THÁI ĐỘ VỚI DI TÍCH LÀ THÁI ĐỘ VỚI LỊCH SỬ


 TUỔI TRẺ  16/8/2012 "Nguy cơ xóa sổ ụ tàu 124 tuổi"

Việc bảo tồn di sản văn hóa thể hiện thái độ của con người, của xã hội, của thời đại đối với lịch sử nói chung, đối với những vấn đề, sự kiện, nhân vật lịch sử cụ thể nói riêng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có bộ Luật về Di sản văn hóa, được cụ thể hóa bằng chính sách chủ trương bảo tồn các lọai hình di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng như những cổ vật, bảo vật quốc gia, đồng thời hạn chế và dần lọai bỏ những yếu tố, điều kiện làm  hủy hoại di tích lịch sử - văn hóa.
Đô thị Sài Gòn có hơn 300 năm hình thành và phát triển, nhiều lọai hình di tích đã ghi dấu những giai đọan lịch sử liên tục của thành phố. Di tích “Sài gòn 300 năm” thuộc loại hình di tích “khảo cổ học công nghiệp và đô thị”, đây cũng là một ưu thế của di sản lịch sử thành phố khi so sánh với những thành phố khác trong hệ thống di tích lịch sử văn hóa chung của cả nước. Từ góc độ Khảo cổ học đô thị thì cần thiết phải bảo tồn tòan bộ những di tích lịch sử phản ánh quá trình đô thị hóa của Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh, mà hiện nay, trải qua nhiều biến động xã hội, lọai hình di tích này còn lại không nhiều!
Một trong những di tích đó là xưởng đóng tàu Ba Son. Ngòai việc nơi đây là cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Sài Gòn – Gia Định, trong đó có vai trò quan trọng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng, Công xưởng Ba Son còn là chứng tích của ngành đóng tàu Việt Nam từ “xưởng thủy” thời chúa Nguyễn (thế kỷ 18) và được “hiện đại” lần thứ nhất vào thời Pháp, mà chứng tích hiện thời chỉ còn lại hai ụ tàu và khu nhà xưởng xây dựng vào khỏang cuối thế kỷ 19. Công xưởng Ba Son đã ghi dấu về sự hình thành và phát triển ngành đóng tàu Việt Nam, và đó không chỉ là sự phát triển của một ngành công nghiệp mà đó còn là bằng chứng của một nền kinh tế biển, góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền biển từ lâu đời. Chính vì ý nghĩa quan trọng đó mà Công xưởng Ba Son đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Cần khẳng định một điều: Những di tích lịch sử văn hóa “cấp quốc gia” nằm ở bất cứ địa phương nào, trước hết là di tích của cả nước. Vì vậy, thái độ ứng xử với di tích quốc gia chính là thái độ đối với lịch sử đất nước. Trong cơn lốc “hiện đại hóa” những di tích văn hóa đô thị luôn bị đặt trên “bàn cân”  giữa “bảo tồn và phát triển”: phá hủy di tích để xây dựng một khu dân cư mới và hiện đại hơn. Những thành phố với kiến trúc mới tự nó chưa đủ để mang nghĩa là một “thành phố hiện đại”, mà một thành phố hiện đại phải là một thành phố có sự quy họach cân bằng giữa không gian đô thị mới và không gian ký ức lịch sử của chính nó. Thiếu vắng không gian lịch sử, thành phố mới trở nên “vô hồn”.  Ký ức lịch sử là mạch ngầm  nuôi dưỡng thành phố phát triển bền vững.
Nếu một thế hệ phá bỏ di sản văn hóa đã là đặt một bậc thang cho những thế hệ sau tiếp tục xóa hết chứng tích lịch sử của một thành phố, một quốc gia.

1 nhận xét:

  1. Mấy anh lãnh đạo sẽ không nghĩ thế, với tầm nhìn xa khác người chắc chắn mấy ảnh sẽ chừa 1 góc nhỏ lưu niệm, còn bao nhiêu sẽ làm kinh tế. He he he, mơi mốt có ngày giỗ Ba Son. Cứ yên chí, tới ngày đó sẽ làm thật rình rang cúng chay cúng mặn tha hồ mà ăn nhậu. Vậy đi hén:)

    Trả lờiXóa

LÀNG NGHỀ SÀI GÒN MỘT THỦA VANG DANH

   (Người Đô Thị Xuân Giáp Thìn 2024) Nguyễn Thị Hậu Sài gòn là một đô thị từ khi khởi lập. Tính chất đô thị của Sài Gòn không chỉ ở chứ...