MỘT NỬA SỰ THẬT

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Cứ mỗi chuyến đi lại càng thấm thía sự đúc kết của ông bà mình.

1.Chuyện thiên hạ.

Do thói quen nghề nghiệp (trước đây) nên đi đâu tôi cũng chú ý đến bảo tàng. Nhiều lần tham quan các bảo tàng lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… về thời quá khứ xa xưa nhưng “nghệ thuật trưng bày” các chủ đề thì khác nhau, tạo nên sự hấp dẫn riêng của mỗi bảo tàng. Tất nhiên lịch sử văn hóa mỗi nước đều có đặc trưng riêng, nhưng ngay cả những sự kiện, hiện tượng mang tính toàn cầu thì vẫn được trưng bày khác nhau tạo nên những góc nhìn đa chiều, phong phú, qua đó lịch sử được phản ánh toàn diện hơn. Sự khác biệt rõ nhất về “góc nhìn” chính là các bảo tàng về thời hiện đại. Ví dụ: loại hình bảo tàng quân đội (hay bảo tàng về chiến tranh, bảo tàng lịch sử hoặc nghệ thuật quân sự, bảo tàng sự kiện chiến tranh…), tại một số bảo tàng thường trưng bày toàn vũ khí nhất là vũ khí hiện đại: xe tăng máy bay súng ống tối tân đủ loại đủ kiểu; các sự kiện chiến thắng quân sự và những lời ngợi ca quân mình, công khai những tổn thất của quân địch… Nhưng nhiều bảo tàng khác lại trưng bày về tác động của chiến tranh đến đời sống xã hội và những con người cụ thể, dường như không lên án tố cáo điều gì, sự thắng thua lại càng không quan trọng mà hậu quả của chiến tranh mới là quan trọng: đó là sự thiệt hại về con người, về vật chất, những chấn thương tâm lý xã hội lâu dài, những biến động xã hội… Điều đó tác động rất mạnh đến người xem vì đó chính là câu chuyện của bản thân, của gia đình mình. Khi chiến tranh trở thành nỗi ghê sợ của mỗi người thì việc chống chiến tranh đồng nghĩa với việc gìn giữ sự ổn định, bảo vệ hòa bình cho chính mình, gia đình mình và rộng hơn là tổ quốc mình.

Có một bảo tàng (1) về “Thời vừa qua”. Suốt 6 tầng lầu với những căn phòng hẹp, u ám, âm thanh, hình ảnh, tài liệu hiện vật trưng bày bằng thủ pháp mang tính nghệ thuật cao với sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật đa truyền thông hiện đại, “ngôn ngữ” trưng bày hiện vật chuẩn xác… khiến người xem không thể nghi ngờ về những gì đang được công khai sau nhiều năm trong vòng bí mật. Có thể tự hỏi, vì sao những sự kiện như thế lại có thể xảy ra, có thể giật mình vì hóa ra lâu nay ta chỉ biết một phần rất nhỏ của sự thật, thậm chí có thể bị sốc vì hóa ra ta cũng từng sống trong một thời “khủng bố”… Nhưng sau khi xem còn lại điều gì? Với riêng tôi gờn gợn một băn khoăn, kiểu trưng bày “sự thật” như thế này chỉ mang lại và khoét sâu hơn sự hận thù một thời đã qua, hận thù những con người cụ thể của một chính thể đã mất. Bảo tàng trưng bày sự thật lịch sử sao cho con người hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân những sai lầm của quá khứ để tránh không lặp lại những sai lầm ấy. Nếu trưng bày “sự thật” chỉ mang lại sự hận thù quá khứ thì nguy cơ sẽ đưa đến sự thù hận trong tương lai.

2. Chuyện nhà mình.

Chuyến đi này tôi gặp một số người Việt đang sinh sống tại Cộng hòa Sec. Là công nhân kỹ thuật, người xuất khẩu lao động, sinh viên, nghiên cứu sinh… họ đã ở đó trên dưới 20 năm. Những ngày xa nhà, gặp gỡ vài người trong số họ mang lại cho tôi những trải nghiệm mới, những sự thật khác với những gì tôi vẫn biết về họ.

Nếu chỉ nghe những câu chuyện “làm quà” về cộng đồng người Việt ở Đông Âu, như hàng năm chuyển về nước bao nhiêu kiều hối, “soái” nào có bao nhiêu tài sản, khu vực nào “đánh” hàng nào, chợ nào vừa bị cháy mà không tìm ra nguyên nhân, hung thủ, “đại gia” nào vừa bị trấn lột, thậm chí cả những mánh khóe buôn lậu lách luật trốn thuế…thì hình như hầu hết những người Việt đều làm ăn phi pháp, không có được thiện cảm của cộng đồng cư dân sở tại, càng không có sự “sang trọng” và vẻ “trí thức” của “xã hội văn minh”. Nhưng nếu tìm hiểu cuộc sống của họ từ sự quan tâm và chia sẻ thật sự bạn sẽ được biết về nhiều mảnh đời cơ cực nhưng đầy lòng tự trọng, có thể làm đủ mọi việc để sống nhưng không bán rẻ nhân cách. Một thời gian dài phải làm đủ nghề xoay đủ cách để có thể tồn tại trong xã hội có những biến động gay gắt, là dân “nhập cư” họ còn phải đối mặt với vô số khó khăn trong cuộc sống và công việc làm ăn, đối phó với sự kỳ thị của một số “người tây” và “người ta”. Có người từng thất bại, có người từng thành công… nhìn chung đến giờ cuộc sống tương đối ổn định, gia đình con cái nền nếp. Người thành đạt đóng góp cho xã hội bằng kết quả công việc của mình, người bình thường thì bằng những việc làm nhỏ bé và bình dị… thể hiện cụ thể ý thức cộng đồng nên phần đông họ được sự quý mến của cư dân và nể trọng của chính quyền nơi họ sống. Quả thật, trong xã hội nào cũng vậy, “học làm sang” không khó nhưng làm để cho người ta trọng thì khó hơn nhiều!

