Khắc nhập khắc xuất



Câu “thần chú” này xuất phát từ truyện/ chuyện cổ Cây tre trăm đốt.
 Đại khái phú ông kia hứa gả con gái cho một anh nông dân hiền lành chăm chỉ làm anh ta ra sức cày cấy làm giàu cho bố vợ tương lai. Nhưng phú ông lại lật lọng đem con gái gả cho người khác. Vào ngày cưới còn bảo anh nông dân đi vào rừng tìm được cây tre có đủ trăm đốt về làm đũa dùng trong đám cưới thì sẽ gả con gái cho. Thế mà anh chàng cũng tin như thế, vào rừng tìm mãi không thấy cây tre nào đủ trăm đốt, ngồi khóc huhu. Bụt hiện lên hỏi cớ sự làm sao, rồi bảo anh ta chặt mấy cây tre và hóa phép cho các đốt tre liền nhau thành cây tre đủ trăm đốt. Nhưng cây tre dài quá không vác về được, chàng ta lại khóc, Bụt bèn dạy câu thần chú “khắc nhập khắc xuất”. Anh nông dân về đến nhà phú ông thì đám cưới đã tàn lại còn bị mọi người xúm lại chê cười. Chàng bèn đọc câu “khắc nhập” thế là cả vợ chồng phú ông lẫn khách khứa dính chặt vào cây tre. Cả bọn van xin mãi, cuối cùng phải cho anh ta cưới con gái phú ông thì anh ta mới đọc tiếp “khắc xuất” giải thoát cho mọi người. Sau đó có còn nhập xuất gì nữa hay không thì truyện/ chuyện không nói đến.

Tích chuyện này thật ra không hề cổ xưa chút nào, bởi cái kiểu (tư duy và ứng xử) nhập / xuất / xuất / nhập đến giờ vẫn rất phổ biến.
Bắt đầu từ những lý do có vẻ hợp lý như “nhiều người nên phải có một cây tre trăm đốt thì mới đủ làm đũa ăn” đã làm cho anh nông dân phải đi vào rừng tìm. Tre là loại cây rất quen thuộc, phổ biến ở làng quê, ai mà không biết “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau, cây nào cũng đẹp cây nào cũng quý. Nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nưá. Tre Đồng Nai nứa Việt Bắc, Tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi... đâu đâu cũng có tre nứa làm bạn... Tre nứa trúc mai vầu mấy chục loại khác nhau nhưng đều chung một mầm non măng mọc thẳng” vậy sao anh nông dân dễ bị lừa thế nhỉ? Cây tre trăm đốt đã là hoang đường, thế mà vẫn đi tìm, không biết anh chàng này ngây thơ quá hóa khờ chăng? Hay vì anh còn mải mơ đến cô con gái phú ông nên cố đấm để được ăn xôi?

Và cũng như chuyện (cổ) khác, khi thất bại anh ta lại khóc (hệt như cô Tấm – mà sao các nhân vật chính trong truyện cổ của ta cứ hay khóc lóc vậy không biết?!) để cho Bụt thương tình mà hiện lên giúp cho. Cứ tưởng sau khi Bụt hô “biến” sẽ mọc ra được cây tre trăm đốt có đủ gốc ngọn, hóa ra Bụt cũng chỉ có tài lắp ghép, vá víu nhiều cái nhỏ thành ra một cái lớn cho hoành tráng, một kiểu khôn vặt, cải tiến chứ Bụt cũng không thông minh đến độ có thể sáng tạo ra cái mới.

Anh nông dân có cây tre (được ghép từ) trăm đốt rồi cũng chẳng biết sử dụng thế nào. Nhập xuất gì cũng trông chờ vào Bụt. Thậm chí nhập rồi không xuất được cũng lại ngồi khóc huhu. Thế nhưng may mắn nhờ cái bí quyết “nhập xuất” ấy mà anh ta đạt được mục đích, và cái kết có hậu đã mang lại cho mọi người khi đọc/ xem truyện/ chuyện này sự thỏa mãn (dễ dãi) dù cách “trả thù” kể ra cũng hơi nhỏ mọn và... buồn cười.

Nhưng ít người nhận ra rằng, trong truyện này nhập xuất gì thì cuối cùng thì vẫn phải “xuất” thậm chí phải “khắc xuất”. Chắc chắn sau khi mọi người được “giải phóng” khỏi cây tre thì các đốt tre cũng phải rời ra... Tiền đề vô lý nên kết quả cuối cùng vẫn phải trở về sự hợp lý của cuộc sống.Ví dụ như sau năm 1975 có một thời gian dài các tỉnh nước ta cứ bị “nhập” vào nhau loạn cả lên, rồi đến lúc cũng phải “xuất” ra, trở về như cũ. Cách đây năm năm, ngày Hà Tây nhập vào Hà Nội tôi cũng nghĩ chẳng mấy rồi sẽ “xuất”, chỉ là lâu hay mau mà thôi. Nhiều lần ra Hà Nội đi đến vùng Hà Tây cũ... tôi càng tin chắc thế.

Chỉ có một điều tôi không biết, là đến bao giờ thì sẽ không còn những phú ông chuyên dùng những cái lẽ rất vô lý để lừa gạt người hiền lành, bao giờ những người ngây thơ, có phần ỷ lạitrông chờ vào sự giúp đỡ từ tình thương, dễ bị lừa gạt vì tưởng mình có lợi... sẽ tỉnh táo hơn và biết mạnh mẽ chống lại sự vô lý chứ không chỉ biết đối phó với nó bằng cái khôn lanh vặt vãnh...?
Và đến bao giờ chúng ta mới biết đừng thỏa mãn (một cách) dễ dãi với những kết quả nhỏ mọn, nửa vời?!
Sài Gòn tháng 2.2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...