BAO GIỜ VỀ SÀI GÒN

PHAN VŨ

( 1996 -2011)

Ngày lại ngày,
Đêm từng đêm.
Nhịp đập con tim như mõ canh,
Luôn báo điều bất ổn.

Từng hạt thời gian,
Gom góp cho hạn kỳ rơi rớt.

Một cái gì rách nát, tan hoang!
Một cái gì đau xót, phũ phàng!
Một câu hỏi trong vòng lửa…

Bao giờ về Sài Gòn,

Em sẽ tìm lại hàng me,
Màu xanh non một đêm cây trổ lá,
Đường đến trường tiếng cười rộn rã,
Nắng vừa lên,
Tà áo gió bay…

* * *

Chuyện kể từ mùa nước đổ,

U Minh, một đêm trở gió,
Xào xạc hàng tràm,
Xuồng ba lá trôi theo rạch nhỏ…
-: “Ơi! Giã biệt xóm làng…”
Lời nào não hơn câu Vọng Cổ,
Nhưng đầu sông vang dội khúc quân hành:
-: “Gió hỡi gió! Reo lên đi!
Ta ra đi mài thanh gươm chính khí
..”(1)
Từ mùa thu năm ấy,
Tháng chín hai mươi ba,
Câu hát mài gươm thành câu hát tiễn…

Cuộc tiễn quân, chín khúc sông dài,
Trên bến nước, những vòng tay kết lại,
Kẻ ở, người đi,
Vội vội lời hẹn ước….
-: “Hai năm! Hai năm! ”

Hai năm trở lại quê nhà!
Có nghĩa gì đâu!
Chỉ hai mùa lá!

Những con tàu xuôi ra biển cả,
Bến đợi ngóng mong khắc khoải từng ngày…

Đã hai lần tràm thay lá,
Hai con lũ đã đổ xuống đồng,
Rao rao gió chướng hai mùa lúa.
Ô hay! Đàn ong bay đâu bỏ hoang tổ mật?
Sân chim không tụ hội,
Mỏi mắt dõi theo những cánh cò!

Bao giờ về Sài Gòn?

Nhớ phố chợ xưa Bà Chiểu,
Mới ngày nào vang tiếng hát Lên Đàng,
Mà che dù
Một vòng tròn bóng mát đuổi theo em..

Hai năm qua rồi!
Khúc vịnh uốn quanh,
Ghe thương hồ khuất dạng,
Câu hò vọng.
Chạnh lòng người đứng trên cầu;
-: “Hò ơ..Ngày đi tóc mẹ chưa lên trắng.
Nếp trán chưa nhăn, má chửa gầy…
(2)
Nhớ thuyền ai khẳm lúa chở chiều về bến,
Người trai thương mẹ hát dài theo dòng kênh.

Hai năm qua rồi!
Trái chín nẫu không người leo hái,
Tiếng rụng vườn khuya dội ngang lồng ngực,
Thắt con tim,
Giật mình, ngỡ bước chân trở lại…

Hai mươi năm đằng đẵng mặt trời đen.
Miền châu thổ, dù nắng, dù mưa,
Đường qua xóm đìu hiu, quạnh quẽ,
Thoáng bóng người lầm lũi đi về,
Những giọt buồn bờ mi đọng lại…

Bên ngưỡng cửa, mẹ tượng hình,
Như mong ngóng nghìn năm…

* * *


Bao giờ về Sài Gòn?

Em sẽ nằm đợi tiếng rao đêm,
Vào giấc ngủ,
-: “Ai đậu xanh, bột khoai, bún tàu,
Nước dừa, đường cát…”

Căn phòng lộng gió mùa Đông Bắc.
Cửa sổ mở, dành ngóng phương Nam.
Xin cho cánh nhạn chao nghiêng,
Sao chân trời giăng giăng hoài mây xám?

Xin cho chút nắng chiều tan,
Nhớ khôn nguôi một cánh mai vàng,
Dẫu nơi đây mùa xuân, đào khoe sắc thắm!

Vết chém xẻ dọc con sông,
Giữa thân thể dựng hàng rào phân địa,
Hình hài non sông lỗ chỗ đạn bom.

Một nơi nào, dáng thu vàng sắc lá,
Tiếng ầu ơ trong toạ độ mịt mù,
Mảnh gang lạnh ghim trên cánh cửa,
Một nơi nào mật nắng óng tơ vàng,
Những hình ma vật vờ trước ngõ,
Họng súng đen ngòm dõi bước chân,
Áo trắng học trò loang máu đỏ!

* * *


-:“ Bao giờ về Sài Gòn ?

Em sẽ ăn sầu riêng, măng cụt,
Em sẽ ra cảng ngắm những con tàu,
Và gặp lại dòng sông…”

Từng giọt máu, từng chén cơm,
Từng tiếng kêu đất, kêu trời,
Những đốt tay tím bầm, rã rượi,
Câu hỏi có số đếm bảy ngàn hơn…

Nhưng thời gian đã tới kỳ vội vã.
Đàn chim non kịp lớn khôn
Những đứa con, dầu gái hay trai,
Tự bào thai, tự sơ sinh,
Đều đăng ký cho ngày mai giải mã
Lời giải cuối cùng là sự hiến dâng…

Dốc núi, bờ ghềnh những bước chân hối hả,
Đoàn quân xuất kích trước bình minh,
Tuổi hai mươi vào trận,
Sấm sét rền theo bước quân hành,
Một mùa xuân ào ào bão lửa,
Thiêu rụi mọi tàn dư cố thủ,
Như triều dâng, sóng vỗ,
Tráng khúc Tháng Tư thành lịch sử !

Người lính trẻ giữa ngã tư thành phố.
Nước mắt rưng rưng câu hát vỡ oà:
-: “Sài Gòn ơi! Ta đã về đây!”

* * *


-: “Bao giờ về Sài gòn?

Em sẽ có mảnh vườn trồng thật nhiều hoa,
Nhớ hồi đó, giữa rừng tràm,
Anh bẻ nhành lá tặng em,
Như chùm hoa trao duyên ngày cưới
…”

Vợ tôi không bao giờ có mảnh vườn.
Cũng chưa kịp gặp lại dòng sông,
Ngày về vừa nhận mặt đường quen,
Đã ngã trên hè phố
Một trái tim thương tật bẩm sinh,
Nhịp đập vừa đủ cho cuộc dấn thân,
Ba mươi năm dài dặc.
Ngày về không nằm đợi tiếng rao đêm,
Chiếc bình đựng mớ than tro,
Cảnh chùa qui gửi,
Trên nóc phố cờ bay phất phới…

Dẫu sao vợ tôi cũng đã có ngày trở lại !
Bao bàn chân vừa leo qua ngọn núi.
Đành nằm trong mộ đá,
Giữa rừng hoang,
Có người ngã xuống ngay cửa ngõ,
Bên kia sông, ánh sáng thành đô rực rỡ…

* * *


-: “ Bao giờ về Sài Gòn? ”
-: “ Bao giờ về Sài Gòn? ”
-: “ Bao giờ về Sài gòn?

Câu hỏi cũng là của những người đứng đó!
Trên gò nổi của cánh đồng bưng mênh mang,
Nơi ngọn cao đám rừng tối lá,
Những đôi mắt đêm hướng về vầng sáng chân trời,
Với hận thù, với yêu thương,
Âu lo và hy vọng…

Họ là những người lính của chiến thắng Tầm Vu,
Đã chặn tàu giặc trên sông Vàm Cỏ,
Từ Miền Đông xuống Miền Tây,
Trên mảnh đất bốn mươi năm không ngưng tiếng súng,
Một đời cha, một đời con tiếp nối nhau vào trận,
Những chiến khu hình thành trên ruộng lúa, vườn dừa,
Lập thế bủa vây,
Cho một thiêng liêng cuối cùng,
Lời thệ ước của đời chiến sĩ.
- : “ Ta sẽ dàn quân giữa nội đô, diệt thù từ sào huyệt,
Giành lại một tình yêu, một thành phố!”

Tôi mải miết trên các ngả đường,
Kiếm tìm dấu tích, cuộc tấn công Mậu Thân, năm ấy,
Nhiều đồng đội không trở về căn cứ…

Ai nằm lại đó?
Ở một ngã bảy, ngã năm,
Một đường vòng bùng binh,
Có phải anh là chàng trai đất mũi Cà Mau,
Vườn dừa Bến Tre, Sóc Trang hay Hà Tiên xóm biển?
Sài Gòn là quê chung cho tất cả,
Anh nằm đây trong tình nghĩa mẹ cha…

Ai nằm lại đó?
Bên luống hoa công viên,
Ngã rẽ vào hẻm nhỏ,
Có phải quê anh Thanh Hoá, Thái Bình.
Vượt Trường Sơn
Áo lính y nguyên màu lá cỏ,
Bao lạ lẫm với anh trên đường phố,
Những nóc cao hơn núi ngọn đã trèo qua?

