Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, post lại bài viết của nhà thơ Lê Giang về người bác ruột của tôi: BS Nguyễn Văn Hưởng - như một nén nhang cho Bác. Mấy anh chị em tôi, nếu không có bác Ba Hưởng chưa chắc chúng tôi được sống mạnh khỏe đến ngày hôm nay!
Nghe tin bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng được Nhà nước phong Anh
hùng lao động xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chắc rằng bà con cô bác Nam bộ lại có
dịp nhớ chặng đường chín năm kháng chiến trường kỳ, tuy gian nan vất vả, thiếu
thốn mọi bề mà đầy lòng tự hào với thắng lợi vẻ vang. Và, khi nhớ lại bức hoành
tráng hào hùng đó, cô bác hẳn nhận ran gay một nét yêu thương khắc sâu trong
lòng mình mà mình chuộng mãi không thể nào phai: Phải chăng đó là hình ảnh của
nền y tế cách mạng miền Nam do bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng dẫn đầu suốt cuộc trường
kỳ chiến đấu thắng giặc Pháp.
Riêng người miền Tây Nam Bộ có lẽ không mấy ngạc nhiên
khi nghe bác sĩ được tặng danh hiệu xứng đáng đó, bởi đã có sự gắn bó giữa thầy
thuốc với nhân dân, sự hàm ơn sâu sắc đối với nền y tế cách mạng thuở ấy. Từ
lâu lắm rồi, họ đã tự ý phong cho bác sĩ một tiếng gọi bằng tất cả lòng tin
cậy, bằng sự yêu mến ruột thịt: Thằng Ba, anh Ba, chị Ba, bác Ba… Tiếng gọi đó
đã cắt nghĩa được nhân dân miền Nam anh hùng đã sanh ra những người anh hùng,
mà đất đai, làng xóm muốn gọi bằng gì thì cũng gói trọn được cái ơn cái nghĩa ở
đời.
Từ những năm năm mươi, trên tường cao trong văn phòng Bộ
Y tế nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã trao bằng Huân chương Độc lập cho Sở Y
tế Quân dân y Nam bộ. Huân chương quý báu đó dành tưởng thưởng cho đường lối y
tế đúng đắn với bốn phương châm mà bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đã đề ra, cùng thực
hiện có những bạn đồng nghiệp như bác sĩ Nguyễn Văn Thù, bác sĩ Trần Hữu
Nghiệp, bác sĩ Hồ Công Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Thiện Thành, bác sĩ Trương Công
Trung, dược sĩ Nguyễn Kim Hùng… Đội ngũ trí thức yêu nước hãy còn hiếm hoi đó
đã dẫn dắt những người cộng sự và lớp lớp học trò đầy nhiệt huyết ra sức phục
vụ cho nhân dân và bộ đội có đủ sức khỏe chiến đấu thắng giặc ngoại xâm.
Trong bốn phương châm y tế cách mạng miền Nam, có hai
phương châm nổi tiếng nhất là “Phòng bệnh hơn trị bệnh” và “Kết hợp y học dân
tộc cổ truyền với y học hiện đại” để điều trị bệnh cho nhân dân vùng giải phóng
cũng như vùng tạm chiếm. Khó mà quên được
cái cảnh ngày ngày sông nước miền Tây ghe xuồng nườm nượp từ vùng tạm
chiếm vô vùng giải phóng tầm đến y tế cách mạng.
Lúc đó, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng mới bước vào tuổi năm
mươi. Rừng U Minh với năm, mười tầng lá xanh thẳm mênh mông mới thấy có dấu
chân người. Tràm xanh nước đỏ đầy vẻ
hoang sơ bí hiểm, nhưng chở che ấp ủ “đoàn quân” đi tiêu diệt giặc vi trùng.
Bác sĩ đưa một nhóm thanh thiếu niên ít ỏi mà lòng tràn “máu nóng” vào rừng sâu
để sản xuất giống ngừa, bào chế thuốc men, lập các trạm giải phẩu lưu động,
đoàn truyền bá vệ sinh lao động..v…v…Họ luôn luôn làm việc bằng tác phong “nhà
binh”. Bác sĩ thường răn dạy học trò rằng cứu bệnh như cứu lửa. Người cán bộ y
tế không được phép lừng khừng dễ dãi, vì cái tật đó sẽ đẻ ra bệnh làm biếng và tắc
trách. Ông là một người say mê công việc và nghiêm khắc vô cùng. Thời đó, có
những học trò phải chịu phạt đứng dưới cột cờ vì lỡ có thái độ ghê tởm vết
thương hôi thúi của bệnh nhân…
Những học trò của ông sẽ mãi mãi không quên một người vừa
là thầy, lại là bạn chiến đấu, mà có khi tuy nghiêm khắc là thế, nhưng lời
giảng dạy cứ thấm sâu tình mẹ. Có lần chiều tối ở rừng, ông gọi một chàng trai
vừa mới đốt cây đèn ống khói để trên bàn:
-
Em đốt đèn để làm
gì?
-
Dạ, dạ… đốt đèn
cho…sáng.
-
Muốn sáng sao lại
để những con thiêu thân và lớp khói đèn cản sáng?
…
“Đội quân” của ông lúc đó phần lớn chưa đến tuổi hai mươi, vì lòng yêu nước mà
ra đi như thác đổ; bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng hiểu điều đó, cho nên trong rừng sâu
chỉ có mấy người, ông không ngần ngại, không từ chối trách nhiệm làm cha mẹ:
răn dạy, khắt khe, thương yêu, đùm bọc và đào tạo nên người hữu ích.