Và cứ vậy sau mỗi chuyến đi với những gì thu nhận được, tôi còn thấm thía hơn sự đúc kết của thiên hạ “một nửa sự thật không phải/ chưa phải là sự thật”.


(1) “Nhà khủng bố” ở Budapest (Hungary). Xem thêm: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=380

6 nhận xét:

  1. Chủ nhà ơi, khi mà một ai đó sẵn sàng chấp nhận vi phạm pháp luật, kể từ việc trốn thuế, bán hàng lậu, bán hàng nhái, trồng cần sa, ... để đạt được mục đích duy nhất là làm giầu, một số người trong đó trở thành đại gia thì đừng nói đến hai chữ tự trọng. Không có đâu.

    Trả lờiXóa
  2. @ Phú Hòa: bạn đọc lại giùm nhé, bài này mình chỉ nói đến người làm giàu tử tế thôi, vì ít ai nói đến họ, và họ cũng làm việc âm thầm ko phô trương. Còn những người như bạn kể thì "được" quá nhiều người nói đến rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Tôi rất mong chị cho tôi một ví dụ cụ thể về một người Việt Nam nào đó như chị viết đang là đại gia, giầu như chị nói mà không đi lên từ con đường buôn lậu, trốn thuế, ... (kể cả ở Việt Nam). Những người thành đạt mà tôi thực sự công nhận là những người làm ở lĩnh vực khoa học, kỹ thuật. Số người thành đạt một cách chân chính ở lĩnh vực kinh doanh có thể có nhưng ít lắm chị ạ.

    Trả lờiXóa
  4. Phú Hòa: Tôi muốn nói về những người bình thường có thành đạt nhất định trong công việc của mình (có thể nói là giàu có nhất định - nếu so sánh với VN). Mà nếu quá khứ ng ta có làm những việc như thế nhưng bây giờ ng ta làm ăn đàng hoàng thì tại sao lại chỉ nhớ về quá khứ để đánh giá người ta? Còn ví dụ à, bạn ạ, nếu thực sự quan tâm và đừng có "định kiến" thì ko khó tìm ra nhiều ví dụ. A, đánh giá của bạn: "Những người thành đạt mà tôi thực sự công nhận là những người làm ở lĩnh vực khoa học, kỹ thuật" hình như chỉ coi "trí thức" là thành đạt, còn phần đông người làm công việc khác ko thể coi là "thành đạt" chăng? Nói chung, theo tôi, những người bình thường có cuộc sống yên ổn và có đóng góp với nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cữc kỳ khó khăn thì rất đáng trân trọng điều đó.

    Trả lờiXóa
  5. Chị hiểu lầm suy nghĩ của tôi rồi. Tôi không thuộc loại người vơ đũa cả nắm. Tôi không nghĩ rằng chỉ có dân kỹ thuật mới có thể nói đến chuyện thành đạt mà trong cuộc sống đã cho chúng ta thấy rằng ai có tâm huyết, nghị lực và khả năng thì ở bất cứ lĩnh vực nào, dù là kỹ thuật hay kinh doanh đều có thể đạt được ước mơ của mình. Tôi không có định kiến với bất kỳ ai nhưng nếu một người nào đó trong quá khứ của mình đã dùng mọi thủ đoạn để làm giầu thì cho đến bây giờ, khi đã trở thành đại gia thì họ vẫn cứ tiếp tục sử dụng những thủ đoạn đó, tất nhiên là tinh vi hơn để giữ được và làm giầu hơn tài sản của mình. Tôi tôn trọng những con người bình thường, làm quần quật suốt ngày bằng mồ hôi, nước mắt của mình mà chỉ đủ đảm bảo sinh hoạt hàng ngày hơn là những đại gia như vậy (và tôi tin rằng phần lớn những bạn bè của chị ở Czech hay ở các nước Châu Âu khác là những người cần cù như vậy).

    Trả lờiXóa
  6. Ok bạn, vậy là chúng ta cùng suy nghĩ :)

    Trả lờiXóa

NỖI ÁM ẢNH CỦA QUÁ KHỨ

  Trần Quốc Vượng   Nước Việt Nam ta hiện là một quốc gia kém phát triển về mọi mặt, vừa lạc hậu, vừa lạc điệu với một thế giới nhìn chung...