Có một câu hát trong bản Tình Ca
-: “Khi cất lên tiếng ca gửi về người yêu phương xa…”
Nhạc sĩ ra đi khi Hà Nội lên đèn.
Đã trở vê nơi đây,
Ngày xưa ôm đàn hát khúc đầu tiên…
Hôm nay, nhận phần hy sinh liệt sĩ…

Ai nằm lại đó ?
Vết máu khô mưa nắng sói mòn,
Bao người không tên,
Cũng có tên người thành tên phố,

-: Bao giờ về Sài Gòn?”

Âm hồi còn vang vọng với thời gian
Những người ngã xuống từ khởi chiến,
Cùng một nỗi niềm
Như người vừa ngã xuống trận hôm qua!!

-: “Bao giờ về Sài Gòn?”

Câu hỏi theo chiều dài, tưởng niệm:
Như còn đâu đây, tiếng hú gọi đồng hoang
Của những người mở cõi
Lưỡi phảng phát ngang thân cỏ dại!
Từ mầm lúa sinh sôi,
Một chòm xóm, một dòng sông,
Miền quê hương rộng dài bờ bãi,
Một lớp người cởi mở,
Nồng nàn tình yêu xứ xở.
Niềm kiêu hãmh xả thân gìn giữ!

--:“ Bao giờ có một Sài Gòn,
Ngang tầm với những hiến dâng?”

Câu hỏi hôm nay cho người thành phố!

PHAN VŨ (tác giả EM ƠI HÀ NỘI PHỐ)


(1) ca khúc của Nguyễn Ngọc Bạch

( 2) thơ của Đoàn Giỏi.

http://www.diendan.org/sang-tac/bao-gio-ve-saigon/

Nhớ quần áo cũ

Một lần trò chuyện, không biết thế nào mà anh và cô quay sang những kỷ niệm về quần áo cũ.

Anh. Hồi ở quê, ngòai giờ đi học anh còn phụ mẹ làm rẫy. Lên cấp 3 anh học rất giỏi. Cô chủ nhiệm chỉ định anh làm lớp trưởng dù trong lớp không ít ánh mắt thiếu thiện cảm với anh – cậu trai nhà nghèo mà tính tình kiêu hãnh. Anh chỉ có một bộ quần áo mặc đi học. Chiều giặt phơi, tối dùng bàn ủi bằng than ủi cho quần áo khô và thẳng thớm. Một buổi tối đặt bàn ủi nóng lên cái quần dày còn ẩm, anh lo làm gì đó, giật mình nhớ ra thì ống quần đã bị cháy một miếng lớn. Không biết ngẫm nghĩ sao mà anh mặc cái quần rách đó, lội bộ đến nhà tập thể của giáo viên và nói với cô chủ nhiệm: Thưa cô ngày mai em không đi học được vì quần em bị rách rồi. Cô chủ nhiệm không hỏi gì thêm mà lại kể anh nghe một thời nghèo khó của cô cũng gắn liền với ký ức về những bộ đồ cũ. Hai cô trò nói chuyện rất vui, anh quên hẳn nỗi lo ngày mai không đi học được, cũng chẳng nghĩ đến việc có ai đó sẽ bàn tán gì về mình.

Bao năm qua rồi mà anh – cậu lớp trưởng ở một trường cấp 3 trên mảnh đất ven biển miền Trung nắng gió vẫn nhớ mãi cái thời “nhất bộ”, nhớ mãi cô giáo chủ nhiệm năm lớp 10 của mình.

Cô. Hồi nhỏ, là con gái mà cô cũng chỉ có 2 bộ quần áo mặc đi học. Con gái Hà Nội học cấp 2 là biết “điệu” rồi nhưng làm gì có quần áo mà “diện”. Hai bộ quần áo tươm tất của cô có “nguồn gốc” thế này. Hai cái quần lụa đen là của má, sửa lại cho chị gái, rồi đến lượt cô kế thừa. Có lần đi xe đạp chẳng may vướng giây xích, lai quần bị rách. Má vừa vá vừa cằn nhằn “sao tui mặc mãi không sao mà nó mới mặc là rách rồi?!” Ba nghe thấy liền bênh cô “thì đúng rồi, bà, rồi con chị mặc, đến nó rách là phải”. Còn 2 cái áo vải ngắn tay là từ một chiếc váy của chị. Chị cô đi học nước ngòai, được nhà nước phát cho 2 cái váy hoa, chị để lại 1 cái và nói má sửa lại thành áo cho cô. Áo in những nụ hoa tim tím nho nhỏ, cổ lá sen khác màu vì không đủ vải, vậy nhưng cũng là niềm mơ ước của nhiều bạn gái.

Đến khi học cấp 3 cô mới được mặc “quần âu” sửa từ… quần bộ đội của anh trai. Anh về phép thấy em gái đã lớn mà quần ngắn cũn cỡn, bèn mang 2 cái quần của mình đến bác thợ may gần nhà, nhờ sửa lại. Bác thợ phân vân vì quần con gái thường gài bên cạnh, rất khó sửa từ quần của nam (thời ấy không có dây kéo ở giữa như bây giờ). Anh trai năn nỉ, lại còn biếu thêm mấy phong lương khô sô cô la cho bác thợ. Cuối kỳ nghỉ phép anh mang về cho em gái 2 cái quần âu nữ bằng vải kaki bộ đội, nhuộm đen bóng, đẹp tuyệt vời! Cũng may là áo của cô vừa dài vừa rộng vì má luôn may trừ hao nên che được 2 miếng vá đè lên 2 miệng túi phía sau, không bị lộ là quần đàn ông sửa lại (nếu bạn biết thì sẽ bị trêu xấu hổ ghê lắm).

Mùa hè năm 1974, một người bà con ở Pháp về mang tặng gia đình cô mấy chiếc áo ấm, ngày ấy gọi là “áo mút”. Phần cô là cái áo khoác màu xanh nước biển có dây kéo màu vàng, dày mà nhẹ, ấm vô cùng. Lần đầu tiên cô mong đến mùa đông để được mặc chiếc áo ấm đẹp đẽ này. Nhưng rồi mùa đông năm ấy cô chỉ mặc chiếc áo ấy có 2 lần vào sinh nhật mình và ngày Tết. Cả 2 lần cô đều chỉ dám loanh quanh ở nhà và trong khu tập thể. Lý do: Chiếc áo quá nổi bật giữa những chiếc áo bông, áo len màu đen, màu nâu, màu xám… Ai nhìn thấy cũng xúyt xoa khen áo đẹp, cũng không ít lời cay độc vì “nhà nó có họ hàng ở nước tư bản”, có cô bạn còn “lơ” không ngó đến cô. Tự dưng cô thấy mình như ngừơi có lỗi mà chả biết lỗi gì… Cất chiếc áo ấm đẹp như mơ vào tủ, cô lại mặc chiếc áo kaki màu đen ra ngòai áo len tím sẫm – cũng từ áo của má tháo ra đan lại. Sau này nhớ lại cô nhận ra cả ba má cô không ai mặc những chiếc áo đẹp ấy một lần nào…

Tháng 5 năm 1975 cả nhà cô về Sài Gòn. Mấy chiếc áo ấm được tặng lại cho gia đình người bạn của ba má cô. Từ năm đó Hà Nội có nhiều áo ấm đủ màu đủ kiểu từ Sài Gòn mang ra. Mấy chiếc áo khoác từ Pháp mang về trở thành bình thường, ít nhất là về màu sắc dù chất lượng thì hơn hẳn.

Sài Gòn không có mùa đông. Vậy mà mỗi khi gió mùa xao xác về “nỗi nhớ mùa đông” của cô lại là chiếc áo khoác bằng “mút” màu xanh nước biển ngày xưa, cảm giác mềm mại ấm áp khi mặc nó vẫn còn nguyên vẹn.

Anh. Uh, câu chuyện với cô giáo chủ nhiệm cũng để lại cho anh một cảm giác ấm áp dịu dàng… đến giờ vẫn không gì thay thế được…

Dường như cả ngày ấy và bây giờ sự ấm áp dịu dàng như thế vẫn quá hiếm hoi…

hình cũ :)

5 năm trước. Nhìn lại tự nhiên liên tưởng đến dòng nhạc của ca sĩ Câm Ly :))

THU BERLIN (2010)

1. Mỗi ngày, từ vùng Templin qua mấy chặng tàu xe mất gần 3g đến Berlin làm việc rồi cũng ngần ấy thời gian quay về khách sạn. Chiều hôm qua làm việc xong mọi người mải mê mua sắm và chụp hình ở khu trung tâm Berlin đến tối mịt mới về đến Templin. Chuyến xe bus cuối cùng đã hết từ trước đó hơn một tiếng nên từ ga xe lửa đi bộ về khách sạn, khỏang 3km. Con đường nhỏ chỉ đủ 2 làn xe chạy giữa rừng thông, một bên là lối đi nhỏ lát gạch sạch sẽ dành cho xe đạp, bên kia lề đường rộng rãi và những ngôi nhà nhỏ một trệt một lầu. Những gian phòng ấm cúng ngọn đèn vàng, cửa sổ sơn màu sáng buông rèm trắng, bệ cửa đặt những chậu hoa nho nhỏ đủ màu sắc. Bậc tam cấp bằng gỗ tay vịn thanh mảnh, cửa ra vào sơn màu sẫm… Khung cảnh gợi nhớ một truyện ngắn đầy ám ảnh của chị Minh Thái “Ngồi đợi ở bậc thềm” dù nơi đây yên bình đến mức có thể ngồi đợi một ai đó ở bậc thềm ngôi nhà xinh xắn này cho đến hết đời… (mà mình thì cũng đã cuối đời rồi còn đâu…)

Con đường mùa thu trải dài qua rừng thông những cành thấp đã rụng hết chỉ còn phần ngọn xanh lá. Mùa thu sẽ qua rất nhanh, thông rụng lá để đón gió lạnh mùa đông và những bông tuyết đầu mùa. Nếu không rụng lá cây khó mà đứng vững trước sức nặng khi tuyết phủ trắng trĩu nặng cành cây.

