Thực hiện: Hà Quang Minh
@ Chào TS Nguyễn Thị Hậu, là một người
dành cả cuộc đời cho khảo cổ, và lịch sử, chị có cảm thấy nhớ nghề không kể từ
lúc "nghỉ hưu"?
-
TS
Nguyễn Thị Hậu (TS.NTH): Chào bạn! Thật ra từ lúc nghỉ hưu tôi mới
có nhiều thời gian hơn để dành cho nghề (nghiệp) của mình, vì không còn vướng bận
công tác quản lý cũng như những việc chuyên môn khác.
@ Điều đó có nghĩa là làm nghề thực sự thì không cứ nhất
thiết ta phải ở một cương vị nào, miễn là ta còn tâm huyết với nghề?
-
TS.NTH: Đúng, khi đã yêu nghề và có
trách nhiệm với nghề thì ở cương vị nào cũng có thể làm nghề được. Tuy nhiên cơ
chế hành chính nước ta làm cho nhiều nhà khoa học không thể dành hết tâm sức
cho nghề nghiệp nếu như phải làm công tác quản lý.
@ Vậy thì sẽ là một sự lãng phí khi những người có
tâm, lành nghề lại bị đặt vào cương vị làm quản lý? Nhưng nếu họ được làm nghề
đúng nghĩa thì chị có nhận thấy là họ cũng không được tạo điều kiện làm nghề
cho trọn vẹn với khát vọng của mình?
-
TS.NTH: Đây là một mâu thuẫn trong giới
nghiên cứu: người làm quản lý mà không hiểu biết, thậm chí không giỏi nghề thì
khó có thể tạo điều kiện và giải quyết khó khăn cho công tác nghiên cứu, cho
cán bộ nghiên cứu. Có nghĩa là muốn duy trì công việc chuyên môn của mình thì
người quản lý - nhà khoa học phải làm việc bằng hai. Còn người quản lý không biết
chuyên môn thì khó có thể "vận hành" những quy tắc quy định... rất rắc
rối của các bộ, ban, ngành vào trong công việc cụ thể của cơ quan khoa học,
chưa kể là khó nhận biết nhân tài, phát minh khoa học để khuyến khích phát triển.
Mặt khác, có thể nói hiện nay ở nhiều cơ quan khoa học, nhiều nhà nghiên cứu
cho rằng điều kiện để làm khoa học không quá ngặt nghèo, nhưng để có những công
trình lớn thì còn thiếu nhiều yếu tố cả vật chất và tinh thần. Tình trạng này
làm cho nhà khoa học làm việc như một "công chức" mà thiếu tinh thần sáng tạo khoa học.
@ Nói như cách người ta hay đề cao cái Đạo Làm Nghề,
thế thì điều quan trọng nhất phải là sự tự ý thức về năng lực của mình trước
khi đảm nhận trách nhiệm quản lý. Nếu mình đủ năng lực để vừa làm nghề, vừa tạo
ra môi trường làm nghề cho cán bộ, cấp dưới thì hẵng nhận trách nhiệm nặng nề bằng
hai ấy. Điều đó chính là ý thức được cái Đạo làm nghề của mình đúng không?
-
TS.NTH: Đấy là một điều "lý tưởng"!
Tôi thì cho rằng, Đạo làm nghề đối với bất kỳ nghề nào, đó là Đạo đức nghề nghiệp,
tức là những điều cần phải hoặc không được làm trong nghề đó.
@ Chị nói đến điều được làm và không được làm trong
nghề đó. Việc từ chối một việc quá năng lực của mình cũng thể hiện cái đạo chứ?
Nó thể hiện cái tận tâm, sự trong sáng và đạo đức với ngành nghề mình đang phục
vụ và theo đuổi?
-
TS.NTH: Đúng! Sự tự ý thức về bản thân cực
kỳ quan trọng. Từ sự ý thức này mà ta có thể nhận hay từ chối một công việc, vị
trí hay một quyền lực nào đó. Cũng không nên cho rằng, tự ý thức chỉ để "từ
chối" - theo cách nhìn kiểu phải "khiêm tốn", nếu dám nhận việc
mình có thể làm được và làm tốt thì cũng là thể hiện Đạo làm nghề, vì như vậy sẽ
có lợi cho xã hội. cho cộng đồng và cho bản thân mình. Tuy nhiên, từ chối hay
chấp nhận, trong nhiều trường hợp cũng khó như nhau.
