VỀ TRƯỜNG CŨ


Là trường mình học đại học, rồi ở lại làm giảng viên hơn 12 năm, rồi chuyển vài cơ quan nhưng vẫn là giảng viên thỉnh giảng, sau khi về hưu thì quay về làm giảng viên “hợp đồng”. Đó là trường Khoa học xã hội nhân văn TPHCM.
Khi mình thi vào đại học (1976) trường còn mang tên Đại học Văn khoa Sài Gòn. Mình thi ngành Sử nhưng điểm văn cao hơn (đâu như 9 điểm thì phải). Mình nhớ mang máng đề văn là “Em hãy viết thư cho bạn giới thiệu…” gì đó. Ngày học phổ thông nếu được chọn thể lọai văn để trình bày một vấn đề nào đó mình luôn chọn văn viết thư, vì dễ mở bài và kết luận, còn thân bài cũng thỏai mái viết như nói chuyện với bạn. Có lẽ vì “đúng tủ” thể loại “văn viết thư” nên điểm văn của mình cao hơn điểm sử, địa – lúc đó còn nặng về thuộc lòng.
Khi nhận giấy nhập học thấy ghi là Khoa Văn, mình lo lo vì có biết viết văn làm thơ gì đâu! A, hồi trước ai cũng nghĩ học khoa Văn tổng hợp đương nhiên sẽ trở thành nhà văn nhà thơ, đâu biết còn nhiều ngành rất hay như Văn học dân gian, Ngôn ngữ, Hán – Nôm… Bởi vậy, mới sau một tháng chỉ học mỗi môn Văn học VN cổ đại mình ngán quá, bao nhiêu mơ mộng văn chương bay biến hết. Lại nghe mấy bạn khoa Văn luôn tự hào mà rằng “đã vào trường Văn Khoa thì phải học khoa Văn!”. Thế thì đây chả việc gì “phải” nhé, đây vác đơn lên trường xin về khoa Sử. Và cho đến giờ, không hối hận vì quyết định này.
Làm cho mình yêu thích Sử suốt 4 năm học và sau này theo nghề dạy hơn 10 năm là giảng viên của khoa, rồi chuyển vài cơ quan nhưng vẫn theo nghiệp Sử - Khảo cổ, công đầu tiên là nhờ những giờ lên lớp tuyệt vời của các thầy cô. Các Thầy không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn truyền cả tình yêu đối với môn học, đối với nghề giáo, qua đó các Thầy còn dạy cho sinh viên về nhân cách.
Khóa bọn mình khá đông. Sau này ra trường nhiều người theo nghề giáo ở nhiều nơi, và hầu như không ai bỏ nghề dù đã có những năm nhà giáo vô cùng khốn khổ trong cái khốn khó chung của cả nước. Tháng 8/2010 khóa mình kỷ niệm 30 năm ra trường, bạn bè về tụ tập ở Sài Gòn khá đông, người làm “quan” người là dân nhưng ai ai cũng nhắc nhớ thời đi học và kỷ niệm với các thầy.
Năm 2011 khoa Sử Đại học KXHHNV TPHCM đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Mình về Khoa chung vui với bạn bè, đồng nghiệp. Gặp lại nhiều Thầy Cô đã nghỉ hưu, gặp lại một số sinh viên cũ, nhìn thấy các em sinh viên mới… Mình hay nói đùa (mà hổng đùa) với đồng nghiệp: đừng để mỗi giờ lên lớp lại phải dọa rằng “các em có trật tự có tập trung ko, thầy cô giảng lại từ đầu bây giờ?!” Mình lại nghĩ: ngày xưa tụi mình may mắn, sinh viên bây giờ “thiệt thòi” vì không được học những người Thầy tuyệt vời như mình từng được học.
Mình ít khi đi dự những ngày lễ hội, nhất là ngày 20/11 vì thật tình mình nghĩ không thiếu cách thể hiện sự tôn vinh nếu ta thực sự biết ơn Thầy Cô và tôn trọng nghề giáo, vì vậy ngày này là “một ngày như mọi ngày” vì nghề nào cũng có cả vinh quang và cay đắng, nghề nào cũng xứng đáng được tôn vinh nếu xã hội thực sự coi trọng.
Nghề giáo được coi là "nghề chèo đò" nhưng con thuyền giáo dục hiện thời còn quá nhiều bất an! Vì vậy xin được chúc các Thầy Cô, các anh chị và các bạn đồng nghiệp những điều tốt lành nhất trong nghề nghiệp và trong cuộc sống! Chân thành cám ơn nhiều trường, khoa đã mời đến dự lễ 20 /11. Cám ơn những lời chúc mừng của các anh chị, các bạn và học trò qua FB, điện thoại, email…
Năm nay mình “phá lệ” về trường dự lễ đúng ngày 20/11, vì năm nay nhà trường kỷ niệm 60 năm Đại học Văn khoa – Tổng hợp – KHXHNV.TPHCM, và đời người chỉ một lần qua tuổi… 60 nhưng sẽ mãi tuổi thanh xuân, phải không ạ 
Sài Gòn 20.11.2017
Không có văn bản thay thế tự động nào.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...