Con đường mùa thu vun vút qua rừng bạch dương thân trắng lốm đốm nâu đen, dáng thanh mảnh vươn cao, rừng đấy mà bạch dương trông vẫn cô đơn. Mặt đất khô ráo thảm lá vàng trông chỉ muốn ngả lưng xuống đó mà ngắm bầu trời xanh thăm thẳm trên kia, để cho ý nghĩ không đầu không cuối lang thang bất định…

Con đường mùa thu đẩy lùi về phía sau những hàng phong tán lá sum sê, ngọn chớm vàng. Nắng sớm nắng chiều làm màu lá ánh lên như dát vàng. Gió lạnh thế này chỉ vài bữa nữa thôi những cây phong sẽ nhuộm vàng rồi đỏ rực… Mùa Thu ngắn lắm, vì vậy những sắc màu rực rỡ nhất vội vã thu hết cả vào lá vào hoa, vào sắc trời vào mặt nước… Từ sáng đến tối, bất cứ lúc nào cũng có thể nhận thấy những màu sắc phô bày không dấu diếm. “Quý bà mùa thu” đang ở vào độ tuổi đẹp nhất, rực rỡ mà đằm thắm. Sắc đẹp làm người ta ngưỡng mộ và thoáng nao lòng…

Con đường mùa thu thấp thóang hồ nước mỗi sớm hơi sương bốc lên mờ mịt, từ hàng liễu rủ ven hồ bỗng một cánh chim vút bay lên. Xa xa chiếc thuyền nhỏ, chiếc cầu nhỏ… Buổi chiều mặt nước lặng lẽ trong vắt như gương in bóng hàng liểu rủ trông như những bức tranh thủy mặc.

Con đường mùa thu qua những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà vút qua cũng nhỏ nằm giữa khu vườn xinh xinh trồng hoa, những luống rau, vài cây táo trong sân, hàng rào gỗ sơn nâu, mái ngói xám dốc đứng, cửa sổ tầng sát mái như đôi mắt lặng ngắm con đường thẳng tắp chạy qua chia ngôi làng làm hai nửa.

Con đường mùa thu là tuyến đường sắt trải dài mọi miền đất nước, đường ray và hàng tà vẹt như cũ mòn nhưng những đòan tàu thì hiện đại, rộng rãi, sạch sẽ, tiện nghi làm người đi không ngán ngại thời gian dài di chuyển. Đường sắt cao tốc nối liền các nước rất hiệu quả, còn trong nước thường thấy hệ thống đường sắt khổ 1,4m vận chuyển người và hàng hóa với hệ thống ga tàu có những dịch vụ tiện dụng, đầy đủ thông tin cho hành khách, chỉ tiếc là tòan bằng tiếng Đức, đọc khó vô cùng.

Từ một ga nhỏ quạnh vắng, người đàn ông trung niên bước lên tàu. Tay cầm gậy, tay kia dẫn chú chó bergiê lông loăn xoăn màu vàng nâu. Ông khiếm thị. Chú chó to lớn ngoan ngõan quanh quẩn sát chân ông, thỉnh thỏang dụi đầu vào tay ông chủ như muốn nói rằng mình vẫn ở ngay bên cạnh. Người đàn ông xoa đầu nó và nói thầm gì đấy trông rất âu yếm. Bất giác chú chó ngước nhìn tôi. Chao ôi, một đôi mắt to tròn màu nâu quá đỗi dịu dàng... Chú Vàng ơi, nếu ông chủ không bị khiếm thị thì đôi mắt chú có buốn đến thế…?

Chiều xuống chầm chậm nhưng rồi bóng đêm lướt đến. Tôi xuống ga, đòan tàu chuyển bánh. Không biết người đàn ông và chú chó có đôi mắt buồn còn đi đến tận đâu…

Ngày Thu sắp hết…

2. Mùa thu, mùa được nhiều người coi là đẹp nhất trong năm ở Châu Âu: Mùa thu họach nhiều lọai cây trồng, ban ngày nắng ấm vẫn còn dài nhưng ban đêm hơi lạnh mùa đông đã hiện diện. Không khí trong lành tràn hương thơm từ hoa nở trên đường phố, trên ban công, trong những khu vườn, hương thơm từ các lọai trái cây chín đỏ từ những nông trại theo ra đến chợ, vào tận các cửa hàng trong thành phố.

Từ sân bay Berlin về trung tâm thành phố tôi hơi ngạc nhiên vì ngỡ mùa thu châu Âu vàng như những bức tranh tôi từng biết nhưng Berlin lại hiện ra với tràn ngập màu xanh của cây của lá của công viên như những khu rừng nhỏ. Trên mọi con đường đều có bóng cây: cây phong, cây liễu, bạch dương, và nhiều lọai cây khác tôi không biết tên. Cây trồng trên lề đường, hoa trên ban công, cây dây leo trên những bức tường… những thảm cỏ xanh, những khu vườn còn nhiều cây cổ thụ trông hoang dại như khu rừng nhỏ… Ngòai những con đường, những tòa nhà, bất cứ nơi nào trống là màu xanh có mặt mang lại cảm giác thư thái bình yên. Mà khoảng đất dành cho cây cho hoa nhiều lắm, nhiều đến mức hầu như người ta ít để ý đến những tòa nhà kiến trúc kiểu Gotic nặng nề hay những tòa nhà mấy cục tầng cao ốp kinh như ở những thành phố khác. Không biết gọi Berlin là “rừng trong thành phố” hay “thành phố trong rừng” thì chính xác hơn?

Vùng ngọai ô Berlin hầu như còn nguyên những khu rừng tự nhiên. Hàng ngày đi từ Berlin về Templin khoảng gần 3g xe hơi tốc độ 120km/g, hai bên đường hút mắt là rừng cây, bãi cỏ chăn nuôi, những chú bò ung dung gặm cỏ. Có những đọan đường đẹp như tranh vẽ, mỗi sớm mỗi chiều ánh mặt trời làm những hàng cây bừng lên lộng lẫy. Thi thoảng ven đường có tấm biển báo hiệu đọan đường thường có thú rừng chạy ngang, đủ biết hệ sinh thái trong rừng còn nguyên sơ đến thế nào. Anh lái xe kể: Trên đường đi nếu gặp thú bị thương nằm ở ven đường thì mọi lái xe đều tự giác gọi ngay cứu hộ và bảo vệ con thú cho đến khi đội cứu hộ có mặt. Trong rừng có nhiều trạm báo cháy lắp đặt thiết bị quan sát được hàng trăm hecta, bất cứ nơi nào có dấu hiệu cháy rừng là Trung tâm nhận được ngay tín hiệu từ trạm. Các phương tiện chữa cháy và cứu hộ được điều đến ngay và đám cháy được dập tắt ngay trong chốc lát. Mùa thu hanh khô là mùa dễ cháy rừng nếu ai đó chỉ vô ý vứt một tàn thuốc lá, vì vậy mọi người đều rất tự giác giữ gìn và bảo vệ rừng.

Trong các ga metro, ga đường sắt tôi hay gặp những quầy bán hoa của người Việt. Những loài hoa tươi tắn trong cái se lạnh mùa thu: hoa cúc, hoa hồng, layơn, hoa ly, mimoda, thạch thảo… Những chậu hoa lớn nhỏ sẽ theo người về trang trí từng ngôi nhà, những bó hoa xinh xắn sẽ được trao tặng cho các cô gái những người phụ nữ. Đôi bàn tay khéo léo của người bán làm tăng thêm vẻ đẹp của những bông hoa. Cần mẫn kiếm sống và góp phần làm đẹp cho cuộc sống, tôi chợt nghĩ rằng có lẽ từ công việc của mình những người này sẽ yêu quý thiên nhiên, yêu quý cái đẹp hơn chứ không chỉ coi đây là một việc để kiếm tiền, dù trên gương mặt họ vẫn nhiều ưu tư.

Chưa kịp quen với màu xanh ở Berlin thì lá đã chuyển vàng và rụng theo những cơn gíó chớm lạnh. Mùa thu vàng đang đến rồi cũng sẽ qua rất nhanh. Để rồi mùa đông cây sẽ ủ trong mình những mầm lá, xuân đến lộc nảy chồi non, mấy tháng nữa thôi lại một màu xanh mới tràn ngập nơi đây. Tôi không muốn rời Berlin trong ám ảnh màu vàng chia ly mà chỉ muốn chia tay trong một sắc thu xanh như ngày đầu tôi đến./.

