Đêm trên biển. Khi hai ngọn
đèn pha của tàu tắt hẳn chỉ còn quầng sáng mờ mờ trên đài chỉ huy, một mình
trên boong bỗng thấy cả con tàu to lớn là vậy như tan vào không trung, tan vào
gió tan vào sóng. Rất lâu, một chấm sáng nhỏ nhoi trên mặt sóng. Có khi chấm
sáng lung linh rồi biến mất. Có khi chấm sáng ấy lớn dần lớn dần. Một chiếc tàu
đánh cá nho nhỏ chập chờn lướt qua. Cũng
có khi chấm sáng biến thành quầng sáng chiếu thẳng vào đêm đen, một tiếng còi
rúc lên, chiếc tàu chở hàng to lớn chầm chậm đi qua. Rồi tất cả lại chìm vào
đêm. Vẫn biết tàu đi theo hải trình đã định vậy mà không tránh khỏi cảm giác lo
sợ khi xung quanh là màn đêm đen quánh chỉ có tiếng sóng lướt nhẹ dưới thân
tàu. Biển mênh mông thế, tưởng như những con tàu luôn cô đơn trên biển… Nhưng
không, đồng hành với những con tàu là những ngọn hải đăng.
Vùng biển Trường Sa có nhiều
ngọn hải đăng: Song Tử Tây, An Bang, Sơn Ca, Đá Lát, Đá Tây, Trường Sa lớn,
Tiên Nữ, Huyền Trân, Phúc Tân, Quế Đường… Có ngọn hải đăng xây trên đảo nổi, có
ngọn xây trên đảo chìm, cũng có ngọn chỉ là đèn biển lắp trên các nhà dàn. Độ cao thấp khác nhau, tầm hiệu
lực ánh sáng khác nhau nhưng đều có nhiệm vụ cực kỳ quan trọng
là giúp tàu bè họat động trong
vùng biển định hướng và xác định vị trí của mình, đồng thời canh giữ vùng biển
trọng yếu của Việt Nam. Trong chuyến hành trình đi qua nơi nào có hải đăng tôi
đều cố gắng leo lên tận nơi để từ đó được ngắm nhìn vùng biển vùng trời bao la
đẹp hơn tranh vẽ.
Đi trong mênh mông trời biển,
khi nào nghe thấy tiếng còi tàu rúc lên hồi dài là biết đã gần tới đảo.Hồi còi báo hiệu tràn ngập
niềm vui. Mọi người đổ ra boong ngóng về phía xa để được nhìn thấy một chấm nhỏ
hay một vệt mờ hiện ra, rõ dần lớn dần… Kìa ngọn đèn biển vươn cao vững chãi,
kìa những cánh quạt gió như những cánh chim chấp chới, kìa màu xanh của cây
bàng trái vuông, của cây bão táp, phi lao… Có đi biển dài ngày mới hiểu nỗi bồi
hồi khi thấy đảo như thấy đất liền. Ba hồi còi tàu rúc lên, đã nhìn thấy áo trắng áo
xanh của lính đảo nơi cầu tàu.
Lên đảo, việc đầu tiên là đứng
trước cột mốc chủ quyền chụp hình kỷ niệm, lại còn “tranh nhau” đứng cạnh người
lính đang bồng súng đứng nghiêm bên cột mốc chủ quyền. Đôi lúc quên mất là anh
lính đang làm nhiệm vụ, xúm lại hỏi thăm anh, em, cháu, con tên gì quê đâu ra đảo
lâu chưa? Vẫn
trong tư thế đứng nghiêm, có người trả lời dõng dạc như quân lệnh, cũng có chú
lính ngượng ngùng “xin lỗi, con đang làm nhiệm vụ ạ”.Nhưng chỉ ít phút sau được
thay ca, và chú lính ào vào náo nức ngắm nhìn người từ đất liền ra.
Trên đảo Song Tử Tây, phía sau doanh trại có mấy cái chuồng gà
toàn gà trống, khi được thả ra chúng đập cánh đua nhau gáy ầm ĩ làm lũ vịt đang
nằm tránh nắng dưới bóng cây nhao nhao đứng dậy. Hỏi một người lính: sao toàn
là gà trống thế hả cháu?
