Thiết kế đô thị đường Võ Văn Kiệt
SGTT.VN - UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định phê duyệt
nhiệm vụ thiết kế đô thị và quy định quản lý không gian, kiến trúc,
cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt. Với “quy hoạch nền” này,
hy vọng về một “con đường di sản chạy suốt hơn 300 năm hình thành và
phát triển Sài Gòn – TP.HCM” có cơ sở để trở thành hiện thực. Sài Gòn
Tiếp Thị xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung quan trọng được thể
hiện trong hai quy định trên và ý kiến của một số nhà khoa học về các
điểm nhấn cần lưu ý khi tiến hành quy hoạch và thực hiện quy hoạch tuyến
đường này.
Kênh
Tàu Hũ – Bến Nghé – con kênh chạy suốt trục đường – ở đây sẽ hình thành
khu chợ nổi vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán hiện tại, vừa tái
hiện không gian những ngày đầu hình thành đô thị Sài Gòn. Ảnh: Thanh Hảo
|
Không gian đô thị dọc theo trục đường sẽ được xây dựng
theo hướng phát triển đô thị hiện đại, hài hoà về cải tạo, chỉnh trang
trên cơ sở phát triển các cụm công trình nhà ở kết hợp chức năng thương
mại, dịch vụ, phát huy tốt lợi thế về giao thông, cải tạo không gian,
cảnh quan và môi trường đô thị. Đây là nội dung chính của quyết định
duyệt nhiệm vụ thiết kế đô thị tỷ lệ 1/2000 và quy định quản lý không
gian, kiến trúc, cảnh quan trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt mà UBND
TP.HCM vừa ban hành.
Phân khu theo hiện trạng
Trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị về những
nghiên cứu bước đầu của công trình này, đại diện trung tâm Nghiên cứu
kiến trúc thuộc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM (đơn vị được giao nghiên
cứu đồ án thiết kế đô thị tuyến đường) cho biết, đường Võ Văn Kiệt có
chiều dài gần 24km đi qua bốn khu vực đô thị với những đặc thù riêng
biệt, gồm: đô thị mới Thủ Thiêm, trung tâm tài chính văn phòng lâu đời ở
quận 1, trung tâm buôn bán mang sắc thái của người Hoa ở quận 5, và
vùng cảnh quan sông nước mang đậm dấu ấn “trên bến dưới thuyền” một thời
nhộn nhịp kinh doanh xa xưa ở quận 6, quận 8.
Tuyến du lịch đặc biệt của TP.HCM
Dự án thiết kế đã có sự kết hợp tuyến đường
bộ hiện đại – đại lộ Võ Văn Kiệt – với đường sông – kênh Bến Nghé – Tàu
Hũ là một trong những đặc trưng của đô thị Sài Gòn từ khi mới hình
thành. Trên tuyến “hành lang xanh và hướng đến bảo tồn” này nếu thể hiện
được cả ba đặc trưng sau của di sản văn hoá đô thị Sài Gòn trên từng
khu vực, thì đây sẽ là tuyến du lịch đặc biệt của thành phố, vừa bằng
đường bộ vừa bằng đường sông, có thể đi qua “300 năm Sài Gòn – TP.HCM
chỉ trong một ngày”:
– Sài Gòn là một đô thị sông nước: hệ thống
sông rạch làm nên cảnh quan “trên bến dưới thuyền” của Sài Gòn: những
con sông, kênh rạch với những bến sông nổi tiếng sinh hoạt buôn bán,
cảnh quan văn hoá đặc trưng: sông – bến chợ – phố chợ ven sông –
làng ven sông – giao thông đường thuỷ – ghe thuyền – cầu qua sông…
– Sài Gòn là một đô thị của giao lưu văn
hoá: những di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng của người Việt, người
Hoa, những khu phố buôn bán sầm uất ở Chợ Lớn, những toà nhà kiến trúc
kiểu Pháp, công xưởng, phố thị từ cuối thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20.
– Sài Gòn là thành phố xanh – hiện đại: khu
vực giải toả xây dựng các công trình mới hai bên đại lộ Võ Văn Kiệt và
kênh Bến Nghé – Tàu Hũ.
TS Nguyễn Thị Hậu
|
Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có những kiến trúc hiện
đại. Khu quận 1 sẽ lưu giữ lại một số kiến trúc Pháp tiêu biểu cho một
Sài Gòn xưa. Một số kiến trúc hiện đại ở đây sẽ được nghiên cứu cho hài
hoà với không gian chung. Khu vực quận 5 và cả quận 6, 8, là các hoạt
động thương mại nhộn nhịp gắn với kênh Tàu Hũ – Bến Nghé – con kênh chạy
suốt trục đường – của cả người Việt lẫn người Hoa. Dự kiến ở đây sẽ
hình thành một khu chợ nổi để vừa phục vụ nhu cầu kinh doanh buôn bán
hiện tại, vừa tái hiện không gian của những ngày đầu hình thành đô thị
Sài Gòn.