Cô và trò :)


Ngày 20/10 vừa qua. Đây là các bạn nghiên cứu viên trẻ của Viện, phần lớn là học trò của mình ở ĐHKHXH&NV.

"KỲ QUAN THẾ GIỚI"?!

Cách đây một tháng, sau nhiều lần được một tờ báo điện tử mời mọc, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm TTK Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Ngày Nay, nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội UNESCO thế giới (WFUCA), đã đồng ý phát biểu quan điểm dưới hình thức một bài phỏng vấn liên quan đến việc Việt Nam đứng đầu trong bảng xếp hạng 7 kỳ quan thiên nhiên do NOWC tổ chức.

Bài báo có nhiều nội dung quan trọng nhưng bị coi là không phù hợp trong không khí tưng bừng thắng lợi nên đã không được sử dụng. Trước đó gần một năm, tháng 7/2007 ngay sau khi NOWC công bố danh sách 7 kỳ quan kiến trúc thế giới ông Thắng cũng đã cho đăng trên Tạp chí Ngày Nay bài viết mang tính cảnh báo về cuộc bình chọn của NOWC, đồng thời ông đã trình bày quan điểm với một số cơ quan chức năng của Chính phủ về việc này. Nhận thấy thông tin và đánh giá của ông Thắng sẽ góp phần làm rõ một số vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm, cần hiểu đúng sự việc xung quanh cuộc vận động bầu chọn hiện nay, Mái Nhà Chung xin đăng bài phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Thắng.

- Được hỏi về dư luận khác chiều đối với cuộc bình chọn 7 kỳ quan Ông Thắng cho biết:

Thời gian qua có nhiều người gọi điện đến Hiệp hội UNESCO Việt Nam đề nghị giải đáp có phải cuộc bầu chọn cho Vịnh Hạ Long có liên quan đến Liên Hợp Quốc và do UNESCO chủ trì hay không, NOWC (New Open World Corporation) là ai, tại sao cuộc bầu chọn không có tiêu chí, mà chỉ theo luật chơi ai đông người ấy chiến thắng. Một số trường trung học hỏi liệu các cháu học sinh có được quyền bầu cho các địa danh thật sự nổi tiếng như trong sách giáo khoa dạy mà không nằm trong lãnh thổ của Việt Nam hay không…

Đứng trước những đòi hỏi chính đáng của đại chúng, chúng tôi thấy có trách nhiệm được chia sẻ một số thông tin để mọi người tham khảo khi tìm hiểu về 02 cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới: Năm ngoái kết thúc cuộc bình chọn 7 kỳ quan văn hoá, năm nay đang diễn ra cuộc bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới.

Thứ nhất, nhà tổ chức sự kiện này là New Open World Corporation. Bản thân tên gọi đã cho thấy đó không phải là một tổ chức quốc tế (organization) như một số cơ quan thông tấn do vô tình hoặc cố ý đã dịch sai làm cho dư luận lẫn lộn hiểu nhầm. Đó là một công ty (corporation), vả lại là công ty tư nhân.

Khác với các tổ chức và cơ chế quốc tế có uy tín, có thẩm quyền đối với các vấn đề quốc tế về văn hoá thông qua hệ thống công pháp quốc tế như UNESCO (ra đời năm 1946, hiện có 191 quốc gia thành viên), ICOMOS (Hội đồng Quốc tế về các công trình kiến trúc và thắng cảnh, thành lập từ 1964 với hệ thống trên 7.500 chuyên gia hàng đầu thế giới về các công trình văn hoá), Công ước Quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên (ra đời năm 1972, với 185 quốc gia chính thức phê chuẩn, đến 3-2008 đã có công xếp hạng 851 kỳ quan quốc gia thành di sản mang tính toàn nhân loại, trong đó có Huế, Hạ Long, Mỹ Sơn, Phong Nha, Hội An)… thì ngược lại NOWC được thành lập khoảng năm 2000 theo sáng kiến của một cá nhân. Bản thân công ty này không công bố tôn chỉ, cũng không đưa ra được bất kỳ một tiêu chí nào về lịch sử, văn hoá hoặc khoa học nhằm định hướng cho cuộc bình chọn các kỳ quan thế giới mà họ đang chủ trì.

Thứ hai, thông qua cuộc bầu chọn với quy mô quốc tế rầm rộ này, công ty này đã và đang được hưởng lợi rất lớn từ các hoạt động thông tin và truyền thông. Do đó NOWC đã bị một bộ phận dư luận quốc tế chỉ trích và tỏ thái độ nghi ngờ về mục đích trong sáng trong việc phát động các cuộc bình chọn theo lối bỏ phiếu qua mạng và bằng điện thoai di động, là cách làm thường thấy của các công ty quảng cáo hiện nay. Trong con mắt của các công ty truyền thông thì Việt Nam với số lượng người bình chọn được huy động đống nhất thế giới như hiện nay đang trở thành một miếng mồi béo bở. Chắc chắn NOWC sẽ không bỏ cơ hội đưa ra những yêu sách bắt chẹt mang tính vụ lợi để làm tiền Việt Nam.

Thứ ba, UNESCO và Liên Hợp quốc không liên quan và không có bất kỳ động thái ủng hộ nào đối với NOWC. Ngược lại, UNESCO đã bày tỏ sự lo âu về sự khiếm khuyết tính khoa học và hiệu lực quốc tế của cuộc bình chọn này. Dư luận quốc tế cũng lo ngại rằng một tổ chức dám đưa những giá trị thiêng liêng của các quốc gia để xếp hạng mà chỉ dựa vào sự áp đảo của số đông sẽ gây bất lợi về mặt quan hệ quốc tế, thiệt thòi cho các quốc gia có dân số nhỏ bé và không có nền tin học - truyền thông phát triển. Sau khi NOWC công bố danh sách 7 kỳ quan kiến trúc vào 7-2007, ngay cả báo chí phương Tây cũng phàn nàn không ít về việc Angcor Vat bị gạt bỏ khỏi danh sách vì dân số Campuchia quá bé nhỏ và không có ngành truyền thông phát triển. Nhà báo Ai Cập Al-Sayed khuyến cáo NOWC đã trục lợi thông qua việc khích lệ tính hiếu thắng của một bộ phận dân cư thế giới thiếu cảnh giác, thúc đẩy sự ganh đua mang nặng tính hiềm tị và làm cho thế giới ngày càng chia rẽ, các dân tộc càng xa cách nhau.

- Ông nghĩ sao khi có người cho rằng: “UNESCO có tiêu chí riêng của họ” còn “phong trào bầu cho các địa danh ở Việt Nam theo chương trình NOWC là mang tính tự giác”? Theo ông, có sự khác biệt gì giữa các tiêu chí và khái niệm “Kỳ quan thế giới” của NOWC và “Di sản thế giới” của UNESCO?

Sẽ thật nực cười và bất cập nếu đem NOWC để so sánh với những tổ chức uy tín và có tính hiệu lực quốc tế như ICOMOS hoặc UNESCO. NOWC chỉ đại diện cho quyền lợi của một nhóm người rất nhỏ mượn cớ văn hoá để kiếm tiền. Điều này được minh chứng bằng việc họ không hề đả động đến các tiêu chí bình bầu (khía cạnh văn hoá và khoa học) mà chỉ quan tâm đến số lượng người tham gia bình chọn trên website của họ (khía cạnh kinh tế), tức là càng đông người tham gia thì họ thu càng nhiều lợi. Bởi vậy họ chỉ đưa ra một luật chơi duy nhất là huy động số đông để chọi lại số ít, là “lấy lớn chọi bé”, “cậy đông thắng yếu” để khích lệ thị trường.

Ngược lại, UNESCO là một tổ chức Liên chính phủ được mệnh danh là diễn đàn quốc tế về văn hoá và trí tuệ quan trọng nhất hiện nay, hoạt động không tách rời với tiếng nói, ý chí của trên 190 quốc gia thành viên, trong đó có Chính phủ Việt Nam đại diện cho quyền lợi của 80 triệu nhân dân Việt Nam. Ở một mức nào đó có thể nói UNESCO chính là chúng ta, chứ không phải là “họ”, là “ai đó”. Cho nên thật sai lầm khi có một quan chức ở Bộ Văn hoá nhận xét rằng “họ”- tức là UNESCO - “có tiêu chí riêng của họ”. Đó là sự sai lầm cả về nhận thức và tình cảm, có thể dẫn đến định hướng sai khi cổ động người dân tham gia vào cuộc bình chọn không có tiêu chí và không có lựa chọn này. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc các em học sinh ở một số trường phổ thông thắc mắc và các thầy cô giáo không thể giải thích được khi yêu cầu các em chỉ được “chỉ bỏ phiếu cho Hạ Long”, “cho “Phong Nha”, cho “Phang Xi Păng”, trong khi các thày cô lại dạy các em là có những ngọn núi trên thế giới cao hơn, quan trọng hơn, vĩ đại hơn.

