Sân ga đời người


Nếu có hình ảnh nào miêu tả cuộc đời một cách ngắn gọn, chính xác và cũng lãng mạn nhất, thì đó là hình ảnh đường ray, sân ga và những chuyến tàu.
Hình ảnh này luôn gợi nỗi niềm chia ly, dù cũng đường ray ấy, sân ga ấy chuyến tàu ấy đã mang đến cho biết bao nhiêu con người cuộc gặp gỡ được chờ đón và cả những tình cờ có thể làm thay đổi số phận. Nghe tiếng còi tàu rời sân ga ai cũng buồn bã, bởi vì nó báo hiệu giờ chia tay, bởi vì đoàn tàu khuất rồi nhưng tiếng còi tàu thì vẫn còn văng vẳng, như hình bóng người thân còn mãi trong tâm tưởng.
Ngược lại nghe tiếng còi tàu vẳng đến sân ga người ta chưa vội vui mừng, vì tàu còn xa, còn chưa nhìn thấy chiếc đầu máy với làn khói mịt mù hơi nước. Và khi đoàn tàu kéo hồi còi vào ga, người ta chỉ mải ngóng tìm nhau trong sân ga ồn ào náo nhiệt. Tiếng còi tàu lịm đi lúc nào không ai để ý.
Cuộc đời mỗi người cũng hệt như một chuyến tàu. Cũng có ga khởi hành và ga kết thúc, cũng những mục tiêu lớn nhỏ ta phải đạt được như những nhà ga con tàu phải đến, tại đó có thể dừng lại chốc lát nhưng sau đó vẫn phải tiếp tục chuyến đi… Cuộc đời, may mắn thì ta được là người lái chuyến tàu của đời mình, nhưng phần lớn chúng ta là hành khách của một chuyến tàu mà đầu tàu và đường ray bên dưới dẫn nó chạy theo. Trên chuyến tàu ấy mỗi người có ga đến của mình, có khi nhiều người cùng xuống một ga nhưng mục đích đến đó khác nhau, và thời gian dừng ở đó cũng không giống nhau.
Trên cuộc đời có những con người mà số phận dành cho ta vì cùng chung chuyến tàu cùng chung những ga dừng và cùng đến ga cuối cùng, thậm chí đến đó “sân ga chỉ có hai người”. Thế nhưng đôi khi ta không ý thức được điều đó. Chúng ta cứ yên tâm ngồi trên toa tàu của mình, yên tâm rằng bạn vẫn ngồi trên toa của bạn, chỉ cần bước qua đoạn nối toa là sẽ gặp nhau, yên tâm thả hồn qua khung cửa sổ lớn bằng kính trong veo mở rộng tầm mắt. Và khi tàu dừng ở một ga xép nào đó, chỉ vài phút thôi, nhưng các toa tàu đã bị cắt rời nối vào những đầu máy khác nhau. Và khi tàu chuyển bánh chúng ta không biết rằng đường ray đang dần tách làm hai ngả, tôi và bạn đã đi theo hai con đường không bao giở gặp lại.
Có thể chúng ta vẫn ngồi cạnh nhau đây, trò chuyện suốt quãng đường đã qua. Nhưng ở một sân ga đông đúc nào đó bạn và tôi bất ngờ chia tay nhau, và chỉ một tích tắc thôi chúng ta không bao giờ nhìn thấy nhau nữa. Từ đó đến cuối đời chuyến tàu ấy như là một ảo ảnh, đôi khi chúng ta tự hỏi, hay đó chỉ là một giấc mơ?
Trên đường ray của cuộc đời ga chính thì chỉ có vài nhưng ga xép thì nhiều lắm. Ga xép có khi giữa đồng không mông quạnh, có khi ở một thị trấn nhỏ đìu hiu… Ở ga xép, người ta ít “đề phòng” trễ tàu hay sự cố, càng không nghĩ ở đó đoàn tàu có thể bị tách ra, bởi vì sự yên tĩnh của ga xép cho ta cảm giác an toàn.
Nhưng chính cảm giác an toàn lại làm ta chủ quan, không biết rằng nó đang ẩn chứa điều bất thường. Những chia ly trong cuộc đời có khi bắt đầu từ sự bình yên như thế, bình yên đến nỗi ta tưởng là nhàm chán, rồi nhạt nhẽo, thờ ơ, rồi dửng dưng… Và thế là cuộc đời của chúng ta cứ dần dần trôi về hai phía. Để khi dừng lại một sân ga nào đó mới chợt nhận ra thì đã muộn. Cho đến nhiều năm sau ta vẫn ân hận vì không có gì để có thể đánh đổi lấy sự bình yên của ngày tháng cũ…
Nếu được đi bên nhau như hai đường ray thì còn là hạnh phúc, bởi vì cùng đi một hướng đến ga cuối cùng. Biết đâu ở đó chúng ta sẽ được gặp nhau?


 

1 nhận xét:

  1. Cuộc đời con người, tình yêu... tất cả giống như những chuyến tàu có điểm bắt đầu và kết thúc. Có bao người có thể nắm tay nhau đi đến cuối con đường nhỉ. Không ai biết cả, chỉ biết rằng hãy cứ cùng nhau đi đến mỗi sân ga nếu có thể. Đường ray thì vẫn dài vô tận. Hôm nay vô tình biết được blog của cô, vào đọc bài này, chợt nhớ đến một bài hát Li bie de che zhan( chuyến tàu li biệt) https://www.youtube.com/watch?v=xn4RkT-1iYk trời hôm nay mịt mùng.

    Trả lờiXóa

TRAO TẶNG TÀI LIỆU HIỆN VẬT CỦA NSUT - ĐẠO DIỄN NGUYỄN NGỌC BẠCH

  Lời đầu tiên, thay mặt gia đình tôi xin trân trọng cám ơn Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM, Hội Di sản văn hóa TPHCM, Bảo tàng TP.HCM đã nhiệt...