Giữ gìn bản sắc trăm năm
Ngày ấy, hàng hoá từ miền Tây Nam bộ đa phần được đưa
lên TP.HCM bằng đường thuỷ và cập bến ở khu vực kênh Tàu Hũ – Bến Nghé.
Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu là biến nơi đây thành những khu chợ đông
đúc, trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch.
Để đạt được mục tiêu đường Võ Văn Kiệt là hành lang
xanh hướng đến bảo tồn, các khu nhà ở cao tầng được đề xuất bố trí ở
những khu vực có quỹ đất lớn, dọc trục đường với khoảng lùi lớn và đảm
bảo tiếp cận không ảnh hưởng đến giao thông xuyên suốt trên trục đường.
Các khu phức hợp (ở, thương mại, văn phòng) xung quanh các khu vực thuận
lợi để phát triển giao thông công cộng và dịch vụ đậu xe… Đối với những
khu nhà ở hiện hữu có cấu trúc đô thị hoàn thiện, đồng bộ, kiến trúc,
cảnh quan sẽ được cải tạo chỉnh trang.
Bên cạnh đó, sở cũng đề xuất bảo tồn và phát huy những
công trình có ý nghĩa về lịch sử và văn hoá như: trụ sở ngân hàng, sở
Giao dịch chứng khoán, bảo tàng Hồ Chí Minh, khu nhà cũ bột giặt NET và
các đình, chùa, miếu… Đối với một số dãy nhà phố cổ còn lại tại quận 1,
5, 6, 8 cần có cơ chế chính sách quản lý, hoạt động, phù hợp, tạo thu
nhập cho chủ sở hữu theo hướng gắn với việc hình thành các tuyến du lịch
gồm các cụm công trình có chức năng dịch vụ, du lịch và các công trình
có giá trị kiến trúc lịch sử, văn hoá, bảo tồn dành cho khách tham quan.
Đồ án cũng đề xuất tăng cường giao thông công cộng dọc
tuyến đường, bao gồm các tuyến đường thuỷ bộ, (có phục vụ du lịch trên
sông), tuyến giao thông vận chuyển hành khách công cộng tốc độ nhanh, số
lượng người lớn (tuyến tramway, tuyến tàu điện ngầm, hoặc tuyến xe buýt
nhanh) và các tuyến đi bộ. Nghiên cứu đầu tư hệ thống xe buýt tốc độ
cao dọc theo trục đường, với cự ly bến dừng, bãi đậu xe hợp lý – có kết
hợp với các trung tâm thương mại dịch vụ, công trình công cộng và nhà ở
cao tầng.
Ông Hồ Quang Toàn, phó giám đốc sở Quy hoạch – kiến
trúc TP.HCM cho biết, hiện sở Quy hoạch – kiến trúc cũng đang gấp rút
hoàn thành thiết kế đô thị chi tiết của tuyến đường để trình UBND thành
phố phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
V. Nguyên
Trục đường Mai Chí Thọ – Võ Văn Kiệt hoàn
toàn có thể biến thành một không gian đẹp vừa mang tính chất lịch sử và
hiện đại, bởi những công trình kiến trúc và cảnh quan vật chất hiển thị
trên trục đường này được trải ra theo dòng lịch sử, người khách phương
xa có thể đọc được một phần lịch sử thành phố qua tổ chức không gian một
cách thú vị. Nó có phần lịch sử văn hoá và kiến trúc của thời Pháp
thuộc địa, có văn hoá và kiến trúc của người Hoa, xen kẽ với người Việt
và những kiến trúc hình khối hộp hiện đại. Không phải thành phố nào cũng
có được một không gian kiến trúc liên tục chạy từ trung tâm ra ngoại vi
như thế. Tuy nhiên bảo tồn và phát triển điều này hoàn toàn không phải
dễ, bởi nếu không cao tay ấn thì rất dễ tạo ra một dải trưng bày các
cảnh vật lộn xộn một cách tuỳ tiện theo chủ nghĩa tự nhiên. Tình trạng
như hiện nay (xây mới chèn khu dân cư cũ) phải chấp nhận cách thiết kế
mỹ thuật bất đối xứng giữa cái cũ và mới, giữa cao và thấp, giữa khối
hộp và dị dạng, giữa thấp và cao, đồng thời xen kẽ nhiều cây xanh, công
viên hẹp, tượng tròn và phù điêu trang trí; một điều quan trọng nữa là
phải cấy vào những sinh hoạt cộng đồng.
