BAO GIỜ VỀ SÀI GÒN

PHAN VŨ

( 1996 -2011)

Ngày lại ngày,
Đêm từng đêm.
Nhịp đập con tim như mõ canh,
Luôn báo điều bất ổn.

Từng hạt thời gian,
Gom góp cho hạn kỳ rơi rớt.

Một cái gì rách nát, tan hoang!
Một cái gì đau xót, phũ phàng!
Một câu hỏi trong vòng lửa…

Bao giờ về Sài Gòn,

Em sẽ tìm lại hàng me,
Màu xanh non một đêm cây trổ lá,
Đường đến trường tiếng cười rộn rã,
Nắng vừa lên,
Tà áo gió bay…

* * *

Chuyện kể từ mùa nước đổ,

U Minh, một đêm trở gió,
Xào xạc hàng tràm,
Xuồng ba lá trôi theo rạch nhỏ…
-: “Ơi! Giã biệt xóm làng…”
Lời nào não hơn câu Vọng Cổ,
Nhưng đầu sông vang dội khúc quân hành:
-: “Gió hỡi gió! Reo lên đi!
Ta ra đi mài thanh gươm chính khí
..”(1)
Từ mùa thu năm ấy,
Tháng chín hai mươi ba,
Câu hát mài gươm thành câu hát tiễn…

Cuộc tiễn quân, chín khúc sông dài,
Trên bến nước, những vòng tay kết lại,
Kẻ ở, người đi,
Vội vội lời hẹn ước….
-: “Hai năm! Hai năm! ”

Hai năm trở lại quê nhà!
Có nghĩa gì đâu!
Chỉ hai mùa lá!

Những con tàu xuôi ra biển cả,
Bến đợi ngóng mong khắc khoải từng ngày…

Đã hai lần tràm thay lá,
Hai con lũ đã đổ xuống đồng,
Rao rao gió chướng hai mùa lúa.
Ô hay! Đàn ong bay đâu bỏ hoang tổ mật?
Sân chim không tụ hội,
Mỏi mắt dõi theo những cánh cò!

Bao giờ về Sài Gòn?

Nhớ phố chợ xưa Bà Chiểu,
Mới ngày nào vang tiếng hát Lên Đàng,
Mà che dù
Một vòng tròn bóng mát đuổi theo em..

Hai năm qua rồi!
Khúc vịnh uốn quanh,
Ghe thương hồ khuất dạng,
Câu hò vọng.
Chạnh lòng người đứng trên cầu;
-: “Hò ơ..Ngày đi tóc mẹ chưa lên trắng.
Nếp trán chưa nhăn, má chửa gầy…
(2)
Nhớ thuyền ai khẳm lúa chở chiều về bến,
Người trai thương mẹ hát dài theo dòng kênh.

Hai năm qua rồi!
Trái chín nẫu không người leo hái,
Tiếng rụng vườn khuya dội ngang lồng ngực,
Thắt con tim,
Giật mình, ngỡ bước chân trở lại…

Hai mươi năm đằng đẵng mặt trời đen.
Miền châu thổ, dù nắng, dù mưa,
Đường qua xóm đìu hiu, quạnh quẽ,
Thoáng bóng người lầm lũi đi về,
Những giọt buồn bờ mi đọng lại…

Bên ngưỡng cửa, mẹ tượng hình,
Như mong ngóng nghìn năm…

* * *


Bao giờ về Sài Gòn?

Em sẽ nằm đợi tiếng rao đêm,
Vào giấc ngủ,
-: “Ai đậu xanh, bột khoai, bún tàu,
Nước dừa, đường cát…”

Căn phòng lộng gió mùa Đông Bắc.
Cửa sổ mở, dành ngóng phương Nam.
Xin cho cánh nhạn chao nghiêng,
Sao chân trời giăng giăng hoài mây xám?

Xin cho chút nắng chiều tan,
Nhớ khôn nguôi một cánh mai vàng,
Dẫu nơi đây mùa xuân, đào khoe sắc thắm!

Vết chém xẻ dọc con sông,
Giữa thân thể dựng hàng rào phân địa,
Hình hài non sông lỗ chỗ đạn bom.

Một nơi nào, dáng thu vàng sắc lá,
Tiếng ầu ơ trong toạ độ mịt mù,
Mảnh gang lạnh ghim trên cánh cửa,
Một nơi nào mật nắng óng tơ vàng,
Những hình ma vật vờ trước ngõ,
Họng súng đen ngòm dõi bước chân,
Áo trắng học trò loang máu đỏ!

* * *


-:“ Bao giờ về Sài Gòn ?

Em sẽ ăn sầu riêng, măng cụt,
Em sẽ ra cảng ngắm những con tàu,
Và gặp lại dòng sông…”

Từng giọt máu, từng chén cơm,
Từng tiếng kêu đất, kêu trời,
Những đốt tay tím bầm, rã rượi,
Câu hỏi có số đếm bảy ngàn hơn…

Nhưng thời gian đã tới kỳ vội vã.
Đàn chim non kịp lớn khôn
Những đứa con, dầu gái hay trai,
Tự bào thai, tự sơ sinh,
Đều đăng ký cho ngày mai giải mã
Lời giải cuối cùng là sự hiến dâng…

Dốc núi, bờ ghềnh những bước chân hối hả,
Đoàn quân xuất kích trước bình minh,
Tuổi hai mươi vào trận,
Sấm sét rền theo bước quân hành,
Một mùa xuân ào ào bão lửa,
Thiêu rụi mọi tàn dư cố thủ,
Như triều dâng, sóng vỗ,
Tráng khúc Tháng Tư thành lịch sử !