Ngoài ra có sự khác nhau căn bản trong các khái niệm. “Kỳ quan thế giới” không phải là khái niệm do NOWC đề xướng. Đây là một tên gọi đã xuất hiện cách đây trên 23 thế kỷ và trong suốt 23 thế kỷ qua nó luôn được mặc định là không tách rời với những công trình tiêu biểu nhất của nền văn minh cổ đại ven Địa Trung Hải. Tự cổ chí kim chưa từng có ai đi ganh tị với những kỷ niệm của quá khứ, đến mức đòi thay đổi nội dung khái niệm đó như người sáng lập ra NOWC đã làm. Bằng việc làm cố chấp và thiếu khoa học ấy chính NOWC đã đắc tội với lịch sử, đang tay xóa sổ gần hết các di tích đã có trong ý niệm từ xa xưa của loài người về một giai đoạn phát triển rực rỡ của văn hoá nhân loại ra khỏi danh sách “7 kỳ quan thế giới mới” thông qua một cuộc bình chọn không tiền khoáng hậu kết thúc vào giữa năm 2007. Trong khi đó UNESCO và Công ước Quốc tế về bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên đã đưa ra các tiêu chí mang tính phổ quát và khoa học nhất, bảo đảm lợi ích tinh thần căn bản cho mọi quốc gia trên hành tinh này. Đó là 6 tiêu chí cho các công trình văn hoá, vật thể và phi vật thể, 4 tiêu chí cho các di sản thiên nhiên, mà hễ quốc gia nào, dân tộc nào có các tài sản văn hoá và thiên nhiên đủ tiêu chuẩn thì đều được tôn vinh thành di sản mang tính toàn nhân loại, không giới hạn về số lượng. Thực chất, các di sản văn hoá và thiên nhiên chính là các kỳ quan thế giới theo khái niệm rộng. Nhưng theo tôi khái niệm “di sản” còn cao hơn khái niệm “kỳ quan” vì nó thể hiện được tính kế thừa và trách nhiệm bảo tồn. Tinh thần chỉ đạo của Công ước quốc tế về Bảo vệ di sản Văn hoá và Thiên nhiên tiến bộ là ở chỗ nó không chỉ làm nhiệm vụ tôn vinh để đem lại vẻ vang cho ai đó, dân tộc nào đó, mà trước hết nó kêu gọi trách nhiệm của chính các quốc gia sở hữu các di sản đó phải bảo vệ chúng vì lợi ích của chính mình và vì lợi ích chung của toàn nhân loại. Ngược lại, Công ước kêu gọi cộng đồng quốc tế có trách nhiệm đối với từng di sản đang hiện hữu ở mỗi quốc gia khi nó lâm nguy (như đã từng lên án việc phá bỏ bức tượng Phật đứng tại Afganistan, tài trợ cấp cứu cho Cố đô Huế mỗi khi có thiên tai…). Nhưng theo tôi, điểm ưu việt mang tính nhân văn cao của Công ước chính là ở chỗ nó không dành chỗ cho bất kỳ một ý đồ ganh đua hay tư tưởng hẹp hòi nào, dù là ganh đua về văn hoá. Với UNESCO và Công ước quốc tế về Bảo vệ Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thì các di sản của bất luận quốc gia lớn hay bé đều có giá trị ngang nhau, đáng tôn kính như nhau, bình đẳng về nghĩa vụ và quyền lợi. Đó chính là nhân lành để hướng đến một thế giới ổn định, hoà bình và phát triển.

- Như vậy, theo ông cuộc chơi này có đủ tầm cỡ để chúng ta tham gia?

Điều này thuộc thẩm quyền phán quyết của các nhà quản lý và các cơ quan có trách nhiệm. Nhưng với tư cách là một công dân, từ đáy lòng tôi thấy bất an trước việc chúng ta đã huy động thái quá sự cố gắng của nhân dân vào một cuộc chạy đua rất tốn kém về tiền của và thời gian nhưng lại không rõ ràng về tiêu chí này. Lợi ích quốc gia là cao cả, là tối thượng và cũng vì lợi ích quốc gia mà chúng ta cần phải hết sức thận trọng chọn bạn mà chơi và chọn sân chơi để thể hiện tầm vóc quốc gia. Đó là nguyên tắc căn bản, bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế. Tôi xin mạnh dạn nhận xét rằng: Khẩu hiểu ”Bầu cho Hạ Long là yêu nước” có thể đúng và có ý nghĩa trong một bối cảnh khác chứ không phải trong cuộc chạy đua do một tổ chức tư nhân như NOWC thao túng. Lòng yêu nước của nhân ta vô cùng thiêng liêng, non sông của chúng ta cùng với các di sản văn hoá do cha ông ta để lại là báu vật vô giá, là phước thiêng của dân tộc, không phải là của riêng của địa phương nào, bộ ngành nào. Vì vậy việc huy động tất cả những thứ thiêng liêng ấy cho một cuộc chạy đua không rõ tiêu chí, không rõ ràng về hiệu lực thi hành là một điều cần được mạnh dạn xem xét đánh giá lại. Như vậy mới thực sự là yêu nước, là có ý thức tự tôn dân tộc, là có trách nhiệm đối với nhân dân và Tổ quốc.

- Ông nghĩ thế nào trước một số ý kiến cho rằng nếu các địa danh của Việt Nam được bình bầu là kỳ quan thế giới thì du lịch của Viêt Nam sẽ phát triển?

Đó chỉ là cái lợi bề nổi trước mắt. Nhưng ai dám bảo đảm với Nhà nước, với nhân dân rằng thành quả đạt được từ cuộc chạy đua tốn nhiều công của và thời gian này sẽ đem lại vinh quang cho đất nước và làm cho du lịch Việt Nam chuyển vận? Ai dám chứng minh và dám chịu trách nhiệm về điều này? Chỉ có danh tiếng không làm nên kỳ tích, nhất là đối với ngành du lịch. Nếu môi trường Hạ Long ngày càng ô nhiễm như đà hiện nay, cảnh quan ngày càng bị lạm dụng khai thác bừa bãi, ngành du lịch không cải tiến nội dung và chất lượng dịch vụ thì dù chúng ta có giành được bao nhiêu danh hiệu cao quý thì tình hình cũng khó thay đổi, thậm chí là càng phản tác dụng. Nhân đây cũng xin nói thêm, Du lịch là một ngành kinh tế kinh doanh dựa trên việc khai thác tài nguyên văn hoá của đất nước, còn Văn hoá là cả một sự nghiệp toàn dân nhằm bảo tồn gìn giữ các giá trị cao quý mang tính kế thừa. Hai quá trình này tuy hậu thuẫn nhau nhưng ngược chiều, nếu văn hoá mất đi là vĩnh viễn không thể lấy lại được. Điều này không phải là chúng tôi nói mà là UNESCO nói, thế giới nói, đã được khuyến cáo nhiều trong Thập kỷ Quốc tế phát triển văn hoá do Liên Hợp quốc phát động cách đây 20 năm. Những bài học cay đắng của Indonesia vì quá ưu tiên cho du lịch đã để mất đi văn hoá Bali mà nếu phải huy động một khối lượng tiền bằng cả trăm lần doanh thu do du lịch đem lại trong mười năm tàn phá Bali thì có mất cả một thế kỷ để khắc phục cũng chưa chắc lấy lại được những gì Bali đã mất. Thái Lan cũng vậy, họ đang vô cùng khó khăn khi cố đô Authaya nguy nga tráng lệ 600 tuổi của họ vốn được xếp hạng Di sản văn hoá thế giới từ rất sớm, hiện đang có nguy cơ bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách di sản thế giới. Các bạn Thái Lan đang phải đau đầu lựa chọn: Tiếp tục khai thác cạn kiệt Authaya cho du lịch hay gìn giữ Authaya cho các thế hệ mai sau. Chúng ta đang chứng kiến việc danh thắng của một số quốc gia đã và đang bị đưa ra khỏi danh mục các di sản của thế giới, mà đáng tiếc nguyên nhận chủ yếu đều do các hoạt động hoạch định phục vụ các mục tiêu kinh tế tại các quốc gia đó đã phương hại đến giá trị căn bản của các công trình văn hoá và thiên nhiên của chính quốc gia mình.

- Như vậy là có quá nhiều mâu thuẫn mà chúng ta chưa tính đến khi lao vào cuộc chạy đua này. Vậy theo ông thì ai sẽ được lợi nhất trong cuộc bình chọn này?

Xét cái lợi ở tầm quốc tế, người có lợi nhất là Công ty NOWC. Còn trong nước, không còn nghi ngờ gì nữa, đắc lợi nhất chính là các công ty PR ăn theo NOWC: Các nhà kinh doanh truyền thông và tổ chức các sự kiện. Tham mưu để tạo nên các sự kiện càng ồn ào, chi phí càng tốn kém thì họ càng được hưởng lợi.