Rất tiếc việc thiết kế đô thị về cảnh quan
và bảo tồn cho trục đường này nay mới bàn đến thì cũng đã có phần muộn,
bởi một số công trình đã bị phá huỷ không còn nữa, chẳng hạn như những
dãy phố cổ được cấu tạo bởi những nhà hình ống của người Hoa, được xây
dựng từ đầu thế kỷ 17 nằm trên trục đường Trần Văn Kiểu chạy dọc kênh
Tàu Hũ, hay cây cầu sắt ở bến Bình Đông. Tất nhiên, việc lưu giữ nguyên
trạng và nguyên khối của các di tích là rất khó, nhưng nếu khéo léo thì
vẫn có thể làm được một cách mỹ thuật và tinh tế, chẳng hạn chỉ cần giữ
lại một hai căn nhà phố cổ làm điểm nhấn tham quan, việc giữ lại cây câu
sắt cũ như một nhân chứng lịch sử cạnh cây cầu mới, hoàn toàn không làm
ảnh hưởng đến nhau mà còn tôn nhau lên nữa. Chúng ta đang sở hữu một
thành phố đa dạng văn hoá, tôn giáo và đa dạng tộc người nhất cả nước,
do vậy mà việc biết giữ cái cũ (cho dù là của bất cứ ai) và xây cái mới
hiện đại là một điều cần thiết, nhưng đó là một bài toán không dễ. Việc
cần có thêm nhiều ý kiến đóng góp của người dân là rất quan trọng, nên
chăng thành phố có một cuộc triển lãm công khai ý tưởng này ở nơi người
dân dễ tiếp cận, thì sẽ nhận được sự đồng thuận và góp ý của người dân.
TS Nguyễn Minh Hoà
Nên khai thác tối đa giá trị con sông
Cung đường Võ Văn Kiệt hình thành mang
nhiều giá trị về mặt kinh tế và kiến trúc: giải quyết mặt giao thông, di
dời được những căn nhà ổ chuột, cải tạo được môi trường nước và tạo
cảnh quan đẹp cho hai bên bờ sông. Tuy nhiên, để con đường này phát huy
hết được những giá trị thì trong thiết kế đô thị, ngoài việc khai thác
tối đa giá trị con đường chúng ta cũng cần phải có những phương án phát
huy hết giá trị về mặt kinh tế của con sông.
Về quy hoạch lâu dài, con sông Tàu Hũ – Bến
Nghế sẽ trở thành một điểm đến cho du khách với các hình thức du lịch
trên sông. Do đó, trong thiết kế đô thị, phải nghiên cứu hình thành ở
đây những nhà hàng nổi, những điểm du lịch hấp dẫn như nơi hát ca cổ, ẩm
thực uống trà, ẩm thực ăn uống… để vừa có thể khai thác hết giá trị của
du lịch đường thuỷ, đồng thời tạo nên giá trị kinh tế cho tuyến đường.
Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thiết kế, xây dựng vị trí các bến tàu,
tạo dựng cảnh quan hai bên bờ sông những cây trồng, màu sắc phù hợp với
cảnh quan sông nước.
Ai cũng biết con sông Tàu Hũ – Bến Nghé
từng là một hoạt cảnh ký ức phát triển của đô thị TP.HCM, nơi tạo ra
nguồn sống đô thị trong thời kỳ phát triển, cho nên trong giải pháp khi
nghiên cứu chúng ta nên tổ chức thêm những hình tượng mô tả những hoạt
động trong thời kỳ mới phát triển như cảnh trên bến dưới thuyền, cảnh
ông già ngồi câu cá, đánh cờ, cậu bé tắm sông, cảnh khuân vác gạo từ
những ghe bầu thời xa xưa… tại những điểm du lịch hay những nhà hàng, để
thông qua đó chúng ta có thể tự hào giới thiệu cho du khách những nét
đặc trưng của Sài Gòn thời xa xưa.
Về mặt kiến trúc cảnh quan dọc tuyến đường,
chúng ta nên giới hạn những công trình nhỏ, ưu tiên phát triển những
công trình công cộng và công trình có khối tích lớn. Những công trình
này cần được quan tâm đến hình dáng kiến trúc và nghệ thuật chiếu sáng
cho công trình, và hai bên bờ sông để tạo một sức hút cho khách du lịch
về đêm.
Còn đối với những công trình mang giá trị
ký ức như những kho gạo, những khu nhà cũ có giá trị ký ức thì chúng ta
có thể tái tạo bằng những mô hình để có thể giới thiệu cho du khách.
Những công trình nào mang kiến trúc cổ thì nên giữ lại mặt tiền để tái
tạo lại những hình ảnh của những con phố cổ.
KTS Khương Văn Mười (chủ tịch hội Kiến trúc sư TP.HCM)
http://sgtt.vn/Thoi-su/167191/Di-qua-300-nam-Sai-Gon-%E2%80%93-TPHCM.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét