TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA VÀ DI SẢN VĂN HÓA

Nguyễn Thị Hậu

Trước nay khái niệm “người bản địa” được biết đến nhiều trong thời kỳ thực dân từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 20. Từ đầu thế kỷ 21 cùng với khái niệm “người/tộc người bản địa” thế giới đã chú ý hơn đến tầm quan trọng của “kiến thức/tri thức bản địa, tài nguyên bản địa”. Đây là một xu hướng phát triển nhân văn và bền vững vì tôn trọng những đặc trưng tự nhiên, văn hóa riêng biệt, lấy đó làm cơ sở để phát triển kinh tế.

Gần đây ở nước ta có một số dự án khởi nghiệp gắn liền với “tài nguyên bản địa” nhưng chủ yếu ở khu vực miền núi, trong đó chú trọng việc trồng rừng và khai thác lâm sản hướng đến bảo tồn đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa tộc người. Nhận thấy vai trò quan trọng của yếu tố này nên một số địa phương đã định hướng phát triển kinh tế từ “tài nguyên bản địa”. Diễn đàn Mekong Connect 2017 mới đây tổ chức tại Bến Tre đã giới thiệu những nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp từ những tài nguyên được coi là quan trọng nhất của đồng bằng sông Cửu Long là gạo, cá, dừa, và “sen và du lịch”.

Trong thời kỳ công nghiệp 4.0 phát triển tài nguyên bản địa không thể tách rời công nghệ liên quan từ sản xuất, chế biến đến quảng bá, tiêu thụ, xuất khẩu… Nếu không có công nghệ mới hỗ trợ thì tài nguyên dù giàu có đến đâu cũng vẫn chỉ ở dạng “tiềm năng”, thậm chí còn làm trở ngại cho thay đổi tư duy phát triển bền vững. Một đúc kết từ thực tiễn đã trở thành phương châm của các nhà sản xuất: hiện nay việc khách hàng đến với sản phẩm là quá trình tiếp nhận các yếu tố: 1/sự trải nghiệm về tính độc đáo của sản phẩm, 2/giải pháp sử dụng sản phẩm và 3/hành vi tiêu dùng sản phẩm. Trong ba yếu tố này thì hai yếu tố đầu thể hiện giá trị văn hóa “phi vật thể” của sản phẩm.

Sự trải nghiệm tính độc đáo là vì sản phẩm có xuất xứ từ một vùng miền đặc thù, chứa đựng tri thức của người sản xuất về tài nguyên bản địa và quá trình sản xuất thành hàng hóa độc đáo, khác biệt, như “đặc sản” của từng vùng miền;
Giải pháp sử dụng là cách thức “chế biến, chế tạo” để “hoàn thành” sản phẩm: những sản phẩm mà người tiêu dùng cần tự thực hiện một số thao tác để có sản phẩm cuối cùng phù hợp sở thích. Như vậy, sản xuất hàng loạt không làm triệt tiêu tính cá nhân trong sử dụng sản phẩm mà sở thích, nhu cầu cá nhân ngày càng được chú trọng và tôn trọng.

Yếu tố “phi vật thể” làm tăng giá trị “vật thể” của sản phẩm. Do đó, sản phẩm càng có tính riêng biệt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, mang lại nhiều cơ hội tham gia vào “quá trình” trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng thì càng phát triển sản xuất. Sự cạnh tranh lúc này không chỉ là cạnh tranh về trị giá (đắt, rẻ) và chất lượng (tốt, xấu) của hàng hóa mà còn là quá trình chọn lọc tích lũy giá trị văn hóa của sản phẩm. Sản phẩm mà giá trị vật thể và phi vật thể hòa hợp, tương xứng với nhau, tạo ra sự độc đáo, khác biệt… sẽ có uy tín đối với người tiêu dùng, có thể trở thành đại diện hay biểu tượng của một địa phương, vùng miền, quốc gia… Xây dựng “thương hiệu” thành công là một bước trong quá trình “bảo tồn tài nguyên bản địa” và “chế tạo” di sản văn hóa dưới dạng sản phẩm tiêu dùng.

Theo một chuyên gia, “tính bản địa” là một trong bảy từ khóa quan trọng nhất đối với người tiêu dùng thế kỷ 21 (tiết kiệm, bền vững, công nghệ, bản địa, sức khỏe, đơn giản, tự do). Chú trọng tính bản địa (tài nguyên, tri thức, văn hóa) để phát triển bền vững, thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng xã hội nhân bản. Tài nguyên bản địa luôn có tiềm năng trở thành sản phẩm mang giá trị văn hóa cao. Từ sản phẩm kinh tế có thể trở thành di sản văn hóa nếu tính bản địa được coi trọng cùng với sự đầu tư tri thức, công nghệ và nguồn lực ngay từ bước đầu khởi nghiệp.

Báo TBKTSG ngày 9..11.2017
Hình: Quảng cáo nón làm bằng lá sen của một doanh nghiệp ở Cao Lãnh - Đồng Tháp, quê ngoại tui :)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, thực vật, hoa, ngoài trời và thiên nhiên 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...