@ Đó phải là sự tự ý thức về cả trách nhiệm của mình đối
với xã hội, hiểu rằng hành động của mình luôn có tác động nào đó nhất định đối
với môi trường xung quanh phải không chị? Bản thân chị cũng là người viết báo,
thậm chí có thể coi là một nhà báo đúng nghĩa, chị cảm thấy cái “ý thức đạo làm
nghề” của báo chí Việt Nam hôm nay thế nào, nhất là những vụ kiểu như đưa tin về
hai đứa trẻ sinh đôi mà ADN khác nhau và dẫn đến hoang mang, mất lòng tin giữa
chính những người thân với nhau?
-
TS.NTH: Với những tin, bài như bạn dẫn
ra, tôi thấy đó là một loại rác làm ô nhiễm môi trường. Loại tin bài bề ngoài
như về "khoa học" hay "bảo vệ đạo đức", thậm chí có vẻ vô tư
phản ánh hiện tượng xã hội
này khác nhưng thực chất nó như những cái bao nylon không thể phân hủy sẽ làm
trái đất này nhiễm độc. Hậu quả tinh thần sớm muộn gì thì cũng làm ảnh hưởng đến
xã hội, cụ thể đến những hoàn cảnh tương tự.
@ Cái đó chúng ta có thể coi là không chỉ vi phạm đạo
đức nghề mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức của một con người vốn phải mang đầy
đủ trách nhiệm xã hội? Vậy theo chị, giá trị của “Đạo làm nghề” sẽ nằm ở điểm cốt
lõi nào, để người hành nghề coi đó là kim chỉ nam hành động. Và riêng bản thân
chị, chị có thích khái niệm Đạo làm nghề?
-
TS.NTH: Tôi không rõ người bác sĩ có
trách nhiệm đã công bố thông tin như thế nào với báo chí để thành một "quả
bom" đối với nhiều gia đình có con sinh đôi như vậy; nhưng cả người công bố
từ góc độ khoa học và cả người công bố từ góc độ báo chí đều cần tránh làm một
việc là cho mình quyền phán xét, lên án đương sự, mà phải hướng đến mục tiêu là
thông tin (một hiện tượng) khoa học. Vì vậy mức độ công bố liên quan đến nhân
thân phải được hạn chế tối đa, thậm chí chỉ là "phiếm chỉ". Chỉ khi
nào đương sự đồng ý mới được phép tiết lộ trường hợp của họ cho báo chí. Vì vậy
cách công bố thông tin nếu không xuất phát từ sự nhân văn thì trở thành vô
đạo đức trong nghề nghiệp.
Tôi vẫn quan niệm nghề nào cũng có đạo đức của nghề
đó, ngoài đạo đức chung của một con người trong xã hội cụ thể. Nhưng dùng khái
niệm "đạo làm nghề" thì có gì đấy nghiêm trọng quá. Mà có lẽ đến lúc
Đạo này rất có vấn đề nên cần phải nói về nó một cách nghiêm trọng vậy chăng? Đạo
(đức) của nghề nằm ở chỗ: không vì kiếm lợi cho bản thân mà làm tổn hại đến nghề,
cao hơn, làm xã hội coi thường, khinh rẻ nghề của mình.
@ Vậy thì chị có đồng ý là thay vì nói về đạo làm nghề,
chúng ta nên phải chuẩn hoá các công việc mình làm dựa trên các khế ước xã hội
như các bộ “nguyên tắc ứng xử” của từng nghề nghiệp riêng?
-
TS.NTH: Đúng vậy. Ví dụ nghề bảo tàng
thì trong quy tắc nghề nghiệp có những điều hạn chế người làm bảo tàng sưu tập
đồ cổ cho cá nhân, để tránh việc từ cương vị làm ở bảo tàng mà lại sưu tầm cổ vật
cho riêng mình chứ không đưa về bảo tàng, xa hơn là phòng tránh việc có thể
tráo đổi cổ vật trong bảo tàng... Nghề nào cũng cần có bộ quy tắc ứng xử, quy tắc
nghề nghiệp, nhất là những nghề mà đối tượng trực tiếp là con người. Ở một xã hội
mà hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh (chưa đầy đủ, chưa đồng bộ...) thì việc
có bộ quy tắc nghề nghiệp cho mỗi nghề là cần thiết, để tránh việc "lách
luật", tránh việc tạo ra "lệ làng", và để khi có sự cố thì có thể
có ngay điều khoản để xử lý, trước khi có luật hoặc nếu luật chưa "phủ"
hết mọi trường hợp. Nhưng đầu tiên là để đề cao đạo đức công dân trong một môi
trường cụ thể nhằm hạn chế con người làm việc xấu, chứ
không phải để cho việc xấu tràn làn rồi mới xử phạt.
@ Cảm ơn chị đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện
này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét