Tạp bút - Nguyễn Thị Hậu
Nhiều năm sau… Chuyến tàu Hà Nội – Lào Cai rời ga Hàng Cỏ
chuyển bánh đi về phía Bắc. Những chuyến tàu đêm cuối tuần đông khách du lịch,
đi theo nhóm, đi cả đoàn, đi từng đôi, không hiếm người đi một mình… Sáng sớm tàu đến
Lào Cai. Trong chiến tranh biên giới năm
1979 Lào Cai là thành phố và là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất. Nay thành
phố đã hiện đại lên với nhiều nhà cao tầng, đại lộ thẳng tắp, đường “58” đến Cam Đường rộng thênh thang hai bên là những
tòa nhà công sở mới của Tỉnh, tôi tự hỏi: hàng cây lơ thơ bên những ngôi nhà
mái ngói cũ, cái thư viện tỉnh vắng vẻ có cô thủ thư mái tóc dài chấm đất, và mối
tình thầm lặng của cô với anh công chức Hà Nội sơ tán về… không biết có thật
hay chỉ có trong cuốn tiểu thuyết nào đó mà lúc này tôi ko sao nhớ ra được.
Đường lên Sapa uốn lượn,
qua dốc 3 tầng sương sớm không tan mà càng dày, hàng cây samu ven đường ngọn lá
hình tháp đọng sương gợi hình ảnh Noel sắp đến. Sài Gòn đang những ngày nắng nực, Hà Nội đẹp
trời giữa Đông, cái lạnh ở Hà Nội bạn nhắc mới nhớ ra cái từ “rét ngọt”. Còn Sapa, Sapa mù sương không phân biết sáng
trưa chiều, không phân biệt đồi cao và thung lũng… Sương đọng như mưa phùn, tưởng không rét nhưng rồi cái rét cứ thấm dần
vào da thịt, càng trưa càng lạnh, ngồi yên cũng lạnh mà đi lại cũng không thấy ấm
hơn, cái lạnh vào người rồi ở yên trong đó làm cho toàn thân cứ run lên.
Năm 1979 dù năm sâu trong thung lũng nhưng Sapa cũng không
thoát khỏi sự tàn phá nặng nề. Vào thập niên 1990, Sa Pa được xây
dựng, tái thiết trở lại. Thị trấn nhiều xe máy hơn, nhiều trạm xe
khách chất lượng cao từ Hà Nội và nhiều tỉnh khác đến Sapa. Chợ Sapa vẫn
đông khách tây khách ta, quanh nhà thờ quanh “phố cũ” vẫn những người phụ nữ
già trẻ lớn bé, lưng địu con nhỏ tay cầm những chiếc vòng bạc, túi thổ cẩm…
chào mời khách mua, tiếng Kinh lơ lớ, tiếng Anh
chỉ đủ vài từ mặc cả. Trước cửa các khách sạn những cô gái Mông chào hỏi
bằng tiếng Anh khá trôi chảy với khách du lịch ba lô. Váy áo thô cẩm, quấn xà cạp,
em nhỏ địu trong tấm chăn hoa sặc sỡ, những người phụ nữ Mông từ những bản gần bản xa, lặn lội đến Sapa
“làm du lịch”. Phải chăng vì phụ nữ, trẻ nhỏ làm người ta dễ động lòng “từ bi”
hơn…? Thật ra phụ nữ ở đâu cũng phải bươn chải
và có thể làm tất cả vì gia đình.
Đang ngồi trong quán trước mặt là hồ nước mù sương, ly cà
phê nóng ủ giữa hai tay mà vẫn lạnh run,
một bà già người Mông trên tay lủng lẳng vòng bạc, túi thổ cẩm đi qua. Bà dúi
vào tay tôi mấy chiếc túi thổ cẩm: “túi bà già khâu tay đây, mua đi, mua cho bà
già. Bán cho Tây là 150 nghìn nhưng cháu mua thì 100 nghìn thôi”. Chiếc túi hoa
văn kỷ hà xanh nhạt, vải mỏng khá mịn, loại vải dệt máy công nghiệp, đường khâu
tay cố ý để lộ sự vụng về. Cầm chiếc Samsung Galaxy của tôi đặt lên túi, bà già
cười: vừa với cái này này, mua đi. Vừa nói xong bỗng bà nhớn nhác và lao nhanh
ra đường. Ngoài đường mấy anh trật tự viên đang đuổi theo người bán hàng rong tịch
thu hàng, túi thổ cẩm, vòng bạc, vòng cườm rơi lung tung…
Mấy người bạn
hôm trước hớn hở khoe đã kịp trả
giá và mua mấy cái vòng bạc và vài túi thổ cẩm về làm quà. Hôm sau đi chợ
Sa Pa về, giọng tức tối: ngoài chợ giá mấy cái này chỉ bằng một nửa, mấy ông trật
tự bắt người hàng rong là đúng quá!
Trong mắt tôi lại hiện ra gương mặt nhăn nheo của bà già người
Mông, gương mặt đỏ hồng vì bị nẻ của các cô gái, những em bé ngủ gật ngật ngưỡng
trên lưng mẹ… Giá mà hôm qua mình mua giúp họ vài thứ…
Sapa, 8/12/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét