về văn hoá và trí tuệ quan trọng nhất hiện nay, hoạt động không tách rời với tiếng nói, ý chí của trên 190 quốc gia thành viên, trong đó có Chính phủ Việt Nam đại diện cho quyền lợi của 80 triệu nhân dân Việt Nam. Ở một mức nào đó có thể nói UNESCO chính là chúng ta, chứ không phải là “họ”, là “ai đó”. Cho nên thật sai lầm khi có một quan chức ở Bộ Văn hoá nhận xét rằng “họ”- tức là UNESCO - “có tiêu chí riêng của họ”. Đó là sự sai lầm cả về nhận thức và tình cảm, có thể dẫn đến định hướng sai khi cổ động người dân tham gia vào cuộc bình chọn không có tiêu chí và không có lựa chọn này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh ở một số trường phổ thông thắc mắc và các thầy cô giáo không thể giải thích được khi yêu cầu các em chỉ được “chỉ bỏ phiếu cho Hạ Long”, “cho “Phong Nha”, cho “Phang Xi Păng”, trong khi các thày cô lại dạy các em là có những ngọn núi trên thế giới cao hơn, quan trọng hơn, vĩ đại hơn.

Ngoài ra có sự khác nhau căn bản trong các khái niệm. “Kỳ quan thế giới” không phải là khái niệm do NOWC đề xướng. Đây là một tên gọi đã xuất hiện cách đây trên 23 thế kỷ và trong suốt 23 thế kỷ qua nó luôn được mặc định là không tách rời với những công trình tiêu biểu nhất của nền văn minh cổ đại ven Địa Trung Hải. Tự cổ chí kim chưa từng có ai đi ganh tị với những kỷ niệm của quá khứ, đến mức đòi thay đổi nội dung khái niệm đó như người sáng lập ra NOWC đã làm. Bằng việc làm cố chấp và thiếu khoa học ấy chính NOWC đã đắc tội với lịch sử, đang tay xóa sổ gần hết các di tích đã có trong ý niệm từ xa xưa của loài người về một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hoá nhân loại ra khỏi danh sách “7 kỳ quan thế giới mới” thông qua một cuộc bình chọn không tiền khoáng hậu kết thúc vào giữa năm 2007. Trong khi đó UNESCO và Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên đã đưa ra các tiêu chí mang tính phổ quát và khoa học nhất, bảo đảm lợi ích tinh thần căn bản cho mọi quốc gia trên hành tinh này. Đó là 6 tiêu chí cho các công trình văn hoá, vật thể và phi vật thể, 4 tiêu chí cho các di sản thiên nhiên, mà hễ quốc gia nào, dân tộc nào có các tài sản văn hoá và thiên nhiên đủ tiêu chuẩn thì đều được tôn vinh thành di sản mang tính toàn nhân loại, không giới hạn về số lượng. Thực chất, các di sản văn hoá và thiên nhiên chính là các kỳ quan thế giới theo khái niệm rộng. Nhưng theo tôi khái niệm “di sản” còn cao hơn khái niệm “kỳ quan” vì nó thể hiện được tính kế thừa và trách nhiệm bảo tồn. Tinh thần chỉ đạo của Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản Văn hoá và Thiên nhiên tiến bộ là ở chỗ nó không chỉ làm nhiệm vụ tôn vinh để đem lại vẻ vang cho ai đó, dân tộc nào đó, mà trước hết nó kêu gọi trách nhiệm của chính các quốc gia sở hữu các di sản đó phải bảo vệ chúng vì lợi ích của chính mình và vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Ngược lại, Công ước kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm đối với từng di sản đang hiện hữu ở mỗi quốc gia khi nó lâm nguy (như đã từng lên án việc phá bỏ bức tượng Phật đứng tại Afganistan, tài trợ cấp cứu cho Cố đô Huế mỗi khi có thiên tai…). Nhưng theo tôi, điểm ưu việt mang tính nhân văn cao của Công ước chính là ở chỗ nó không dành chỗ cho bất kỳ một ý đồ ganh đua hay tư tưởng hẹp hòi nào, dù là ganh đua về văn hoá. Với UNESCO và Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thì các di sản của bất luận quốc gia lớn hay bé đều có giá trị ngang nhau, đáng tôn kính như nhau, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Đó chính là nhân lành để hướng đến một thế giới ổn định, hoà bình và phát triển.

- Như vậy, theo ông cuộc chơi này có đủ tầm cỡ để chúng ta tham gia?

Điều này thuộc thẩm quyền phán quyết của các nhà quản lý và các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng với tư cách là một công dân, từ đáy lòng tôi thấy bất an trước việc chúng ta đã huy động thái quá sự cố gắng của nhân dân vào một cuộc chạy đua rất tốn kém về tiền của và thời gian nhưng lại không rõ ràng về tiêu chí này. Lợi ích quốc gia là cao cả, là tối thượng và cũng vì lợi ích quốc gia mà chúng ta cần phải hết sức thận trọng chọn bạn mà chơi và chọn sân chơi để thể hiện tầm vóc quốc gia. Đó là nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế. Tôi xin mạnh dạn nhận xét rằng: Khẩu hiểu ”Bầu cho Hạ Long là yêu nước” có thể đúng và có ý nghĩa trong một bối cảnh khác chứ không phải trong cuộc chạy đua do một tổ chức tư nhân như NOWC thao túng. Lòng yêu nước của nhân ta vô cùng thiêng liêng, non sông của chúng ta cùng với các di sản văn hoá do cha ông ta để lại là báu vật vô giá, là phước thiêng của dân tộc, không phải là của riêng của địa phương nào, bộ ngành nào. Vì vậy việc huy động tất cả những thứ thiêng liêng ấy cho một cuộc chạy đua không rõ tiêu chí, không rõ ràng về hiệu lực thi hành là một điều cần được mạnh dạn xem xét đánh giá lại. Như vậy mới thực sự là yêu nước, là có ý thức tự tôn dân tộc, là có trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc.

- Ông nghĩ thế nào trước một số ý kiến cho rằng nếu các địa danh của Việt Nam được bình bầu là kỳ quan thế giới thì du lịch của Viêt Nam sẽ phát triển?

Đó chỉ là cái lợi bề nổi trước mắt. Nhưng ai dám bảo đảm với Nhà nước, với nhân dân rằng thành quả đạt được từ cuộc chạy đua tốn nhiều công của và thời gian này sẽ đem lại vinh quang cho đất nước và làm cho du lịch Việt Nam chuyển vận? Ai dám chứng minh và dám chịu trách nhiệm về điều này? Chỉ có danh tiếng không làm nên kỳ tích, nhất là đối với ngành du lịch. Nếu môi trường Hạ Long ngày càng ô nhiễm như đà hiện nay, cảnh quan ngày càng bị lạm dụng khai thác bừa bãi, ngành du lịch không cải tiến nội dung và chất lượng dịch vụ thì dù chúng ta có giành được bao nhiêu danh hiệu cao quý thì tình hình cũng khó thay đổi, thậm chí là càng phản tác dụng. Nhân đây cũng xin nói thêm, Du lịch là một ngành kinh tế kinh doanh dựa trên việc khai thác tài nguyên văn hoá của đất nước, còn Văn hoá là cả một sự nghiệp toàn dân nhằm bảo tồn gìn giữ các giá trị cao quý mang tính kế thừa. Hai quá trình này tuy hậu thuẫn nhau nhưng ngược chiều, nếu văn hoá mất đi là vĩnh viễn không thể lấy lại được. Điều này không phải là chúng tôi nói mà là UNESCO nói, thế giới nói, đã được khuyến cáo nhiều trong Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hoá do Liên Hợp quốc phát động cách đây 20 năm. Những bài học cay đắng của Indonesia vì quá ưu tiên cho du lịch đã để mất đi văn hoá Bali mà nếu phải huy động một khối lượng tiền bằng cả trăm lần doanh thu do du lịch đem lại trong mười năm tàn phá Bali thì có mất cả một thế kỷ để khắc phục cũng chưa chắc lấy lại được những gì Bali đã mất. Thái Lan cũng vậy, họ đang vô cùng khó khăn khi cố đô Authaya nguy nga tráng lệ 600 tuổi của họ vốn được xếp hạng Di sản văn hoá thế giới từ rất sớm, hiện đang có nguy cơ bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới. Các bạn Thái Lan đang phải đau đầu lựa chọn: Tiếp tục khai thác cạn kiệt Authaya cho du lịch hay gìn giữ Authaya cho các thế hệ mai sau. Chúng ta đang chứng kiến việc danh thắng của một số quốc gia đã và đang bị đưa ra khỏi danh mục các di sản của thế giới, mà đáng tiếc nguyên nhận chủ yếu đều do các hoạt động hoạch định phục vụ các mục tiêu kinh tế tại các quốc gia đó đã phương hại đến giá trị căn bản của các công trình văn hoá và thiên nhiên của chính quốc gia mình.

- Như vậy là có quá nhiều mâu thuẫn mà chúng ta chưa tính đến khi lao vào cuộc chạy đua này. Vậy theo ông thì ai sẽ được lợi nhất trong cuộc bình chọn này?

Xét cái lợi ở tầm quốc tế, người có lợi nhất là Công ty NOWC. Còn trong nước, không còn nghi ngờ gì nữa, đắc lợi nhất chính là các công ty PR ăn theo NOWC: Các nhà kinh doanh truyền thông và tổ chức các sự kiện. Tham mưu để tạo nên các sự kiện càng ồn ào, chi phí càng tốn kém thì họ càng được hưởng lợi.

- Gần đây được tin cả ba danh thắng của Vệt Nam là Vịnh Hạ Long, động Phong Nha và đỉnh Phan Xi Păng đều chiếm vị trí cao nhất trong bảng danh sách xếp hạng của các kỳ quan thế giới, chúng tôi đã liên hệ tham khảo nhận xét của Văn phòng đại diện của UNESCO tại Hà Nội, nhưng họ đã từ chối bình luận về kết quả trên. Ông có thể giải thích vì sao Việt Nam lại đạt kết quả cao như vậy? Theo ông, có thể coi đây là kết quả đáng tự hào?

Tôi không có đủ thẩm quyền để đánh giá việc này. Nhưng chúng tôi đã thử thăm dò thông tin tại một số hội nghị quốc tế trong thời gian gần đây, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, thấy chính phủ các nước không cấm và cũng không khuyến khích sự tham gia của nhân dân vào cuộc bình chọn trên mạng này. Họ chỉ coi đó chỉ là cuộc chơi tự phát của cư dân mạng. Tuy nhiên, tôi thực sự lúng túng trước một viễn cảnh mà theo logic như hiện nay rất có thể xảy ra, là trong số 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới được bình chọn thì mai đây 3/7 kỳ quan này sẽ nằm tại Việt Nam (nếu vẫn như kết quả hiện nay). Điều đó đồng nghĩa với việc đỉnh Phan Xi Păng của Việt Nam sẽ đứng trên đỉnh Evrest cao 8,848 mét vốn xưa nay được mệnh danh đỉnh núi Thiêng và nóc nhà của thế giới, đứng trên ngọn Phú sĩ mà cả thế giới ca ngợi bốn mùa tuyết phủ của Nhật Bản, hơn cả đỉnh Aconcagua 6,962m của dãy Andes - Cổng trời của châu Mỹ… Điều này nói lên cái gì? Việc Việt Nam đang giành vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ ba là hồi chuông, nhưng không phải để ăn mừng mà báo động rằng chúng ta đang hào hứng thi đấu bằng tổng lực trong một sân chơi vắng vẻ.

- Xin cảm ơn về những ý kiến thẳng thắn và bổ ích của Ông.

Nhà báo Ngô Văn Quán - Tạp chí Ngày Nay (thực hiện)

http://vn.360plus.yahoo.com/thuhong_1960

2 nhận xét:

  1. ka ka... thế mới thấy VN mình xính danh hiệu đến nực cười :-))

    Trả lờiXóa
  2. Uh, đáng lẽ phải lo làm sao cho dân cùng bảo tồn di sản và sống nhờ di sản thì ko ai lo điều đó. Chỉ sĩ diện hão! Đằng sau việc bầu chọn qua tin nhắn này thấy ngay lợi nhuận của ai :(

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...