Như đồng chí Trần Bạch Đằng có viết
một ý về sự sống trong bài viết về chị Ba Thi: Thời gian trôi qua đằng đẵng,
lớp người ấy đã trải qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, họ vẫn sống dai, sống
đàng hoàng, sống giỏi giắn và vẫn là động lực thúc đẩy làm nên cái mới mẻ, cái
tốt đẹp cho xứ sở quê hương mình.
Có lẽ những học trò của bác sĩ
Nguyễn Văn Hưởng thuở ấy dù nay đã là giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ hay cũng có người
sang con đường viết văn, làm thơ, viết kịch bản…, vẫn mang trong tâm hồn mình
một kỷ niệm sâu sắc về một người thầy. Ông không hề có dáng điệu tựa lưng và
khoanh tay, ông đi thẳng lưng và bước đi chắc chắn. Tuy đó là cái vẻ của bề
ngoài nhưng lại thể hiện được cá tính của một người không chịu khoanh tay, bó
tay. Tinh thần tự lực cánh sinh cao của ông đã biến mọi cỏ cây cảnh vật xung
quanh ông đều có tác dụng cho khoa học, cho công việc trị bệnh cứu người. Những
ai không sống cùng thời trong hoàn cảnh đó, thật khó lòng thông cảm được, sự
gia giảm trong toa thuốc căn bản toàn những cỏ vườn trầu, lá tía tô, râu bắp,
mã đề..v..v…mà trị được bá chứng cho mọi lứa tuổi, mọi căn bệnh, và cũng khó
lòng hiểu được những cuộn băng băng vết thương là những nõn của bẹ chuối phơi
khô rồi hấp sát trùng…
Tin rằng rồi đây sẽ có một công
trình tập hợp lại tất cả những sáng tạo, những phát minh cải tiến của bác sĩ
Nguyễn Văn Hưởng, từ một thầy thuốc chèo xuồng ba lá dọc theo kênh rạch quê nhà
để tìm người bệnh mà cứu chữa, đến một cương vị bộ trưởng của Bộ Y tế nước Việt
Nam ngồi trên xe Vôn-ga, ông vẫn vậy! Xuồng và xe chỉ là một phương tiện mà
thôi, không có gì thay đổi được đức tánh tận tụy hết lòng, luôn luôn cặm cụi
nghiên cứu tìm tòi phương pháp điều trị thích hợp với cơ thể dân mình.
Những năm gần đây, tuy tuổi tác đã
cao nhưng phẩm chất ấy lại càng cao. Ngày ngày ông vẫn đến lớp dưỡng sinh để
tập luyện chống đỡ bệnh tật, biết cách tập luyện cho tinh thần sảng khoái… để
sống có ích cho gia đình và cho xã hội. Phương pháp tập dưỡng sinh do ông
truyền bá đã cứu những bệnh nhân bị suy nhược thần kinh nặng, những bệnh nhân
đau dạ dày, huyết áp cao… Thậm chí, có ông già trên bảy mươi tuổi, sức khỏe rất
yếu, sau khi được tập phương pháp này, đã đi xe đạp tham quan khắp đất nước.
Bây giờ, phong trào tập dưỡng sinh đã thành phong trào tập luyện của quần
chúng, ở các xóm ấp, trong khu phố, các cơ quan. Ông đã nhân ra bao hạt nhân để
thúc đẩy công việc đó, và ông được sự hưởng ứng rầm rộ của mọi lứa tuổi, mọi
ngành nghề.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng đúng là thầy
thuốc của nhân dân. Khi ông xuống bến tàu hoặc đi trên đường, về thôn xóm, từ
cán bộ cho đến bà con bình dân gặp ông ở đâu cũng chào ông, vội vàng khoe với
ông về sức khỏe của mình, đã sống lại, đã đi đứng bình thường, đã làm việc
được…
Chính nhờ phương pháp dưỡng sinh,
ông đã tự cứu chữa cho mình khi cách đây 15 năm, ông bị tê liệt nửa thân người
mà các giáo sư bác sĩ nổi danh phải lấy làm ngạc nhiên là ông vẫn sống, vẫn
minh mẫn và vẫn trị bệnh cứu người.
Nhắc đến bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, ta
không thể không nhắc đến cái chí quyết của một con người. Cái chí quyết làm sao
cho dân mình bớt đau khổ vì bệnh tật. Cái chí quyết đó được nung nấu từ dịch tả
hoành hành làng Mỹ Hiệp, xã Chợ Mới, tỉnh An Giang quê ông, dịch tả đã giết hại
dân làng và cướp đi người mẹ yêu quý của ông thuở ông còn thơ ấu.
Ông rời làng quê ra đi và khi trở
về, ông trở thành nhà vi trùng học có một không hai trong thời buổi đất nước ta
sắp bước vào cuộc cách mạng mùa Thu. Chính ông là nguyên soái cầm quân chiến
thắng giặc vi trùng, xóa tan cảnh đau thương khủng khiếp khi luồng dịch tả, đậu
mùa tới đâu thì tiếng khóc la thảm thiết, trống khiêng trừ ma tống quái thê
lương mà chỉ một đêm vườn ruộng chợ búa tiêu điều tới đấy…
Xin chúc mừng bác sĩ Nguyễn Văn
Hưởng, người thầy thuốc đã mang lại bao niềm vui, bao hy vọng cho sự sống của
bao người. Người anh hùng lao động ấy mãi mãi là hình ảnh người con trung hiếu
của nhân dân miền Nam anh hùng, mãi mãi gọi thức lương tâm trong sạch của những
người làm công tác y tế, mãi mãi nhắc nhở tấm lòng nhân đạo đối với con người.
LÊ
GIANG
( 5.10.1985)