Người lính trẻ giữa ngã tư thành phố.
Nước mắt rưng rưng câu hát vỡ oà:
-: “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây!”

* * *


-: “Bao giờ về Sài gòn?

Em sẽ có mảnh vườn trồng thật nhiều hoa,
Nhớ hồi đó, giữa rừng tràm,
Anh bẻ nhành lá tặng em,
Như chùm hoa trao duyên ngày cưới
…”

Vợ tôi không bao giờ có mảnh vườn.
Cũng chưa kịp gặp lại dòng sông,
Ngày về vừa nhận mặt đường quen,
Đã ngã trên hè phố
Một trái tim thương tật bẩm sinh,
Nhịp đập vừa đủ cho cuộc dấn thân,
Ba mươi năm dài dặc.
Ngày về không nằm đợi tiếng rao đêm,
Chiếc bình đựng mớ than tro,
Cảnh chùa qui gửi,
Trên nóc phố cờ bay phất phới…

Dẫu sao vợ tôi cũng đã có ngày trở lại !
Bao bàn chân vừa leo qua ngọn núi.
Đành nằm trong mộ đá,
Giữa rừng hoang,
Có người ngã xuống ngay cửa ngõ,
Bên kia sông, ánh sáng thành đô rực rỡ…

* * *


-: “ Bao giờ về Sài Gòn? ”
-: “ Bao giờ về Sài Gòn? ”
-: “ Bao giờ về Sài gòn?

Câu hỏi cũng là của những người đứng đó!
Trên gò nổi của cánh đồng bưng mênh mang,
Nơi ngọn cao đám rừng tối lá,
Những đôi mắt đêm hướng về vầng sáng chân trời,
Với hận thù, với yêu thương,
Âu lo và hy vọng…

Họ là những người lính của chiến thắng Tầm Vu,
Đã chặn tàu giặc trên sông Vàm Cỏ,
Từ Miền Đông xuống Miền Tây,
Trên mảnh đất bốn mươi năm không ngưng tiếng súng,
Một đời cha, một đời con tiếp nối nhau vào trận,
Những chiến khu hình thành trên ruộng lúa, vườn dừa,
Lập thế bủa vây,
Cho một thiêng liêng cuối cùng,
Lời thệ ước của đời chiến sĩ.
- : “ Ta sẽ dàn quân giữa nội đô, diệt thù từ sào huyệt,
Giành lại một tình yêu, một thành phố!”

Tôi mải miết trên các ngả đường,
Kiếm tìm dấu tích, cuộc tấn công Mậu Thân, năm ấy,
Nhiều đồng đội không trở về căn cứ…

Ai nằm lại đó?
Ở một ngã bảy, ngã năm,
Một đường vòng bùng binh,
Có phải anh là chàng trai đất mũi Cà Mau,
Vườn dừa Bến Tre, Sóc Trang hay Hà Tiên xóm biển?
Sài Gòn là quê chung cho tất cả,
Anh nằm đây trong tình nghĩa mẹ cha…

Ai nằm lại đó?
Bên luống hoa công viên,
Ngã rẽ vào hẻm nhỏ,
Có phải quê anh Thanh Hoá, Thái Bình.
Vượt Trường Sơn
Áo lính y nguyên màu lá cỏ,
Bao lạ lẫm với anh trên đường phố,
Những nóc cao hơn núi ngọn đã trèo qua?

Có một câu hát trong bản Tình Ca
-: “Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa…”
Nhạc sĩ ra đi khi Hà Nội lên đèn.
Đã trở vê nơi đây,
Ngày xưa ôm đàn hát khúc đầu tiên…
Hôm nay, nhận phần hy sinh liệt sĩ…

Ai nằm lại đó ?
Vết máu khô mưa nắng sói mòn,
Bao người không tên,
Cũng có tên người thành tên phố,

-: Bao giờ về Sài Gòn?”

Âm hồi còn vang vọng với thời gian
Những người ngã xuống từ khởi chiến,
Cùng một nỗi niềm
Như người vừa ngã xuống trận hôm qua!!

-: “Bao giờ về Sài Gòn?”

Câu hỏi theo chiều dài, tưởng niệm:
Như còn đâu đây, tiếng hú gọi đồng hoang
Của những người mở cõi
Lưỡi phảng phát ngang thân cỏ dại!
Từ mầm lúa sinh sôi,
Một chòm xóm, một dòng sông,
Miền quê hương rộng dài bờ bãi,
Một lớp người cởi mở,
Nồng nàn tình yêu xứ xở.
Niềm kiêu hãmh xả thân gìn giữ!

--:“ Bao giờ có một Sài Gòn,
Ngang tầm với những hiến dâng?”

Câu hỏi hôm nay cho người thành phố!

PHAN VŨ (tác giả EM ƠI HÀ NỘI PHỐ)


(1) ca khúc của Nguyễn Ngọc Bạch

( 2) thơ của Đoàn Giỏi.

http://www.diendan.org/sang-tac/bao-gio-ve-saigon/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...