Chú lính trẻ vui vẻ trả lời:
- Gà mái đi tàu ra đảo bị say sóng chả sống được
cô ạ. Tôi đùa:
-
Khổ thân bọn
gà trống.
Lỡ lời
rồi tôi ân hận ngay khi nghe chú lính nửa đùa nửa thật:
-
Sao cô chả khổ
thân bọn cháu, cả năm có nhìn thấy bóng dáng con gái đâu hả cô?
Nhưng cũng cậu lính ấy tếu
táo: không sao cô ạ, bọn gà trống ghê lắm, chúng nó toàn đi “yêu” bọn vịt đấy.
Không tin cô chờ tí nữa mà xem.
Thế là
mấy cô cháu cười vui vẻ.
Để vào được mấy mấy đảo chìm
tàu phải neo đậu xa hơn. Ca nô lướt trên mặt biển trong veo nhìn thấy bãi ngầm
san hô lô nhô dưới nước. Có khi ca nô gần cập bến thì các chú chó nuôi trên đảo
liền phóng xuống nước ra đón khách, chúng ì oạp bơi ra bơi vào, lao lên bờ rũ
lông bắn nước tung tóe, dụi cái đầu ướt nhẹp vào bất cứ ai đi gần, hệt như lũ
trẻ con mừng mẹ về chợ. Bước lên bờ là bước vào “nhà” cũng đủ nhà bếp phòng ngủ
phòng khách. Đứng bên mấy cô ca sĩ trẻ trên ban công đón gió biển, bàn tay anh
lính vụng về mà trìu mến đội cho cô gái chiếc mũ hải quân rồi bối rối khi cô đứng
gần chụp hình lưu niệm. Mắt tôi nhòe đi… bao giờ bàn tay kia được cài vòng hoa
cô dâu lên đầu một người con gái?
Và lính hát, hát cùng nhau và
hát cùng ca sĩ.Vừa rối rít nhận đồng hương đấy nhưng khi cất tiếng hát tất cả đều
là đồng đội. Không phân biệt đâu là lính đâu là ca sĩ, đâu già đâu trẻ, không
phân biệt đâu người Hà Tĩnh Nghệ An với người Sài Gòn An Giang, không phân biệt
đâu người Nam Định Bắc Giang đâu người Bình Dương Bình Thuận… Những bản hành
khúc một thủa cha anh và những bàn tình ca hôm nay của họ. Có người lính trẻ đứng
trong công sự mắt dõi ngoài kia, biển trời vẫn xanh, và bàn chân anh vô tình vẫn
nhịp theo bài tình ca quen thuộc.
Thời gian trên đảo qua nhanh lắm,
chưa kịp ấm bàn tay đã nghe còi nhắc trở về tàu. Ca nô quay mũi, những bàn tay
vẫy. Sẽ còn gặp lại sẽ còn gặp lại. Lời chào chung cũng là niềm hy vọng của mỗi
người.
Đi qua vùng biển Len Đảo – Cô
Lin – Gạc Ma, qua vùng biển của những nhà dàn DK, mọi con tàu đều tổ chức Lễ Tưởng niệm những
người lính đã hy sinh bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc. Một buổi lễ thiêng liêng
không chỉ là nghi thức mà là tình cảm thật sự của những người còn sống dành cho
các anh. Tàu tôi đi vào những ngày đẹp trời, sóng nhẹ gió nhẹ, khi vòng hoa đỏ
và những bông cúc vàng được thả xuống trong mờ ảo khói nhang trầm tôi thấy như
các anh đang hiển hiện quanh đây… Tiếng còi tàu lại vang lên như nói: Các anh
không mất, những người lính đã nằm lại với biển Đông và những người lính đã ngã
xuống nơi biên giới phía Bắc, chừng nào chúng ta còn nhớ đến họ, còn tiếp tục
những công việc của họ.
Đất nước ta trọn vẹn một màu
xanh. Xanh núi xanh sông xanh rừng xanh biển bởi
trong màu xanh bất tận ấy có màu máu đỏ của biết bao con người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét