LINH TINH LANG TANG (26/27)



(26)
 PHIM
Đi xem *Những người khốn khổ* (vào lúc mà đang phải chịụ *hậu quả* của BTC)  nhận thấy đàn ông ở đâu, ở thời nào cũng vậy, với họ *chiến đấu* bao giờ cũng là trên/ trước hết. Màu  cờ đỏ trong phim cứ làm cho mình rợn người! Dù hình ảnh và bài ca cuối phim làm mình nhớ đến bài thơ/bài hát Quốc tế ca với rất nhiều cảm xúc thì vẫn làm mình nghĩ rằng, cuộc chiến nào cũng vô nghĩa trước tình yêu!

ĐỌC TRANG LACAI.ORG
Tôi thích vào trang lacai.org của Phan An vì hầu hết những gì Phan An “bình” đều làm tôi bật cười thoải mái… điều mà khó có được trong vòng quay của công việc và những mối quan hệ xã hội nặng nhọc như hiện nay. Có thể nói khả năng ngôn ngữ của Phan An vô cùng phong phú và linh hoạt, thứ ngôn ngữ chính xác lại được đặt trong sự liên tưởng, liên hệ, quy chiếu… thể hiện sự phê phán của Phan An đối với tựa đề, nội dung những bài báo in, báo mạng những câu từ tối nghĩa, sai chính tả, phô bày, phóng đại những điều ác, điều xấu đáng ra không nên, không được phép tràn đầy trên mặt báo, cả trên những tờ báo có“tôn chỉ” rất tốt đẹp. Những tựa đề, nội dung như vậy vẽ nên những con người hình thức đẹp đẽ mà nhân cách dị dạng, méo mó, chỉ nhắm câu khách một cách thấp kém.
Chính vì vậy, sau tiếng cười Phan An mang lại là luôn là cái lắc đầu đầy ngao ngán…


Đọc Bên Thắng Cuộc.
Tập 1: Như người có cái răng bị sâu, thỉnh thoảng cũng đau nhưng bình thường nó cứ nằm đấy và im lặng đục khoét hàm răng. Tập này giống như ông nha sĩ mạnh tay chọc vào cái răng bị sâu ấy. Cả hai bên thua thắng đều có người nhảy nhổm lên vì đau, người gào lên, người thì xuýt xoa, người chảy nước mắt, người im lặng gồng mình chịu đựng. Cũng có người đau quá đạp ông nha sĩ và bỏ đi, mồm méo lại vì đau, vừa đi vừa chửi thằng cha nha sĩ kém tay nghề.
Tập 2: lần này thì hình như cả hai bên thua thắng có vẻ nhẹ nhõm hơn, chưa thấy ai kêu đau, chắc vì cha nha sĩ đang chọc vào cái răng đau của người khác.

 (27) Cà phê 47
Gần trưa ghé cà phê 47. Quán vắng, vài người khách ngồi ngoài vỉa hè Phạm Ngọc Thạch. Đầu hẻm vẫn chiếc xe bán hàng nhưng phía trong hẻm không có bộ bàn ghế nào cả. Kêu ly cà phê đá, anh chủ giọng lạnh tanh: đá sao? Mình cũng lạnh tanh: đậm, ít đá, ít đường. Anh chủ mặt tươi hẳn: lâu quá “bà” không ghé, quên “gu” của “bà” rồi. Hai anh em cười xòa.
Ừ, lâu rồi không đến đây, dù thỉnh thoảng mấy đệ tử vẫn réo gọi. Bữa nay sát tết, ngồi đây với cô  nhỏ trước khi em đi về quê để thực hiện một chuyến đi làm từ thiện. Sau những tấm hình “sexy”, sau cái vẻ ghê gớm bởi ngôn từ “dân chơi”, em vẫn là một người đàn bà, đa cảm, dịu dàng, hết mình vì người khác, dù có khi có người chẳng xứng đáng với sự hết mình của em… Mình yêu thương em vì lẽ đó, ngay cả khi em tưởng những cái giống như tình yêu là tình yêu… Đàn bà đúng nghĩa, dễ gì tìm được người xứng đáng với tình yêu của mình, phải không em?
Tào lao một lúc rồi mình đi. Hỏi anh chủ quán: Mùng mấy bán lại, ông? Lại lạnh tanh: có tới uống không mà hỏi? Cũng lạnh tanh luôn: Không tới uống hỏi làm gì, tui đâu có rảnh dữ vậy? Vợ chồng chủ quán lại cười tươi: nhớ ra mở hàng nha, bà.
Phóng xe đi rồi mới nhớ
ổng quên chưa nói  ngày nào “mở hàng”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...