NHỮNG CON SỐ 9 “NỔI TIẾNG”


Nguyễn Thị Hậu

Trong những truyền thuyết của 18 (bội số của số 9) đời vua Hùng có truyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Những món thách cưới nổi tiếng của vua Hùng “Voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao” toàn là “đặc sản” trên cạn trong rừng, nhờ đó mà Sơn Tinh đã thắng trong cuộc đua trở thành phò mã. Vô tình hay cố ý, sự thiên vị trong việc ra “đề thi” của vua Hùng đã tạo ra sự cạnh tranh không công bằng cho “thí sinh”. Do đó Thủy tinh bị thua nhưng không “tâm phục khẩu phục”. Chuyện sau đó thế nào ai cũng biết.

Nhớ đến chuyện con số 9 nổi tiếng là nhân việc Bộ Giáo dục và Đào tạo trình và được quốc hội thông qua đề án đào tạo 9000 tiến sĩ với số tiền khổng lồ 12.000 tỷ đồng, trung bình mất 1,3 tỷ đồng để có 1 tiến sĩ, lại thêm tỉnh Đắc Nông xin ngân sách hỗ trợ 900 tỷ đồng xây quảng trường trung tâm thành phố Gia Nghĩa.
Từ mấy chục năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai nhiều đề án đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của các cấp học từ Đại học, cao đẳng đến phổ thông cơ sở, phổ thông trung học… Các đề án đều được đánh giá là “những chủ trương đúng đắn” nhưng sau khi triển khai, việc các cơ sở giáo dục có được “nâng cao năng lực và trình độ của đội ngũ giảng viên, đáp ứng được yêu cầu về điều kiện đảm bảo chất lượng trong quá trình quy hoạch lại và phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới theo nhu cầu xã hội” hay không thì cả xã hội đều đã nhận thấy!

Vậy nhưng lại tiếp tục có thêm dự án mới, vẫn là chủ trương đúng đắn và luôn dự báo kết quả với hai từ “hy vọng”. Không thể không tự hỏi, bao giờ thì lãnh đạo ngành giáo dục cắt “cơn nghiện” đề án “đổi mới giáo dục” tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng từ ngân sách nhà nước mà hầu như chẳng thay đổi được gì, ngoài những con số khác nhau được diễn giải bằng từ ngữ rất hào nhoáng. “9000 tiến sĩ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục” như thế nào nếu xuất phát từ não trạng “bằng cấp quyết định” còn hơn thời phong kiến? Ngay cả thời phong kiến đi học và thi để làm quan nhưng không phải từ tiền nhà nước. Những đề án như vậy chỉ đáp ứng cho mục đích “hiếu bằng, hiếu danh, hiếu quan” chứ không phải phục vụ nhu cầu “hiếu học, hiếu tri” để mang lại khả năng và thực thi đổi mới đất nước.

Mới năm ngoái đây một tỉnh miền núi phía Bắc đã đề nghị chính phủ cấp ngân sách khá lớn để xây dựng khu quảng trường trung tâm và tượng đài. Một nghịch lý phổ biến là nhiều tỉnh nghèo có nguồn thu ngân sách thấp, tình trạng kinh tế - xã hội rất khó khăn nhưng lại luôn đề xuất xin kinh phí “nghìn tỷ” không phải để xây dựng trường học, bệnh viện hay hỗ trợ người dân sản xuất mà chỉ để xây dựng thành phố hoành tráng và những trụ sở, quảng trường... như ông chủ tịch tỉnh Đắc Nông nói, vì “không có chỗ nào để vui chơi, khi có lễ hội hay mittinh cũng không có chỗ nào để tổ chức nên xin Chính phủ đồng ý, hỗ trợ vốn để xây dựng quảng trường". Lại phải tự hỏi, đến bao giờ thì lãnh đạo các tỉnh sẽ “cắt cơn nghiện” dự án xây dựng quảng trường tượng đài mà tập trung nguồn lực cho “điện đường trường trạm” và đổi mới đời sống người dân?

Dễ dàng nhận thấy mục tiêu của các đề án, dự án hướng đến là việc chi tiêu vô tội vạ hàng ngàn tỷ đồng ngân sách tức là tiền thuế, tiền bán tài nguyên khoáng sản, bán cảnh quan môi trường, đánh đổi di sản văn hóa… Kết quả là gì nếu không là để thỏa mãn “bệnh sĩ” – một căn bệnh mạn tính nhờn thuốc lại được nuôi dưỡng bởi “bầu sữa ngân sách”, từ đó kéo theo sự phát triển tràn lan của nạn tham nhũng nặng nề, bị coi là căn bệnh ung thư giai đoạn cuối của một chính thể.  

Mỗi câu chuyện người xưa để lại đều có nhiều ẩn ý. Đằng sau hình tượng Thủy tinh “hàng năm dâng nước gây lũ lụt” phải chăng còn là lời cảnh báo: sức dân như nước, đừng để xã hội luôn trong tình trạng bức xúc vì “nâng thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”. Những đại biểu của dân trong cơ quan quyền lực cao nhất cần có sự công chính, tránh vì “lợi ích” của ngành này tỉnh kia mà thông qua những dự án gây phản ứng trong nhân dân và “góp phần” làm nghèo đất nước!


TC NGƯỜI ĐÔ THỊ SỐ RA NGÀY 21/11/2017 CÓ NHIỀU BÀI HAY :)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...