- Gần đây được tin cả ba danh thắng của Vệt Nam là Vịnh Hạ Long, động Phong Nha và đỉnh Phan Xi Păng đều chiếm vị trí cao nhất trong bảng danh sách xếp hạng của các kỳ quan thế giới, chúng tôi đã liên hệ tham khảo nhận xét của Văn phòng đại diện của UNESCO tại Hà Nội, nhưng họ đã từ chối bình luận về kết quả trên. Ông có thể giải thích vì sao Việt Nam lại đạt kết quả cao như vậy? Theo ông, có thể coi đây là kết quả đáng tự hào?

Tôi không có đủ thẩm quyền để đánh giá việc này. Nhưng chúng tôi đã thử thăm dò thông tin tại một số hội nghị quốc tế trong thời gian gần đây, tra cứu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, thấy chính phủ các nước không cấm và cũng không khuyến khích sự tham gia của nhân dân vào cuộc bình chọn trên mạng này. Họ chỉ coi đó chỉ là cuộc chơi tự phát của cư dân mạng. Tuy nhiên, tôi thực sự lúng túng trước một viễn cảnh mà theo logic như hiện nay rất có thể xảy ra, là trong số 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới được bình chọn thì mai đây 3/7 kỳ quan này sẽ nằm tại Việt Nam (nếu vẫn như kết quả hiện nay). Điều đó đồng nghĩa với việc đỉnh Phan Xi Păng của Việt Nam sẽ đứng trên đỉnh Evrest cao 8,848 mét vốn xưa nay được mệnh danh đỉnh núi Thiêng và nóc nhà của thế giới, đứng trên ngọn Phú sĩ mà cả thế giới ca ngợi bốn mùa tuyết phủ của Nhật Bản, hơn cả đỉnh Aconcagua 6,962m của dãy Andes - Cổng trời của châu Mỹ… Điều này nói lên cái gì? Việc Việt Nam đang giành vị trí thứ nhất, thứ hai và thứ ba là hồi chuông, nhưng không phải để ăn mừng mà báo động rằng chúng ta đang hào hứng thi đấu bằng tổng lực trong một sân chơi vắng vẻ.

- Xin cảm ơn về những ý kiến thẳng thắn và bổ ích của Ông.

Nhà báo Ngô Văn Quán - Tạp chí Ngày Nay (thực hiện)

http://vn.360plus.yahoo.com/thuhong_1960

NHỮNG MẢNH VỠ (truyện 100 chữ)

52. Đám giỗ

Bà mất sớm. Ông lấy vợ kế. Bà Hai không muốn sinh con để toàn tâm chăm lo cho chồng và các con chồng, rồi các cháu nội ngoại. Mấy chục năm trôi qua như thế…

Ông bà lần lượt ra đi.

Một lần đến đám giỗ ông, nhìn lên bàn thờ chỉ thấy di ảnh của ông và bà Cả. Hỏi người nhà: vậy ai thờ bà Hai? Họ tỉnh queo: để bà ở chùa!

Thắp nhang trước bàn thờ bỗng như thấy hình bóng bà Hai vẫn ân cần bên ông.

53. Vết đau

Hồi yêu nhau. Có lần gọt trái cây cho nàng, anh bị đứt tay. Nàng mặt mày tái mét, ôm cả cánh tay anh hốt hoảng đòi đưa đi … bác sĩ!
Lấy nhau rồi. Một lần thấy tấm hình cưới sắp bị rớt, anh mang búa đinh ra sửa. Loay hoay sợ đụng bể kiếng, búa đập vào tay. Máu tóe ra. Anh xúyt xoa nhờ nàng lấy giùm bông băng, nàng bực bội: Sao anh vụng thế! Chồng với chả con!

Vết đứt tay ngày xưa giờ bỗng thấm đau, đau thấy 36 ông trời!

54. Cái bóng

Một giáo sư khá nổi tiếng. Ảnh hưởng ông bao trùm nhiều thế hệ học trò. Ông tự hào vì học trò giống như bản sao của chính mình. Thành công nho nhỏ của học trò làm cho cái bóng uy tín của ông dài hơn một chút.

Ông quên rằng mỗi ngày vào lúc giữa trưa, cái bóng của mình chỉ đủ cho chính mình.

Có học trò đã nhận ra điều đó, cố gắng bước ra ngòai cái bóng của thày. Và đi xa hơn.

CON ÐI THI HỌC SINH GIỎI SỬ


[15.10.2011 21:24 - thư của một phụ huynh gửi Nhịp Cầu Thế Giới Online]

(NCTG) “Trong lúc các bạn cười nhạt khi nói con thi Sử còn các bạn thi Toán, Văn, Lý, Hóa thì con ngạo nghễ nhếch mép cười chúng nó, vì con biết chúng nó chỉ biết CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vì các “thế lực thù địch” gây ra”.

Năm nay, khi mới bước vào học kỳ 1 được hơn nửa tháng thì cô giáo nói con chuẩn bị thi học sinh giỏi (HSG) Sử và là Sử với chương trình cao hơn một năm. Con có một tháng để học thi.

Khi mình báo con được chọn để thi HSG Sử, mình đã nhận được nhiều cái bĩu môi, nguýt dài của bạn bè và của những người thân.

Có người còn hỏi rất mỉa mai: “Sử cũng có thi học sinh giỏi sao?” rồi cười phá lên khi không kìm được và vội vỗ về khi thấy mặt mình thộn ra: “Tớ xin lỗi, vì tớ chưa nghe thấy thi HSG Sử bao giờ”. Sau đó, người bạn ấy cười chảy cả nước mắt ngay trước mặt mình.

Thế là trong khi các bạn mình í ới điện thoại cho nhau khoe con đi thi HSG Toán, Văn, Lý, Hóa thì mình im lặng, không nói gì, coi như con mình không thi HSG môn gì cả. Cũng có bạn biết, điện thoại cho mình an ủi: “Thôi, kệ nó bạn ạ, cứ cho nó thi, coi như cọ xát, còn hơn những đứa chả được thi HSG môn nào”… Ðến thế là cùng!

Viết đến đây tự dưng nước mắt mình cứ trào ra… thấy thương con vô cùng.

Một tháng qua, con đã học thực sự từ âm vô cùng đến dương vô cùng, từ sáng tinh mơ cho đến tối mịt, từ lúc trèo lên xe bố đi tới lớp vào mỗi sáng sớm cho đến khi đi bộ từ bến xe buýt về nhà khi chiều tối, trên tay con lúc nào cũng là cả một tập giấy do con đọc rất nhiều sách rồi ngồi kỳ cạch tóm lược các vấn đề của từng đề tài rồi in ra.

Khi con ngủ rồi, mình luôn phải chui vào giường để nhặt những quyển Sử và những tập giấy bày khắp giường ra khỏi người con, sợ đêm con ngủ lăn lộn nhàu hết chúng.

Chỉ có từng ấy ngày nhưng con đã phải học cả một quá trình rất dài: toàn bộ kiến thức Sử của chương trình năm nay và cả những bài đầu tiên chương trình năm sau. Và tất cả những kiến thức ấy, con đã phải tự học rất nhiều!

Con sẽ phải đi từ khi Pháp nổ tiếng súng đầu tiên ở Đà Nẵng vào năm 1858, qua bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu cuộc khởi nghĩa cho đến hết năm 1918, khi Chiến tranh Thế giới thứ Nhất kết thúc.

Con lại phải song hành cùng những phong trào cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản như của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… là các sự kiện, các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc xảy ra trên khắp thế giới từ sau Thế chiến thứ Hai… cho đến tận bây giờ.

Đặc biệt, con phải học khá nhiều về lịch sử Trung Quốc. Đó là điều vào lúc này con không thích lắm. Lúc nào thấy con quàng lá cờ Tổ quốc trên vai, mình biết lúc đó con đang học Sử Trung Quốc.

Thời đại thông tin bùng nổ, con được tiếp cận với các nguồn thông tin đa dạng, con có những chính kiến riêng của con, con có cách nhìn riêng của con đối với mỗi sự kiện xảy ra trong quá khứ, thế nên khi buộc phải học theo một sự sắp đặt, buộc phải theo nhãn quan “con đường cách mạng là con đường duy nhất”, và cho đến tận lúc này vẫn bắt con học “chế độ TBCN là thối nát” thì quả là khó khăn đối với con.

Con luôn phải lưỡng lự và lựa chọn cách trả lời vì có rất nhiều câu hỏi nếu trả lời đúng sẽ… bị đi tù (đấy là có chú dọa con thế), còn trả lời để được điểm thì nó sai với những gì con nhận thức.

Con phải tìm ra nguyên nhân sâu xa của sự tan rã CNXH ở Liên Xô và Đông Âu và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam nhưng con không được trả lời theo chính kiến và nhận thức của con, con buộc phải học rằng nguyên nhân sự tan rã đó là do “các thế lực thù địch” gây ra.

Có lúc mệt mỏi con kêu lên, có khi phải cho bọn Toán, Lý, Hóa đi thi HSG Sử hết, để chúng nó hiểu thế nào là học Sử, để chúng nó đừng bao giờ coi thường môn Sử. Sử không chỉ là Sử mà còn là Kinh tế, là Địa lý, đặc biệt là Chính trị.

Con còn bảo, thi Sử, “lập trường tư tưởng” luôn luôn phải vững vàng, nghĩa là phải luôn luôn đi theo con đường CNXH đã đề ra, đã vạch ra, cấm đi chệch. Toán, Lý, Hóa sai thì không được điểm, Sử mà sai ba-rem thì bị đi tù. Nhưng mình nghĩ, đấy là dọa thôi, chứ đời nào lại thế, nhỉ?

Ngày hôm kia, khi vừa về đến nhà con lăn luôn lên giường và ngủ li bì không ăn uống gì, mẹ lay gọi kiểu gì cũng không được, đành để vậy cho con ngủ. Sáng hôm sau tỉnh dậy con lại đi học luôn, đến trưa về con kêu: “Con kiệt sức rồi mẹ ạ. Thời gian thi thì sắp đến mà các phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới thì vẫn nổ ra liên miên.

Chưa kể các cuộc khởi nghĩa trong nước làm tiền đề cho phong trào cứu nước theo khuynh hướng của Hồ Chí Minh, con vẫn chưa phân tích hết. Hôm nay con phải học về nội chiến ở Trung Quốc và công cuộc đổi mới đất nước của Trung Quốc, rồi đường lối gì gì của Đảng Cộng sản Trung Quốc được nêu lên trong Đại hội Đảng XYZ.

Rồi con còn phải học về những chính sách chống cách mạng thế giới, đàn áp dân tộc của Mỹ nữa, mệt quá”. Nói rồi con lại lăn ra ghế ngủ, bỏ buổi học Sử chiều.

Con yêu của mẹ, con sắp bước vào kỳ thi HSG, dù nó “chỉ” là môn Sử và con được giải hay không được giải thì mẹ vẫn luôn hãnh diện vì con.

Trong lúc các bạn con sợ học Sử, ghét và ngán học Sử thì con vẫn lao đầu vào học miệt mài.

Trong lúc mọi người chỉ coi trọng các môn Toán, Văn, Lý, Hóa và coi thường môn Sử thì con đã không vì thế mà ghét bỏ nó.

Trong lúc các bạn cười nhạt khi nói con thi Sử còn các bạn thi Toán, Văn, Lý, Hóa thì con ngạo nghễ nhếch mép cười chúng nó, vì con biết chúng nó chỉ biết CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ vì các “thế lực thù địch” gây ra.

Thời gian một tháng qua con đã đọc rất nhiều sách, con tiếp cận với nhiều nguồn thông tin đa dạng để hiểu thêm về những thứ con đang học và con đã phân biệt được đâu đúng đâu sai - vậy là con hạnh phúc và may mắn hơn các bạn con rất nhiều rồi…

Mẹ vui và tự hào về con, con của mẹ ạ!

Một người mẹ

http://www.nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3052

PHỤ NỮ VIỆT NAM xưa và nay

(lophocvuive.com phỏng vấn)

1. Xin cô cho vài lời nhận xét ngắn về phụ nữ Việt Nam?

Ngoài 4 từ rất quen thuộc “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” theo tôi còn “Duyên dáng” nữa. Xưa ông bà mình hay mắng “con gái vô duyên” khi cô nào không có ý tứ trong lời ăn tiếng nói, trong hành vi cư xử… chứng tỏ ông bà mình coi trọng cái Duyên ở người phụ nữ. Vì vậy cái Duyên vừa là tố chất riêng của từng người, vừa là đặc điểm chung của phụ nữ VN.

2. Đức tính nào của phụ nữ VN là đáng trân trọng nhất?

Có trách nhiệm cao với gia đình, và với xã hội nữa. Đôi lúc ôm đồm tự làm mình vất vả nhưng không vì thế mà vô trách nhiệm.

3. Trong các nữ nhận vật lịch sử cổ và trung đại, cô thích nhân vật nào nhất? Tại sao ?

Nguyễn Thị Lộ: bà là người phụ nữ bình dân, tài hoa, thông minh, có tri thức, may mắn có một tình yêu tuyệt vời với Nguyễn Trãi – một nhân cách lớn của thời đại, và cuối cùng, bà có một số phận kết thúc đau đớn vì bị hàm oan.

4. Theo cô nhân vật nữ nào có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam?

NGƯỜI MẸ nói chung. Chính là từ “Mẹ Âu Cơ” đến những người Mẹ của nhiều nhân vật lịch sử Việt Nam thường được truyền thuyết và dân gian nhắc nhớ.

5. Cô có nhận xét gì về chế độ mẫu hệ ở Việt Nam thời cổ? Những ảnh hưởng của nó đến tính cách của người phụ nữ Việt Nam?

Chính xác hơn là “văn hóa mẫu hệ” trong thời cổ VN cho biết người phụ nữ có quyền được làm khá nhiều việc từ trong gia đình đến ngoài xã hội, kể cả những việc của đàn ông (giặc đến nhà đàn bà cũng đánh, đường cày đảm đang, thay chồng nuôi con…). Nhưng đó là quyền làm chứ không hẳn là quyền lãnh đạo (chỉ huy, chỉ đạo, nói). Vì vậy phụ nữ VN nói chung linh hoạt và khá quyết đoán khi việc đến tay.

6. Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận công bằng những đóng góp của Phụ nữ trong công cuộc dựng nước và giữ nước hay chưa?

Ghi nhận, thậm chí ca ngợi một số trường hợp nổi bật thì có nhưng đánh giá về vai trò phụ nữ VN nói chung trong công cuộc giữ nước, nhất là trong xây dựng và phát triển đất nước qua nhiều thời kỳ lịch sử, thì chưa đủ và chưa công bằng.

7. Cô có cảm thấy tiếc nuối khi những phong tục nhuộm răng, ăn trầu … đang dần mất đi trong đời sống hiện tại? Tại sao?

Với những phong tục này thì không, tại sao lại tiếc?

8. Những bạn nữ trẻ ngày nay có còn gìn giữ được nét duyên dáng truyền thống ngày xưa?

Không nên đòi hỏi các bạn gái trẻ phải “như ngày xưa”, vì mỗi thời mỗi khác. Tuy nhiên, cái duyên của người phụ nữ thời nào cũng có một “mẫu số chung” là biết cư xử, tế nhị và biết thể hiện mình một cách khéo léo và chân thật.

9. Cuối cùng, là người phụ nữ hiện đại, cô có thể cho biết mình phải đối mặt với những khó khăn gì trong việc dung hòa giữa sự nghiệp và gia đình?

Chính xác là “người phụ nữ sống trong thời hiện đại”, khó khăn lớn nhất là làm sao để gia đình và sự nghiệp đừng trở thành hai lĩnh vực khác nhau đến mức cần phải dung hòa.

Toàn chuyện vớ vẩn

Đọc trên bản tin dự báo thời tiết: mùa đông năm nay sẽ ấm hơn mọi năm. Uh, mới nghe thôi đã thấy ấm áp hơn rồi.
Bỗng nhớ một truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ “Mùa đông ấm áp”. Nhưng cái truyện ngắn ấy, đọc xong thấy buốt đến tận xương…
***
Ngồi café. Nghe loáng thoáng ai đó nói: thằng X. nói nó dư sức đoạt giải Nobel văn chương. Có người ngạc nhiên “sao nó có thể nghĩ thế?”. Mình buộc miệng: à, vì Nobel là người chế tạo ra thuốc nổ! Mọi người cười òa, haha, gặp thằng X. coi chừng văng miểng tùm lum!
***
Ở mạng xã hội hay thông báo sinh nhật của một số người. Mình cũng hay lướt qua xem có sinh nhật của bạn bè ko. Giữa cuộc sống bề bộn này, không gặp nhau được thì nhắn vài câu chúc mừng. Những lời chúc gửi qua blog thường không có hồi âm dù các bạn ấy vẫn xuất hiện đều trên blog. Có khi nhắn qua Yahoo!messenger cũng vậy… Nghĩ: chắc ngày sinh giả!
***
Họp. Một bạn làm văn phòng có chút sơ xuất trong công việc. Một chị thạc sĩ mắng: không biết làm thì đến đây dạy cho! Tự nhiên nghĩ cảnh mấy bà ngoài chợ chửi nhau.
Không biết chị thạc sĩ nọ có biết là: Muốn đi dạy là quyền của chị, nhưng người ta có đến học chị hay không lại là quyền của người ta. Họp xong, nghe có người nói: ôi trí thức! còn mình thì nghĩ: ôi viện nghiên cứu!
***
Mà thôi, mềnh đi đây, hôm nay các em ở cơ quan bảo: cô phải mặc đẹp để đi chơi nhè, cơ quan cho chị em vui chơi nhân dịp 20/10 :))

NƠI VỪA QUA, CHỈ ĐI QUA THÔI...

Tượng đài nhạc sĩ thiên tài Chopin trong công viên ở Warsaw

Vienna sáng rực trong đêm

Quảng trường trung tâm Praha

Di tích khảo cổ trong thành cổ Buda

Budapest nhìn từ thành cổ Buda

Lâu đài cổ ở Krakow

Phố cổ Krakow

Thành cổ Warsaw xây dựng lại sau chiến tranh

Post hình chậm quá nên... lười, vài tấm hình về nơi đã qua. Bạn nào quan tâm thì xem ở Facebook nhé: hậu khảo cỗ nguyễn.

MỘT NỬA SỰ THẬT

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Cứ mỗi chuyến đi lại càng thấm thía sự đúc kết của ông bà mình.

1.Chuyện thiên hạ.

Do thói quen nghề nghiệp (trước đây) nên đi đâu tôi cũng chú ý đến bảo tàng. Nhiều lần tham quan các bảo tàng lịch sử, văn hóa, mỹ thuật… về thời quá khứ xa xưa nhưng “nghệ thuật trưng bày” các chủ đề thì khác nhau, tạo nên sự hấp dẫn riêng của mỗi bảo tàng. Tất nhiên lịch sử văn hóa mỗi nước đều có đặc trưng riêng, nhưng ngay cả những sự kiện, hiện tượng mang tính toàn cầu thì vẫn được trưng bày khác nhau tạo nên những góc nhìn đa chiều, phong phú, qua đó lịch sử được phản ánh toàn diện hơn. Sự khác biệt rõ nhất về “góc nhìn” chính là các bảo tàng về thời hiện đại. Ví dụ: loại hình bảo tàng quân đội (hay bảo tàng về chiến tranh, bảo tàng lịch sử hoặc nghệ thuật quân sự, bảo tàng sự kiện chiến tranh…), tại một số bảo tàng thường trưng bày toàn vũ khí nhất là vũ khí hiện đại: xe tăng máy bay súng ống tối tân đủ loại đủ kiểu; các sự kiện chiến thắng quân sự và những lời ngợi ca quân mình, công khai những tổn thất của quân địch… Nhưng nhiều bảo tàng khác lại trưng bày về tác động của chiến tranh đến đời sống xã hội và những con người cụ thể, dường như không lên án tố cáo điều gì, sự thắng thua lại càng không quan trọng mà hậu quả của chiến tranh mới là quan trọng: đó là sự thiệt hại về con người, về vật chất, những chấn thương tâm lý xã hội lâu dài, những biến động xã hội… Điều đó tác động rất mạnh đến người xem vì đó chính là câu chuyện của bản thân, của gia đình mình. Khi chiến tranh trở thành nỗi ghê sợ của mỗi người thì việc chống chiến tranh đồng nghĩa với việc gìn giữ sự ổn định, bảo vệ hòa bình cho chính mình, gia đình mình và rộng hơn là tổ quốc mình.

Có một bảo tàng (1) về “Thời vừa qua”. Suốt 6 tầng lầu với những căn phòng hẹp, u ám, âm thanh, hình ảnh, tài liệu hiện vật trưng bày bằng thủ pháp mang tính nghệ thuật cao với sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật đa truyền thông hiện đại, “ngôn ngữ” trưng bày hiện vật chuẩn xác… khiến người xem không thể nghi ngờ về những gì đang được công khai sau nhiều năm trong vòng bí mật. Có thể tự hỏi, vì sao những sự kiện như thế lại có thể xảy ra, có thể giật mình vì hóa ra lâu nay ta chỉ biết một phần rất nhỏ của sự thật, thậm chí có thể bị sốc vì hóa ra ta cũng từng sống trong một thời “khủng bố”… Nhưng sau khi xem còn lại điều gì? Với riêng tôi gờn gợn một băn khoăn, kiểu trưng bày “sự thật” như thế này chỉ mang lại và khoét sâu hơn sự hận thù một thời đã qua, hận thù những con người cụ thể của một chính thể đã mất. Bảo tàng trưng bày sự thật lịch sử sao cho con người hiểu hoàn cảnh và nguyên nhân những sai lầm của quá khứ để tránh không lặp lại những sai lầm ấy. Nếu trưng bày “sự thật” chỉ mang lại sự hận thù quá khứ thì nguy cơ sẽ đưa đến sự thù hận trong tương lai.

2. Chuyện nhà mình.

Chuyến đi này tôi gặp một số người Việt đang sinh sống tại Cộng hòa Sec. Là công nhân kỹ thuật, người xuất khẩu lao động, sinh viên, nghiên cứu sinh… họ đã ở đó trên dưới 20 năm. Những ngày xa nhà, gặp gỡ vài người trong số họ mang lại cho tôi những trải nghiệm mới, những sự thật khác với những gì tôi vẫn biết về họ.

Nếu chỉ nghe những câu chuyện “làm quà” về cộng đồng người Việt ở Đông Âu, như hàng năm chuyển về nước bao nhiêu kiều hối, “soái” nào có bao nhiêu tài sản, khu vực nào “đánh” hàng nào, chợ nào vừa bị cháy mà không tìm ra nguyên nhân, hung thủ, “đại gia” nào vừa bị trấn lột, thậm chí cả những mánh khóe buôn lậu lách luật trốn thuế…thì hình như hầu hết những người Việt đều làm ăn phi pháp, không có được thiện cảm của cộng đồng cư dân sở tại, càng không có sự “sang trọng” và vẻ “trí thức” của “xã hội văn minh”. Nhưng nếu tìm hiểu cuộc sống của họ từ sự quan tâm và chia sẻ thật sự bạn sẽ được biết về nhiều mảnh đời cơ cực nhưng đầy lòng tự trọng, có thể làm đủ mọi việc để sống nhưng không bán rẻ nhân cách. Một thời gian dài phải làm đủ nghề xoay đủ cách để có thể tồn tại trong xã hội có những biến động gay gắt, là dân “nhập cư” họ còn phải đối mặt với vô số khó khăn trong cuộc sống và công việc làm ăn, đối phó với sự kỳ thị của một số “người tây” và “người ta”. Có người từng thất bại, có người từng thành công… nhìn chung đến giờ cuộc sống tương đối ổn định, gia đình con cái nền nếp. Người thành đạt đóng góp cho xã hội bằng kết quả công việc của mình, người bình thường thì bằng những việc làm nhỏ bé và bình dị… thể hiện cụ thể ý thức cộng đồng nên phần đông họ được sự quý mến của cư dân và nể trọng của chính quyền nơi họ sống. Quả thật, trong xã hội nào cũng vậy, “học làm sang” không khó nhưng làm để cho người ta trọng thì khó hơn nhiều!

Và cứ vậy sau mỗi chuyến đi với những gì thu nhận được, tôi còn thấm thía hơn sự đúc kết của thiên hạ “một nửa sự thật không phải/ chưa phải là sự thật”.


(1) “Nhà khủng bố” ở Budapest (Hungary). Xem thêm: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=380

NGỤ NGÔN (sưu tầm trên mạng)

1. Thấy Quạ ngồi trên cây cả ngày mà ko làm gì, Thỏ bèn hỏi: - Bác Quạ ơi tôi có thể ngồi cả ngày ko làm gì như bác được ko?

- tất nhiên, sao lại ko? Quạ trả lời

Vậy là Thỏ cũng ngồi yên dưới gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng sói từ đâu nhảy ra, vồ lấy thỏ và ăn thịt.

Để được ngồi không, bạn phải ở vị trí cao, rất cao!

2. Gà Tây nói với Bò tót: Tôi muốn nhảy lên ngọn cây cao nhưng tôi ko đủ sức.

- Vậy thì bạn hãy rỉa phân của tôi đi. Bò tót khuyên.

Gà tây mổ phân Bò tót và thấy khỏe ra, đủ sức nhảy lên cành cây thấp nhất. Ngày hôm sau cũng ăn phân Bò tót và nhảy được lên cành cao hơn. Cứ thế, đến một ngày kia Gà tây đã bay lên được ngọn cây cao. Chưa kịp vỗ cánh mừng thì bị một người nông dân bắn rơi.

Sự ngu ngốc có thể đưa bạn lên đỉnh cao nhưng ko thể giữ bạn ở đó.

3. Chim non bay về phía Nam tránh rét. Không đủ sức nên bị rét cóng và rơi xuống đất. Một con bò cái đi qua vô tình ỉa trúng người chim non. Đang chết cóng, bãi phân bò làm chim non ấm lân và tỉnh lại. Nó sung sướng hót véo von. Một con mèo nghe thấy bèn mò đến và lôi chú chim ra khỏi đám phân bò, ăn thịt.

- Không phải ai vấy bẩn vào bạn cũng đều là kẻ thù.

- Không phải ai kéo bạn ra khỏi chỗ bẩn thỉu cũng đều là bạn.

- Và, khi đang ở trong chốn dơ bẩn thì tốt nhất là nên im lặng!

Tài sản vô giá của Thảo Cầm Viên (Cà phê chủ nhật - BÁO TUỔI TRẺ)

  TS Nguyễn Thị Hậu Tuần qua , tôi đi công tác miền Tây, theo kênh rạch vào “vùng sâu vùng xa” nên sóng điện thoại chập chờn, công việc l...